18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 8)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 22)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 23)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 21)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...
12 Tháng Tư 20249:28 CH(Xem: 64)
Nguồn: Spiritdaily.com và Forums of the Virgin Mary Đức Mẹ Maria đã từng can thiệp và thay đổi tình hình thế giới và tình hình giáo hội trong 500 năm trở lại đây. Thế giới luôn chiến đấu để chống nạn đói khát và bịnh tật. Những người Hồi Giáo đã chiếm đóng nước Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Họ cũng đã từng kiểm soát vùng Đất Thánh.
12 Tháng Tư 20249:57 SA(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com Những nơi trú ẩn ở đâu khi có cơn thử thách lớn? Đâu là những nơi trú ẩn dành cho những người còn sống sót? Sẽ có một cuộc thanh tẩy rất lớn để thanh lọc thế giới này. Nhân loại đã rời xa Thiên Chúa và đã xúc phạm nặng nề đến Ngài. Vậy các tín hữu của Chúa sẽ ra sao? Liệu họ có phải chịu sự thống khổ như những người khác không?
11 Tháng Tư 20242:08 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz kể tiếp về các thông điệp mà Đức Mẹ Maria ban cho bà...

THÁNH PHAOLÔ LÊ BẢO TỊNH, LINH MỤC (1793-1857)

06 Tháng Tư 20222:13 CH(Xem: 812)

lebaotinhstTHÁNH PHAOLÔ LÊ BẢO TỊNH, LINH MỤC (1793-1857)

Từ ẩn sĩ đến tử đạo

Khởi đầu là vị ẩn tu, kết thúc là vị tử đạo. Hai hình ảnh như có vẻ khác biệt nhau. Nhưng đối với thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, điều quan trọng đâu có phải là hình ảnh, là lối sống, mà chính là NIỀM TIN: Thiên Chúa là tất cả. Lối sống có thể thay đổi nhưng niềm tin mới là nền tảng chính yếu. Chính niềm tin đó đã dẫn dắt cuộc đời Phaolô Tịnh, từ một vị ẩn sĩ trở thành một vị linh mục nhiệt thành truyền giáo, một giáo sư tận tụy và sau cùng đến phúc tử đạo vinh quang
Thời trước nói về sự vui vẻ sầm uất người ta có câu: “Thứ nhất thiên đàng, thứ nhì Tràng Vĩnh (ở cuối tỉnh Nam Định, giáp ranh Ninh Bình)”. Nơi đây đã hun đúc Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh thành con người thánh thiện, cũng chính nơi đây cha được vinh dự làm bề trên và cũng chính tại Vĩnh Trị, xác cha thánh được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phêrô.

Cha Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình Công Giáo và có 6 anh em, Cha Tịnh là thứ ba. Năm 12 tuổi, cậu Tịnh đến ở với Cha Ruệ tại xứ Bạch Bát học chữ Nho ba bốn năm rồi vào trường Kẻ Vĩnh học Latinh. Người không thông minh nhưng chăm học và xem sách nhiều nên về sau trở thành người thông thái biết nhiều. Dưới thời cha bề trên Havard, sau làm Đức Cha, các chú thi nhau hãm mình tập nhân đức. Điểm đặc biệt trong đời sống của chú Tịnh là muốn bắt chước các thánh nên đã vào tu trong rừng, nhưng một năm sau Đức Cha bắt về dậy học trong chủng viện, đồng thời học lý đoán sửa soạn chịu chức.

Đức Cha Havard (1831-1838) đã cậy nhờ Thầy Tịnh hai lần sang Macao để đưa các thừa sai về Việt Nam và lãnh đồ tiếp tế cho địa phận. Lần thứ nhất người đưa ba thừa sai là Cha Rouge, Cha Retord và Cha Cornay. Lần thứ hai khi người mang đồ về tới La Phù thì bị tụi tầu ô cướp hết, may nhờ mặc áo tầu, gióc tóc đuôi xam, nói tiếng An Nam lớ ngớ như khách nên mới được khỏi chết. Về tới cửa biển, Thầy Tịnh làm đơn kiện lấy lại được các đồ bị cướp. Lần này thầy ở Macao một năm và có dịp xem nhiều sách. Đặc biệt có một đêm Đức Mẹ hiện ra nói với thầy: “Phaolô, Phaolô, khi về Việt Nam con sẽ phải chịu khổ vì đạo”. Thầy không tin, tưởng là mỹ nhân nào đến cám dỗ nên thầy hỏi lại bằng tiếng Latinh, tiếng Việt, tiếng Trung Hoa, hỏi tiếng nào Đức Mẹ trả lời bằng tiếng ấy: “Ta là Đức Bà Maria”. Dù vậy Thầy Tịnh vẫn không tin cho đến khi bị bắt ở Thạch Tổ năm 1841.

Sau khi ở Macao về lần thứ hai, đức cha sai Thầy Tịnh đi truyền giáo ở Lào. Thầy khuyên được một nhà sư và nhiều người khác trở lại đạo. Sau đó thầy về xin đức cha sai thêm người. Trên đường về, thầy ghé lại nhà cha mẹ nhưng trá hình không ai hay. Lúc này vào năm 1838, Trịnh Quang Khanh đang truy lùng các thừa sai rất gắt gao, Đức Cha Havard trốn ở rừng Bạch Bát và chết tại đó, Cha Retord được chỉ định lên thay. Năm 1840 Đức Cha Retord sai Thầy Tịnh sang Macao lần thứ ba để chở đồ và đưa Thừa Sai Taillandier về Kẻ Vĩnh.

Sau khi về nước năm 1841 được vài tháng, có một lần Thầy Tịnh đi dậy bổn đạo ở Thạch Tổ, xứ Kẻ Đầm, bị lý trưởng bắt tại nhà ông Nhiêu Ba. Thầy bị đưa lên giam ở Hà Nội. Trong khi chờ đợi các quan lớn tại công đường, các viên thơ lại ngồi chửi rủa mắng nhiếc thầy vì trông thấy thầy ăn mặc sơ sài, cổ lại đeo gông. Thầy Tịnh im lặng hồi lâu rồi mới quay lại hỏi: “Các ông chửi ai?”

Một viên thơ lại trả lời: “Chúng tao chửi mày chứ còn ai vào đây nữa”.

- “Tôi có tội thì tội với vua quan, chỉ có vua quan mới làm án cho tôi được, nào tôi có tội gì với các ông mà các ông chửi tôi?”

Mấy viên thơ lại nghe thầy nói vậy giận dữ xông đến định đánh thầy một trận, nhưng Thầy Tịnh gọi to mời quan án ra. Ông thông phán phải đến xin, Thầy Tịnh liền tha cho họ ngay. Các quan lớn vào công đường bắt đầu cuộc tra tấn, bắt thầy quá khóa bỏ đạo. Thầy nhất định không chịu nên bị nọc ra đánh thẳng tay. Thầy không sợ bị đòn, chỉ sợ bị đánh đòn nhiều quá chết mà không được chịu án tử nên thầy nghĩ ra một kế, ngoái cổ lại nói nhỏ với bọn lính: “Các anh ăn cơm nhà vua mà ba quan lớn dậy đánh đòn tôi, các anh lại đánh như gãi ngứa vậy”.

Ba quan lớn thấy thầy ngoảnh cổ nói cái gì với bọn lý hình liền hỏi bọn chúng. Các lý hình giơ roi đã đẫm máu lên và phân phô: “Các quan xem chúng tôi đánh thẳng tay như vậy mà tên tù này còn kêu là đánh không đau, như gãi ngứa vậy”.

Quan thượng thấy vậy thì biết người này gan lì lắm nên không tra tấn nữa. Thầy bị các quan gọi ra công đường nhiều lần để tra hỏi về các việc đạo. Có lần quan lớn hỏi thầy tại sao người ta lấy hai ba vợ mà chưa cho là đủ trong khi các cụ đạo không lấy vợ mà nhịn được.

Thầy Tịnh trả lời: “Bẩm quan lớn tha phép, tôi xin cắt nghĩa thế này: Những kẻ lấy vợ chẳng khác gì người hút nha phiến. Họ lấy thuốc ấy làm ngon rồi không bao lâu thành nghiện muốn hút thêm mãi. Còn những người không hút bao giờ, không những là không thèm mà hễ ngửi thấy hơi thuốc còn lấy làm khó chịu nữa. Cũng vậy, các đạo trưởng, đạo đồ không lấy vợ, không chơi bời về đàng ấy bao giờ cho nên không say mê sắc dục, trái lại còn chê ghét và xa tránh. Hơn nữa trong sách viết chữ nhân, tức là người, có hai nét, thêm một nét ngang là chữ đại, nếu thêm một chấm vai là bốn nét thành ra chữ khuyển tức là chó...”

Các quan vừa nghe đến đây giận tím mặt lấy thước tay đập ngay vào mặt Thầy Tịnh, trúng vào miệng thầy làm gẫy một cái răng. Thầy Tịnh ngã ngay xuống đất, máu me chảy ra, quan gọi không thưa, không dậy, cố ý xem các quan bàn tán gì. Một lúc sau Thầy Tịnh mới đứng dậy nói với quan: “May phúc cho quan lớn, vì tôi có đạo, hiền lành lương thiện, nếu như tôi là thằng tướng giặc, lấy gông húc vào thì quan lớn đã vỡ đầu ra rồi Tôi có nói điều gì vô phép hay không phải thì quan lớn quở trách và đánh đòn chứ sao nổi nóng đánh tôi bằng thước?”

Trong suốt bẩy năm trời dưới thời Thiệu Trị, các quan làm án xử tử Thầy Tịnh và đệ vào kinh nhưng triều đình không xử người có đạo. Thầy Tịnh phải giam tù khổ sở, vừa đeo gông xiềng vừa nghe những lời tục tằn của các tù nhân, nỗi khổ vừa thể xác vừa tinh thần. Trong thư ngày 20-4-1843 gửi cho các chú nhà trường, Thầy Tịnh viết: “Nhà tù này thật đúng là một hình ảnh sống động về hỏa ngục. Ban ngày vai mang gông, cổ đeo xiềng, đêm phải xỏ cùm, tai hằng nghe những lời chửi rủa tục tằn, mắt hằng xem những sự dữ độc ác gớm ghiếc nói ra chẳng đáng. Hơn nữa phải giam cầm trong tối tăm chẳng thấy mặt trời mặt trăng bao giờ. Mùa đông chịu giá rét, mùa hè chịu nóng bức, muỗi rệp, bọ mát cắn đốt chẳng để yên chút nào. Cả đêm chỉ thức không ngủ được, phần vì cùm chặt, phần thì mỗi lần giao canh lính đánh mõ inh ỏi...”

Ngoài ra Thầy Tịnh còn phải chịu đựng những nỗi cô đơn không người trò truyện, không được dự lễ, xưng tội và rước lễ như ở trong nhà trường, nhưng thầy vẫn quyết tâm “chịu mọi sự khổ cực thiếu thốn vì Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu là Cha rất nhân lành, là Đấng tôi quyết tâm kính mến hết lòng hết sức cho đến hết hơi...”

Năm 1848 vua đổi án thành lưu đầy chung thân ở Phú Yên. Thầy lên đường cùng với Cha Khanh cũng bị án phát lưu. Tới Huế, hai tù nhân phải chờ gần hai tháng để nhập bọn với các tù nhân khác cũng phải đi đầy ở Phú Yên. Trong thời gian ở Huế có một vị lão quan hồi hưu bị đau mắt gần hư, nghe biết có cụ đạo và thầy giảng thì đến xin thuốc, vì họ tin các cha có thuốc thần hiệu. Cha Khanh và Thầy Tịnh chối dài nói rằng mình không làm thuốc mà chỉ lo giảng đạo Chúa thôi. Ông quan không nghe cứ năn nỉ buộc lòng Thầy Tịnh biết được bài thuốc nào thì mách cho ông. Thầy Tịnh ghi ra cho ông, rồi liên lỉ đọc kinh cầu nguyện để Chúa cứu chữa. Ông này được khỏi đau mắt khiến tiếng đồn lan rộng giữa các quan. Trong bộ có một quan trẻ tuổi làm ngự sử cũng bị đau mắt kinh niên tên là Nguyễn Đình Tân (Hưng) cũng đến xin thuốc.

Thầy Tịnh ghi cho ông một bài thuốc và ông uống vào cũng được khỏi bệnh. Ông Tân mang đến mười lạng bạc, hai vòng tay bạc và một cân chè để tạ ơn. Thầy Tịnh không nhận nói rằng:

Bẩm quan lớn, chúng tôi thấy quan lớn thoát nạn thì mừng, song chúng tôi làm thuốc không có lấy tiền, chỉ có ý làm phúc thương người nghèo khổ, vậy không dám lấy tiền bạc của quan còn cân chè quan lớn ban thì xin lĩnh cho vừa lòng quan. Quan lớn đã biết chúng tôi không có tội gì, không có ăn cướp, thiêu gia sát nhân, không làm giặc ngụy, nhưng phép vua và triều đình bắt tội chúng tôi vì theo đạo Thiên Chúa. Quan lớn còn thanh niên giỏi giang sau sẽ làm lớn. Khi quan lớn đi trọng nhậm nơi nào thì xin thương kẻ có đạo với”. Ông Tân đã chỉ trời mà thề sẽ giữ điều này.

Hôm xuống tầu ở cửa Thuận An để đi Phú Yên, có một thơ lại cầm giấy điểm tù đến tên Thầy Tịnh thì thêm câu “tòng Gia Tô tả đạo” , Thầy Tịnh cứ ngồi yên dù quan gọi ba bốn lần. Quan nóng giận quát lên: “Thằng nào láo gọi mà không thưa”.

Bấy giờ Thầy Tịnh mới thưa: “Tôi đây, tôi không thưa vì ông gọi tôi là người theo tả đạo. Đạo tôi là chính đạo, có tam cương ngũ thường rõ ràng, bao giờ ông gọi là theo đạo Gia Tô, bỏ chữ tả đạo đi thì tôi mới thưa”.

Quan phải chịu làm theo. Cuối năm 1848, Vua Tự Đức mới lên ngôi liền ban ân xá cho các tù lưu đầy được về quê quán. Thầy Tịnh được về lại chủng viện và đức cha giết lợn ăn mừng. Đức cha gọi Thầy Tịnh lên ở Hoàng Nguyên học tập làm lễ và trong vòng một tuần thì phong chức linh mục cho Thầy Tịnh. Lúc ấy thầy đã 56 tuổi.

Ngay sau khi thụ phong, Cha Tịnh được đức cha đặt làm bề trên trường Kẻ Vĩnh và dậy học lớp nhất từ năm 1849 đến 1852. Sau đó đức cha đặt cố Néron Bắc làm bề trên, Cha Tịnh xuống dậy tràng hai. Đến năm 1855 đức cha sai cố Néron đi coi xứ Đoài và đặt Cha Tịnh làm bề trên Kẻ Vĩnh thì quan Nguyễn Đình Tân cũng được bổ nhiệm làm tổng đốc Nam Định. Cha Tịnh đến thăm và đi lại nhiều lần. Để trả ơn, quan cho Cha Tịnh một giấy phép riêng mà không báo cho các quan khác để mở nhà trường dậy học và làm thuốc để sinh sống. Quan thượng cũng xin Cha Tịnh cho biết các nơi có đạo để bao che khi các quan khác muốn bắt bớ.

Cha Tịnh có lòng thương học trò và học trò cũng quí mến năng xưng tội với người. Cha Tịnh cũng tổ chức nhiều cuộc thi cho các chú chăm chỉ học và thi đua nhau nên thánh. Nhà tràng Vĩnh Trị thật là sống động. Ngoài ra Cha Tịnh còn được chỉ định đi giảng các ngày lễ trọng ngoài nhà xứ. Tài giảng dậy và nhân đức thánh thiện đã lôi kéo nhiều người đến nghe và vào trong nhà trường xưng tội. Cha Tịnh hay giảng về bốn sự sau (tứ chung) và trong tuần đại phúc buổi chiều người giúp ăn năn tội rất khéo đến nỗi ai cũng chảy nước mắt và muốn tham dự.

Không may ngày 2-2-1857 hai cha Kỳ và Hảo về Phát Diệm mở lễ lớn khiến bên lương đồn lên rằng nhà đạo mở cờ khao quân. Các quan tỉnh Ninh Bình đem quân vây nã nhưng hai cha đã đi khỏi, chỉ bắt được mấy người đầu mục. Mấy người này lại khai rằng hai cha có về nhưng đã trở lại Kẻ Vĩnh rồi. Quan đầu tỉnh Ninh Bình viết giấy sang xin quan tổng đốc và các quan Nam Định bắt đạo trưởng. Các quan định ngày 27-2 sẽ đến vây Vĩnh Trị. Quan tổng đốc Tân giữ lời hứa, cho gọi một người Công Giáo tên là Trinh đến để báo cho Cha Tịnh kịp thời cất giấu các đồ quốc cấm. Ông Trinh gặp Thầy Tự ở Kẻ Vĩnh lên liền báo ngay. Thầy Tự trở về đến cầu Chanh bị đau bụng không thể đi được phải nằm ngay ở đường.

Vì thế trong Vĩnh Trị không ai hay biết gì cả. Lúc tám giờ sáng thứ Sáu, Đức Cha Liêu, cố Đoài, cố Ven (Charbonnier) và các học trò vừa ăn cơm xong thì được tin báo có quân lính trên tỉnh về vây. Cha Tịnh lĩnh ý đức cha một mình đứng ra gánh chịu, còn các cha đi trốn xuống các hầm trú bí mật. Phán Trứ và quan phủ Nghĩa Hưng đem 130 quân lính đến làng, đóng quân ngay nhà thờ Đức Bà ở đầu làng, Cha Tịnh cho người ra mời các quan vào nhà và xin ra lệnh cho các lính đóng yên một chỗ. Các quan đến bất ưng bắt được nhiều đồ lễ, đồ Tây. Cha Tịnh mời uống trà rồi trình giấy phép mở trường cho các quan xem. Các quan nắm lấy giấy rồi nói: “Quan lớn cho phép mở trường dậy học chứ có cho dậy đạo đâu, xin cụ ra ngoài tỉnh với chúng tôi”.

Cha Tịnh nói họ đem người đi với một vài tang vật là đủ rồi. Họ liền lấy một áo lễ, mấy quyển sách La Tinh và bắt Cha Tịnh làm giấy ký nhận các nhà và học trò. Cha Tịnh xin phép đi đọc kinh trước khi lên đường. Đọc kinh xong Cha Tịnh theo các quan đi, cha còn nói to cho các chú nghe: “Chúng con nghỉ lại bằng yên, lần này cha đi có khi không về nữa, ai muốn phúc tử vì đạo thì đi với cha”.

Quan cũng bắt chánh phó lý Huy và Chân với Thầy Lương đi theo. Khi quân lính rút lui rồi, Đức Cha Liêu cho người đi chuộc ở phủ Nghĩa Hưng ngay, và dặn nếu không xong thì lên tỉnh báo trước cho quan thượng. Quan thượng đâu có ngờ là Cha Tịnh bị bắt có tang vật, nên khi Cha Thu đến đưa tin ông liền nói trấn an người: “Cha yên trí, ta sẽ lo liệu. Cha Tịnh lên tỉnh thì sẽ ăn mừng lễ lục tuần của ta nhân thể cũng hay, mà Cha Tịnh đừng về Vĩnh Trị nữa”.

Phán Trứ giữ Cha Tịnh ở phủ Nghĩa Hưng một đêm rồi hôm sau mang về tỉnh cùng với giấy tờ của quan thượng. Quan thượng Tân trông thấy giấy thì biết mình bị mắc kẹt nên nói rằng đau không thể gặp được xin mang sang quan án. Cha Tịnh bị giam ở trại lá, cạnh dinh quan án. Đến chiều cả ba quan họp lại và đưa Cha Tịnh ra công đường. Quan án và quan bố coi giấy tờ rồi nhấc lên nhấc xuống làm ra như giấy đó phải mất nhiều tiền. Các quan chỉ hỏi một điều Cha Tịnh có bằng lòng quá khóa không. Cha Tịnh ngước nhìn các quan khẳng khái thưa: “Thưa ba quan lớn, tôi là đạo trưởng mà quá khóa thì còn kể là đạo trưởng làm sao được, xin quan lớn chiếu theo luật mà khép án cho vì tôi thà chết chẳng thà chối đạo”.

Quan bố lên tiếng: “Cờ bí thí xe, cha có xuất giáo thì mới cứu được thân”. Cha Tịnh cương quyết nói: “Bẩm quan lớn, trưởng đạo không bao giờ xuất giáo, vì nếu làm đạo trưởng mà chối đạo thì còn ai theo, ai giữ đạo nữa”.

Quan thượng Tân biết không làm gì hơn được thì ra lệnh giam Cha Tịnh ở trại Võ Lâm chứ không giam ở trong ngục thất. Bốn năm ngày sau các quan hiệp nghị lần nữa và hỏi cho có lệ xem cha có bước qua ảnh không. Quan lại truyền cho cha kê khai lý lịch. Người cứ sự thật khai hết là đã đi học, đi tù và được tha, làm đạo trưởng. Quan thượng Tân khuyên người đừng khai làm đạo trưởng vì nói câu ấy ra thì không thể gỡ được nữa. Cha Tịnh một mực xin các quan chiếu luật làm án còn việc chữa lại theo ý quan thì không được. Chính quan thượng tự tay viết bản án như lời cha khai và thêm:

Cụ đã ngoài 80 tuổi nên theo phép nước không nên gia hình, xin lưu giam ở Nam Định”. Bản án của quan thượng bị triều đình bác bỏ và vua Tự Đức phê: “Lê Bảo Tịnh khi trước đã có tội, đã được ân xá về mà còn cả gan làm đạo trưởng cho nên là đứa tái phạm thì phải tốc hành trảm quyết”.

Trong tù, cha không bị tra tấn đánh đập mà chỉ phải mang gông và xích. Sau khi bị khép án, cha bị giam ở trại Vệ không khổ như ở trong ngục thất. Chánh phó lý và thầy Lương đều một mực xưng đạo nên cũng bị giam nhưng ở chỗ khác. Trong tù có một số Công Giáo bị bắt vì đánh tháo Cha Trạc, năm sáu người đã chối đạo được Cha Tịnh khuyên bảo trở lại. Cha Tịnh còn cho tiền giúp các người Công Giáo bị giam đã hơn bẩy tháng. Mười hai ngày trước khi bị đem đi xử, Cha Tịnh viết một lá thư thăm hỏi và khuyên bảo các thầy giáo và học trò. Cha lấy lời Đức Mẹ trong kinh Ngợi Khen mà ca tụng Chúa rồi xin mọi người cầu nguyện. Cha viết:

Rầy cha đã vào chốn chiến trường thì phải nhờ đến chúng con hỗ trợ, cha xin chúng con lấy lòng sốt sắng cầu xin Chúa làm cho trọn việc Người đã cho phép xảy ra, là dùng cha mà xưng đạo thánh trước mặt thiên hạ và đổ máu ra vì Người...” Tiếp theo cha lấy sự tích các tông đồ đi thuyền qua hồ với Chúa nhưng Chúa ngủ khi hồ nổi sóng, và khi Chúa giơ tay thì sóng gió im ngay: “Cũng vậy bây giờ những người có đạo phải bắt bớ chịu nhiều sự khốn khó dường như Chúa Giêsu đang ngủ vậy. Chẳng bao lâu Người sẽ chỗi dậy cứu chúng ta và làm cho những sự khốn khó trở nên sự tốt lành, sự lo buồn thành niềm vui sướng. Đức Chúa Trời khôn ngoan vô cùng, từ bi nhân lành có ý để cho ta chịu sự khó để thử xem ta có thật lòng kính mến Người không... Người là cha sửa dậy con cái cho con cái được ích chứ không để con cái phải thiệt. Vì phúc tử đạo là ơn Chúa ban cho những ai có lòng mong ước, có lòng khiêm nhường thanh sạch, ai có lòng ao ước thì cũng đẹp lòng Chúa.”

Cha Tịnh còn dùng hình ảnh thành Giêrusalem có mười hai cửa để khuyên bảo họ dù không vào được cửa đỏ là tử đạo thì cũng phải gia công gắng sức vào cho được qua mười một cửa khác, vì vào cửa nào cũng được xem thấy mặt Đức Chúa Trời. Cha Tịnh viết tiếp: “Về việc cha rơi vào tay kẻ dữ không phải là tình cờ, nhưng là do thánh ý Chúa đã định nên cha hằng tạ ơn Chúa và xin Người che chở các giám mục, linh mục, các người nhà Chúa và chúng con được bằng yên, được tập tành nhân đức, được nên lành nên thánh mỗi ngày một hơn, cho đạo thánh Chúa được thịnh đạt trong địa phận, được sáng ra và được thêm đông số càng ngày càng nhiều...”

Sau 38 ngày ở trong tù, án của bộ ra tới tỉnh lúc sáng sớm. Quan thượng mở xem thấy vua không y án mà bắt phải xử tử ngay lập tức, quan liền mời Cha Tịnh đến để báo cho người biết và hỏi lần sau cùng xem cha có quá khóa không. Cha hiên ngang thưa: “Đội ơn quan lớn vốn có lòng thương, nhưng xác tôi hèn xin quan lớn làm tội mặc sức, tôi bằng lòng, còn linh hồn trọng lắm, tôi không thể liều mất linh hồn cho vừa lòng đức hoàng đế được. Đạo Thiên Chúa là đạo thật, tôi mến, tôi giữ từ nhỏ dù có chết cũng không bỏ được”.

Chín giờ sáng hôm 6-4-1857 quan đến đem người đi xử. Cha Tịnh mặc áo dài thâm như khi đi làm lễ, chân xỏ dép thản nhiên đi giã biệt các bạn tù và lính canh. Quan quân đến đem người đi xử rất đông, có tới 200 người với hai ngựa và một thớt voi. Cha Tịnh vui vẻ tay cầm sách đi ra pháp trường Bẩy Mẫu. Có đông người đến xem, cha khuyên họ ở lại bằng yên và chịu khó giữ đạo đừng sợ chết. Tới pháp trường cha còn lớn tiếng nói cho mọi người nghe: “Đạo Thiên Chúa là đạo thật, dù mà vua quan bắt bớ và cố tình phá hủy thì cũng chẳng phá được, đạo vốn còn mà về sau sẽ thấy người ta càng đi đạo nhiều hơn khi trước. Nay tôi phải xử vì tôi giữ đạo chứ chẳng phải vì trộm cướp hay có tội gì khác”.

Lời của người thông thái can trường hiểu biết về đạo như một lời tiên tri còn vang vọng cho tới muôn thế hệ con dân Việt Nam.

Xác Cha Tịnh sau khi bị chém rồi được đem về an táng tại nhà thờ làng Vĩnh Trị. Đoàn người tới Vĩnh Trị vào buổi tối, có Cha Kỳ và hơn 40 người rước vào nền nhà thờ Thánh Phêrô, vì các quan đã ra lệnh rỡ nhà thờ hơn một tháng rồi. Cha Kỳ mở quan tài cho mọi người xem mặt lần cuối cùng. Vết chém lên rất cao, vạc cả vào hàm răng của người. Xác cha thánh được chôn ở gian thứ tư, vì các gian trước đã chôn cố Hương (Bonnard) và Cha Hưởng. Năm ấy Cha Tịnh được 67 tuổi.

ST