SUY NIỆM CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA (Ga 20, 19-31)
Tin Mừng thánh Gioan (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tôma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh.
Câu hỏi lớn được đặt ra : Tại sao Chúa Giêsu sống lại rồi mà trên thân thể vẫn con mang những vết thương ?
Thưa : Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh mang những vết thương. Chỉ có một mình Chúa Giêsu Phục Sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta, vì tội lỗi chúng ta đã gây ra cho Chúa, và cả sự cứng lòng cũng như sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Vết thương mang lại bình an
Tin Mừng mô tả : Khi các môn đệ đang khóa mình sau những cánh cửa đóng kín, đầy sợ hãi, đau khổ. Bỗng Chúa Giêsu hiện ra đứng giưa các ông và nói: “Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Chúng ta tự hỏi: Các môn đệ Chúa Giêsu đang cần gì ? Thế giới đang cần gì? Nước Việt nam cần gì? Bản thân chúng ta cần gì? Thưa: Bình an !
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Đây không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là ơn quí trọng Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau.
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Đây là hồng ân phát sinh từ những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau. Thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Người trao ban bình an cho các môn đệ như lời Người đã hứa: “Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27). Bình an này là chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh, hoa trái tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ và tha thứ. Các môn đệ hết sức vui mừng khi Chúa trao ban bình an. Sợ hãi cũng biến mất nơi các ông.
Hơn một năm qua, trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: Bình an, chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh mới cứu con người khỏi chiến tranh và ban bình an cho thế giới. Nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng đều cần bình an. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được bình an của Chúa Kitô, và chiến tranh mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể xây dựng môt thế giới hòa bình. Chúng ta hãy xin với Chúa Giêsu Phục Sinh xót thương và ban bình an cho thế giới.
Vết thương của sự tha thứ
Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ và tha thứ đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho thế giới niềm hy vọng. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những được thứ tha và thành thừa tác viên của Bí tích Hòa giải.
Từ sợ hãi đến niềm vui
“Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái” (Ga 20,19). Không phải sợ. Hầu như sợ hãi là không thể nhưng chúng tồn tại và có thật. Sợ hãi làm cho cửa lòng mình đóng lại với người khác. Sau khi Chúa chết, nhà các môn đệ giống như ngôi mộ, họ sống với sự sợ hãi, sợ chết. Chúa Giêsu không còn ở trong Mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Đấng hằng sống“ (Kh 1,8), Đấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Cái chết đã bị đánh bại: vậy thì còn gì phải sợ? “Họ vui mừng khi thấy Chúa” : các môn đệ từ sợ hãi đến vui mừng.
Chúa vui, các môn đệ vui, niềm vui của tình Thầy trò bén dễ sâu trong tình yêu. Niềm vui này không tách rời khỏi Thập Giá, nhưng trong khả năng của mình, con người có thể hiểu được Thập Giá và thảm kịch của con người. Bình an và niềm vui là những “món quà” của Chúa Kitô, đồng thời “dấu chỉ” để nhận biết Người. Sự bình an và niềm vui nảy nở trong tự do và hy sinh.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ và hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Đấng cứu chuộc chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ