BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Gr 11,18-20
Con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
18 Đức Chúa đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng. 19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau : “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa !”
20Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh,
Ngài công minh khi xét xử,
Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc,
con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
Đáp ca : Tv 7,2-3.9bc-10.11-12 (Đ. c.2a)
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
2Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
Xin cứu vớt và giải thoát con
khỏi tay mọi người đang đuổi bắt,
3kẻo họ vồ lấy con, xé nát như sư tử,
mà không người giải thoát.
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
9bcXin Chúa xử cho con, vì con công chính và vô tội.
10Lạy Thiên Chúa công minh,
Chúa dò thấu lòng dạ con người,
xin làm cho bọn ác nhân hết đường tác hại
và cho người công chính được vững vàng.
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
11Khiên mộc che chở tôi là Thiên Chúa,
Đấng cứu độ những ai có lòng ngay thẳng.
12Thiên Chúa là thẩm phán công minh,
ngày ngày Chúa đe doạ.
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.
Tung hô Tin Mừng : x. Lc 8,15
Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.
TIN MỪNG : Ga 7,40-53
Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
40 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” 41 Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?” 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng : “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” 46 Các vệ binh trả lời : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su ; ông nói với họ : 51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” 52 Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”
53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
SUY NIỆM-KẾT ÁN
Một ông vua nọ mở đại tiệc đãi quần thần. Đến giờ ăn, một cơn bão dữ dội ập tới và chẳng ai đến được. Tức giận với “thần bão”, nhà vua ra lệnh cho lính bắn lên trời để trả thù. Những mũi tên rơi trở lại và gây thương tích cho vua và nhiều binh lính. Cũng vậy, những lời kết án của chúng ta cũng giống như những mũi tên bắn lên trời, chúng sẽ quay lại và kết án chính chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã bị những người Pharisêu kết án và bắt bớ vì lời giảng của Người đã làm dân chúng tin theo. Đôi khi chúng ta cũng giống như người Pharisêu, luôn tìm các lý do để kết án người khác. Sự kết án của ta thường mang tính chủ quan, vì đã ghét ai thì dù họ có làm gì cũng xấu. Chắc chắn, một người dù tệ đến đâu cũng sẽ có mặt tốt nào đó.
Vậy nên, thay vì “bới lông tìm vết” moi móc tật xấu của người khác để kết án, chúng ta được mời gọi tìm kiếm những điểm tích cực nơi họ để có thể yêu thương và sống chan hòa với họ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa xin cho con luôn biết nhìn ra những điều tốt đẹp nơi mọi người xung quanh con, vì họ chính là hình ảnh của Chúa hiện diện quanh con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
5,8 TỶ NGƯỜI CÓ THỂ ĐỌC KINH THÁNH BẰNG NGÔN NGỮ CỦA MÌNH
Theo báo cáo của Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu hôm 30/3/2022, tính đến đầu năm 2022, toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch ra 719 ngôn ngữ và được 5,8 tỷ người sử dụng. Bất chấp đại dịch Covid-19, trong năm 2021, các Hiệp hội Kinh Thánh trên khắp thế giới đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh bằng 90 ngôn ngữ được 794 triệu người sử dụng.
Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết các bản dịch được hoàn thành trong năm 2021 đặc biệt nhắm đến 11 triệu người lần đầu tiên có bản dịch Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ.
Các bản dịch đã được hoàn thành là các bản dịch đầu tiên của 48 ngôn ngữ. Đó là tiếng Khualsim, một ngôn ngữ được sử dụng bởi 7.000 cư dân Myanmar; ngôn ngữ Asturian với 110.000 người dùng, sống chủ yếu ở tỉnh Asturias của Tây Ban Nha và ở một số vùng của Bồ Đào Nha; và ngôn ngữ bằng tiếng Santali, được sử dụng ở các vùng xa xôi của Tây Bắc Bangladesh. Trong khi 89% dân số Bangladesh theo đạo Hồi, phần lớn trong số 225.000 người Santali là Kitô giáo.
Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết thêm: một bản dịch mới của Tân Ước và Thánh vịnh, đặc biệt dành cho giới trẻ Hàn Quốc, đã được xuất bản bằng tiếng Hàn, ngôn ngữ có 81 triệu người dùng, trong đó có hơn 50 triệu người sống ở Hàn Quốc.
8 nhóm sắc tộc đã đón nhận bản dịch Tân Ước đầu tiên bằng ngôn ngữ của họ: 5 ở Châu Phi và 3 ở Châu Á. Các bản dịch đầu tiên của các sách nhỏ hoặc các phần bổ sung của bản văn Kinh Thánh cũng đã được xuất bản bằng 37 ngôn ngữ khác trên thế giới, bao gồm 5 ở Mexico và 4 ở Guatemala.
Tổng cộng, 7,1 tỷ người có ít nhất một phần bản văn Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Nhưng đối với hơn một nửa số ngôn ngữ trên thế giới, được 219 triệu người sử dụng, vẫn chưa có bản văn Kinh Thánh và 1,5 tỷ người không có bản dịch toàn bộ Kinh Thánh. Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu dự định tiếp tục công việc dịch thuật của mình để cung cấp Kinh Thánh cho càng nhiều người càng tốt.
Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cũng cho biết, trong số 400 ngôn ngữ ký hiệu hiện có trên thế giới, chỉ có khoảng 60 ngôn ngữ có một phần bản dịch Kinh Thánh và chỉ có một ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh Thánh. Và trong số 719 ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh Thánh, chưa tới 10% có bản dịch chữ nổi dành cho người khiếm thị. (Cath.ch 30/03/2022)
Hồng Thủy - Vatican News