Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái làng chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:
- Thầy không biết yêu sao?
Vị ẩn sĩ trả lời:
- Chưa đến giờ đó thôi.
Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị.
Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:
- Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!
Người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.
Đức Giêsu hỏi lại người thông luật: “Vậy ai là người thân của kẻ bị cướp?”. Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót” . Đức Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).
Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samari nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu là “miệng nói tay làm”, làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Đức Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: “Hãy đi và làm như vậy”. Pascal đã nói: “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương”.
Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.
Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.
Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?”. Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại săn sóc người ấy?” Người Samari tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.
Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân. Kahil Gibram có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con nguời càng vong thân.
Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân. Con người chỉ thành đạt đúng nghĩa, chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.
Người Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Kitô hữu là người dám trao ban chính bản thân mình”.
Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn, đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.
Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ, chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen!
Thiên Phúc