CUỘC BÁCH HẠI ĐẠO HÔM NAY
(Suy niệm lễ các Thánh tử đạo VN)
Bách hại đạo không phải là chuyện ngày xưa nhưng bất cứ thời nào, những người con Chúa cũng bị thôi thúc, bị lôi kéo, bị ép buộc bỏ đạo.
Hôm xưa, các thánh tử đạo tại Việt Nam đã bị vua quan bắt bớ, xiềng xích, tống giam vào tù ngục, buộc phải bỏ đạo. Dầu vậy, các ngài vẫn kiên trung, anh dũng chấp nhận tù đày, chết chóc chứ không bỏ đạo, không chối Chúa.
Hôm nay, chúng ta cũng bị những quyền lực mạnh mẽ thúc đẩy từ bên trong, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương.
Trước hết, cần nhớ rằng Đạo Chúa là đạo yêu thương.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì thể hiện tình yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là quy luật trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phao-lô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rm 13, 8).
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của đạo là xây dựng thế giới nầy trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, mọi người yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Và hơn hết, Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là môn đệ Chúa, ai không yêu thương thì tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Chúng ta vừa đề cập đến chuyện hiện nay có nhiều quyền lực hết sức mạnh mẽ lôi cuốn, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?
Đó là những thế lực nằm ngay trong lòng ta, thống trị tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ đạo: chủ yếu là bệnh vô cảm, lòng giận ghét, tham lam…
1. Vô cảm: Người vô cảm thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến những người chung quanh, không cảm thông với những nỗi đau thương, bất hạnh của người khác...
Khi ta vô cảm, không thương xót người hoạn nạn, đau khổ… là đã từ bỏ điều cốt lõi của Đạo yêu thương…
2. Lòng giận ghét: Lòng giận ghét sôi sục trong lòng người, làm chủ hành vi lời nói của họ, xui khiến họ chửi mắng, đánh đập, nói hành nói xấu, gây thiệt hại cho người khác…
Nếu để lòng giận ghét làm chủ tâm hồn là ta tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa.
3. Tham lam:
Lòng tham lam thái quá đã thúc đẩy rất nhiều người gây ra tội ác, như tham ô, cướp của, giết người… gây ra vô vàn thiệt hại cho đất nước, cho đồng bào, cho cả những người ruột thịt thân yêu trong gia đình dòng họ.
Họ đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi Đạo yêu thương của Chúa.
Đây là những cơn bách hại lâu dài, mạnh mẽ… còn tiếp tục kéo dài suốt cuộc đời ta và suốt dòng lịch sử nhân loại. Nếu không quyết tâm chiến đấu chống lại, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ Đạo yêu thương lúc nào không hay biết.
Hậu quả khủng khiếp mà người bỏ Đạo yêu thương phải gánh lấy, là đến ngày phán xét, sẽ bị Chúa Giê-su lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó"… vì ngươi không có lòng yêu thương, cứu giúp những người chung quanh (xem Mt 25, 34. 41).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn chiêm ngưỡng tấm gương kiên trung anh dũng của các thánh tử đạo tại Việt Nam.
Các ngài thà chết chứ không thà dẫm đạp lên thập tự giá và không chối bỏ đạo Chúa.
Xin cho chúng con biết noi gương các ngài, thà chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không chà đạp lên tình người, lên danh dự người khác, không làm thiệt hại ai… vì làm như thế là chúng con đã chối bỏ Đạo yêu thương và đánh mất hạnh phúc thiên đàng. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
TIN MỪNG LUCA (16, 23-26)
23 Khi ấy, Chúa Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.