18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 12)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 12)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 8)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 14)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 27)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 27)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 24)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM TỰ DO

06 Tháng Năm 20225:18 SA(Xem: 264)

bieton1CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM TỰ DO
https://www.ican2.org/con-ng-tm-kim-t-do-nguyn-quyn

Một sáng tháng Tư năm 1980, 5 năm sau tháng Tư định mệnh gãy súng năm 1975, tình cờ tôi gặp lại anh CBT, người đàn anh trong quân trường. Anh vừa trốn trại tù kêu án 15 năm, vì tổ chức vượt biên khi bắt có súng. Chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau đó anh cùng tôi tạm trú lậu tại nhà người chị nuôi THNB của tôi, cùng nhau bàn tìm cách đi thôi vì không thể ở được với chính quyền tàn ác, dã man này. Kế hoạch vượt biên hình thành, sau gần 6 tháng ròng rã tìm người, tìm khách, tìm tàu, tìm bến bãi, mua dầu… Giờ thì đâu đã vào đó,chỉ đợi giờ G.

Tháng Chạp năm 1980 trời yên biển lặng. Anh CBT chạy ghe taxi tới chỗ ghe tôi neo đậu ngoài sông lớn. Anh lên đứng trên mui ghe và nói vài câu trấn an anh chị em thuyền nhân, cám ơn mọi người đã đồng lòng cùng nhau đi tìm con đường sống. Anh cầm 2 chai rượu NAPOLEON trên tay và tuyên bố khi ra tới cửa biển thì sẽ khui rượu ăn mừng.

Anh ghé tai tôi nói nhỏ, bảo tôi lục soát túi mọi người xem có súng thì tịch thu, phòng hờ vì trong số khách có 2 đứa con bác sĩ và công an, tôi chưng hửng vài phút, nhưng rồi cũng làm tròn phận sự.

Sau 13 ngày nằm chờ trên ghe, giờ được anh phất cờ, mọi người nhìn anh như là vị anh hùng, như được thoát gông cùm, hoan hỉ lớn tiếng hoan hô anh, hoan hô nhau. Cũng may ngoài sông lớn không có ai nghe.

Anh xuống ghe đi vào, không quên giơ tay chào hẹn tối gặp. Lúc 4:30 chiều tôi ra lệnh nhổ neo. Chạy chừng hơn nửa tiếng thì gặp chiếc ghe thứ hai lúc trời sập tối. Tôi cho neo đậu lại nấu cơm ăn no sẵn sàng, đợi tối hẳn lên đường. Đang ăn có người báo thấy chiếc ghe nhỏ đi về phía mình. Ai ai cũng nhìn nhưng xa quá không thấy rõ, chừng thấy được thì hỡi ơi, trên ghe có 4 người mặc đồ dân phòng. Một cây súng hướng về tàu chúng tôi kêu đứng lại. Tôi lật đật kêu tài công quay máy chạy. Ghe kia nổ máy chạy được, còn tài công của ghe tôi run run quay máy không nổ, và tàu kia chạy tới cột vào tàu.

Tôi tính nhanh trong đầu là sẽ phóng vào tên cầm súng xô té xuống sông là xong. Tôi quay qua nói nhỏ với nhóm trai trẻ trong ghe, dặn họ khi nào nghe tiếng hét của tôi thì xông lên thành ghe tiếp sức. Nhìn khuôn mặt anh em rất cương quyết tôi thấy an tâm.

Tôi nói chuyện và dụ nó tới vừa tầm phóng. Lúc trước tôi học JUDO từng phóng qua 10 người mà, thì trên cao nầy sẽ phóng dễ như ăn cháo mà thôi. Không hiểu sao, có thể do tôi tự tin quá nên nó đề phòng, nó dãn giây dài ra và lần về phía sau tay lái, tôi cũng lần theo cúi đầu vào ô cửa sổ thông báo cho nhóm trai trẻ biết, dặn họ đổi chỗ về phía sau và khi nghe tiếng hét thì tiếp ứng. Anh em gật đầu. Nhưng khi ra phía sau thì tụi nó dãn dây càng xa, tôi không thực hiện được ý đồ nữa, tôi bèn đổi chiến thuật qua thương lượng:

- Các anh ở được thì ở, chúng tôi không ở được thì chúng tôi đi. Bây giờ còn ít tiền VN biếu các anh lấy để xài, rồi cho chúng tôi đi tìm Tự Do.

Bà con ở trong khoang tàu không thấy gì nên rất sợ, nghe tôi nói như vậy họ tự động đưa tiền, vòng vàng ra ô cửa sổ nhỏ. Thu chiến lợi phẩm xong họ bỏ đi. Đúng giờ 8 giờ tối, tôi kêu anh tài công chạy tới điểm hẹn cùng nhau lên tàu lớn để ra cửa biển. Từ sông lớn chạy một hồi tôi thấy mờ mờ phía bên phải có hàng cây và nhà cửa, cảnh vật yên lắng. Anh Sáu Bỉnh lính Không Quân người cao lớn, râu quai nón đẹp trai xin được lên ngồi với tôi. Tôi đồng ý vì bây giờ không cần phải bảo vệ bí mật nữa. Số là trong 13 ngày qua, sợ bị lộ nên gần năm chục người phải ngồi dưới gầm tàu, chật chội, khó chịu vì hơi người, chỉ mình tôi và anh tài công ở trên chổ lái tàu mà thôi.

Giờ nầy trên bon tàu có 3 người, hỏi han nhau vài câu chuyện nên biết anh là dân Lăng Cha Cả. Chuyện đang rôm rã thì anh phát hiện ở xa phía bên phải có chiếc tàu lớn đang tiến về phía mình. Chúng tôi 3 anh em đều cố gắng nhìn và hỏi nhau có phải tàu lớn của mình không?

Tôi cố gắng nhìn. Khi mờ mờ thấy được mờ mờ thân tàu to lớn thì tôi biết nguy to. Đây không phải tàu của mình; con tàu nầy to gấp 3, gấp 4 lận. Tôi biết rõ vì chính tôi là người đi xem tàu và chỉ cho họ làm thêm hay bỏ bớt những gì cho thuận tiện. Tôi phân vân không dám nói, sợ anh em hết hồn, mất bình tĩnh. Lúc này, nếu nghĩ cho mình thì tôi chỉ việc đeo be sườn tàu rồi buông tay, sau đó bơi vào bờ là thoát vì lúc đó trời tối đen như mực không còn ai thấy ai. Tuy nhiên vì lý tưởng không bỏ anh em, không bỏ bè bạn, vì bà con họ tin tưởng dân Võ Bị chúng tôi nên mới đi theo, tôi nghĩ mình sẽ cố gắng thương lượng như lần vừa rồi. Ai dè tàu cập sát là họ thòng dây qua cột, họ nhảy qua, mặc đồ lính hơi rượu nồng nặc, miệng thì hô lớn kêu chúng tôi đi qua, tay thì kéo lôi lềnh xệch bà con, không cho tôi nói lời nào. Té ra là tàu quân đội, vừa ăn mừng lễ quân đội nhân dân 22/12 xong, đi tuần và gặp chúng tôi. Thật là xui xẻo!

Họ đem chúng tôi về nhốt vào nhà lao, những căn phòng 20 mét vuông mà nhốt hơn 50 người. Tối ngủ mọi người nằm xếp nghiêng lên nhau mới đủ chỗ. Góc trong cùng để cái xô nhựa, tiêu, tiểu trong đó, nên ai nằm gần thì phải chịu mùi hôi thúi vô cùng. Khu này ưu tiên cho người mới vào như chúng tôi.

Ở đây có chuyện hơi vui mà tôi còn nhớ. Khi tôi vừa bước vào qua 3 cây gỗ dùng làm cửa thì thấy một anh hơi mập, da đen ở trần, mình đầy sẹo, tay phải cầm khúc cây dá dá vào tôi miệng la lớn bảo tôi quỳ xuống. Tôi liếc thấy hai đứa em (một bác sĩ, một công an mà tôi nói ở trên) đang quỳ.

Thấy tôi đang chần chừ, tay dao búa kia liền bảo tôi quỳ xuống và đưa tay lên thề:”TỪ NAY TÔI KHÔNG ĐI VƯỢT BIÊN NỮA”.

Tôi nghe tới đây tự nhiên nổi cơn điên, tôi liền đứng tấn thế võ tự vệ, rùn chân xuống, nhìn thẳng vào mặt nó la lớn “Tao chấp mày cây côn đó, nhào vô đi!”. Vừa nói, tôi vừa dợm chân tính đá vào hạ bộ của nó. Có thể nó thấy tôi dữ tợn quá hay sao, nó bèn dịu xuống, bỏ cây và bước tới vỗ vai tôi nói:
- Giỡn chơi chút xíu, có chi mà ông anh dữ vậy,

- Tôi không thể thề được, vì sau nầy tôi có dịp lại đi vượt biên nữa thì làm sao.

- Thôi ông anh bỏ qua.


Được dịp, tôi nói với hắn cho hai thằng em đứng lên luôn. Nhờ vậy mà tối đó nó xếp tôi nằm gần cửa ra vào, gió thổi vào trong nên tôi không nghe mùi hôi thúi. Té ra anh ta là người phụ trách kỷ luật trong phòng, một ma cũ có thớ.


Những người bị nhốt thì ban ngày đi làm, chiều về tắm cái ao vịt, xong vào phòng. Dịp nầy có một nghệ sĩ cải lương TT cũng bị bắt nhốt cách đó khoảng 3 phòng. Đêm đêm chúng tôi gõ từ phòng nầy chuyền tin tới phòng của ông ấy, yêu cầu ca vọng cổ. Chúng tôi được nghe những bài ca vọng cổ miễn phí thật tuyệt vời, nhờ thế mà cũng vơi đi phần nào cay đắng mùi đời, mùi tù. Chừng một tháng thì họ cho phụ nữ, trẻ con đi về. Vợ con tôi cũng về dịp đó.

Hôm sau 7:30 sáng họ đưa đàn ông qua Cồn để lao động và quản lý.

Khoảng 150 thuyền nhân đi hai ghe, mỗi ghe có 2 tên bò vàng giám sát. Ban đầu thì nó bảo tài công (cũng là tù nhân) chạy giữa dòng sông, chừng 45 phút thấy an toàn nó bảo chạy gần vào bờ, cách bờ khoảng 20-25 mét. Tôi thấy mình có thể lặn vào bờ được để tìm con đường sống. Tôi tự động bỏ áo vào quần cho gọn. Biết tôi sắp tìm đường thoát anh. TPH khóa đàn em lấy giấy tờ cột vào bịch nilon gửi gắm nhờ tôi về ghé quán phở của vợ để báo tin. Tôi nhận lời, nhét bịch nilon vào túi quần sau cài hột nút cẩn thận. Quan sát thấy hai thằng bò vàng đang nhìn về phía trước, tôi lặng lẽ nằm xấp theo bờ ghe thả chân xuống và lặn sâu xuống. Ai dè mình tính không bằng trời tính. Có hai thằng bắt chước tôi, nhưng tụi nó không lặn sâu như tôi mà lại bơi, gây tiếng động. Tụi bò vàng quay đầu lại và thấy liền vì tàu không có vòm che.

Thế là trời rầm đất sập, nó bắn súng hăm dọa, kêu tài công quay đầu tàu lại. Không biết anh tài công có giúp hay không mà tôi thấy anh quay tàu khó khăn, chậm chạp, bị bọn công an hăm bắn bỏ quá chừng. Ban đầu tôi tính lặn từ gốc cây nầy qua gốc khác, nhưng sau nghĩ lại nó đã thấy mình rồi, không khéo nó bắn vào thì tiêu.

Tôi bèn lên bờ và chạy, sau lưng thì súng bắn tới tấp. Khi gặp một bà chừng hơn 52 tuổi, tôi nói lớn sợ họ tưởng mình ăn trôm thì chết “tôi vượt biên, xin giúp chỉ chỗ cho tôi trốn.” Bà ta lắc đầu. Tôi nghĩ thôi chết, gặp làng “xôi đậu” rồi (ngày VN đêm thì VC). Tôi tiếp tục chạy, lại gặp người đàn ông cũng chừng năm mươi mấy tuổi. Tôi cũng cho biết là tôi vượt biên và xin giúp đỡ. Nhưng đối với họ từ “vượt biên” quá xa lạ, và người đàn ông đó cũng lắc đầu. Quá thất vọng tôi cứ cắm đầu cắm cổ mà chạy, chạy càng xa càng tốt, hy vọng có cơ hội để trốn thoát.

Ai dè con đường đó đưa tôi tới đường cùng. Qua khỏi làng một đoạn thì gặp cánh đồng bao la, đã gặt hết lúa lại có một toán trẻ con chăn trâu, đứa lớn nhất chừng 12,13 tuổi. Tôi bật thốt “thôi rồi trời không thương ta!”, vì tôi trốn bất cứ ở đâu thì toán chăn trâu vẫn thấy, đành ngẩng mặt lên trời mà than thân trách phận, rồi quyết định không chạy nữa, đứng chờ bị bắt và hẹn với định mệnh rằng tôi sẽ chờ một dịp may cơ hội khác.

Cả gần 10 phút sau hai bò vàng chạy tới. Chúng thở dốc, miệng chửi thề, dí mũi súng vào chân tôi mà bắn, miệng vẫn chửi thề “Đ.M. mày chạy hả, cho mày chạy nè!!!” Tôi khụy chân xuống, mắt mở lớn ngạc nhiên vô cùng nhìn mặt thằng bắn mình. Cho tới giờ nầy tôi vẫn không hiểu vì sao nó bắn mình mà hãnh diện đến thế, tỏ ra anh hùng đến thế là cùng. Tôi vẫn nhớ rõ tên của hắn là NVBT.

Tôi bị bắn khoảng chừng 8.30 sáng. Trớ trêu thay người giúp tôi lại là đứa em ruột của tên bắn tôi. Đứa bé chăn trâu chứng kiến anh mình cầm súng dí vào chân, bắn một người dân không quen biết chạy nạn, đang đứng không chống cự. Thằng bé dùng khăn rằng caro cột chặc cho máu ngừng chảy. Tôi nằm trơ trọi một mình dưới những ánh mắt thơ ngây tội nghiệp của bầy trẻ. Chúng bỏ tôi nằm đó và khoảng 15 phút sau trở lại với hai anh tù thuyền nhân cao cấp để dìu tôi về thuyền. Không biết nó có ý hành tôi cho bỏ ghét hay sao mà hai người dìu tôi chiều cao chênh lệch làm tôi nhảy lò cò khó khăn và tê nhứt quá trời, đành cắn răng chịu trận. Xuống ghe, nó tiếp tục hành trình tới Cồn, bỏ tôi nằm đó với máu âm ỉ chảy mà tụi nó vẫn không thèm nhìn. Tôi nằm một mình dưới ánh nắng gắt buổi trưa, bụng thì đói, miệng khát nước, lòng thì rối bời mà không biết làm sao. Lần đầu tiên trong đời tôi không biết làm sao mà xoay xở để tự cứu mạng mình, thiệt là đau khổ.

Nhìn bóng in hình cột buồm tôi đoán chừng 1:30 chiều, tụi nó ra và bắt đầu chạy tàu về. Tàu tấp vào làng tôi bị bắn hồi sáng. Té ra đây là làng của thằng bắn tôi, cha mẹ nó nấu cháo vịt, giờ nó ghé ăn nhậu mừng công bắn được đứa vượt biên. Đây là công lao lớn. Đâu chừng 4:30 chiều họ ra và chở tôi về đồn, gần 6 giờ chiều thì tàu tấp vô chân cầu, và họ bỏ đó mà đi về đồn công an.

Thấy tôi vẫn còn chảy máu, dân ở chợ trông thấy la lên, tìm xe cút kít dùng chở mía để kéo tôi chở vào bệnh viện Huyện gần đó. Tôi được đo máu và kim đồng hồ chỉ số O. BS ra lệnh truyền máu. 12 giờ khuya ơn trời tôi còn nghe được lời hai cô y tá đề nghị với ông Bác Sĩ đưa tôi lên bệnh viện Tỉnh, không thôi rất nguy hiểm. Tôi cũng cám ơn ông bà cha mẹ tôi hiển linh khơi dậy lòng thương người của ông BS, khiến cho ông BS đồng ý và cho xe chở tôi lên bệnh viện Tỉnh.

Lên đây thì tôi mê man 3 đêm 4 ngày, được bà con cho hay cô Tươi nuôi người em gãy tay đã dùng những giây vải trắng cứu thương cột tay chân tôi vào thành giường,để cho tôi không cử động tay chân làm tuột những ống dẫn máu,dẫn nước biển,và dây thở oxy.

Mỗi lần tôi tỉnh lại thì nhóm bác sĩ, y tá lại kêu tôi ký tên để cưa chân. “Thế là hết!” tôi lại bất tỉnh, không biết bao nhiêu lần như vậy, cho tới một buổi sáng tôi vừa mở mắt thì thấy một người đàn ông y tá nhìn tôi và rồi anh ta tiến lại gần giới thiệu:

- Không biết anh là ai, làm gì, nhưng hành động ra đi tìm Tự Do của anh làm tôi khâm phục. Xin giới thiệu tôi là ĐPT, Y sĩ của VNCH, tôi được trưng dụng làm việc tại đây. Với tư cách là Y Sĩ tôi biết anh đang bị hủy tự hoại máu, nó sẽ lan truyền chạy vào tim, là hết cách cứu chữa, phải ngăn chận liền bằng cách tháo khớp. Anh sẽ là người tàn tật, nhưng quan trọng là anh còn sống, còn bạn bè, còn bà con và còn cơ hội để thực hiện lý tưởng tìm Tự Do của anh.

Bấy giờ tâm trí tôi đã bình thường, tôi nhắm mắt suy nghĩ về lời nói của anh ta một hồi, thấy đúng, mở mắt ra và gật đầu. Anh ta mừng vô cùng, chạy về phòng trực lấy hồ sơ đưa tôi ký. Tay tôi tay run rẩy không ký được, anh ta phải cầm tay tôi phụ ký. Sau đó anh tức tốc đẩy xe lăn, bồng tôi qua xe, đẩy vào phòng mỗ tức khắc, nhanh tới mức như nếu chậm một chút là tôi mất mạng hay sao đó.

Tiếng nói ồn ào trong phòng đánh thức tôi dậy. Cảm giác đầu tiên là nhận thức được mình còn sống. Đâu khoảng 2,3 giờ sáng gì đó. Nhìn quanh không có ai nằm cùng, đám đông ồn ào là thân nhân của người bị bò đá và họ không ai để ý tới tôi. Nhìn xuống thấy tấm ra trắng đắp ngang ngực, tò mò tôi đưa chân lên xem,thì hỡi ôi nhẹ hẫng bên trái, thế là hết… nước mắt từ từ lăn xuống gò má như một kịch sĩ chính cống đang thủ diễn màn bi kịch.

Tôi nằm yên như một xác chết, suy tư thật nhiều. Mà suy tư cái gì nữa? Tôi chỉ nhớ mang máng là lo nghĩ khi về lại nhà mình sống sao đây? Làm sao chăm lo bảo vệ cho vợ con đây? “Còn hai chân sống đã khó, huống chi bây giờ một chân thì sao hỡi trời!”

Không có lời giải đáp, cuối cùng tôi cũng đành liều THÔI KỆ NÓ!…Không còn sức để gọi ai đó giúp lấy nước trong người ra, tôi tự lực mò mẫm chống tay nghiêng người qua một bên đưa cái vòi ra…. tưới ướt sàn nhà. Tôi không biết bao lâu nhưng tôi cảm giác thoải mái. Những đau khổ, ấm ức, lo âu theo dòng nước tiểu tuôn trào xuống sàn nhà,… xong rồi thì không nghĩ tới nữa.

Con người tôi thu nhỏ lại như đứa trẻ nằm thọt lõm khiến cho vợ và người chị nuôi xuống thăm vào tìm đi qua lại chổ tôi nằm 7 lần vẫn không nhận ra. Tại phòng hồi sức một hôm tôi bị sốc nước biển hay máu gì đó, người tôi tím ngắt, chị nuôi tôi xanh mặt, cuống cuồng báo y tá. Chị chạy đi mua bình 5 xị nước sôi đưa tôi ôm cho ấm, nóng quá bị phỏng cổ tay mà tôi nào hay biết, giờ mỗi lần nhìn vết sẹo nhớ chị vô cùng, thương chị vô cùng. Mà không thương kính chị sao được, khi vào dịp tết mà chị không có đồ ăn ngon, không mặc áo đẹp thướt tha với mọi người, lại ngồi ở đầu giường của tôi với nỗi lo âu sống chết của thằng em. Trong cảm giác mơ màng, tôi nghe tiếng cắt cục, cắt cục đâu đó. Mở mắt tra mới biết là chị đang ăn đậu phụng da cá,

- “Tiền ở đâu có mà chị mua vậy?

- Chị bán máu!!!

Tôi lại nhắm mắt và nước mắt lại tuôn tràn. Ôi tội cho chị tôi quá. Hai ngày nay hết tiền. Có anh bạn thân đi Kinh Tế Mới vào Nam có chiếc ghe chèo tay, mua trái cây như chuối, đu đủ, dừa đem ra chợ bán, kiếm lời nuôi gia đình. Thường một tuần anh ghé thăm và đưa tiền, hôm nay trễ hai ngày rồi mà sao anh chưa tới. Tôi rất lo cho anh.

Thấm thoát tôi đã ở bệnh viện cả tháng trời, vết thương cũng đã gần lành hẳn, chỉ còn một vết cột chỉ chưa kéo da non. Thấy chị nuôi cực khổ quá, tôi đề nghị bác sĩ cho tôi xuất viện. Bác sĩ hỏi:

- Anh về đâu?

- Tôi về nhà tôi chớ đâu.

- Để tôi hỏi công an đã.

Tưởng ông nóí chơi, ai dè ông làm thiệt. Hôm sau tôi đợi giấy xuất viện thì thấy hai con bò vàng tới, trình giấy tờ phòng trực nói là lên áp tải đưa tôi về trại giam. Họ đi ăn cơm trưa, hẹn đầu giờ chiều vô làm việc. Thực ra chuyện bỏ trốn tôi không bao giờ nghĩ tới, vì mình cụt chân, tàn tật rồi mà, ai mà cần mình, ai mà chịu giúp mình? Tôi đã là một phế nhân rồi, họ cần chi phải tiếp tục làm khó tôi? Lầm to, tôi lầm to! Cô y tá trực hớt ha hớt hải qua báo và chị nuôi tôi lại một lần nữa mặt tái xanh, run bần bật.

Tôi cầm tay cho chị bớt run, trong đầu lên kế hoạch bỏ trốn khi người anh tới. Giây phút chờ đợi vô cùng căng thẳng và lâu như cả thế kỷ, nhưng tôi nói chị cứ bình tỉnh kẻo cô tình báo viên (tbv) biết (công an đã cài một chị tình báo viên theo dõi tôi trong phòng). Món nợ ân tình từ các bác sĩ, y tá, thân nhân nuôi bệnh trong phòng Ngoại Khoa nầy thật lớn và ấm áp với tôi. Họ tận tụy lo cho tôi, hỏi thăm tôi và động viên tinh thần tôi. Họ nói không biết nhờ đâu mà tôi sống được khi máu trong người không còn, mê man bốn ngày đêm.

Tôi nhờ người anh nấu nồi cháo vịt mời mọi người ăn bát cháo để cám ơn, có ngờ đâu hai con bò vàng lại tới phá đám. Anh bạn thân vừa tới, tôi nói phải trốn vì sẽ có hai công an tới đưa tôi về trại giam. Anh nói để anh cõng tôi. Rất may em S vừa đến. Em S nuôi đứa bạn có bàn tay bị máy cuốn, rất muốn đẩy tôi ra ngoài xem TV hay uống cà phê, vì em rất thích nghe tôi nói chuyện tiếu lâm, nhưng tôi chưa bao giờ nhận lời vì tôi vẫn chưa ngồi dậy được.

Thấy em tự dưng tôi nảy sinh một ý định trong đầu. Tôi liền nhờ em phụ với người anh kè hai bên dìu tôi đi uống cà phê. Đúng vào tim đen cu cậu, nên em S đồng ý ngay. Tôi nói nhỏ với chị nuôi, dặn chị cứ bình tĩnh khi tôi đi một hồi rồi thì chị nhẹ nhàng thu gọn những đồ dùng cần thiết và đi theo, mà đừng đem theo nhiều sợ bị lộ.

Tôi định bụng nếu các tên bảo vệ hỏi đi đâu, thì tôi sẽ trả lời xin phép ra ngoài uống cà phê, nhưng được ơn trên che chở hay sao tôi nhìn vô thấy tên bảo vệ ngồi xoay lưng ra ngoài đang say sưa đọc, không biết đọc gì hay là cô gái đồ long…Do quí mến muốn tôi uống cà phê mà em S đồng ý lên ngồi chung xe, và được chở tới bến cầu để xuống ghe. Thế là tôi thoát.

Khi về lại nhà chỉ còn một chân, tôi đã trải qua những tháng ngày thật khổ cực ở Việt Nam. Đã nhiều lúc tôi nản lòng muốn buông xuôi. Nhưng khi nghĩ đến ân tình của các bác sĩ, y tá trong nhà thương, của chị nuôi, ông anh, của đám trẻ chăn trâu năm ấy, của tất cả mọi người đã khuyến khích tôi giữ vững ý chí đi tìm tự do, thì tôi lại vực mình lên. Vì họ, vì niềm tin và lòng mong muốn được sống tự do của họ gửi gắm nơi tôi, tôi không thể buông tay đầu hàng với cuộc sống. Ba năm sau, tôi lại tổ chức đi vượt biên, lại thất bại, rồi lại bị tù hơn 9 tháng lần nữa. Về lại nhà, tôi chọn nghề khắc đồ gốm làm kế sinh nhai. Tuy vậy, hoài bão tìm tự do trong tôi vẫn nung nấu không nguôi.

40 năm đã qua. Tôi vẫn luôn nhớ đến em S và tất cả những người đã đi qua đời tôi, giúp đỡ tôi có được can đảm và nghị lực vượt qua những sự uất ức, niềm đau và nỗi mất mát để mà phấn chấn vươn lên. Hôm nay ngồi đây nơi xứ đẹp tình nồng có tên gọi Thung Lũng Hoa Vàng, thụ hưởng xã hội Tự Do Dân Chủ, tôi muốn ghi lại câu chuyện đời mình đầy dẫy những phong ba bão táp, đắng cay, uất hận nhưng cũng tràn ngập niềm tin, chí phấn đấu, tâm buông xả với những bài học cho mình, cho người, cho đời.

Tôi muốn viết lại câu chuyện đời mình để con cháu có dịp đọc để biết sự thật về xã hội và chặng đường chông gai mà cha ông chúng đã đi qua. Còn tôi, tôi xem câu chuyện đời mình như chuyện Tái Ông Thất Mã, chấp nhận buông xả những uất hận trong đời trôi theo dòng nước tiểu năm nào ở bệnh viện. Tôi luôn tâm niệm “trong cái rủi có cái may” và mình làm mình chịu, không oán trách ai, cũng không oán trách số phận. Nhờ vậy mà tinh thần tôi vui tươi, mạnh dạn đứng lên trên một chân, làm lại cuộc đời, đoàn tụ với vợ con để sống hạnh phúc quảng đời còn lại.

Cũng xin cám ơn những người đã hỗ trợ, động viên tinh thần tôi nhất là anh ĐPT đã khuyên tôi nên cưa chân để đi tìm đường sống trong ngõ cụt. Cám ơn các bác sĩ, y tá trong phòng Ngoại Khoa năm nào đã chăm sóc tôi với tất cả tấm lòng và lương tâm nghề nghiệp. Nhờ vậy mà tôi còn sống tới hôm nay để hưởng chút hơi hám Tự Do. Xin chân thành tạ ơn em S đã vô tình giúp tôi trốn thoát, anh bạn thân và chị nuôi HTBN đã hết lòng lo lắng cho tôi, và còn rất nhiều người trong cuộc đời của tôi đã luôn ủng hộ tôi vươn lên. Tất cả mọi người đều là ân nhân của tôi, là anh hùng trong đời, là những gương sáng về tình nhân loại và lòng bác ái.

Hôm nay tôi viết bài này chỉ mong góp câu chuyện nhỏ của tôi vào kho tàng “lịch sử ngàn người viết” của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Với tất cả lòng chân thành, kính gửi đến gia đình và bạn bè tôi cùng tất cả các vị ân nhân trong đời tôi hai chữ TẠ ƠN.

Nguyễn Đ. Quyền