Bài đọc :
Ca nhập lễ : Xh 15,1-2
Nào ta hát mừng Chúa,
Đấng cao cả uy hùng.
Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 8,26-40
Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
26 Ngày ấy, thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê : “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da ; con đường này vắng.” 27 Ông đứng lên đi. Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương 28 và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê : “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi : “Ngài có hiểu điều ngài đọc không ?” 31 Ông quan đáp : “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải ?” Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này : Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.
34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê : “Xin ông cho biết : vị ngôn sứ nói thế về ai ? Về chính mình hay về một ai khác ?” 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.
36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói : “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” 37 Ông Phi-líp-phê đáp : “Nếu ngài tin hết lòng, thì được.” Viên thái giám thưa : “Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.” 38 Ông truyền dừng xe lại. Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.
Đáp ca : Tv 65,8-9.16-17.20 (Đ. c.1)
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
8Nào chúc tụng Chúa Trời chúng ta, muôn dân hỡi,
trổi vang lên lời tán dương Người,
9Người là Đấng bảo toàn mạng sống
và giữ gìn ta khỏi lỡ bước sa chân.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
16Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
17Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa,
tấc lưỡi tán dương, tôi đã sẵn sàng.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
20Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
Tung hô Tin Mừng : x. Ga 6,51
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 6,44-51
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
44 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy ; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Ca hiệp lễ : 2 Cr 5,15
Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người,
để những ai đang sống,
không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-THÁNH THỂ VÀ LỜI CHÚA
Là người Kitô hữu, khi đọc đoạn Tin Mừng này, hẳn chúng ta sẽ nhớ ngay đến Bí tích Thánh Thể. Vì trong Bí tích này, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong tấm bánh bé nhỏ, và khi lãnh nhận tấm bánh ấy là chúng ta rước Chúa vào tâm hồn mình.
Bí tích này cho chúng ta được sống trước những giây phút vĩnh cửu nơi Thiên Đàng, vì khi đó chúng ta được sống gần gũi, mật thiết với Chúa như lúc chúng ta lãnh nhận Mình Máu Người trong Thánh Lễ.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta hiểu Thánh Thể là lương thực giúp ta no thỏa tâm hồn, nhờ đó chúng ta được sống dồi dào, thì Lời Chúa cũng là lương thực như thế. Lời Chúa và Thánh Thể là hai loại thần lương mang lại sự sống đích thực cho những ai tin tưởng và đón nhận. Nhưng xét cho cùng, cả hai cũng chỉ là một vì đều mang lại chính Đức Giêsu Kitô.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn yêu mến Thánh Thể và Lời Chúa, vì đó cũng là chính Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Các Phật tử và Kitô hữu được mời gọi cùng chữa lành vết thương của nhân loại
Nhân lễ Phật Đản năm 2023, Bộ Đối thoại Liên tôn đã gửi sứ điệp đến các cộng đoàn Phật giáo trên thế giới và nhận định rằng trước những vết thương đang làm cho thế giới đau đớn, cần phải có những hình thức liên đới mới được hình thành từ các truyền thống tôn giáo. Bộ mời gọi các Phật tử và Kitô hữu cùng chữa lành vết thương của nhân loại.
Ỏ phần mở đầu sứ điệp có tự đề “Các Phật tử và các Kitô hữu chữa lành nhân loại và trái đất bị tổn thương qua lòng từ bi và bác ái”, Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn mong dịp lễ này, một lần nữa truyền cảm hứng cho các Phật tử tiếp tục tìm hiểu bản chất của đau khổ để tìm cách vượt qua.
Đức Hồng Y viết: “Những vấn đề của thế giới ngày nay là nghèo đói, phân biệt đối xử và bạo lực; thái độ thờ ơ đối với người nghèo, tình trạng nô lệ do các mô hình phát triển không tôn trọng con người và thiên nhiên; lòng thù hận được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và dân tộc; và trên hết là thái độ tuyệt vọng với cuộc sống thể hiện qua nhiều hình thức lo lắng và nghiện ngập. Tất cả những thực tế này phơi bày tính dễ bị tổn thương chung của chúng ta một cách đau đớn”.
Theo Đức Hồng Y, nhận thức về tính dễ bị tổn thương chung này đòi hỏi những hình thức liên đới mới được hình thành bởi các truyền thống tôn giáo, qua đó chúng ta tìm kiếm câu trả lời về những bí ẩn chưa có giải đáp đối với thân phận con người. Bởi vì tất cả là một gia đình nhân loại, nên mọi người đều tương quan với nhau như anh chị em, những người cùng sống phụ thuộc lẫn nhau trên trái đất. Đây là lý do tại sao ngài cho rằng thật là thích hợp khi nhắc lại tiềm năng của các truyền thống tôn giáo trong việc đưa ra các phương thuốc có khả năng chữa lành vết thương trầm trọng của các gia đình, quốc gia và hành tinh của chúng ta.
Trong giáo lý Phật giáo, để chữa lành, các Phật tử thực hiện lòng từ bi. Những người sống với tâm đi cùng với lòng trắc ẩn đưa ra liều thuốc giải độc cho những cuộc khủng hoảng toàn cầu, cống hiến lòng trắc ẩn để đáp ứng với những tệ nạn lan rộng và liên kết với nhau.
Tương tự, đối với các Kitô hữu, không có phương thuốc nào hữu hiệu hơn là thực hành tình yêu, di sản tuyệt vời mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đồ. Chúa Giêsu ban cho các môn đệ món quà tình yêu thiêng liêng và dạy các Kitô hữu yêu thương nhau (Ga 15,13). Một tình yêu mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô đó là yêu thương với lòng trắc ẩn, yêu thương cụ thể chứ không trừu tượng. Tình yêu tạo sự bình đẳng, phá bỏ những bức tường, khoảng cách.
Kết thúc sứ điệp, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn cầu chúc mọi người cố gắng sống với tình yêu và lòng trắc ẩn lớn lao và cùng làm việc để xây dựng một thế giới công bằng, hoà bình và liên đới hơn.
Ngọc Yến - Vatican News