Sunday, October 13, 20248:12 PM(View: 10)
Nguồn: Fr. Livio's Blog Bí Mật Thứ Nhất từ làng Medjugorje sẽ mở rộng đôi mắt của những cư dân tại Medjugorje. Chúng ta sẽ đi từ một thị kiến của thế giới đến một thị kiến siêu nhiên.
Sunday, October 13, 20247:19 PM(View: 12)
Ngày nay, người ta nói quá nhiều về tai hoạ thiên nhiên và tai hoạ chiến tranh. Vậy chúng ta nên đọc lại một số thông điệp mà Đức Mẹ Maria đã ban cho nhân loại chúng ta từ làng Medjugorje, nước Bosnia-Herzegovina. Có hai thông điệp mà nội dung tương tự nhau:
Sunday, October 13, 202412:48 AM(View: 17)
Padre Pio là một Vị Thánh Quan Thầy về đau đớn, đau khổ và chữa lành. Ngài đã viết lời nguyện này: Lạy Cha Kính Mến ở Trên Trời, con cảm tạ Cha vì Cha thương yêu con.
Saturday, October 12, 202411:59 PM(View: 21)
Ngày 12 tháng 10 là ngày lễ Đức Mẹ Là Trụ Cột. Đó là lần tiên mà Đức Mẹ hiện ra lần đầu trong lịch sử. Chuyện xẩy ra vào...
Saturday, October 12, 20242:31 PM(View: 19)
LM Joaquin Alonso phục vụ suốt 16 năm trường trong Thư Khố của làng Fatima. Ngài đã phỏng vấn thị nhân Lucia dos Santos thành Fatima vào ngày 4/12/1957. Rồi ngài viết lại thành một tác phẩm có tên là Fatima Texts and Critical Studies.
Saturday, October 12, 20242:10 PM(View: 20)
LM Joaquin Alonso phục vụ suốt 16 năm trường trong Thư Khố của làng Fatima. Ngài đã phỏng vấn thị nhân Lucia dos Santos thành Fatima vào ngày 4/12/1957. Rồi ngài viết lại thành một tác phẩm có tên là Fatima Texts and Critical Studies. 6. SỨ MỆNH CỦA SR. LUCIA Sr. Lucia nói:
Saturday, October 12, 20246:22 AM(View: 26)
LM Joaquin Alonso phục vụ suốt 16 năm trường trong Thư Khố của làng Fatima. Ngài đã phỏng vấn thị nhân Lucia dos Santos thành Fatima vào ngày 4/12/1957. Rồi ngài viết lại thành một tác phẩm có tên là Fatima Texts and Critical Studies
Friday, October 11, 20246:17 PM(View: 36)
Cha Lamy tiếp tục kể về những lần Chúa Giêsu hiện ra và nói chuyện với cha. Cha Lamy thường dâng Thánh Lễ với lòng sốt sắng cao độ. Có lần cha gần như được biến hình. Đó là lúc mà Ơn Thánh Chúa ban cho cha. Lúc ấy Chúa Kito muốn tỏ quyền năng...
Friday, October 11, 20241:54 PM(View: 39)
Lời Toà Soạn: Sáng nay, 11/10/2024, chúng tôi vừa nhận được email của cô Cúc Nguyễn, Texas viết làm chứng về ơn Chúa và ơn Đức Mẹ mà các nạn nhân cơn bão Milton không bị khốn đốn mà được bình an. (Kim Hà)
Friday, October 11, 20241:09 PM(View: 36)
Cha Lamy tiếp tục kể về những lần Đức Mẹ hiện ra và nói chuyện với cha: “Đức Mẹ nói chuyện với tôi và ban cho tôi một chương trình cho cuộc sống hàng ngày, rồi Mẹ bảo vào buổi chiều thì nên đọc kinh gi. Mẹ nhắc nhở tôi về nhiều điều. Mẹ dặn tôi phải tôn trọng những mệnh lệnh...

SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Ca nhập lễ : Pl 2,10.8.11

Tuesday, April 4, 20236:44 PM(View: 339)

cgchanchienSỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Pl 2,10.8.11

Khi vừa nghe danh thánh Giê-su,

cả trên trời dưới đất

và trong nơi âm phủ,

muôn vật phải bái quỳ,

vì Người đã vâng lời

cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.

Bởi vậy, Đức Giê-su Ki-tô là Chúa,

muôn đời vinh hiển với Chúa Cha.

Bài đọc 1 : Is 50,4-9a

Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

4Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
9Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội ?

Đáp ca : Tv 68,8-10.21bcd-22.31 và 33-34 (Đ. c.14bc)

Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

8Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.
9Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.
10Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.

Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

21bcdNỗi sầu riêng, mong người chia sớt,
luống công chờ, không được một ai ;
đợi người an ủi đôi lời,
trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu !
22Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
con khát nước, lại cho uống giấm chua.

Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

31Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh,
sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
33Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
34Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.

Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

Tung hô Tin Mừng

Muôn lạy Vua Ki-tô, vì vâng lời Thánh Phụ, Ngài đã chịu dẫn đi đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt.

Tin Mừng : Mt 26,14-25

Con người phải ra đi như Kinh Thánh đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”

Ca hiệp lễ : Mt 20,28

Chúa nói : “Con Người đến, không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

SUY NIỆM-PHẢN BỘI

Trong thánh lễ Thứ Tư Tuần Thánh tại nhà nguyện Mácta, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Thứ Tư Thánh này cũng được gọi là Thứ Tư phản bội. Ngày mà sự phản bội của Giuđa được nhấn mạnh trong Giáo hội.”

Sự phản bội của Giuđa thường được coi là hình ảnh thu nhỏ của sự ác. Nhắc đến Giuđa, chúng ta thường nghĩ ông khác hẳn so với các môn đệ khác. Tuy nhiên, Tin Mừng thuật lại, khi Đức Giêsu tiên báo một người trong các ông sẽ nộp Người, không ai nghi ngờ Giuđa cả. Tất cả đều hỏi: “Thưa thầy, có phải con không?” Có vẻ như từ bên ngoài, Giuđa không có gì khác thường. Quả thật, ngoài Thiên Chúa, không ai biết được bên trong cái dáng vẻ hào nhoáng, người ta đang suy tính điều gì?

Nhìn vào Giuđa, chúng ta có thấy thấp thoáng hình ảnh của mình không? Khi chúng ta không dám lên tiếng bênh vực chân lý, khi chúng ta không dám tuyên xưng niềm tin, hay khi chúng ta phạm tội; chẳng phải đó là lúc chúng ta đang phản bội Chúa đó sao?

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin cho những đau khổ Chúa chịu trong cuộc thương khó củng cố đức tin của chúng con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Tuần thánh tại Thánh Địa trong bầu khí căng thẳng và bất an

Tuần Thánh bắt đầu. Tâm hồn hơn một tỷ Kitô hữu trên thế giới hướng về nơi Chúa Cứu Thế đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại. Trong bối cảnh đó, qua sứ điệp Phục Sinh, các vị lãnh đạo Kitô hữu tại đây nhắc nhở các tín hữu tiếp tục củng cố niềm tin yêu và hy vọng, đặc biệt trong thời kỳ có nhiều chao đảo và bạo lực hiện nay tại đây.

Lập trường của các vị lãnh đạo Kitô ở Thánh Địa

Trong sứ điệp Phục Sinh, công bố hôm 31/3/2023, các vị Thượng Phụ và thủ lãnh các Giáo Hội tại Giêrusalem, nhận xét rằng: "Trong hơn một năm qua, một số thánh đường, các đám tang và những nơi hội họp công cộng đã trở thành mục tiêu cho những vụ tấn công; một số nơi thánh và nghĩa trang của chúng ta bị xúc phạm; và một số phụng vụ cổ kính, như cuộc rước Chúa Nhật Lễ Lá và nghi thức Lửa Thánh, bị khép kín làm cho hàng ngàn tín hữu không được tham dự. Những vụ này xảy ra mặc dù có những thỏa thuận cộng tác với chính quyền, và đáp ứng tất cả những đòi hỏi hợp lý họ có thể đưa ra”.

"Trong khi chúng tôi sẽ kiên trì trong những nỗ lực thiện chí, chúng tôi thỉnh cầu các quan chức giám sát hãy làm việc trong tinh thần cộng tác với chúng tôi, và chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như những người dân địa phương thiện chí vận động giúp chúng tôi, để bảo đảm an ninh, sự tự do lui tới tham dự và tự do tôn giáo của cộng đồng Kitô địa phương cũng như hàng triệu tín hữu Kitô hành hương hàng năm đến viếng Thánh Địa, và duy trì Qui luật tôn giáo hiện hành, Status Quo”.

Các vị lãnh đạo Kitô viết thêm rằng: "Tuy nhiên, khi chào đón sự ủng hộ này, xét cho cùng chúng ta không đặt niềm hy vọng nơi bất kỳ nguồn nhân lực trần thế nào. Chúng ta đặt hy vọng chung cục nơi Thiên Chúa. Vì nhờ cuộc phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta được một sự bảo đảm phước hạnh do sự quan phòng của Đấng Tối Cao, nhờ Chúa Thánh Linh, nguồn mạch quyền năng của Chúa, có thể nâng đỡ chúng ta ngày nay, cũng như đã từng nâng đỡ các Kitô hữu tiên khởi cách đây bao nhiêu thế kỷ”.

Bối cảnh vấn đề

Những dòng vắn tắt trên đây trong sứ điệp Phục Sinh của các Thượng Phụ và thủ lãnh Giáo Hội ở Giêrusalem phản ánh thực trạng khó khăn xảy ra trong thời gian gần đây và các vị cũng đã từng lên tiếng.

Đức Thượng Phụ Pizzaballa

Chẳng hạn hồi trung tuần tháng 3 vừa qua (2023), Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp bảo vệ các nơi thánh tại Thánh Địa.

Hôm 19/3 trước đó, có 2 người Do Thái cực đoan tấn công nhà thờ có mộ của Đức Mẹ Maria do Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp coi sóc. Họ tìm cách hành hung Đức Tổng Giám Mục Joachim đang cử hành buổi lễ và đả thương một linh mục.

Thánh đường này là một trong những nhà thờ quan trọng nhất đối với các tín hữu Chính Thống, tọa lạc trước nhà thờ ở Ghếtsêmani.

Đức Thượng Phụ Teofilo III, Giáo Chủ Chính Thống Hy lạp tại Thánh Địa, cùng với Hội đồng của ngài, hàng giáo sĩ và toàn thể các tín hữu lên án cuộc tấn công khủng bố này, xảy ra trong thánh lễ Chúa Nhật. Những kẻ khủng bố cực đoan cũng toan tính phá hoại những đồ đạo trong Thánh Đường. Họ bị những người trong nhà thờ bắt giữ.

Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem cũng liên kết với các vị lãnh đạo Chính Thống giáo và các Giáo Hội Kitô khác lên án cuộc tấn công đó, và nhận định rằng: "những cuộc tấn công khủng bố do các nhóm người Israel cực đoan, nhắm vào các nhà thờ, nghĩa trang và tài sản của Kitô giáo, cũng như những vụ hành hung và lăng mạ chống hàng giáo sĩ Kitô, xảy ra hầu như hằng ngày, và càng gia tăng trong những dịp lễ của Kitô giáo.

Tình trạng đáng buồn này không tạo nên những phản ứng thích hợp, ở địa phương cũng như trong dư luận quốc tế, mặc dù có những lời kêu gọi, thỉnh cầu, và phản đối từ phía các Giáo Hội Kitô ở Thánh Địa. Thật là điều đau lòng khi thấy rõ sự hiện diện đích thực của Kitô hữu tại Thánh Địa đang bị lâm nguy trầm trọng... Những cuộc tấn công các nơi thánh của Kitô giáo, tài sản, di sản, và căn tính Kitô là điều vi phạm công pháp quốc tế, vốn minh thị kêu gọi bảo vệ các địa điểm tôn giáo tại Giêrusalem và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người, tự do phụng tự.” (indcatholicnews.com 20-3-2023)

Đức Cha Marcuzzo

Hoặc một vụ khác: Đức Cha Giacinto-Boulos Marcuzzo, nguyên đại diện Đức Thượng Phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem tại Nazareth, tố giác những vụ tấn công và xách nhiễu các trường học Kitô tại đây trong những ngày gần đây.

Khoảng 6 giờ rưỡi chiều ngày 16/3 (2023), một số người đã bắn vào trường học và tu viện của các nữ tu dòng Phan Sinh, một hành động được coi như nguy hiểm chưa từng có, vì lần đầu tiên một trường Kitô Giáo bị bắn như vậy tại Israel.

Hoặc vụ xảy ra hôm 24/3 (2023): một số người đeo mặt nạ đã tấn công trường học và tu viện của các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Các nữ tu kể lại: "Sau khi mở cổng, chúng tôi thấy nhóm người ấy đeo mặt nạ đen, đòi chúng tôi phải hoán cải theo Hồi giáo, trong tháng chay tịnh Ramadan thánh thiêng này. Thủ phạm vụ này là 5 người trẻ, họ bỏ chạy khi những người canh gác đến nơi.”

Trước những vụ bất bao dung này, Đức Cha Marcuzzo nhắc đến và ca ngợi lập trường của hai vị Iman thế giá ở thành Nazareth, chủ trì các Đền thờ Hồi giáo, mạnh mẽ lên án những cử chỉ vừa nói của những người trẻ Hồi giáo trong tháng Ramadan này. (Asia News 27-3-2023)

Dòng Phanxicô tại Thánh Địa

Một vụ khác khiến các vị lãnh đạo Dòng Phanxicô phản đối và lên án là vụ xúc phạm và phá hoại tượng Chúa Giêsu tại Nhà Thờ Chúa Chịu Đánh Đòn, tọa lạc tại chặng thứ I trên chặng đường Thánh Giá ở Cổ thành Giêrusalem sáng ngày 2/2 (2023), do một người Do thái cực đoan. Thủ phạm đã đập tượng Chúa và bôi bẩn mặt tượng trước khi bị người coi cổng Đền thánh bắt giữ và sau đó cảnh sát đến bắt thủ phạm giải đi.

Đây là vụ phá hoại và xúc phạm thứ 5 xảy ra trong những tuần lễ gần đây. Một số du khách đã bị một nhóm người Do thái giáo cuồng tín tấn công. Nhóm này đi vào Cửa Mới gần trụ sở Dòng Phanxicô và phá hoại, quăng các bàn ghế và ly, biến khu vực Kitô thành một bãi chiến trường.

Trước đó khoảng 2 tuần, nghĩa trang Kitô giáo ở Giêrusalem đã bị xúc phạm và phá hoại, thủ phạm viết câu "Giết chết người Kitô” trên tường một đan viện ở khu vực của người Armeni và phá hoại nơi được dùng như nhà thờ tại trung tâm Ma'alot của các tín hữu Maronite.

Thông cáo mang chữ ký của cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, và cha Alberto Joan Pari, Tổng Thư ký của dòng tại đây. Hai vị khẳng định rằng: "Chúng tôi lo âu theo dõi và mạnh mẽ lên án sự gia tăng những hành vi oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô tại Israel. Không phải tình cờ mà việc hợp thức hóa sự kỳ thị và bạo lực trong dư luận quần chúng và trong bối cảnh chính trị của Israel biểu hiện những vụ oán ghét và bạo lực chống cộng đoàn Kitô."

"Chúng tôi chờ đợi và yêu cầu chính phủ Israel cũng như lực lượng an ninh hành động quyết liệt để bảo đảm an ninh cho mọi cộng đoàn, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, và để bài trừ nạn tôn giáo cuồng tín, những hiện tượng bất bao dung trầm trọng này, những tội ác oán ghét, những hành vi phá hoại trực tiếp chống các Kitô hữu tại Israel” (Custodia.org 2-2-2023)

Giữ vững hy vọng

Trong bầu không khí như thế, Sứ điệp Phục Sinh của các vị Thượng Phụ và thủ lãnh Giáo Hội ở Giêrusalem nhắc nhở rằng: "Như Thánh Phêrô Tông đồ đã viết, sự phục sinh của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta một sự tái sinh vào đời sống hy vọng. Niềm hy vong này đã nâng đỡ các Tông Đồ và các Kitô hữu tiên khởi qua bao nhiêu thử thách và sầu muộn, mang lại cho họ sức mạnh để chịu đựng trong vui tươi, trong phẩm giá và ân phúc. Thánh Phêrô viết thêm rằng 'Anh chị em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa nhiều thử thách... Nhờ thế khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự'” (1 Pr 1,6-7).

Giuse Trần Đức Anh O.P.