LỜI CHÚA(Lc 24, 13-35) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A2023
Lời Chúa trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 24, 13-35): “...Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”.
Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng.
Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”
Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất.
Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào…” Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi. Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe. Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời, nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa gió, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.
Hai môn đệ trên đường Emmaus đã từng có một thời bước theo Chúa Giêsu. Sau cái chết thập giá vào chiều ngày thứ sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Chúa nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp vị khách quý trên đường Emmau là Chúa Giêsu phục sinh.
+/ Một bà già người nước Đức thuật lại câu truyện mà chính bà là người trong cuộc chuyện. Khoảng năm 1942, bà và một số người Đức bị đưa đi lưu đày xa quê hương. Tất cả là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường, nơi ấy không có nhà thờ cũng không có linh mục. Nhưng mỗi chiều Chúa Nhật, họ được phép tụ họp trong một nghĩa trang để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một ngàn cây số có linh mục, thì họ quyết định hàng tháng đóng góp một số tiền để mua vé cho một bà già đi đến nơi đó mang Mình Thánh Chúa về cho họ chịu.
Mỗi Chúa Nhật họ đều trung thành gặp gỡ nhau, sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cuối tháng thì rước Mình Thánh Chúa. Trong suốt 20 năm dài, cộng đoàn Kitô hữu đó sống đùm bọc, yêu thương nhau, cho đến năm 1962 được trả tự do. Bà già thuật lại câu chuyện trên chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật. Sau khi kể lại câu chuyện này thì bà thêm: “Mặc dầu được thả về tự do, nhưng chúng tôi ra về với một niềm lưu luyến sâu đậm và nhớ nhung vô cùng những phút giây đoàn kết, yêu thương trong tình người và tình Chúa đó.”
- Câu chuyện cảm động kể ở trên một phần nào đã diễn tả được ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Hai môn đệ trên đường đi đến làng Emmau, một làng cách Giêrusalem 7 dặm, một môn đệ tên là Cleopha, còn môn đệ kia có thể là chính thánh Luca mà các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng vì khiêm nhường nên thánh sử giấu tên.
Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong những hạt ngọc của sách Tin Mừng Lu-ca, nó toát ra một vẻ đẹp quyến rũ khôn sánh, cả về chiều kích tâm linh lẫn chiều kích phụng vụ.
1/ Chiều kích Kinh Thánh. Đức Giê-su động lòng thương những bạn hữu của Ngài. Họ khóc thương cái chết của Ngài và tiếc nuối giấc mơ bất thành của mình. Ngài đồng hành với họ. Đây không đơn giản là một “cuộc hành trình theo nghĩa vật lý”, nhưng còn là lộ trình tâm linh nữa. Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, không còn như trước đây nữa, họ không nhận ra Ngài, cũng như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, khi gặp gỡ Ngài bên ngôi mộ trống, bà cũng đã không nhận ra Ngài.
- Theo từng bước một, Ngài dần dần soi lòng mở trí cho hai ông để hai ông “ngộ được” các biến cố. Ngài đích thân giải thích cuộc sống và cái chết của Ngài. Đối với những ai xưng tụng Ngài là “ngôn sứ”, Ngài minh chứng Ngài là Đấng Mê-si-a; đối với những ai chờ đợi cuộc giải phóng dân Ít-ra-en, Ngài giúp họ khám phá mầu nhiệm Vượt Qua. Ánh sáng dần dần ửng hồng trong tâm trí của họ, và một ngọn lửa nội tâm sưởi ấm lại tấm lòng họ, như họ thốt lên mà ta vừa nghe: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng thấy rạo rực đó sao ?”.
2/ Chiều kích Thánh Thể. Đức Giê-su đã thắp sáng lại niềm tin của họ. Nhưng vẫn còn thiếu một chiều kích, chiều kích này xuất hiện khi họ đích thân ngỏ lời với Ngài: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì ngày đã xế chiều, và trời gần tối”. Đây là cử chỉ của tấm lòng, cử chỉ của việc dâng hiến và chia sẻ. Đức Giê-su giả vờ như tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ngài không muốn áp đặt, nhưng chờ đợi hai ông ngỏ lời mời và Ngài chấp nhận lời mời của họ. Với cử chỉ thân thiện và tình bạn của họ, Ngài sẽ đáp trả một cách tuyệt vời. Với những người bày tỏ tấm lòng hiếu khách với Ngài và mời Ngài một bữa ăn, đến lượt mình, Ngài đáp lại bằng việc bẻ bánh và mặc khải chân tính của Ngài.
- Thánh Lu-ca dùng những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng vào lúc Ngài thiết lập bàn tiệc Thánh Thể: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Người ta nhận ra ngay đây là cử chỉ tái diễn bữa Tiệc Ly trong mối thâm tình cảm động. Vả lại, phụng vụ đã dựa trên sự kiện bẻ bánh này để biện minh việc rước lễ chỉ dưới hình bánh.
- Tuy nhiên, từ xưa cho đến nay, các nhà chú giải không đồng nhất với nhau. Vài nhà chú giải bác bỏ chiều kích Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su. Trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau không là các Tông Đồ, nên họ đã không tham dự bữa Tiệc ly với Đức Giê-su, làm thế nào hai người môn đệ này có thể nhận ra Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su? Tuy nhiên, hướng đi của câu chuyện không thể nào chối cãi là Thánh Thể.
Có một xác định đáng chú ý: vào buổi chiều Tiệc ly, Đức Giê-su đã tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, vì thế, Ngài đã hiện diện hữu hình với các Tông Đồ, trong khi với hai môn đệ Em-mau “Ngài biến mất trước mặt các ông”. Kể từ đó, sự cần thiết của Thánh Thể là như vậy: chỉ duy bánlà sự hiện diện hữu hình của Đấng Phục Sinh. Từ đó, nơi mà các tín hữu gặp gỡ Đấng Phục Sinh vinh quang chính là bàn tiệc Thánh Thể như nơi thư 1Cr nói: Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thánh Thể Người đó sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
3/ Chiều kích Phụng Vụ. Thật ấn tượng biết bao khi chúng ta đọc thấy ở nơi câu chuyện này có đủ yếu tố phụng vụ Thánh Thể: đọc và suy niệm Lời Chúa, cử chỉ dâng hiến và chia sẻ qua việc bẻ bánh.
4/ Chiều kích Giáo Hội. Chúng ta cũng gặp thấy ở nơi câu chuyện này chiều kích Giáo Hội. Hai môn đệ Em-mau ngay tức khắc trở về Giê-su-sa-lem. Họ gặp lại “các Tông Đồ và các bạn hữu đang tụ họp ở đó”. Cuộc gặp gỡ của hai người môn đệ này với Đấng Phục Sinh được cũng cố bởi kinh nghiệm của thánh Phê-rô: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”.
Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất nêu lên việc Chúa Ki-tô hiện ra với một mình thánh Phê-rô, lãnh tụ các Tông Đồ. Thánh Phao-lô cũng nói điều này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô. Như vậy, thánh Lu-ca kết thúc câu chuyện này với lời chú thích của Giáo Hội, dưới uy quyền tối thượng của thánh Phê-rô.
+/ Sau hết là để giúp cộng đoàn thực hành Lời Chúa hôm nay, xin theo lời của thánh Giút-ti-nô, tử đạo về Việc cử hành hy lễ tạ ơn rằng:…Không ai được quyền tham dự hy lễ tạ ơn, nếu không tin những điều chúng tôi dạy là chân thật, nếu không chịu thanh tẩy để được ơn tha tội và ơn tái sinh, đồng thời không sống theo giáo huấn Đức Ki-tô để lại…
Trong chúng tôi, ai khá giả thì giúp đỡ tất cả những người túng thiếu, và chúng tôi luôn hợp nhất với nhau. Mỗi lần dâng của lễ, chúng tôi đều chúc tụng Đấng tạo thành vạn vật, nhờ Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô và nhờ Chúa Thánh Thần. Vào ngày được gọi là Ngày Mặt Trời, tất cả mọi người, dù ở thành thị hay thôn quê, cũng đều tụ họp về một nơi. Tại đây, người ta đọc bút ký các Tông Đồ hay các sách Ngôn Sứ, tuỳ thời giờ cho phép. Khi người đọc sách đọc xong, vị chủ toạ nói đôi lời chỉ dẫn và khuyến khích mọi người sống theo những điều tốt lành vừa nghe.
Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đứng lên và dâng lời cầu nguyện…sau khi cầu nguyện, người ta đem bánh rượu và nước đến. Vị chủ toạ dâng lời cầu nguyện và tạ ơn với hết khả năng của mình; còn dân chúng thì lớn tiếng tung hô A-men. Tiếp đến, người ta phân chia của lễ tạ ơn đó cho từng người hiện diện, và các phó tế sẽ đem đến cho những người vắng mặt…Những ai dư giả và có lòng thì muốn cho gì tuỳ ý, hoàn toàn tự nguyện.
Những của thu được thì nộp cho vị chủ toạ ; vị này sẽ dùng để giúp cô nhi quả phụ, giúp những người thiếu thốn vì bệnh tật hay vì lý do nào khác, cả những người bị cầm tù, những khách lỡ đường. Tắt một lời, vị này giúp đỡ tất cả những ai túng thiếu…Vậy, cứ vào Ngày Mặt Trời, tất cả chúng tôi tụ họp lại, vì đó là Ngày Thứ Nhất, ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối và vật chất để tạo thành thế giới. Đó cũng là ngày Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng tôi, sống lại từ cõi chết. Ngày hôm trước ngày Thổ Tinh (thứ Bảy), Người đã bị đóng đinh. Hai ngày sau, tức là Ngày Mặt Trời, Người hiện ra với các Tông Đồ và môn đệ, dạy bảo các ngài những điều chúng tôi truyền lại cho anh em để anh em phải chú tâm suy nghĩ…Amen.
LM Nguyễn Ngọc Nga