TỘI LỖI CÓ THỂ LÀM ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU THÊM SÂU ĐẬM
Con có yêu mến Thầy không?”
Joséphine, một phụ nữ xinh đẹp mà Napoléon say đắm. Năm 1795, hai người phải lòng nhau; tháng 3 năm sau, họ thành hôn! Napoléon đắm đuối trong cuộc tình; nhưng xem ra, Joséphine chẳng mấy rung cảm với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Phải chăng, chỉ vì quyền lực và địa vị! Ngay sau đám cưới, Napoléon viễn chinh Italy; Joséphine gần như công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, là Trung Uý Hippolyte Charles. Vậy mà năm 1804, tức 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, Joséphine được triệu vào cung, được phong tước “Hoàng Hậu.” Câu hỏi đặt ra, tại sao một phụ nữ phản bội đến thế lại được đón nhận như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Một học giả chuyên về Napoléon nói, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu cũng quên hết quá khứ của Phêrô. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài hỏi Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?” Ngài hỏi đến ba lần! Hẳn Chúa Giêsu không cần Phêrô xin lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ba lần. Như vậy, thông điệp Lời Chúa thật rõ ràng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”
“Ba” cũng là con số của sự hoàn hảo. Ví dụ, khi tuyên xưng Thiên Chúa là “Thánh, Thánh, Thánh,” biểu thức ba lần này nói lên rằng, Thiên Chúa là Đấng Thánh Khiết nhất. Vì thế, khi trả lời Chúa Giêsu ba lần, “Con yêu mến Thầy,” Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo những cách sâu xa nhất; ba lần bày tỏ tình yêu thay cho ba lần từ chối tình yêu! Điều này tiết lộ một nhu cầu của chúng ta là phải yêu mến Thiên Chúa và tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách “gấp ba lần.” Hãy để Chúa Giêsu hỏi chúng ta ‘ba lần với một câu hỏi;’ và biết rằng, Ngài không hài lòng với câu trả lời giản đơn, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.” Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa! Ngài muốn chúng ta bày tỏ tình yêu một cách sâu sắc nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!” Đây phải là câu trả lời cuối cùng!
‘Ba lần với một câu hỏi’ cho chúng ta cơ hội biểu lộ lòng khát khao cháy bỏng của mình đối với lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều phạm tội; đều phủ nhận Thiên Chúa cách này, cách khác. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!” Ngài không ngồi và giận dỗi; Ngài không bĩu môi, cũng không viết tội của chúng ta trên trán mỗi người. Nhưng Ngài đòi chúng ta phải có một sự đau buồn chân thành và một sự hoán cải hoàn toàn từ trong trái tim, Ngài muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, chính Ngài đã hiến thân chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; tội lỗi và sự chết không có quyền trên Ngài; Ngài đã sống lại và vẫn sống! Trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, tù nhân Phaolô đã xác tín điều đó. Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”
Anh Chị em,
“Con có yêu mến Thầy không?” Hãy dành thời giờ, lặp đi lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của chính chúng ta đối với Chúa Giêsu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Ngài. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn đối với Thiên Chúa theo cách gấp ba lần. Hãy để nó trở nên sâu sắc, chân thành và không đổi thay. Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng gấp trăm lần. Đừng sợ vì sự bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa nào ai xứng đáng! Hãy đến với Chúa dù chúng ta có thế nào đi nữa, hãy đến kín múc ân sủng thứ tha của Ngài. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và Chúa cũng biết con yếu đuối thế nào. Xin biến đổi con, hầu con có thể dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!” Amen!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế