Loan báo - làm chứng và nguyện cầu
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV Năm – C
(Lc 10, 1-12. 17-20)
Loan báo tin vui
Sứ mệnh của Giáo Hội là rao truyền Tin Mừng và niềm vui an ủi. Bài đọc I trích tư sách ngôn sứ Isaia nói tới niềm vui của sự an ủi. Ngôn sứ nói với một dân tộc đã trải qua một thời kỳ đen tối của kiếp lưu đầy, bị thử thách cam go, nhưng giờ đây đã tới thời ủi an cho Giêrusalem; sự buồn sầu và nỗi sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui (Is 66,10). Lý do là vì Chúa sẽ đổ tràn đầy trên Thành Thánh và dân cư của nó một "thác" của sự ủi an, tràn đầy ủi an, mốt thác của hiền dịu mẫu tử : "Các ngươi sẽ được bồng ẵm trên tay và được vuốt ve trên đầu gối. Như bà mẹ để con thơ trên đầu gối và vuốt ve nó, Thiên Chúa cũng sẽ làm như vậy với chúng ta" (Is 66,12-13).
Làm chứng
Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô khẳng định rằng: "Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!" (Gl 6,14). Và thánh nhân nói tới các dấu tích, nghĩa là các vết thương của Chúa Giêsu Bị Đóng Đanh như là dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống của người là Tông Đồ của Tin Mừng. Trong sử vụ của mình thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm khổ đau, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng sống kinh nghiệm niềm vui và sự an ủi. Đây là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: mầu chiệm của cái chết và sự sống lại. Chính việc để cho mình trở nên đồng hình dạng với cái chết của Chúa Giêsu khiến cho thánh Phaolô đã tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Chúa mà Phaolô đã làm chứng.
Ngày 06/01/2022, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022 với chủ đề: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy" (Cv 1,8). Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp : "Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của Đức Giêsu. Đây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội…Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là mục đích chính yếu mọi thành phần dân Chúa, cần phải đến gần với người nghèo, phục vụ họ, và thực hiện tất cả những điều này trong danh Đức Kitô với Thần Khí của Đức Kitô, vì Người chính là Tin Mừng của Thiên Chúa" (x. Sứ điệp truyền giáo 2022).
Mọi Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta thực hiện sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, vì được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô loan báo Tin Mừng "cho đến tận cùng trái đất". Chúng ta cũng nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn để làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa đã đến trong thế gian. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta hãy cầu nguyện.
Cầu nguyện
Tin Mừng hôn nay mô thuật lại Chúa Giêsu sai nhóm 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. COn số 72 được Sách Sáng Thế mô tả muốn nói tới các dân tộc khác nhau (x. St 10, 1-13). Nên khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít" (x. Lc 10,2), Người vạch ra một viễn tượng và đề nghị chúng ta cầu nguyện, tức là xin chủ mùa gặt sai thợ mang gặt lúa về (x. Lc 10,2). Đây là yếu tố để đảm bảo cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu đã không muốn hành động một mình. Người đến trong thế giới là để đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người và muốn phổ biến nó với kiểu cách của sự hiệp thông, của tình huynh đệ. Vì thế Người thành lập ngay một cộng đoàn môn đệ, một cộng đoàn truyền giáo với mục đích cấp bách là loan báo Tin Mừng.
Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa "chọn" và "sai đi". Chính Người tuyển chọn, chính Người sai đi, chính Người ban sứ mệnh. Vì thế cầu nguyện quan trọng. Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI đã ngỏ lời với Hồng Y đoàn vào ngày ngài thoái vị rằng : "Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta, những người được thánh hiến, chúng ra nghĩ rằng nó là của chúng ta, phải không? Chúng ta làm... cái gì đến trong trí... Nhưng mà Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa; cánh đồng trồng tỉa là của Người".
Như thế sứ mệnh truyền giáo là ơn thánh. Và nếu việc tông đồ là hoa trái của lời cầu nguyện, thì nó sẽ tìm thấy trong đó sức mạnh cho hoạt động của nó. Thật thế, sứ mệnh của chúng ta không phong phú, còn hơn thế nữa tắt lịm, chính trong lúc chúng ta ngưng việc kết nối với suối nguồn là chính Chúa. Đức Benedicto XVI nói rõ: "việc truyền giáo phải làm trên đầu gối". Vì thế, cầu nguyện là cần thiết. Chúng ta phải tay chắp gối quì mà xin ơn truyền giáo.
"Các con hãy đi". Lời Chúa Giêsu ngày hôm nay vẫn còn rất cấp bách. Xin cho con người hôm nay mau mắn đáp lại sự sai đi của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ