Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 97,1-2
Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công ;
Người mặc khải đức công chính của Người,
cho muôn dân được thấy. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 6,1-7
Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” 5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. 6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.
Đáp ca : Tv 32,1-2.4-5.18-19 (Đ. c.22)
Đ. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
1Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa,
kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
2Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm,
kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.
Đ. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
4Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.
Đ. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Đ. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Bài đọc 2 : 1 Pr 2,4-9
Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
4 Anh em thân mến, anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. 5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giê-su Ki-tô. 6 Quả thật, có lời Kinh Thánh chép : Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường : kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.
7 Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, 8 và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.
9 Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
Tung hô Tin Mừng : Ga 14,6
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 14,1-12
Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”
5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” 6 Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”
Ca hiệp lễ : Ga 15,1.5
Chúa nói :
“Thầy là cây nho thật, anh em là cành ;
ai luôn kết hợp với Thầy
và Thầy luôn kết hợp với người ấy,
thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào.” Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-CON ĐƯỜNG GIÊSU
Để đến được bất cứ nơi đâu, chúng ta phải lựa chọn một con đường. Có người chọn con đường dài để có nhiều trải nghiệm, có người chọn con đường ngắn để tiết kiệm thời gian, nhưng cũng có những người chọn con đường hẹp để thử thách bản thân.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta con đường về với nguồn cội của mình. Con đường đó không phải được làm bằng nhựa đường hay bêtông, nhưng đó chính là “con đường Giêsu.” Con đường này có nhiều gian lao vất vả và đòi hỏi chúng ta phải hy sinh rất nhiều, nhưng với những hy sinh đó chúng ta sẽ gặt hái được hoa quả ngọt ngào. Hoa quả này là cuộc sống nơi quê trời.
Đức Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu đang trong cuộc lữ hành trần thế hãy bước theo con đường của Người, để về hưởng hạnh phúc cùng với Người và được vinh phúc chiêm ngưỡng thánh nhan của Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy chuẩn bị hành trang để đi trên con đường là Đức Giêsu và Con Đường này sẽ dẫn ta tới quê trời.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, chúng con đang trên hành trình trở về quê trời, chúng con cảm nhận được những khó khăn và khổ cực. Xin Chúa luôn đồng hành, bổ sức và nâng đỡ chúng con trên con đường này. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
NHỮNG THẮC MẮC PHỔ BIẾN VỀ ƠN GỌI TU TRÌ TRONG GIÁO HỘI
WHĐ (26.4.2023) – Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh, ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn thiên triệu, hay còn gọi là, ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Nhân dịp này, chúng ta cùng xem giải đáp cho một số thắc mắc nổi bật liên quan đến đời sống Linh mục và Tu sĩ của chương trình Vision & the National Religious Vocation Conference, Hoa Kỳ, như một cách để giúp các bạn trẻ có cái nhìn chung về ơn gọi tu trì trong Giáo hội.
1. Các Linh mục, nam nữ tu sĩ làm gì trong một ngày sống?
Giống như hầu hết những người trưởng thành, các linh mục, tu sĩ dành một phần thời gian mỗi ngày để làm việc. Những công việc này được gọi là việc mục vụ vì mô hình và động lực của những công việc này là chính Chúa Giêsu, Đấng đã mời gọi các linh mục và tu sĩ đi theo Người và phục vụ theo cách của Người. Dù thế, các linh mục và tu sĩ không chỉ làm việc, mà còn duy trì sự kết hợp giữa cầu nguyện, sứ vụ, và giải trí để có lối sống lành mạnh, cân bằng hầu có thể trở thành những người vui tươi, khoẻ mạnh và dấn thân cách hiệu quả.
Việc cầu nguyện của các linh mục, tu sĩ thường bao gồm Thánh lễ, cầu nguyện trong thinh lặng (gọi là chiêm niệm), đọc Các giờ Kinh Phụng vụ (một tập tục cổ xưa là cầu nguyện các Thánh vịnh vào các giờ khác nhau trong ngày).
Trong việc mục vụ, các linh mục và tu sĩ cố gắng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác và bày tỏ Đức Kitô trong mọi việc họ làm. Nhiều linh mục, tu sĩ có một công việc chính, chẳng hạn như giảng dạy, mục vụ giáo xứ, công tác xã hội, bệnh viện, … tất cả đều có giờ giấc rõ ràng. Thường thì vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật thì lịch trình của các linh mục và tu sĩ tại các giáo xứ thường bận rộn hơn với việc cử hành thánh lễ, các sinh hoạt đoàn thể, các lớp giáo lý...
Ngoài ra, những linh mục và tu sĩ là thành viên của các dòng tu chiêm niệm (cộng đoàn dành riêng cho việc cầu nguyện) cũng lấp đầy ngày sống bằng sự kết hợp của làm việc, cầu nguyện và giải trí, trong đó phần lớn thời gian được dành cho việc cầu nguyện. Còn làm việc thì làm một số công việc mang lại thu nhập, chẳng hạn như: trồng trọt, nướng bánh lễ, may áo lễ, làm đồ mỹ nghệ và thủ công mỹ nghệ, …
2. Cầu nguyện quan trọng như thế nào trong đời sống của Linh mục và Tu sĩ?
Vì đã chọn một lối sống đặt Thiên Chúa là trên hết nên cầu nguyện là trung tâm đời sống tu trì. Mức độ hiệp thông sâu sắc với Thiên Chúa của linh mục, tu sĩ cũng giống như sự hiệp thông diễn ra giữa bất cứ hai người yêu nhau nào. Mối tương quan của người tu sĩ với Chúa phát triển và sâu sắc hơn nhờ sự cầu nguyện, do đó, nhiều linh mục, tu sĩ thường dành hơn 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để cầu nguyện. Bao gồm (1) việc cầu nguyện chung như: Thánh Lễ, đọc Các giờ Kinh Phụng vụ, lần hạt Mân côi, Chầu Thánh thể; (2) việc cầu nguyện riêng như: thinh lặng với Chúa, suy niệm về các bài đọc từ Kinh Thánh, đọc sách về đời sống tâm linh. Một trong những tác động tích cực của việc cầu nguyện, dù nó diễn ra dưới hình thức nào, đều nhằm giúp người sống đời tu trì ý thức hoạt động của Thiên Chúa nơi con người, nơi các sự kiện, và hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.
3. Đối với Linh mục, Tu sĩ việc Cầu nguyện có luôn dễ dàng không?
Không phải lúc nào cũng dễ dàng! Ngay cả những linh mục, tu sĩ sống chiêm niệm - mà bổn phận chính yếu là cầu nguyện - cũng trải qua những giai đoạn khô khan khi giờ cầu nguyện có vẻ buồn tẻ, hoặc không có gì thay đổi. Khi lớn lên trong trải nghiệm cầu nguyện, các tu sĩ học cách thích nghi với những thay đổi này. Các tu sĩ cũng cần nhờ đến sự nâng đỡ của cộng đoàn, hoặc đôi khi sự giúp đỡ của một vị linh hướng (người đóng vai trò hướng dẫn trong đời sống tâm linh) để giúp họ kiên trì cầu nguyện trong những thời điểm khó khăn. Những linh mục coi sóc xứ cũng nhận được sự khích lệ của cộng đoàn giáo xứ và các linh mục khác để cố gắng trung thành cầu nguyện ngay cả khi thấy mình ơ hờ và không thích.
4. Đâu là sự khác biệt giữa Linh mục triều và Linh mục dòng?
Linh mục triều, còn được gọi là linh mục giáo phận, thường phục vụ Giáo hội trong một khu vực địa lý nhất định được gọi là giáo phận. Linh mục triều thường phục vụ dân chúng với tư cách là một linh mục quản xứ, nhưng ngài cũng có thể tham gia vào những hình thức mục vụ khác như giảng dạy, mục vụ bệnh viện,…
Linh mục dòng là thành viên của một dòng tu, có thừa tác vụ vượt ra ngoài giới hạn địa lý của giáo phận. Một linh mục dòng thường sống chung trong cộng đoàn. Cộng đoàn chia sẻ một tầm nhìn và đường hướng chung và thường nhấn mạnh một loại mục vụ cụ thể.
5. Sự khác biệt giữa Tu huynh và Linh mục là gì?
Một Tu huynh là một người cam kết với Đức Kitô bằng lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tu huynh thường sống trong một cộng đoàn dòng tu và làm việc trong tác vụ phù hợp với khả năng và năng khiếu của mình. Tu huynh cố gắng sống đức tin của mình bằng cách trở thành “anh em” với người khác.
Một Linh mục được thụ phong cho một vai trò đặc biệt là thừa tác viên Bí tích. Linh mục cử hành các Bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và giải tội. Ngoài ra, linh mục cũng tham gia vào nhiều công việc khác — thường là liên quan đến giáo xứ — nhưng đời sống bí tích là thừa tác vụ đặc biệt của ngài.
6. Nữ tu và đan sĩ khác nhau như thế nào?
Nói chung, về mặt từ ngữ, từ nữ tu dùng để chỉ những phụ nữ thuộc một Hội tông đồ, hoặc Dòng tu hoạt động, nhằm cống hiến cho việc phục vụ, chẳng hạn như giáo dục, công lý, chăm sóc sức khỏe, mục vụ giáo xứ, hoặc dịch vụ xã hội. Trong khi đó, nữ đan sĩ là nữ tu thuộc đan viện chiêm niệm, không tham gia các hoạt động bên ngoài, nhưng dành hầu hết thời gian cho việc thờ phượng Thiên Chúa và cầu nguyện cho thiện ích của thế giới. Các đan sĩ chiêm niệm sống trong phạm vi đan viện và rất hiếm khi ra ngoài hoặc gặp gỡ người bên ngoài đan viện.
7. Các Dòng tu khác nhau ra sao?
Mỗi Dòng tu hoặc Hội dòng có một đặc sủng — một hồng ân được lãnh nhận để phục vụ Giáo hội. Chẳng hạn, đặc sủng của Dòng tu có thể là giảng dạy, cầu nguyện, chữa bệnh, chăm sóc người nghèo…. Đặc sủng giúp các Dòng tu tập trung vào thừa tác vụ và hoàn thành sứ mạng riêng của mình.
Nhiều Hội dòng có cùng chí hướng hoặc có các việc mục vụ tương tự, nhưng mỗi Dòng tu vẫn có những nét khác biệt nào đó. Đôi khi nó có thể chỉ là một vấn đề địa lý. Nhiều nhóm nam nữ tu sĩ được thành lập với những mục đích giống nhau và vào cùng thời điểm nhưng ở những nơi khác nhau.
Các cộng đoàn tu trì được thành lập để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của thời đại, cho dù đó là phục vụ những người bệnh trong thời kỳ Dịch bệnh, giáo dục trẻ em ở các vùng biên giới, hoặc cầu nguyện cho sự hoán cải của những con tim chai đá. Ngày nay, nhiều cộng đoàn tu trì mới tiếp tục được hình thành để đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi những người nam, nữ tham gia vào các hình thức tâm linh, cộng đoàn và sứ vụ cụ thể.
8. Để trở thành Linh mục thì phải mất bao lâu?
Nói chung, phải mất 4 năm đại học, sau đó là 5 - 6 năm học tại chủng viện. Chủng viện là một trường tương đương cấp cao đẳng hoặc đại học do một giáo phận Công giáo điều hành để giáo dục và chuẩn bị cho nam giới trở thành linh mục giáo phận.
Một tu sĩ nam theo học để làm linh mục dòng cũng phải trải qua khóa đào tạo tại Học viện của dòng.
Trong thời gian này, ứng sinh học Thần học, Thánh kinh, Giáo huấn Giáo hội và các kỹ năng cần thiết để trở thành một linh mục.
Xin xem tiếp tuần sau
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org (23.11.2020)