Chúa Nhật Tuần Này: Lễ Lá Của Người Công Giáo (Palm Sunday!)
Ý Nghĩa Ngày Lễ Lá
Là ngày đánh dấu kỷ niệm sự kiện quan trọng, Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, trước khi Ngài chịu khổ hình. Ngày Lễ Lá thường rơi vào Chủ Nhật, trước Lễ Phục Sinh khoảng 1 tuần.
Nên Chủ Nhật tuần sau, là Mừng Đại Lễ Phục Sinh! (Easter Sunday!)
Theo Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cưỡi một con lừa để đi vào thành Thánh. Khi đó đám đông người ùa ra đón mừng, đã cởi áo choàng mình và trải xuống đất, cho con lừa Ngài cưỡi, bước lên trên đi qua, như hình thức đón chào, tung hô như một vị Vua! Họ vẫy những cành “lá cọ” trên tay, thay cờ quạt đón mừng. Những người chào đón, đồng thanh hát vang: “Phúc thay cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” và “Xin Chúa ban phước lành cho chúng tôi!”
Theo như truyền thống của người Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật tượng trưng cho niềm vui. Còn biểu tượng con lừa theo truyền thống phương Đông, chính là con vật tượng trưng cho hòa bình. So với ngựa là con vật tượng trưng cho chiến tranh. Khi một vị vua cưỡi ngựa đi chiến đấu, có nghĩa là ông đang muốn chiến tranh. Còn nếu vua cưỡi lừa, thì tức là ông muốn đến mang hòa bình! Theo đó, việc Chúa Giêsu cưỡi lừa tới thành Giêrusalem, trở thành biểu tượng của vị Vua mang đến hòa bình cho con người “Bình an dưới thế, cho người thiện tâm!”
Đón mừng tưng bừng như thế, nhưng vài ngày sau, thì họ lại đóng đinh, giết Ngài!
Người Công Giáo Làm Gì Trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá?
Theo truyền thống, thì việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, sẽ được cử hành bằng cuộc rước trọng thể. Đầu tiên, vị Linh Mục Chủ Tế sẽ làm phép lá trước, sau đó mọi người sẽ được phân phát những cành lá này. Tiếp theo, cộng đoàn cùng nhau rước kiệu, diễn hành với lá cọ trên tay. Nghi thức này, nhắc lại cảnh chào mừng Chúa Giêsu khi tiến vào thành, hơn hai ngàn năm trước.
Trong ngày lễ này, giáo dân thường dùng lá cọ để thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên, ở các vùng miền khác nhau, có thể không có lá cọ, hoặc khó tìm được. Nên mọi người thường thay thế bằng những cành cây thủy tùng, cây liễu và ở Việt Nam, đa số các nhà thờ đều sử dụng Lá Dừa.
Sau khi được làm phép và phân phát cho giáo dân, những cành lá này sẽ được giữ lại trong nhà, để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi cành lá khô héo, thì mọi người có thể đem đến cho các cha xứ, nhà xứ, để đốt thành tro bôi trên trán (trên đầu) cho ngày Thứ Tư Lễ Tro, vào năm tiếp theo.
Cả tuần tới, là một trong những tuần lễ quan trọng nhất với Người Công Giáo, tưởng niệm cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế và Mừng Chúa Phục Sinh!
Thông Điệp Tình Yêu Thiên Chúa Qua Cuộc Tử Nạn Chết Cho Con Người!
Ngài Là Vua Của Tình Yêu Thương Nhân Loại, Qua Những Lời Nhắn:
- Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống.
- Tình yêu cao cả nhất, là kẻ dám chết cho người mình yêu!
- Chúa đã chết cho bạn, cho tôi, nhưng cái chết của Ngài không vô ích. Nhờ đó mà chúng ta được cứu rỗi.
- Ngài chết, để cho chúng ta được sống và sống trong tràn đầy ân sủng yêu thương (x. Ga 10, 10).
- Nếu Chúa không chết cho con người, thì chúng ta không bao giờ được cứu độ.
- Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng biếu cho nó lấy áo trong (Lc 6:29).
- Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện, cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5:44).
- Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất! Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ được sự sống đời đời (Ga 12:25).
- Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng là môn đệ của Thầy (Mt 10:38).
Lời cầu nguyện:
- Đường thập giá đầy gian nan và nguy hiểm, nhưng đó là con đường đáng để chúng ta bước đi, để được sống đời đời.
- Cảm tạ Chúa vì sự hy sinh cao cả của Ngài, đội ơn Ngài vì sự hiến thân cao cả dường ấy.
- Hãy bám chặt vào Chúa Giêsu và bước theo Ngài! Ngài là đường, là ánh sáng, là sự sống, ai tin Ta, thì sẽ được sống muôn đời!
- Chúa đã chết, để cho con người được sống. Vậy phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của Ngài.
- Lạy Chúa, Chúa đã dùng cái chết để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa, ngõ hầu sự sống của Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng con. Nguyện theo lời Ngài: “Yêu thương tha nhân như chính mình!” Amen.
ST