VƯƠN TỚI TẤT CẢ NHÂN LOẠI, TẤT CẢ TẠO VẬT
“Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”.
Mở đầu thông điệp về Thánh Thể, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhớ lại nhiều nơi mà ngài đã dâng Thánh Lễ; bắt đầu từ bàn thờ làng quê Niegowic, nhiệm sở đầu tiên của ngài, “Tôi đã cử hành Thánh Lễ trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, trong các sân vận động, trên công trường các thành phố. Những khung cảnh khác nhau ấy cho tôi cảm nhận mãnh liệt tính phổ quát của Bí Tích này, “tính vũ trụ!”. Đúng thế, vũ trụ! Vì dù được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê, Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Thánh Thể, mối dây nối kết trời đất, ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thử dừng lại chiều kích phổ quát của Bí Tích này, một Bí Tích mà qua đó, tình yêu thương tự làm cho cạn kiệt của Thiên Chúa thể hiện trong cái chết của Con Một Ngài. Qua hy tế tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa tỏ tình yêu thương con người hơn bao giờ hết, một tình yêu ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’.
Bài đọc Côrintô cống hiến một trình thuật sớm nhất của bữa Tiệc Ly; ở đó, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Phaolô viết, “Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”. Như vậy, mỗi lần nhà thờ Côrintô, Rôma; mỗi lần tại đây, nhà thờ của chúng ta, hay bất cứ nơi nào cử hành Thánh Thể, Kitô hữu công bố cái chết của Chúa Kitô, công bố tình yêu Ngài; rằng, Thiên Chúa yêu thương con người cho đến chết! Trong Phúc Âm Gioan, liên quan đến cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu nói, “Một khi được cất lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Đó là tình yêu của Ngài đối với tất cả những gì đang được cử hành trong mỗi Thánh Lễ, tình yêu đó đang bao phủ chúng ta. Theo ý nghĩa đó, đúng như lời vị thánh Giáo Hoàng, “Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới!”.
Đó là lý do tại sao Thánh Thể sẽ luôn thúc giục chúng ta nhìn ra cộng đồng; cụ thể, những người đang tụ họp để cử hành Bí Tích. Tại Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nghĩ đến và cầu nguyện cho toàn thể nhân loại, tất cả tạo vật; chúng ta nhớ đến Giáo Hội, nhớ đến người sống, kẻ chết; lời nguyện của chúng ta mang tính địa phương cũng như toàn cầu. Chúng ta không dâng Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng mang những đau khổ của toàn thể nhân loại và hành tinh này đặt chung vào bánh rượu khi cử hành; trong đó, chúng ta nhớ đến một thế giới đau khổ và tan vỡ. Cũng từ đó, chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt của Chúa, đôi mắt từ bi và xót thương. Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó khi các môn đệ xin Ngài giải tán hàng ngàn người đang vây quanh Ngài giữa đồng vắng; đang khi Ngài bảo, “Các con hãy cho họ ăn!”. Sau đó, chính Ngài đã làm phép lạ để họ no nê. Tình yêu đó đặc biệt thể hiện khi Ngài hiến mình trên thập giá!
Anh Chị em,
“Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”. Chúa Giêsu đã chết một lần duy nhất trên đồi Calvê, nhưng Máu Châu Báu của Ngài vẫn tiếp tục đổ ra rửa sạch tội lỗi nhân loại trên các bàn thờ. Do đó, mỗi lần tham dự Thánh Lễ và rước lấy Mình Thánh Ngài, chúng ta tái hiện cái chết cứu độ ấy. Khắp nơi trên hoàn vũ, ở đâu có Thánh Lễ, ở đó Thiên Chúa đang thể hiện lòng thương xót của Ngài. Và như thế, Mình Máu Chúa Kitô là mối dây nối kết trời đất, toàn thể vũ trụ và con người; qua đó, chúng ta trải nghiệm thế nào là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi cái chết của Con mình; rước lấy Mình Ngài, là rước lấy sự sống Thiên Chúa. Ước gì sự sống của Chúa Kitô biến đổi chúng ta nên giống Ngài; biết nhìn thế giới bằng ánh mắt và con tim của Ngài, hầu dám hy sinh như Ngài. Bí Tích Tình Yêu mời gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn, nhìn xa hơn chính mình, vượt ra ngoài gia đình, Giáo Xứ, Giáo Phận và ngay cả Giáo Hội. Và như thế, Thánh Lễ sẽ không chỉ diễn ra trong nhà thờ, nhưng kéo dài suốt cả ngày sống và cuộc sống của chúng ta; bởi lẽ, nó ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết sống Thánh Lễ mỗi ngày khi biết sống cho anh chị em con, không chỉ ở phạm vị nhỏ hẹp, nhưng còn ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)