18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 24)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 23)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 16)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 20)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 34)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 36)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 29)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 58)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 56)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 56)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

PVLC Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B Phụng Vụ Giờ Kinh

29 Tháng Năm 202111:27 SA(Xem: 593)

3ngoi1PVLC Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B

Phụng Vụ Giờ Kinh

Thánh thi Giờ Kinh Sách
Muôn lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh,
Chúa tài tình thống lãnh thời gian,
Cho người suốt buổi làm ăn,
Đêm về trọn giấc yên hàn nghỉ ngơi.

Kinh cầu nguyện, ngàn lời con hát,
Thoả nhường bao, bát ngát trời mây !

Ngày qua rồi lại đến ngày
Sống đời vinh hiển sum vầy cùng Cha.

Trước bệ rồng, thiết tha quỳ lạy,
Thần dân Ngài hết thảy nài van
Được cùng chư thánh thiên đàng
Tưng bừng góp tiếng hoà vang nguyện cầu.

Đoàn con cái khấu đầu phủ phục
Dâng những lời hoan chúc hiển vinh :
Ba Ngôi một Chúa nhân lành,
Muôn ngàn phước cả uy linh vô cùng.

Bài đọc 2
Ánh sáng, ánh hào quang và ân sủng trong Chúa Ba Ngôi và bởi Chúa Ba Ngôi

Trích thư của thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục.

Không phải là điều viển vông nếu chúng ta nghiên cứu truyền thống cổ xưa, giáo lý và đức tin của Hội Thánh Công Giáo, đức tin mà Chúa đã trao ban, các Tông Đồ đã rao giảng và các giáo phụ đã duy trì. Thật vậy, Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng đức tin đó, đức tin mà hễ ai lạc xa thì không phải và không còn lý do gì để được gọi là Ki-tô hữu nữa.

Chúa Ba Ngôi chí thánh và toàn thiện, được nhận biết nơi Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, không có gì xa lạ hay ở bên ngoài pha lẫn vào, không phải do Tạo Hoá và thụ tạo hợp lại mà thành, nhưng hoàn toàn có quyền năng sáng tạo và hình thành, đồng nhất với chính mình, bất khả phân xét về bản tính, duy nhất xét về hiệu quả và hành động. Thật vậy, Chúa Cha làm ra mọi sự nhờ Ngôi Lời trong Chúa Thánh Thần ; và theo cách đó, sự duy nhất của Ba Ngôi vẫn được bảo toàn. Như thế, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất được rao giảng trong Hội Thánh ; Người là Đấng ở trên mọi sự, qua mọi sự và trong mọi sự. Trên mọi sự vì Chúa Cha là nguyên lý và là nguồn mạch ; qua mọi sự vì phải qua Ngôi Lời ; và trong mọi sự vì trong Chúa Thánh Thần.

Khi viết cho các tín hữu Cô-rin-tô về các ơn thiêng liêng, thánh Phao-lô đã quy mọi sự về một Thiên Chúa duy nhất là Cha như về một đầu duy nhất, bằng lời lẽ sau đây : Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí ; có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa ; có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.

Quả thật, các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người, đều do Chúa Cha ban cho qua Ngôi Lời. Vì mọi sự của Chúa Cha cũng là của Chúa Con : và như vậy, các ơn được Chúa Con ban trong Chúa Thánh Thần cũng thật là các ơn của Chúa Cha. Tương tự như thế, khi Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, thì Ngôi Lời, Đấng cho chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, cũng ở trong chúng ta, mà trong Ngôi Lời có cả Chúa Cha nữa, đúng như lời sau đây : Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Quả vậy, ở đâu có ánh sáng, ở đó cũng có ánh hào quang ; và ở đâu có ánh hào quang, ở đó có hiệu năng và ân sủng rạng ngời.

Thánh Phao-lô cũng dạy chính điều đó trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô như sau : Cầu chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Thật vậy, ân sủng và ân huệ được ban trong Chúa Ba Ngôi thì được ban do Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như ân sủng được Chúa Cha ban qua Chúa Con thì ơn được thông hiệp vào các ân huệ cũng được ban cho chúng ta chỉ trong Chúa Thánh Thần mà thôi. Và có thông dự vào Thánh Thần, chúng ta mới có tình thương của Chúa Cha, ân sủng của Chúa Con và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.


Thánh thi Giờ Kinh Sáng

Sấp mình lạy Ba Ngôi một Chúa,
Ánh thiều quang muôn thuở sáng soi,
Phận hèn dâng kính Chúa Trời
Câu ca điệu hát với đôi lời cầu.

Lòng tin kính trước sau chẳng đổi :
Chúa là Cha tuyệt đối quang vinh,
Ngôi Hai Con Một hiển linh,
Thánh Thần do bởi mối tình cha con.

Ôi chân lý, ôi lòng ái tuất,
Chính Ngài là phước thật vô biên ;
Nay tin cậy mến trung kiên,
Mai lên gặp Chúa thoả niềm ước mong !

Ôi cứu cánh, ôi nguồn sinh lực,
Tác tạo nên muôn vật muôn loài ;
Thuỷ chung chỉ có mình Ngài,
Ủi an nâng đỡ những ai tín thành !

Mọi sự đều phát sinh bởi Chúa,
Được Ngài ban no thoả niềm vui,
Thánh Nhan toả ánh rạng ngời,
Ấy là phần thưởng cho người cậy trông.

Cùng chạy đến tình thương Thánh Phụ,
Và nguyện xin Thánh Tử Thánh Thần,
Câu kinh hoà tiếng thở than,
Dám mong lượng cả từ nhân đáp lời.

Thánh thi Giờ Kinh Chiều I và II

Lời ca hát, nguyện dâng lên Thánh Phụ,
Vì công trình sáng tạo Chúa làm nên,
Là bài thơ xưng tụng Đấng nhân hiền :
Ôi hùng vĩ, công trình Ngôi Thánh Phụ !

Lời khen ngợi, lòng trào dâng Thánh Tử,
Thập giá Ngài giải thoát mọi sinh linh.

Hy lễ đây cứu sống cả tạo thành :
Quảng đại quá, hy lễ Ngôi Thánh Tử !

Lời vinh tụng, kính mừng Thần Khí Chúa,
Ngài xướng lên qua điệu hát cộng đoàn,
Khúc ân tình vang dội khắp trần gian,
Ôi huyền diệu, ân tình Thần Khí Chúa !

Dâng điệu hát, dâng cung đàn muôn thuở
Cho trọn niềm con thảo với Chúa Cha,
Với Chúa Con : tình huynh đệ mặn mà,
Và Thần Khí : lửa mến yêu tha thiết.

Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Đọc I: Đnl 4, 32-34. 39-40

"Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác".

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi".

Đó là lời Chúa.

Đáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
- Đáp.

2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. - Đáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.

4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Đáp.

Bài Đọc II: Rm 8, 14-17

"Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: "Abba - lạy Cha!" Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Đó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

"Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Đó là lời Chúa.


Suy Nghiệm-"Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, đối với bài đọc chính là bài Phúc Âm, thì bài Phúc Âm cho chu kỳ 3 Năm A, B và C không còn theo thứ tự ấn định nữa, Năm A với Phúc Âm Thánh Mathêu, Năm B với Phúc Âm Thánh Marcô và Năm C với Phúc Âm Thánh Luca.

Bởi vì, Phúc Âm Thánh Luca và Phúc Âm Thánh Marcô không có đoạn nào chất chứa mạc khải rõ ràng về Chúa Ba Ngôi (cho dù các đoạn Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa và Chúa Giêsu Biến Hình ở 2 Phúc Âm này cũng ám chỉ về Chúa Ba Ngôi), như các đoạn khác trong Phúc Âm Thánh Mathêu hay trong Phúc Âm Thánh Gioan.

Đó là lý do Giáo Hội đã chọn đọc Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm A (3:16-18) cũng như cho Năm C (Gioan 16:12-15), và Phúc Âm Thánh Mathêu cho Năm B (28:16-20). Chắc chắn việc Giáo Hội chọn lựa 3 bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi như thế cũng có một mật thiết liên hệ với nhau về ý nghĩa của 3 bài Phúc Âm này, theo thứ tự Phúc Âm Thánh Gioan (Năm A) rồi sang Phúc Âm Thánh Mathêu (Năm B) và trở lại với Phúc Âm Thánh Gioan (Năm C), chứ không sử dụng bài Phúc Âm Thánh Mathêu cho Năm A đầu tiên vì Phúc Âm này là Phúc Âm chất chứa mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi rõ nhất trong toàn bộ Thánh Kinh.

Đúng thế, tôi cho rằng bài Phúc Âm của Thánh Mathêu cho Năm B là bài Phúc Âm chính yếu cho Lễ Chúa Ba Ngôi, không phải vì bài Phúc Âm này chất chứa rõ ràng Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19), mà còn vì bài Phúc Âm này có liên hệ mật thiết với hai bài Phúc Âm của Thánh Gioan ở Năm A và Năm C nữa. Tại sao?

Xin thưa, nếu có một số con người nào đó, trong đó có chúng ta, được Thiên Chúa dựng nên và sinh vào trần gian này theo tự nhiên, nhưng sau đó đã được trở nên thành phần dưởng tử của Thiên Chúa qua Phép Rửa (như Phúc Âm Thánh Mathêu Năm A đề cập), là do hoàn toàn bởi Thiên Chúa, Đấng "đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (như Phúc Âm Thánh Gioan Năm A cho thấy), nhờ đó, họ có thể được hiệp thông thần linh với Ba Ngôi do Thánh Thần là Đấng lầy tất cả những gì của Cha nơi Con mà "thông ban" cho họ (như Phúc Âm Thánh Gioan Năm C trình thuật).

Ở đây, qua bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên lưu ý mấy điều sau đây:

1- Chúa Giêsu truyền cho các các tông đồ 3 sứ vụ liền: "đi tuyển mộ các môn đồ từ mọi dân nước", "làm phép rửa cho họ" và "giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con". Ba việc này liên quan đến 3 vai trò của hàng giáo phẩm (bao gồm cả hàng giáo sĩ), đó là vai trò quản trị ("các môn đồ"), vai trò thánh hóa ("làm phép rửa") và vai trò giáo huấn ("giảng dạy"). Ở một nghĩa nào đó, 3 sứ vụ này, theo thứ tự, cũng liên quan đến Mầu Nhiệm Thiên Chúa 3 Ngôi là Cha (Đấng Hóa Công - đã tạo dựng nên "mọi dân nước"), và Con (Đấng Cứu Thế - cần phải tin vào Người bằng việc lãnh nhận "phép rửa") và Thánh Thần (Thần Chân Lý - Đấng đã dùng các tiên tri mà "giảng dạy").

2- Vấn đề ở đây là nếu 3 Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất vì đồng bản thể, thì tại sao lại xẩy ra vấn đề "sai" nhau: Cha sai Con (xem Gioan 3:17, 5:37, 10:36, 12:49, 14:24, 20:21 v.v.) và Con sai Thánh Thần (xem Gioan 16:26; Luca 24:49). Theo lập luận và lý lẽ tự nhiên thì thành phần được sai bao giờ cũng thấp kém hơn vị sai mình, thế nhưng, nơi Mầu Nhiệm Ba Ngôi được "sai" đây có nghĩa là xuất phát từ: Con nhiệm sinh từ Cha, và Thánh Linh nhiệm xuất từ Cha và Con. Nơi Thiên Chúa là Đấng tự hữu, hiện hữu và hằng hữu không có thời gian nên không có vấn đề Cha sinh ra Con nên có trước Con và Thánh Linh được nhiệm xuất từ Cha và Con nên có sau Ngôi Cha và Ngôi Con.

3- "Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" ở đây, nhờ vai trò thánh hóa của Giáo Hội, qua các thừa tác viên thánh chức của Giáo Hội, không phải chỉ có ý nghĩa tiêu cực là "rửa tội", là "thanh tẩy", là tha "nguyên tội" và tư tội (nếu đã khôn lớn) cho người lãnh nhận cùng với tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội họ đáng phải chịu, mà còn bao gồm ý nghĩa tích cực chính yếu đó là thông ban sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Thiên Chúa cho lãnh nhận nhân, nhờ đó thành phần lãnh nhận Phép Rửa được thông phần với bản tính thần linh của Thiên Chúa mà trở nên con cái của Thiên Chúa Ngôi Cha, chi thể của Thiên Chúa Ngôi Con và đền thờ của Thiên Chúa Ngôi Ba.

Thế nhưng, theo đức tin và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì cho dù có 3 Ngôi Vị khác nhau nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa Duy nhất chứ không phải là 3 Thiên Chúa: 1 x 1 x 1 = 1 chứ không phải 1 + 1 + 1 = 3. Ngôi Cha là Thiên Chúa hay Thiên Chúa Ngôi Cha. Ngôi Con là Thiên Chúa hay Thiên Chúa Ngôi Con. Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa hay Thiên Chúa Ngôi Ba. Bởi vì, 3 Ngôi Vị tuy khác về tính cách hay sứ vụ ngoại tại của mình, nhưng nội tại hoàn toàn "đồng bản thể".

Thiên Chúa Ngôi Con bởi Thiên Chúa Ngôi Cha - "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha" (Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicea và Constantinople cho cả Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo), và Thiên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo).

Chúng ta cũng có thể suy luận về Mầu Nhiệm 3 Ngôi Thiên Chúa như thế này: Chỉ có một con người Đức Maria duy nhất, nhưng con người đầy ơn phúc duy nhất này đóng cả 3 vai: làm con Ngôi Cha, làm mẹ Ngôi Con và làm bạn Ngôi Ba.

Hay nơi chính nguyên tổ loài người, ở chỗ, Thiên Chúa dựng nên chỉ có 1 con người đầu tiên duy nhất, và từ con người đầu tiên duy nhất này mới có con người từ hai, xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất ấy và đồng chất thể với nhau, (chứ không phải từ đất), và tình yêu hiệp thông nên một đã tự nhiên xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất này với con người từ mình mà ra ấy.

Khoa học vật lý và ngôn ngữ cũng có thể cống hiến một chút cho dễ hiểu hơn về mầu nhiệm Một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi lại chỉ là Một Thiên Chúa: trước hết là nước ở cả 3 thể khác nhau, bao gồm thế lỏng, thể đặc và thể khí, nhưng thể nào cũng chỉ là nước và từ nước.... Ngôn ngữ hay Lời nói cũng thế, bao gồm 3 yếu tố nhưng chỉ là một đó là ý tưởng ở nơi lời nói ra, ngôn từ diễn tả ý tưởng chất chứa bên trong, và âm vang để phát biểu lời nói theo ý tưởng muốn phát biểu.

Nếu chân lý Ba Ngôi được Thánh Kinh Tân Ước nói chung và Phúc Âm nói riêng mạc khải thì chân lý Thiên Chúa chân thật duy nhất là tất cả mạc khải thần linh của Thánh Kinh Cựu Ước và trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái. Đó là lý do trong bài đọc 1 hôm nay, được trích từ sách Đệ Nhị Luật (4:32-34,39-40), Ông Moisen, sau khi chứng minh cho thấy kỳ công trong thiên nhiên vạn vật cũng như và nhất là trong lịch sử của chính dân Do Thái, để khuyên dân "hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy", mới khẳng định với dân của mình rằng: "Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác" - Thiên Chúa duy nhất!

Trong bài đọc 2 hôm nay, được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma (8:14-17), vị tông đồ dân ngoại này nhắc nhở Kitô hữu về sự sống thần linh nơi họ là thành phần đã được trở nên con cái Thiên Chúa, một sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa và với Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự sống thần linh nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta và ở trong chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa, nên một với Chúa Kitô là Con Duy Nhất của Thiên Chúa và cùng với Chúa Kitô trở nên những kẻ "thừa tự của Thiên Chúa":

“Chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí của chúng ta rằng: Chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Vậy nếu chúng ta là con cái, thì chúng ta cũng là những người thừa tự: nghĩa là những người thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”.

"Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen".

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

CNLeChuaBaNgoi-B.mp3