18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 23)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 20)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 15)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 19)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 33)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 34)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 28)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 58)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 56)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 56)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN https://www.youtube.com/watch?v=K7jcR9iRDeA&t=21s 5 Phút Lời Chúa Thứ Tư Tuần 23 TN C - YouTube

07 Tháng Chín 20222:39 CH(Xem: 348)

4-1ssLƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

https://www.youtube.com/watch?v=K7jcR9iRDeA&t=21s

5 Phút Lời Chúa Thứ Tư Tuần 23 TN C - YouTube

Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH
Tại Houston, Texas. Hoa KỳPhụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com

SỐNG LỜI CHÚA

LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

Ca nhập lễ : Tv 118,137.124

Lạy Chúa, Ngài quả là chính trực,

quyết định của Ngài thật công minh.

Với tôi tớ này, xin lấy tình thương mà đối xử.

Bài đọc 1 : 1 Cr 7,25-31

Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư ? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư ? Đừng lo kiếm vợ.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

25 Thưa anh em, về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người -nhờ Chúa thương- đáng được anh em tín nhiệm. 26 Vậy tôi nghĩ rằng : vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt. Phải, tôi nghĩ rằng đối với người ta, như thế là tốt. 27 Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư ? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư ? Đừng lo kiếm vợ. 28 Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó.

29 Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này : thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có ; 30 ai khóc lóc, hãy làm như không khóc ; ai vui mừng, như chẳng mừng vui ; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả ; 31 kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

Đáp ca : Tv 44,11-12.14-15.16-17 (Đ. c.11a)

Đ. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai.

11Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
12Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy : “Người là Chúa của bà.”

Đ. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai.

14Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,
15phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận.

Đ. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai.

16Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.
17Con cái ngài sẽ nối dòng tiên đế,
ngài phong làm vương bá khắp trần gian.

Đ. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai.

Tung hô Tin Mừng : Lc 6,23ab

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Lc 6,20-26

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

20 Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.

22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Ca hiệp lễ : Tv 41,2-3

Như nai rừng mong mỏi

tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong

được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,

là Chúa Trời hằng sống.

SUY NIỆM

TINH THẦN NƯỚC TRỜI

Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”

Sự nghèo khó mà Lời Chúa nhắc đến hôm nay là sự khó nghèo về tinh thần. Thật vậy, ta cần hiểu rằng, để được vào Nước Trời, không phải ta buộc tìm cách thành ra nghèo khó, nhưng là biết mặc lấy “tâm hồn nghèo khó”. Nghĩa là ta sẵn sàng đón nhận và mang lấy sự nghèo khó vì tinh thần yêu mến Thiên Chúa.

Mỗi ngày, ta đều có thể mặc lấy tinh thần nghèo khó để đi đến với những người ta sẽ gặp gỡ. Cụ thể, khi gặp những người nghèo đói thực sự, ta biết sẵn lòng chia sẻ sự giúp đỡ về vật chất. Đồng thời, ta cũng được mời gọi đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo đói đó, để thấu hiểu và đồng cảm hơn với họ. Hơn nữa, tinh thần nghèo khó ấy sẽ trở nên trọn hảo hơn, nếu ta biết mang lấy tinh thần nghèo khó ấy vì Đức Giêsu.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần nghèo khó vì Chúa, để mai sau chúng con được hưởng phúc thật trên Quê Trời. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Thánh Lễ Phong Chân phước Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I

Vào lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật 04/09/2022, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tại quảng trường thánh Phêrô. Hôm nay, mặc dù trời Roma mưa, các tín hữu đã đến quảng trường từ sớm và có khoảng 25.000 tín hữu hiện diện tham dự thánh lễ.

Sau khi hát ca nhập lễ, Đức Cha Renato Marangoni, Giám mục Giáo phận Belluno-Feltre cùng với các cáo thỉnh viên án phong chân phước, đến trước Đức Thánh Cha và xin ĐTC phong chân phước cho ĐGH Gioan Phaolô I.

Tiếp theo Đức Hồng Y Beniamino Stella trình bày tóm tắt tiểu sử của ĐGH Gioan Phaolô I.

Trước khi Đức Thánh Cha và cộng đoàn hát kinh Vinh Danh, ĐTC đã đọc công thức phong chân phước:

Chúng tôi, chấp thuận mong muốn của Giám mục Giáo phận Belluno-Feltre Renato Marangoni, cùng các anh em giám mục khác và các tín hữu; sau khi nhận được ý kiến từ Bộ Phong Thánh. Với thẩm quyền Tông đồ, chúng tôi công nhận và tuyên bố Đấng đáng kính Gioan Phaolô I từ nay được gọi là chân phước và được cử hành hàng năm tại các nơi chốn dựa theo những quy tắc được giáo luật thiết lập, vào ngày 26 tháng 8. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật XXIII Thường niên.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC nhấn mạnh 2 điều trong bài Tin Mừng: động lực đi theo Chúa Giêsu vì chính Người hay vì những động lực thế gian, và tránh lối sống đức tin nửa vời khi bước theo Người. ĐTC nói:

Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 14,25). Đi với Người có nghĩa là đi theo Người, tức là trở thành môn đệ của Người. Tuy nhiên, đối với những người này, Chúa Giêsu đưa ra những yêu cầu dường như không hấp dẫn và rất khắt khe: Ai đến với Người mà không yêu mến Người hơn những người thân thuộc, không vác thập giá mình, không từ bỏ của cải thế gian thì không thể trở thành môn đệ Người được (x.26- 27,33). Tại sao Đức Giê-su lại nói những lời này với đám đông? Đâu là ý nghĩa của những lời này? Chúng ta cùng trả lời cho những những câu hỏi này.

Trước hết, chúng ta thấy có rất nhiều người đi theo Chúa Giê-su. Họ được thu hút bởi những lời và những điều Chúa Giê-su đã làm; do đó, họ thấy nơi Chúa Giê-su một niềm hy vọng cho tương lai của họ.

Chúng ta có thể hỏi - một nhà lãnh đạo khôn lanh sẽ làm gì khi thấy rằng những lời nói và phong cách của mình đang thu hút đám đông và thêm nhiều người đồng thuận? Điều này vẫn diễn ra ngày nay: đặc biệt trong những thời điểm khủng hoảng cá nhân và xã hội, khi chúng ta dễ biểu lộ những cảm xúc tức giận hoặc sợ hãi về điều gì đó đang đe dọa tương lai chúng ta, hay chúng ta trở nên dễ bị tổn thương hơn; và như thế, giữa làn sóng cảm xúc, chúng ta thường đặt niềm tin vào những người, với sự khéo léo và khôn lanh, biết lách qua những tình huống này, bằng cách lợi dụng sự sợ hãi của xã hội và hứa trở thành “một vị cứu tinh”, người sẽ giải quyết các vấn đề, trong khi thực tế họ muốn gia tăng sự thỏa mãn và quyền lực của chính mình.

Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu không làm điều này. Cách thức của Thiên Chúa không như vậy, Thiên Chúa không lợi dụng nhu cầu của chúng ta, Người không bao giờ dùng điểm yếu của chúng ta để nâng cao chính mình. Đối với Chúa Giêsu, Người không muốn quyến rũ chúng ta bằng sự lừa dối, không muốn trao ban những niềm vui hời hợt, và không bận tâm về số lượng của đám đông. Người không chạy theo số lượng, không tìm kiếm sự đồng thuận, và không sùng bái sự thành công cá nhân. Ngược lại, Chúa Giêsu có vẻ lo lắng khi thấy mọi người đang theo mình với sự háo hức và lòng nhiệt thành vội vàng. Vì vậy, thay vì để bản thân bị kéo vào sự lôi cuốn của việc trở nên nổi danh, Người yêu cầu mỗi người cần suy xét cẩn thận động lực đi theo Người, cũng như hệ quả của việc bước theo Người.

Trên thực tế, có lẽ, nhiều người trong đám đông đi theo Chúa Giê-su vì hy vọng Người sẽ trở thành một nhà lãnh đạo, người sẽ giải thoát họ khỏi kẻ thù, sẽ giành được quyền lực và chia sẻ quyền bính với họ; hoặc bằng việc làm phép lạ, sẽ giải quyết được những vấn đề đói nghèo và bệnh tật. Thật ra, đám đông có thể đi theo Chúa vì nhiều động lực khác nhau và chúng ta phải thừa nhận, một số những động lực ấy rất thế gian: ẩn đằng sau động lực bước theo Chúa, đó có thể là sự thỏa mãn nhu cầu của chính mình, tìm kiếm danh tiếng, khao khát vị thế, kiểm soát mọi thứ, những đặc quyền, sự công nhận và nhiều thứ khác. Người ta có thể sử dụng Thiên Chúa để đạt được những điều ấy. Nhưng đó không phải là cách thức của Chúa Giêsu, và cũng không phải là cách thức của người môn đệ và của Giáo hội.

Thiên Chúa yêu cầu một thái độ khác. Đi theo Người không có nghĩa là bước vào một điện đài hay tham dự một đoàn diễu hành mừng chiến thắng, cũng không có nghĩa là nhận được sự bảo đảm trọn đời. Trái lại, đi theo Chúa Giê-su nghĩa là “vác thập giá” (Lc 14,27): giống như Người, mang lấy gánh của mình và của người khác, kiến tạo những điều ý nghĩa cho cuộc sống bằng cách noi gương tình yêu quảng đại và đầy xót thương mà Người đã dành cho chúng ta. Đây là những lựa chọn đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn; vì lý do này, Chúa Giê-su muốn người môn đệ không đặt bất cứ điều gì lên trước tình yêu này, ngay cả những tình cảm thân thương và những điều lớn lao khác.

Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần hướng về Chúa Giê-su thay vì hướng vào chính mình, cần học hỏi về tình yêu, và thâu nhận điều ấy từ Thánh Giá. Ở đây, chúng ta thấy rằng tình yêu được trao ban đến tận cùng, không toan tính và không biên giới. Chính chúng ta – như Đức Giáo hoàng Luciani đã nói - “đối với Thiên Chúa, chúng ta là đối tượng của một tình yêu vĩnh cửu” (Kinh Truyền Tin, ngày 10 tháng 9 năm 1978).

Vĩnh cửu: tình yêu này của Thiên Chúa không bao giờ biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta, nhưng luôn chiếu sáng trên chúng ta và thắp sáng ngay cả trong những đêm đen tối nhất. Và sau đó, khi nhìn lên Thập giá, chúng ta được mời gọi đi đến tận cùng của tình yêu đó: thanh tẩy bản thân khỏi những hiểu biết méo mó về Thiên Chúa và khỏi sự khép kín của chúng ta, để yêu mến Người và tha nhân, trong Giáo hội và xã hội, ngay cả với những người không có cùng suy nghĩ như chúng ta, và thậm chí cả những kẻ thù.

Yêu ngay cả với cái giá phải trả là thập giá của sự hy sinh, thinh lặng, hiểu lầm, cô đơn, bị cản trở và bách hại. Bởi vì – ĐGH Gioan Phaolo I đã nói - nếu bạn muốn hôn Chúa Giê-su bị đóng đinh, thì “bạn không thể không cúi mình trước Thập giá và để cho mình bị đâm bởi một số gai nhọn của vương miện trên đầu Chúa” (Tiếp kiến chung, ngày 27/9/1978). Yêu đến cùng, với tất cả những gai nhọn của nó, là không làm nửa vời, không tìm sự thoải mái hay cuộc sống thanh nhàn. Nếu chúng ta không nhìn lên cao, nếu chúng ta không mạo hiểm, nếu chúng ta hài lòng với một đức tin chỉ chú trọng vẻ bề ngoài, thì chúng ta – như Chúa Giê-su nói - giống như một người muốn xây một cây tháp nhưng không ngồi xuống tính toán phí tổn; anh ta “đặt móng” và sau đó “không thể hoàn thành công việc” (câu 29).

Nếu, vì sợ mất mát, chúng ta không dám trao ban chính mình, thì chúng ta bỏ dở mọi thứ: các mối quan hệ, công việc, trách nhiệm được giao phó, ước mơ và cả niềm tin. Và cuối cùng, chúng ta kết thúc cuộc sống một cách nửa vời: không bao giờ làm bước quyết định, không cất cánh, không mạo hiểm cho những điều tốt, và không thực sự dấn thân cho người khác. Chúa Giêsu đòi chúng ta điều này: hãy sống theo Tin Mừng và bạn sẽ sống được cuộc sống thực sự, không phải cuộc sống nửa vời mà là trọn vẹn. Ở đây, không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Anh chị em thân mến, tân chân phước Gioan Phaolo I đã sống như thế: trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, nhưng yêu thương cho đến cùng. Người là hiện thân của sự khó nghèo của người môn đệ, không chỉ tách mình ra khỏi của cải vật chất, mà trên hết là vượt qua cám dỗ xem mình làm trung tâm hay tìm kiếm vinh quang cho bản thân. Trái lại, theo gương Chúa Giê-su, ngài là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài tự coi mình là cát bụi để Thiên Chúa hạ cố viết lên đó. (xem A. LUCIANI / JOHN PAUL I, Opera omnia, Padua 1988, quyển II, 11). Vì vậy, ngài nói: “Chúa đã căn dặn nhiều lần: hãy khiêm tốn. Ngay cả khi bạn đã làm được những việc lớn lao, hãy nói rằng: chúng tôi là những người đầy tớ vô dụng” (Tiếp kiến chung, ngày 6-9-1978).

Bằng nụ cười, Đức Giáo hoàng Luciani đã có thể biểu đạt được sự tốt lành của Thiên Chúa. Một Giáo hội đẹp với khuôn mặt vui vẻ, thanh thản và tươi cười, không bao giờ đóng những cánh cửa, không làm tan nát những trái tim, không càm ràm và không chất chứa sự oán hận, giận dữ và thiếu kiên nhẫn, không tỏ ra cáu gắt, không khổ sở hoài niệm quá khứ.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Giáo hoàng Luciani – vị Giáo hoàng mỉm cười – là người cha và cũng là người anh em của chúng ta, chúng ta hãy xin ngài để có được “tâm hồn mỉm cười”; chúng ta hãy xin Thiên Chúa theo những lời mà chính ngài đã thường xin: “Lạy Chúa, xin hãy đón nhận con như con là, với những thiếu sót của con, với những khuyết điểm của con, nhưng hãy làm cho con trở nên như Chúa muốn” (Tiếp kiến chung, ngày 13 tháng 9 năm 1978).

Cuối thánh lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc thánh lễ, tôi gửi lời chào và cám ơn đến tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, trong đó có các Hồng y, Giám mục và linh mục đã đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi chào các phái đoàn chính thức đã đến đây để bày tỏ lòng tôn kính với vị tân Chân phước, đặc biệt là Tổng thống Cộng hòa Ý và Thủ tướng Công quốc Monaco.

Tôi chào tất cả các khách hành hương, đặc biệt là các tín hữu từ Venizia, Belluno và Vittorio Veneto, những nơi đã kết nối hành trình làm người, linh mục và giám mục của Chân phước Albino Luciani.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ có thể nhận được món quà hòa bình trên khắp thế giới, đặc biệt cho Ucraina đang bị chiến tranh tàn phá. Xin Mẹ, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, giúp chúng ta bước theo mẫu gương và sự thánh thiện trong đời sống của Chân phước Gioan Phaolô I.

Văn Cương, SJ – Vatican News