Bài đọc :
Ca nhập lễ : x. Gl 4,4
Này đây thời gian đã tới hồi viên mãn,
Thiên Chúa sai Con mình xuống cõi trần.
Bài đọc 1 : 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16
Vương quyền của Đa-vít sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
1 Khi vua Đa-vít được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, 2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” 3 Ông Na-than thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.”
4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :
5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? 8b Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. 10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”
Đáp ca : Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. x. c.2a)
Đ. Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.
2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”
Đ. Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.
4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
5rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”
Đ. Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.
27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”
29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.
Đ. Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Đức Ki-tô là vầng đông xuất hiện, là hào quang toả ánh sáng muôn đời, là mặt trời chiếu tỏ đường công chính, xin Ngài thương ngự đến soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 1,67-79
Vầng đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
67 Khi ấy, ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng :
68“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
70như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa :
71sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét ;
72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước ;
73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
74và cho ta chẳng còn sợ hãi,
75để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
76Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao :
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
77bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
78Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”
Ca hiệp lễ : Lc 1,68
Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
SUY NIỆM-CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA
Thánh Inhaxiô từng nói rằng: Mục đích tận cùng của ơn cứu thoát là để chúc tụng, tôn vinh và phục vụ Chúa.
Sau hơn chín tháng câm lặng, lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng. Ông chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa của Israel, vì Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chắc hẳn, khoảng thời gian thinh lặng là khoảng thời gian để ông Dacaria tái khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử dân Israel, trong cuộc đời ông và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng mà Chúa thực hiện trên người con của ông là Gioan.
Khi chúng ta đi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ đến nhà thờ để xin ơn mà còn là để ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi nhìn lại những chặng đường chúng ta đã đi qua để nhận ra biết bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta luôn biết sống tâm tình chúc tụng và tạ ơn Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, vì yêu Chúa đã muốn đến ở với chúng con. Xin cho chúng con biết mở lòng ra đón Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Lá thư của ĐTC Phanxicô và của vị tiền nhiệm Phaolô VI
Năm 2018, một cuốn sách do Đức ông Leonardo Sapienza biên tập đã tiết lộ bức thư của Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết năm 1965, trong đó tuyên bố rằng ngài sẽ từ chức trong trường hợp bị bệnh mất khả năng hoặc trở ngại nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn với báo ABC của Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ngài đã làm giống như vị tiền nhiệm Đức Phaolô VI mà chính ngài đã phong thánh. Và ngài nói rằng ngài đã trao cho Quốc Vụ Khanh lúc đó là ĐHY Tarcisio Bertone một lá thư từ chức trong trường hợp có “trở ngại y tế”.
Ông Tornielli, tổng biên tập Vatican News nhận định rằng: “Chúng ta không biết ngày chính xác của tài liệu này, nhưng việc đề cập đến ĐHY Bertone là Quốc Vụ Khanh đã tham chiếu đến những tháng đầu tiên của triều đại giáo hoàng, vì vào tháng 10/2013, ĐHY Pietro Parolin đã đảm nhận vai trò Quốc Vụ Khanh. Cử chỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô theo sau cử chỉ của Đức Montini. Một số nhân chứng trong những thập kỷ qua đã nói về những lá thư từ chức của Đức Phaolô VI, nhưng chúng vẫn chưa được công khai cho đến tháng 5/2018.
Lá thư này nằm trong cuốn sách của Đức ông Leonardo Sapienza, Nhiếp Chính Phủ Giáo Hoàng, một học giả về Đức Phaolô VI và là tác giả của nhiều cuốn sách về vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo Hội từ năm 1963 đến năm 1978. Cuốn sách chứa đựng những tài liệu này của Đức Phaolô VI có nhan đề “Con thuyền của Phaolô” (Edizioni San Paolo).
Những trang sách viết rằng: “Chúng tôi, Phaolô VI... tuyên bố, trong trường hợp bệnh tật được cho là không thể chữa khỏi, hoặc trong thời gian dài... hoặc trong trường hợp có một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài khác... thì từ chức” khỏi “nhiệm vụ của chúng tôi”. Bức thư được viết bằng nét chữ rất rõ ràng của Đức Giáo hoàng Montini và đề ngày 2/5/1965 và do đó được viết tay bởi Đức Giáo hoàng không phải khi già yếu hay đau bệnh, mà chỉ hai năm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng và Công đồng vẫn còn mở. Với bản văn này, Đức Giáo Hoàng muốn bảo vệ Giáo hội khỏi tình trạng đình trệ lâu dài: một lá thư từ chức sớm, khi đó đã được gửi đến hồng y niên trưởng để ngài có thể thông báo cho các hồng y khác biết, để có thể tuyên bố Giáo Hoàng không còn tại nhiệm.
Thực ra có hai lá thư của Đức Giáo hoàng Montini, bởi vì cùng với lá thư từ chức còn có một lá thư kèm theo gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao - chắc chắn là để đại diện cho văn bản gởi Quốc Vụ Khanh mạnh hơn. Và điều quan trọng là tài liệu đó cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bình luận: “Với sự kinh ngạc, tôi đã đọc những lá thư này của Đức Phaolô VI. Chúng dường như cho tôi thấy chứng tá khiêm nhường và ngôn sứ về tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo hội; và một bằng chứng nữa về sự thánh thiện của vị Giáo hoàng vĩ đại này… Điều quan trọng đối với ngài là nhu cầu của Giáo hội và của thế giới; và một vị Giáo hoàng từ chức trong trường hợp bị cản trở bởi một căn bệnh hiểm nghèo, không thể thi hành sứ vụ tông đồ của mình một cách hiệu quả”.
Ông Tornielli nhận định: “Điều thú vị cần lưu ý là Đức Phaolô VI không chỉ đề cập đến một căn bệnh, mà còn đề cập đến khả năng xảy ra ‘một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài khác’. Theo nhiều nhân vật thân cận nhất của Đức Phaolô VI, đây là sự nhấn mạnh liên quan đến những gì đã được lập vào thời Đức Piô XII: đó là việc từ chức trong trường hợp bị Hitler bắt cóc trong giai đoạn cao điểm của Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này sẽ cho phép các hồng y quy tụ, có lẽ ở một quốc gia trung lập và an toàn, để bầu Giám mục mới của Rôma, thay thế vị đã trở thành tù nhân của nhà độc tài Đức quốc xã.”
Cuối cùng, cần lưu ý rằng cả bức thư của Đức Phaolô VI và của ĐTC Phanxicô đều là “dự phòng”, nghĩa là, trong trường hợp Đức Giáo Hoàng bị trở ngại về khả năng từ chức một cách tự do và sáng suốt. Vì vậy, những bức thư này không liên quan gì đến việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI, đã diễn ra gần mười năm trước.
Văn Yên, SJ - Vatican News