CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Như thế, khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta mầm mống của sự thánh thiện. Bởi lẽ nếu Thiên Chúa là Đấng chí thánh, thì hình ảnh của Ngài chắc chắn phản ánh sự thánh thiện. Con người được tạo dựng trong sự thánh thiện và với mục đích trở thành thánh nhân.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện – Từ nguồn gốc, con người vốn tốt lành.” Quan niệm Á đông cũng giống như quan niệm Kinh Thánh. Ban đầu, bản chất con người là tốt lành thiện hảo. Tội lỗi gian tham làm cho con người không còn tốt lành thiện hảo như trước nữa.
Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong Bí tích Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 40). Đối với Kitô hữu, ngay lúc họ lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, họ đã được gọi là “thánh,” vì Bí tích này làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.
Nếu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài từ ban đầu trong cuộc sáng tạo, thì đối với cuộc sáng tạo mới trong Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa lại làm cho con người trở nên giống như Đức Giêsu Con của Ngài. Đây là một bước tiến mới khẳng định phẩm giá của con người mới được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu.
Như thế, từ nguyên thuỷ, con người đã là thánh, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người được mặc lấy phẩm giá của con Thiên Chúa, trở nên hoàn hảo hơn, đến mức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.
Như đã nói ở trên, tội lỗi xuất hiện làm cho hình ảnh Thiên Chúa bị phai nhạt nơi con người. Hình ảnh ấy, do tội lỗi đã trở nên biến dạng. Nên thánh chính là cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ để tác phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi cuộc đời, và hơn thế nữa, làm cho con người nên giống như Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và đang hiện diện huyền nhiệm giữa chúng ta.
Công đồng Vatican II viết tiếp: “Vì thế, nhờ ơn Chúa họ (tức là Kitô hữu) phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận” (cùng số 40 đã trích dẫn). Như vậy, nên thánh là cố gắng gìn giữ và duy trì tình trạng tốt lànnh Chúa ban khi tạo dựng nên chúng ta, và tình trạng thánh thiện nhờ Bí tích Thánh tẩy.
Tất cả Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo. Theo quan niệm thông thường, “nên thánh” là một khái niệm xa vời đối với người tín hữu. Dường như lời mời gọi này chỉ nhắm tới nhà tu và một số người cao niên hoặc trí thức. Đó là một quan niệm lệch lạc. Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mỗi chúng ta. Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là cố gắng làm cho ơn của Bí tích Thánh tẩy sinh hoa kết trái trong cuộc đời cá nhân của mình.
Đó không phải là ơn gọi vượt tầm với của chúng ta, nhưng phù hợp với mọi người, bất kể họ ở bậc sống nào. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “những vị thánh ở bên ta”, tức là những người sống một cuộc đời bình dị, như người phu quét rác, người mẹ nội trợ, người thợ xây cần mẫn, người nông phu trên cánh đồng (x. Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 6 và số 7). Những người ấy cũng có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng những vốn liếng Chúa ban để sinh lợi thiêng liêng và biết chu toàn bổn phận của mình cách khiêm nhường cần mẫn.
Một cách cụ thể hơn, nên thánh chính là thực thi những mối phúc mà Chúa Giêsu đã nêu trong Bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12). Bài giảng này có thể được hiểu cách cụ thể hơn như sau:
– Sống nghèo khó trong tâm hồn, đó chính là sự thánh thiện
– Hành động với trái tim khiêm nhường, đó chính là sự thánh thiện
– Than khóc cảm thông với những người xung quanh, đó chính là sự thánh thiện
– Khao khát tìm kiếm sự công chính, đó chính là sự thánh thiện
– Hành động với lòng nhân từ, đó chính là sự thánh thiện
– Giữ tâm hồn trong sạch và tránh mọi nhơ uế, đó chính là sự thánh thiện
– Gieo rắc và xây dựng hoà bình, đó chính là sự thánh thiện
– Hằng ngày đón nhận con đường của Tin Mừng, kể cả khi gặp những bất lợi, đó chính là sự thánh thiện.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org