22 Tháng Hai, Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Đồ
Hôm nay ngày 22 tháng 2 tại Roma, trong đền thờ Thánh Phêrô, Ngai Tòa Thánh Phêrô do Berlini xây năm 1656 được thắp nến sáng.
Ngai tòa Thánh Phêrô tại Roma là chiếc ngai khổng lồ, bên trong dựng chiếc ghế gỗ khảm xà cừ của Thánh Phêrô, được bốn Thánh Tiến Sĩ nâng trên tay: Thánh Agustino, Thánh Ambrosio, Thánh Atannasio và Thánh Chrisos- tomo (Gioan Kim Khẩu). Bên trên có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch giả, chính giữa có hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.
Bên phải Ngai Tòa Phêrô là đài kỷ niệm ĐGH Urbano VIII và hai tượng biểu trưng cho nhân đức Bác Ái và Công Bằng. Bên trái là Đài kỷ niệm ĐGH Phaolô III do G Della Porta tạc: phía trên có tượng của ĐGH, bên dưới là hai tượng biểu trưng cho hai nhân đức Cẩn Trọng và Công Bằng. Hai tượng này giống các tượng trang hoàng mộ gia đình Medici ở Firenze.
Trên đường sang cánh trái của gian ngang, bên phải là đài kỷ niệm ĐGH Alessandro VIII do E di S. Martino tạc năm 1725, bên trái là bức khảm đá mầu Thánh Phêrô chữa người bất toại của F Mancini.
Chữ “Cathedra” có nghĩa là chiếc ghế hay giảng tòa và có nguồn gốc từ chữ “Cathedral”, nơi một vị giám mục có giảng toà để Ngài giảng dạy. Một từ khác được dùng cho “Cathedra” là “sedes” từ chữ “See” nghĩa là Tòa nơi một vị giám mục điều hành giáo phận của mình. Như thế từ “Holy See” nghĩa là Tòa Giám Mục Roma, nơi Đức Giáo Hoàng ngự trị hay được gọi là Tòa Thánh.
Trong suốt giòng lịch sử, Ngai Tòa Thánh Phêrô mang theo hai nghĩa: Đó là chiếc ghế như một biểu tượng (biểu tượng quyền tối thượng của Thánh Phêrô); trong thời cổ chiếc ghế hay “cathedra” là một biểu tượng quyền giảng dạy và như thế chiếc ghế được coi như một vật thể (Ngai tòa của Charles đệ Bald được đức Giáo Hoàng Gioan VIII xử dụng và các vị Giáo Hoàng kế nhiệm).
Lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô được kỷ niệm hằng năm vào ngày 22/2. Vào thời kỳ phụng vụ Roma còn chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Gallica, ngày mừng của Phụng Vụ Gallica, là ngày 18/1, nhưng ngày 22/2 vẫn được cử hành với tước hiệu “Lễ lập Tông Tòa Phêrô tại Antiokia”. Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ tứ đã truyền vào năm 1558 phải mừng cả hai lễ trọng. Bộ luật Chữ Đỏ năm 1960 chỉ giữ lại ngày 22/2 là “Ngày lập Tông Tòa Phêrô tại Roma” cho giáo hội toàn cầu.
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Sau một “cuối tuần mất mát” đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, “Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô”. Gioan kể lại, khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: “… Họ không hiểu rằng theo Kinh Thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Gioan 20,9). Họ về nhà. Đầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói “Bình an cho anh em,” và họ quá đỗi vui mừng (Gioan 20,21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Đức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. “…Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần” (TVCĐ 2:4a), và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.
Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: “…Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em” (Luca 22,32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần – trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Đức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết: “…Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai… Các ông ấy không đi đúng với chân lý của Phúc Âm…” (Galat 2;11b,14a).
Trong đoạn cuối Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn” (Gioan 21,18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Đồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô hữu khác.
Lời Trích
Trong Thư thứ nhất, Thánh Phêrô diễn tả ơn gọi của người tín hữu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết…” (1 Phêrô 1,3a).
http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm