LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Monday of the Tenth Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=G68ODsjzJrY
5 Phút Lời Chúa - Thứ Hai Tuần 10 TN.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
Ca nhập lễ : Tv 26,1-2
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con
con còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời con,
con khiếp gì ai nữa ?
Chính bọn thù địch, bọn làm khổ con
phải lảo đảo té nhào.
Bài đọc 1 : 2 Cr 1,1-7
Thiên Chúa ủi an chúng ta, để chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.
Khởi đầu thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và Ti-mô-thê là người anh em, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, cùng với mọi người trong dân thánh trong khắp miền A-khai-a. 2 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. 4 Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. 5 Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. 6 Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. 7 Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy.
Đáp ca : Tv 33,2-3.4-5.6-7.8-9 (Đ. c.9a)
Đ. Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
4Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
6Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
8Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
9Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy :
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Tung hô Tin Mừng : Mt 5,12a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Ha-lê-lui-a
.
Tin Mừng : Mt 5,1-12
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng :
3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế.”
Ca hiệp lễ : Tv 17,3
Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ bảo vệ,
là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ,
chính Ngài phù hộ con.
SUY NIỆM-SỐNG “NGHÈO” ĐỂ ĐƯỢC “GIÀU”
Thế nào là hình ảnh của một người sống “nghèo” theo như lời chúc phúc của Đức Giêsu trong Bài giảng trên núi? Và tại sao một tâm hồn nghèo lại là một tâm hồn có phúc?
Một tâm hồn nghèo là một tâm hồn không bị lệ thuộc, không bị lôi kéo vào việc hưởng thụ lối sống tiện nghi vật chất. Nhưng trái lại, người sống “nghèo” luôn diễn tả một nếp sống khiêm nhường, thanh bần và khổ chế, biết hãm dẹp những đam mê và hạnh phúc vì được làm bạn với người nghèo.
Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống với một tâm hồn “nghèo” để được trở nên “giàu.” Sống nghèo sẽ giàu lòng tín thác và cậy trông vào Chúa – Đấng là mẫu gương trọn hảo khi mang thân phận của một người nghèo. Sống nghèo giúp ta giàu lòng thông cảm và hiểu được nỗi khổ của tha nhân, để qua đó ta được mời gọi chia sẻ và nâng đỡ họ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chia sẻ và gần gũi với những người nghèo khổ, túng thiếu. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO-“VIATICUM”: LƯƠNG THỰC CHO CUỘC HÀNH TRÌNH
“Viaticum” là một từ tiếng Latinh có nghĩa chữ là “lương thực cho cuộc hành trình” (hay còn được biết đến với tên gọi “của ăn đàng”), và bản thân từ này thường được sử dụng liên quan đến việc đem đến những Nghi thức Cuối cùng.
Khi còn dạy chúng tôi, Sơ Lydia có lẽ đã mất 90 giây để kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Thánh Tarcisius. Đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng tôi không bao giờ quên vì câu chuyện đó làm tôi vô cùng ấn tượng.
Vào thế kỷ thứ III, các Kitô hữu phải bí mật nhóm họp để tránh bị cuộc bách hại. Một cậu bé tên là Tarcisius (như một đứa trẻ đang lắng nghe, tôi mường tượng rằng cậu ấy trạc tuổi tôi, có lẽ lớn hơn một chút), đã tình nguyện mang Mình Thánh Chúa cho các Kitô hữu trong tù. Trên đường đến đó, cậu bị một đám bạn nhận ra và mời gọi Tarcisius cùng chơi đùa với họ.
Khi biết rằng cậu là một người Kitô hữu và tò mò về thứ mà Tarcisius mang theo, đám bạn đã cố gắng cạy nó ra khỏi chiếc túi trên áo mà cậu đang mặc. Cho đến một lúc, đám bạn đã trở nên hung hăn, giận dữ mà hạ gục Tarcisius, người đã ngã xuống dưới đòn đánh của họ. Cậu đã chết khi đang được khiêng đi, cùng với viaticum - thức ăn cho chuyến hành trình về nhà - mà cậu vẫn còn ôm chặt trên ngực.
Qua lời kể của sơ về câu chuyện súc tích đó, đứa trẻ ngồi gần cuối lớp 1-A này biết được rằng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã có từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo - và luôn luôn đáng được gìn giữ - và niềm tin đó dành cho Thiên Chúa, sự anh hùng, sự thánh thiện và lòng yêu mến Thánh Thể chưa bao giờ chỉ dành riêng cho người lớn mà thôi. Các thiếu nữ và thiếu niên cũng có khả năng yêu mến Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chết vì Người. Tuổi tác chưa bao giờ là rào cản cho sự thánh thiện.
“Viaticum” là một từ tiếng Latinh có nghĩa chữ là “lương thực cho cuộc hành trình,” và bản thân từ này được sử dụng phổ biến hơn liên quan đến việc đem đến các Nghi thức Cuối cùng - trong Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, sau lần xức dầu sau cùng và những lời cầu nguyện cho một người hấp hối hoặc có nguy cơ tử vong. “Lương thực” được ban dành cho bài thao luyện cuối cùng của cuộc đời này không gì khác hơn là Mình và Máu Châu Báu của Chúa Giêsu.
Chỉ một mẩu nhỏ nhất của Bánh Thánh, hoặc chỉ một giọt Máu Châu Báu, đều chứa toàn bộ Chúa Kitô, và việc rước lễ như thế nhằm đem lại nguồn dưỡng chất thiêng liêng cần thiết cho con đường linh hồn đến gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận cả công lý cũng như lòng thương xót của Người.
Nhưng sự thật là, Bí tích Thánh Thể là lương thực cho tất cả các ngày trong đời sống của chúng ta - nguồn dinh dưỡng mang đến thực tại bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô, vào từng huyết quản và bắp thịt của chúng ta để cho tinh thần, thể chất và vâng, trí tuệ của chúng tađược nên sung túc.
Thật là một món quà lớn lao mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta trong Bí tích cực thánh này! Chúng ta thật may mắn biết bao khi biết rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta như vậy - rằng Người nuôi chúng ta bằng chính Người, Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Khi chúng ta đi ngang qua nhà tạm, và chắc chắn là khi chúng ta tiếp rước Người trong Thánh lễ hay trên giường bệnh, đó là những lúc chúng ta đang ở gần thiên đàng trên trái đất nhiều nhất có thể. Đó là Bánh của các Thiên thần mà chúng ta được đón rước, một mầu nhiệm mà chúng ta chỉ nắm bắt được khi có sự đồng thuận của đức tin.
Các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”. Nói cách khác, để có một đời sống Kitô hữu thực sự, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không chỉ là một phần trong sự tồn tại của một người mà còn là thực tại mà từ đó mọi thứ trong cuộc đời của người đó tuôn chảy - và là mục tiêu mà mọi thứ trong cuộc sống này hướng tới.
Và vì vậy, khi cùng nhau thực hiện cuộc hành trình gian truân như thế, chúng ta hãy cậy dựa vào lương thực từ trời này. Chúng ta có thể tồn tại mà không có Chúa Giêsu vào ngày Chúa nhật hay không? Còn hôm nay thì sao?
Đám đông nói với Chúa Giêsu: “Xin cho chúng tôi bánh này luôn mãi.” Và rồi Người tuyên bố: “Ta là bánh hằng sống... ai đến với ta sẽ không hề đói; ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,34-35).
Thánh Thể là lương thực đích thực cho con đường đầy thử thách này; đó là niềm an ủi thực sự cho những đau thương mà chúng ta kiên trì chịu đựng. Và vì vậy, “viaticum” là một từ đáng được nhắc lại trong việc thực hành đức tin của chúng ta, vì lời nhắc nhở mạnh mẽ của nó chính là, giống như cậu bé Tarcisius, chúng ta bước đi trên con đường này với Chúa Giêsu Kitô.
ĐGM. Robert Reed
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Từ: Aleteia (08/6/2023)
Nguồn: giaophanvinhlong.net (09.06.2023)