Thánh Giuse, Người Cha Lao Động
SUY NIỆM LỄ THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG
(Ga 20, 19-31)
Hôm nay mùng 01 tháng 5, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ thánh Giuse lao động là cơ hội giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động theo quan điểm kitô giáo.
Thiên Chúa đặt con người làm chủ
Sau khi đã tạo dựng vạn vật muôn loài, Thiên Chúa phán : « Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất » (St 1, 26). Thế là « Thiên Chúa lấy bù đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống . Thiên Chúa lập một vường tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên » (x. St 2, 7-9). Việc con người được dựng nên từ bùn đất cho thấy tính chất yếu hèn, mỏng dòn của thân phận. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người hình ảnh của Chúa, cho con người được chia sẻ sự sống của Chúa, phú ban cho con người sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân như trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết và nhất là đặt con người làm chủ công trình Chúa sáng tạo, làm chủ chính mình trong ơn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho.
Con người phạm tội
Hình ảnh vườn địa đàng, nơi con người là chủ, sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15) thật là đẹp, vì con người sống thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và vũ trụ vạn vật. Nhưng hỡi ôi, hạnh phúc ấy bị tuột mất khi con người phạm tội. Adam và Eva đã đánh mất quyền làm chủ, lao động đã trở nên cực nhọc vất vả lao công.
Trở nên thân nô lệ
Đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động là truyền phải nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, để con người không trở thành nô lệ cho lao động. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng khai thác triệt để lao động. Một ngày người ta cố làm việc nhiều ca, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm luôn Chủ nhật và ngày lễ. Người ta thấy vui khi được tăng ca để kiếm thêm tiền. Và nại vào công việc, họ không có thì giờ để quan tâm, thăm viếng nhau, không có thì giờ cho việc cầu nguyện hay kinh,lễ. Phải chăng trong trường hợp này, con người đã “nô lệ tự nguyện” cho lao động và biến lao động thành “ngẫu tượng”?
Thiên Chúa không muốn con người sống kiếp nô lệ. Nên khi tạo dựng, Thiên Chúa đặt vào mọi sự vào tay con người, cùng với lời chúc phúc: hãy làm chủ mọi loài (St 1, 28).
Ngày nay người chỉ huy không phải là con người mà lại là tiền bạc. Đồng tiền ra lệnh. Nhưng Thiên Chúa Cha chúng ta đã không giao nhiệm vụ « chăm sóc trái đất » cho đồng tiền mà là cho chúng ta. Thế mà người ta lại hy sinh cho các thần tượng của lợi nhuận và tiêu thụ, khiến tiền bạc lên ngôi ông chủ, con người làm việc hết lòng hết sức để mong chiếm hữu được thật nhiều tiền của vật chất. Danh vọng lên ngôi ông chủ, sai khiến con người tìm đủ mọi cách để đánh bóng mình trước mắt mọi người. Tình dục và những khoái lạc xác thịt cũng có lúc lên ngôi, trói buộc con người trong cái vòng vây xiết chặt. Ông chủ của ta còn có thể xuất hiện dưới nhiều dáng dấp khác nhau: một chiếc điện thoại cao cấp, một chiếc xe hợp thời, một ngôi nhà tiện nghi… Giữa cuộc sống hiện đại, những ông chủ ấy đi vào cuộc đời ta, chiếm hữu tâm trí ta, thu hút toàn bộ năng lực của ta, dần dần biến thành mục đích sống duy nhất của đời ta. Ngạn ngữ có câu : tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ hà khắc.. Cái nguy hiểm không hẳn nằm ở tiền bạc, nhưng nằm con tim mỏng manh mà tham lam của con người. Một khi tiền bạc và những của cải vật chất lên ngôi, rất dễ làm con người hoán đổi vị trí và tôn tiền bạc lên làm ông chủ của mình. Hãy nhớ rằng, ngay từ thủa ban đầu của tạo dựng : « Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ. »
Thánh Giuse, người cha lao động
Tông thư Patris Corde, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nên bật Thánh Giuse là người lao động. Với nghề thợ mộc, ngài làm việc lương thiện để nuối sống gia đình. Nơi thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng : chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc.
Quả thật, ngày nay kinh tế khó khăn, người cha đứng mũi chịu sào nơi đầu ngọn gió phải làm việc cực nhọc, kiếm từng miếng cơm manh áo cho gia đình, họ chỉ muốn gia đình được ấm no hạnh phúc. Bởi họ là trụ cột, là điểm tựa của mọi người trong gia đình khi gặp khó khăn.
Xã hội hôm nay vẫn còn nhiều người cha không chịu lao động, không làm hết trách nhiệm, không phát huy được vai trò quan trọng của mình. Một số người say xỉn về đánh đập vợ con khiến gia đình bất hòa, làm cho con cái tổn thương về mặt tình cảm. Một số thì không quan tâm tới gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người, nhất là trẻ em. Những người cha như thế sẽ làm gương xấu cho thế hệ mai sau, không giáo dục được con cái, khiến chúng học theo những điều xấu, trở thành người không có ích cho xã hội.
Hãy chịu khó lao động, khi lao động, con người tham gia vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, và phẩm giá con người được đề cao. Không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán. Với hình ảnh người thợ mộc, thánh Giuse như một khuôn mẫu vào thời điểm mà thế giới cũng như Giáo hội đang vật lộn với những thách thức do thời hiện đại đặt ra. Thánh Giuse hiện lên như một nhân chứng cho Giáo hội và thế giới hiện đại.
Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu lao động, như công đồng Vatican II đã nêu trong Gaudium et Spes : “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người.” (Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, 22,2).
Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của lao động. Lao động là yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta giống Thiên Chúa (x. Ga 5,17). Lao động trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống bản thân, gia đình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình.
Kính xin Thánh Giuse người cha lao động cầu thay nguyện giúp để mọi người biết ý thức về sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban là làm chủ, để chúng ta mến yêu lao động, cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ