Monday, October 7, 202411:11 PM(View: 16)
Trong Giáo Hội Công Giáo có nhiều nhà thần bí. Đó là những người được Chúa chọn một cách đặc biệt. Chúa ban cho họ những ơn sủng lạ thường. Đó là Thánh Ý của Chúa chứ không phải là công trạng của người ấy.
Monday, October 7, 202411:39 AM(View: 24)
Ông Stephen Ryan chia sẻ: Tôi rất vui khi nghe tin rằng Toà Thánh Vatican tuyên bố rằng việc sùng kinh Nữ Vương Hoà Bình ở Medjugorje đã được chính thức công nhận và được chúc phúc với ơn lành “Nihil Obstat”.
Sunday, October 6, 20248:23 PM(View: 32)
Một vị linh mục tình nguyện cầu nguyện cho mọi người: Hôm nay khi bạn bắt đầu một tuần mới, Tôi giơ tay cao lên Trời và cầu nguyện cho bạn. Xin Chúa vun trồng những ý chỉ của bạn trong trái tim của những người tốt lành, Xin cho mọi chương trình tốt đẹp của bạn được thành công. Xin Chúa nâng cao đầu của bạn,
Sunday, October 6, 20241:30 PM(View: 43)
Ông Dan Lynch là Giám Đốc của Hội Tông Đồ Dan Lynch. Ông luôn loan truyền về nhiều phong trào như: Lòng Sùng Kính Đức Mẹ Guadalupe, Chúa Giêsu là Vua của Các Quốc Gia, Đức Mẹ Châu Mỹ,
Sunday, October 6, 20241:13 PM(View: 32)
Ông Dan Lynch là Giám Đốc của Hội Tông Đồ Dan Lynch. Ông luôn loan truyền về nhiều phong trào như: Lòng Sùng Kính Đức Mẹ Guadalupe, Chúa Giêsu là Vua của Các Quốc Gia, Đức Mẹ Châu Mỹ, và Thánh John Paul II.
Sunday, October 6, 202412:26 PM(View: 36)
Một bà cụ trên 60 tuổi kể câu chuyện như sau: “Cách nay gần hai năm, con gái lớn của tôi hay bị đau đầu. Khi không còn chịu đựng nổi, cháu mới chịu đến bệnh viện, khi chụp cộng hưởng từ, MRI rồi chụp cắt lớp CAT Scan thì khám phá ra là trong đầu cháu có đến 4 khối u ung thư. Cháu được điều trị tại trung tâm ung thư hàng đầu của Texas,
Sunday, October 6, 20246:48 AM(View: 36)
Một khách hành hương tới làng Medjugorje kể rằng: Hôm ấy, tôi xuống núi Thánh Krizevac tại làng Medjugorje. Người ta cảnh cáo trước rằng khi chúng ta đi xuống núi thì nguy hiểm hơn là khi chúng leo lên núi. Tôi phải mất 90 phút để leo lên đỉnh núi ...
Sunday, October 6, 20246:17 AM(View: 42)
Có lần tôi bị ác mộng, bị một con mèo nó từ đâu tới, nhảy lên giường tôi đang ngủ, rồi giận dữ xông vào cào cấu làm tôi sợ hãi chưa kịp phản ứng, thì nó càng hăng tiết hơn nữa, giơ chân nhắm vào tim tôi để tấn công, nhưng bỗng dưng nó rụt chân lại, sợ hãi bỏ chạy, nó nhảy lên bệ cửa sổ phòng ngủ, ngồi ngoái lại với bộ mặt vẫn cò
Saturday, October 5, 20245:38 PM(View: 38)
Khi nhóm hành hương của Radio Giờ Của Mẹ do Kim Hà tổ chức hàng năm từ năm 1999 đến 2005 thì có một số người trong nhóm chúng tôi ra khu phố bên cạnh nhà thờ St. James để đi xe đò từ Medjugorje đến vùng Šurmanci.
Saturday, October 5, 20245:05 PM(View: 51)
Một phụ nữ tên Elsie kể: Tôi muốn kể một câu chuyện mà Tổng Lãnh Thiên Thần Michael đã giúp cho cháu Joel là con trai của tôi khi cháu còn bé. Lúc cháu Joel khoảng 2 tuổi thì gia đình tôi dọn tới một căn nhà thuê khác. Cháu thường hay tỉnh dậy giữa đêm khuya vào khoảng từ 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng. Rồi cháu cứ đến ngồi một mình ...

SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Ca nhập lễ : Tv 26,12

Monday, April 3, 20239:05 PM(View: 359)

11-5SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Tv 26,12

Lạy Chúa,

xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn ;

vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,

giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Bài đọc 1 : Is 49,1-6

Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.

Bài đọc 1 : Is 49,1-6

Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,
hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý :
Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.
2Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,
giấu tôi dưới bàn tay của Người.
Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,
cất tôi trong ống tên của Người.
3Người đã phán cùng tôi :
“Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”
4Phần tôi, tôi đã nói :
“Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”
Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi,
Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.
5Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung,
đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng,
và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.
6Người phán : “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về,
thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Đáp ca : Tv 70,1-2.3-4a.5-6.15 và 17 (Đ. x. c.15)

Đ. Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

1Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa,
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
2Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con,
ghé tai nghe và thương cứu độ.

Đ. Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

3Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con,
núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài.
4aLạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ.

Đ. Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

5Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi,
lạy Thiên Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng
ngay từ độ thanh xuân.
6Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài,
Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ,
con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi.

Đ. Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

15Miệng con công bố Ngài chính trực,
suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban,
ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể !
17Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ.
Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài.

Đ. Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.

Tung hô Tin Mừng

Muôn lạy Vua Ki-tô, vì vâng lời Thánh Phụ, Ngài đã chịu dẫn đi đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt.

Tin Mừng : Ga 13,21-33.36-38

Một người trong anh em sẽ nộp Thầy ... Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

21 Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” 26 Đức Giê-su trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : “Anh làm gì thì làm mau đi !” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” 38 Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

Ca hiệp lễ : Rm 8,32

Thiên Chúa chẳng tha chính Con Một của Người, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.

SUY NIỆM-ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT

Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6).

Những câu trên được trích từ bài đọc I trong sách Isaia. Những lời của Đức Chúa nói lên sứ mạng của ngôn sứ Isaia, sứ mạng đem ánh sáng cứu độ đến tận cùng cõi đất. Nhưng liên hệ với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng, những lời đó như là một sự tiên báo về một vị cứu tinh đến trong trần gian và có khả năng mang ơn cứu độ phổ quát cho tất cả mọi người.

Khi giờ của Người sắp đến, Đức Giêsu đã biết trước ý định của Giuđa. Người biết ông đang cấu kết với thế lực thù địch để bán Thầy với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, lúc thế lực sự dữ tưởng chừng thắng thế, thì cũng là lúc Con Thiên Chúa được tôn vinh. Thập giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ toàn thể nhân loại.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, qua mỗi ngày sống, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu sắc hơn ơn cứu độ Chúa dành cho chúng con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Thánh Lễ Lá 2023: Đấng Bị Bỏ Rơi không bỏ mặc ai một mình

Lúc 10:00 sáng Chúa Nhật 2/4, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ Lá tại quảng trường thánh Phêrô. Đến cuối Thánh Lễ, số người tham dự lên đến 60 ngàn người. Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong giây phút đau khổ nhất trên Thánh Giá vì chúng ta, để không ai cảm thấy bị bỏ rơi.

Bài giảng Thánh Lễ Lá của Đức Thánh Cha

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46). Đó là lời khẩn cầu mà phụng vụ muốn chúng ta lặp lại hôm nay trong thánh vịnh đáp ca (x. Tv 22, 2), và đó là lời duy nhất được Chúa Giêsu nói ra trên thập giá trong Tin Mừng mà chúng ta đã nghe. Do đó, đây là những lời dẫn chúng ta đến tâm điểm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đến tột đỉnh của những đau khổ Người đã chịu để cứu độ chúng ta.

Những đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua thì nhiều vô kể và mỗi khi chúng ta lắng nghe câu chuyện về cuộc khổ nạn, những đau khổ ấy đi vào bên trong chúng ta. Đó là những đau khổ về thể xác: từ bị tát cho đến bị đòn, từ roi vọt cho đến đội mão gai, rồi đến tra tấn trên thập giá. Có cả những đau khổ về tâm hồn: bị Giuđa phản bội, bị Phêrô chối bỏ, bị lên án về mặt tôn giáo và dân sự, bị lính canh nhạo báng, bị sỉ nhục từ dưới thập giá, bị nhiều người khước từ, xem ra thất bại trong mọi sự, bị các môn đệ bỏ rơi. Tuy nhiên, trong tất cả nỗi đau này, có một điều chắc chắn vẫn còn ở lại với Chúa Giêsu: sự gần gũi của Chúa Cha. Nhưng bây giờ điều không tưởng đã xảy ra; trước khi chết Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Đây là sự đau khổ tột cùng, đau khổ trên bình diện thiêng liêng: trong giờ bi đát nhất Chúa Giêsu cảm nghiệm sự bỏ rơi của Thiên Chúa, trước đó chưa bao giờ Người gọi Chúa Cha bằng danh xưng chung chung là Thiên Chúa, Tin Mừng cũng thuật lại câu bằng tiếng Aram; là lời duy nhất, trong số những lời Chúa Giêsu nói trên thập giá, đến với chúng ta bằng ngôn ngữ gốc. Biến cố này là có thật và đó là một sự suy sụp tột cùng, sự bỏ rơi của Cha: Chúa đến để chịu đau khổ vì yêu chúng ta, điều mà thậm chí chính chúng ta còn khó hiểu. Nhìn thấy bầu trời khép kín, trải nghiệm ranh giới cay đắng của sự sống, sự tối tăm của hiện hữu, sự sụp đổ của mọi điều chắc chắn, Chúa Giêsu thét lên “câu hỏi của những câu hỏi tại sao?”

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Động từ “bỏ” trong Kinh Thánh rất mạnh mẽ; nó xuất hiện trong những lúc đau đớn tột cùng: trong những tình yêu thất bại, bị từ chối và bị phản bội; ở những đứa trẻ bị từ khước và những thai nhị bị phá bỏ; trong cảnh cơ hàn, góa bụa, mồ côi; trong những cuộc hôn nhân kiệt quệ, trong những động thái loại trừ, tước bỏ các mối quan hệ xã hội, trong sự áp bức bất công và trong sự cô độc của bệnh tật: nói tóm lại, trong những mối quan hệ bị cắt đứt nghiêm trọng nhất. Chúa Kitô đã mang điều này lên thập tự giá, gánh lấy tội lỗi của thế giới. Và ở đỉnh điểm, chính Chúa Kitô, Con Duy Nhất và Chí Ái, đã trải qua một hoàn cảnh xa lạ nhất đối với Người: sự xa cách Thiên Chúa.

Tại sao mọi sự lại đi xa đến vậy? Vì chúng ta. Không có câu trả lời khác. Chúa Giêsu đã liên đới với chúng ta đến cùng, ở bên chúng ta đến tận cùng. Chúa Kitô đã trải nghiệm tình cảnh bị bỏ rơi để không bỏ rơi chúng ta làm con tin của sự hoang vắng và Người ở bên chúng ta mãi mãi. Người đã làm như vậy vì tôi, vì anh hay vì chị; bởi vì khi tôi, mỗi chúng ta hay bất cứ ai khác thấy mình bị dồn vào chân tường, lạc lối trong ngõ cụt, chìm trong vực thẳm của sự bỏ rơi, bị hút vào vòng xoáy “tại sao và tại sao”, thì vẫn còn hy vọng.

Đó không phải là điểm kết thúc, bởi vì Chúa Giêsu đã ở đó và bây giờ Người đang ở với mỗi người chúng ta: Chúa Kitô đã chịu đựng sự xa cách của sự bỏ rơi để đón nhận mọi khoảng cách của chúng ta trong tình yêu của Ba Ngôi. Để mỗi người chúng ta có thể nói: trong sự sa ngã của con, trong sự cô đơn của con, khi con cảm thấy bị phản bội, bị loại trừ và bị bỏ rơi. Ngài ở bên con; khi con cảm thấy sai lầm và lạc lối, khi con không thể chịu đựng được nữa, Chúa vẫn ở đó, Ngài ở bên con; trong khắc khoải “tại sao” chưa được giải đáp của con, Chúa đang ở bên con.

Chúa cứu chúng ta, từ bên trong nỗi khắc khoải “tại sao” của chúng ta. Từ đó, hy vọng mở ra. Thực vậy, trên thập giá, dù bị bỏ rơi đến tột cùng, Chúa Giêsu không để mình tuyệt vọng, nhưng cầu nguyện và phó thác. Người thét lên câu hỏi “tại sao” của mình bằng những lời của một thánh vịnh (22, 2) và phó mình trong tay Chúa Cha, ngay cả khi Người cảm thấy Chúa Cha ở xa (x. Lc 23, 46). Trong sự từ bỏ, Chúa Giêsu tin tưởng. Không những thế: trong khi bị bỏ rơi, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương các môn đệ, những kẻ đã bỏ rơi Người, và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người (c. 34). Ở đây vực thẳm sự dữ của chúng ta phải đắm chìm trong một tình yêu lớn lao hơn, để mọi sự xa cách của chúng ta được biến thành sự hiệp thông.

Anh chị em thân mến, một tình yêu như thế, tất cả vì chúng ta, cho đến cùng, có thể biến đổi trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt, biết cảm thương, dịu dàng và trắc ẩn. Chúa Kitô bị bỏ rơi thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Người và yêu mến Người trong những kẻ bị bỏ rơi. Bởi vì nơi họ, chúng ta không chỉ thấy những người túng thiếu, mà còn thấy chính Chúa, Chúa Giêsu Bị Bỏ Rơi, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách xuống tận đáy thẳm thân phận làm người của chúng ta. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn chúng ta chăm sóc những anh chị em giống Người nhất, cách riêng trong những đau đớn và cô đơn tột cùng. Ngày nay có nhiều “Đức Kitô bị bỏ rơi”.

Có cả nhiều dân tộc bị khai thác và bỏ mặc cho khả năng xoay xở của riêng họ; có những người nghèo sống ở ngã tư đường và chúng ta không đủ can đảm để nhìn vào mắt họ; ngày nay những người di cư không còn là những khuôn mặt mà là những con số; các tù nhân bị từ chối, con người bị giản lược thành các vấn đề. Nhưng cũng có nhiều “Đức Kitô bị bỏ rơi vô hình”, bị khuất lấp, bị bỏ rơi bởi những đôi găng tay trắng: những đứa trẻ chưa chào đời, những người già bị bỏ lại một mình, những người bệnh không được thăm viếng, những người tàn tật bị quên lãng, những người trẻ cảm thấy trống rỗng bên trong mà không có ai thực sự lắng nghe tiếng kêu đầy nhức nhối của họ.

Chúa Giêsu bị bỏ rơi yêu cầu chúng ta để mắt và để tâm cho những người bị bỏ rơi. Đối với chúng ta, những môn đệ của Đấng Bị Bỏ Rơi, không ai có thể bị gạt ra bên lề, không ai có thể bị bỏ mặc tự thân xoay xở; bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, những người bị từ chối và bị loại trừ là những hình ảnh sống động của Chúa Kitô, họ nhắc nhở chúng ta về tình yêu đến điên dại của Người, nhắc chúng ta rằng chính kinh nghiệm bị từ bỏ của Chúa Kitô đã cứu chúng ta khỏi mọi cô đơn và hoang vắng.

Hôm nay chúng ta xin ơn này: biết yêu mến Chúa Giêsu bị bỏ rơi và biết yêu mến Chúa Giêsu trong mỗi người bị bỏ rơi. Chúng ta xin ơn để có thể nhìn thấy và nhận ra Chúa, Đấng vẫn đang thét gào nơi họ. Chúng ta đừng để tiếng nói của Chúa Giêsu lạc mất trong sự im lặng chói tai của thờ ơ. Thiên Chúa đã không bỏ mặc chúng ta một mình; phần chúng ta, hãy chăm sóc những người bị bỏ lại đơn độc. Khi đó, chỉ khi đó, chúng ta mới có được những ước muốn và tâm tình của Đấng đã “hủy mình ra không” vì chúng ta (Pl 2, 7).

Cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và chúc mọi người một hành trình Tuần Thánh thánh thiện hướng tới lễ Phục sinh.

Vatican News Tiếng Việt