Monday, November 11, 20249:19 PM(View: 6)
Một phụ nữ kể cảm nghiệm: "Vợ chồng tôi vì bận rộn làm ăn nên đem các con gửi cho mẹ ruột tôi và dượng ghẻ của tôi trông coi. Một thời gian sau thì các con gái tôi kể rằng các cháu bị dượng ghẻ tôi sờ mó và làm bậy.
Monday, November 11, 20248:48 PM(View: 4)
Nguồn: Purgatory Có một nữ tu tên là Gertrude dù đạo đức nhưng chị không giữ gìn lời nói. Chị thường hay phạm luật giữ thinh lặng. Đôi khi trong nhà thờ, trong buổi cầu nguyện thì chị thường nói những lời nói vô bổ với người chị em.
Monday, November 11, 20248:38 PM(View: 6)
Nguồn: Purgatory 1. Một linh mục bị đền tội ở luyện ngục vì tật hay nói những điều không cần thiết. Ngài là một người giảng thuyết rất hay và tận tâm. Ngài luôn vinh danh Chúa. Sau khi chết thì ngài hiện về với một người bạn trong Dòng tại Cologne.
Saturday, November 9, 20246:55 PM(View: 61)
Nguồn: Purgatory Tội lắm lời miệng lưỡi là một tội mà ai cũng dễ dàng mắc phải.
Saturday, November 9, 20245:38 AM(View: 55)
Nguồn: Purgatory Sau đây là cảm nghiệm của cha Francis, Dòng Tên: "Những người Kito Hữu nếu muốn tránh khỏi lửa luyện tội thì cần phải tôn sùng Cuộc Khổ Nạn Chúa Kito, Chúa chúng ta."
Saturday, November 9, 20244:54 AM(View: 45)
Các tu sỹ dòng Tên sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhờ lần hạt Mân Côi. Đã 70 năm trôi qua, kể từ khi lần đầu tiên và duy nhất, vũ khí hạt nhân nổ ở Hiroshima ngày 06-8, và Nagasaki ngày 09-8-1945. Cuộc tấn công nguyên tử lên thành phố Hiroshima đã giết hại khoảng 80 ngàn người ngay lập tức, ngoài ra cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 130 ngàn cái chết khác,
Thursday, November 7, 20249:20 PM(View: 51)
Nguồn: Purgatory Một Hoàng Hậu của nước Hung Gia Lợi là Bà Gertrude qua đời năm 1220. Sau đó bà hiện về xin con của bà là Thánh Elizabeth cầu nguyện cho bà.
Thursday, November 7, 20248:55 PM(View: 55)
Nguồn: Purgatory Trong thời đại này có rất nhiều Kito hữu sống xa rời Thánh Giá và Cuộc Khổ Nạn Đau Thương của Chúa Kito. Họ hưởng thụ và sống theo dục tình lôi cuốn. Họ rất sợ những gì gọi là sự hy sinh. Họ không ăn chay mà cũng không biết hãm mình đền tội...
Thursday, November 7, 20248:30 PM(View: 60)
Cha Gabriel Amorth - một chuyên gia trừ quỷ nổi tiếng của Rôma, đã xác nhận rằng: "Kẻ thù lớn nhất của ma quỷ hay của một thứ tà ma, phù phép vô hình nào đó, chính là Đức Trinh Nữ Maria. Cha giải thích: "Trong một trường hợp kia, một chuyên gia trừ quỷ là bạn của tôi đã từng hỏi quỷ, đối với Đức Maria,
Thursday, November 7, 20248:26 PM(View: 53)
Câu chuyện xảy ra giữa hai anh em sống tại Luân Đôn, thủ đô Anh quốc. Người anh tên Yerzy, người em tên Pawel; cả hai đã lập gia đình có con cái và địa vị trong xã hội; cả hai là tín hữu Công Giáo thuộc gia đình đạo đức.

CHÚA NHẬT TUẦN XI THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA

Saturday, June 17, 20238:48 PM(View: 435)

chchanchienCHÚA NHẬT TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Tv 26,7.9

Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu Chúa.

Chính Ngài là Đấng phù trợ con,

xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,

lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.

Bài đọc 1 : Xh 19,2-6a

Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.

Bài trích sách Xuất hành.

2 Hồi đó, con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xi-nai, và dựng trại trong sa mạc. Ít-ra-en đóng trại ở đó, đối diện với núi.

3 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán : “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này : 4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. 6a Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.”

Đáp ca : Tv 99,1-2.3.5 (Đ. c.3c)

Đ. Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

1Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
2phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

Đ. Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

3Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Đ. Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

5Bởi vì Chúa nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

Đ. Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Bài đọc 2 : Rm 5,6-11

Chúng ta đã được hoà giải nhờ cái chết của Người Con, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

6 Thưa anh em, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. 9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. 11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng : Mc 1,15

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Mt 9,36 - 10,8

Sau khi gọi mười hai môn đệ, Đức Giê-su đã sai các ông đi truyền giáo.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

9 36 Khi ấy, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; 3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; 4 ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Ca hiệp lễ : Tv 26,4

Một điều tôi kiếm tôi xin,

là luôn được ở trong đền Chúa tôi

mọi ngày trong suốt cuộc đời.

SUY NIỆM-CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Lòng thương xót là một tâm tình phát sinh trong lòng con người mỗi khi thấy người khác đau khổ. Những tình cảm tốt đẹp và các hành vi đạo đức dường như đều phát sinh từ tấm lòng thương xót đối với tha nhân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã để ý đến dân chúng và cảnh khốn cùng của họ. Người đã tỏ lộ tâm tình thương xót của mình bằng cách sai các môn đệ ra đi rao giảng ơn cứu độ, chữa lành bệnh tật và trừ quỷ cho dân chúng.

Lòng xót thương của Thiên Chúa là khởi nguồn của toàn bộ sứ vụ trong Hội Thánh. Lòng thương xót chạm vào tâm hồn các Tông Đồ để các ngài sẵn sàng bỏ lại quá khứ mà bắt đầu một hành trình mới, một đời sống mới theo Đức Giêsu dù có phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Qua mọi thời, Lòng thương xót ấy vẫn tỏ rạng và chạm đến nhân loại để mời gọi con người dấn thân phục vụ Tin Mừng.

Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành chứng nhân lòng thương xót của Chúa cho thế gian qua đời sống yêu thương, quảng đại, hy sinh và phục vụ tha nhân. Đây chính là một trong những phương cách hữu hiệu để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đồng cảm với nỗi đau của những tâm hồn khốn khổ xung quanh chúng con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

XIN CHO TRÁI TIM CON GẶP ĐƯỢC TRÁI TIM CHÚA

Mời bạn cùng tôi chiêm ngắm dung mạo hiền lành của Chúa Giêsu và Thánh Tâm yêu dấu của Ngài qua bức linh ảnh Trái Tim Chúa Giêsu do họa sĩ người Ý – Pompeo Girolamo Batoni vẽ vào năm 1765. Bức ảnh được bề trên Dòng Tên ở Roma thời đó đặt vẽ cho nhà thờ Il Gesù và hiện vẫn được tôn kính trong nhà thờ này.

Bạn thấy bức tranh này lần đầu tiên hay bạn đã từng thấy bức tranh này khi còn ở tuổi thiếu nhi và thiếu niên?

Phần tôi, khi còn là một cậu bé trong xứ đạo, tôi đã nhìn thấy bức tranh này được in trong tấm hình nhỏ và chúng tôi những đứa bé học lớp giáo lý rước lễ lần đầu say mê và mong sao mình có được tấm hình đó. Bạn biết không, vì say mê ảnh thánh nên những đứa con nít như chúng tôi thi nhau gom góp ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ, ảnh các vị Thánh và rồi đưa đến nhà thờ khoe nhau. Đặc biệt đứa nào có được bức ảnh Trái Tim Chúa Giêsu này, thì thật là vinh dự, dù rằng chúng tôi chẳng biết nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa. Chỉ thấy Chúa đẹp là thích rồi. Vì thế, ai cũng thèm cũng khát được có bức hình này.

Khi ngắm nhìn bức tranh này, bạn nghĩ đến việc đạo đức nào?

Chắc chắn câu câu trả lời của bạn sẽ là: Kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt vào tháng sáu là tháng Giáo Hội dành riêng kính Thánh Tâm Chúa. Hơn nữa, vào các ngày thứ sáu đầu tháng các tín hữu cũng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Việc đạo đức kính Thánh Tâm Chúa Giêsu liên hệ chặt chẽ với đời sống Đức Tin của người tín hữu vào Chúa Giêsu, cũng như với các nhà thần bí hướng về Chúa Giêsu cách đặc biệt.

Không dễ dàng để xác định nguồn gốc của việc kính Thánh Tâm Chúa, vì nguồn gốc thiêng liêng của việc đạo đức này bắt nguồn từ Cựu Ước đến Tân Ước và đến các Giáo Phụ. Sau đó các thánh nhân và các nhà thần bí nam nữ trong thời trung cổ và đặc biệt vào thế kỷ 17 đã cổ võ việc đạo đức kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt thánh Jean Eudes, thánh Margarita Maria Alacoque và thánh Claude La Colombiere. Các ngài được gọi là “các thánh của Thánh Tâm”.

Vào năm 1956 thánh Giáo Hoàng Piô XII đã công bố thông điệp “Haurietis aquas in gaudio – Sẽ mừng vui múc nước” về việc cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Trong thông điệp có viết: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”.

Đức Thánh Cha Piô XII nhấn mạnh thêm: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!”.

Trở về lại bức tranh, chúng ta cùng khám phá những điều thú vị.

Bức tranh về Thánh Tâm của họa sĩ Pompeo Girolamo Batoni có điều gì thú vị?

Pompeo Girolamo Batoni (1708 – 1787) sinh ra ở Lucca (Toscana). Cha ông là một thợ kim hoàn. Chàng trai Batoni bước vào nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, năm 19 tuổi, anh rời xưởng của cha mình và đến Roma để học hội họa. Ở đó, ông đã trở thành một trong những họa sĩ ở Roma nổi tiếng nhất và giỏi nhất trong thời đại của mình. Đặc biệt với tư cách là một họa sĩ vẽ chân dung, ông được đánh giá cao và được nhiều người săn đón.

Năm 1760, Pompeo Batoni được bề trên Dòng Tên Roma trao trách nhiệm vẽ một bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu cho nhà thờ Il Gesu của Dòng Tên.

Họa sĩ lập tức bắt tay vào việc. Nhưng ông vẫn cảm thấy khó khăn, mặc dù bản thân ông là một người có niềm tin tưởng mạnh mẽ và rất ngưỡng mộ trái tim Chúa Giêsu.

Ông thiếu ý tưởng để vẽ. Ông phải diễn tả tình yêu vô biên của trái tim Chúa Giêsu trong bức tranh như thế nào?

Với những vấn nạn đó, Pompeo Batoni lui về cầu nguyện và tĩnh tâm. Nhưng không có ý tưởng thỏa mãn nào đến với ông. Nỗi khổ nội tâm lớn hơn nữa.

Rồi một ngày nọ, sau khi tham dự thánh lễ sớm, và trong thánh lễ đó ông ý thức thưa chuyện với Chúa về sự khó khăn khúc mắc của ông trong việc vẽ bức tranh Thánh Tâm, và ông xin Chúa soi sáng giúp đỡ ông.

Trên đường từ nhà thờ về nhà, ông gặp một người hành khất xin ông bố thí chút tiền. Danh họa Batoni do dự, vì ông chỉ mang theo một đồng xu để đủ mua đồ ăn cho bữa điểm tâm. Nhưng sau vài khoảnh khắc do dự, ông đưa đồng xu đó cho người ăn xin, chính lúc này lời cầu nguyện thầm lặng của họa sĩ đã được đáp lại.

Danh họa đưa tay bố thí đồng xu, người ăn xin liền đặt tay trái lên trái tim của mình và đồng thời khiêm tốn đưa tay phải ra để nhận đồng xu.

Khi Batoni nhìn thấy thái độ này, ông nhận được ngay một ý tưởng giúp ông tháo cởi khó khăn ông đang có để vẽ bức tranh Thánh Tâm Chúa, nghĩa là ngay lúc đó ông nghĩ đến Chúa Giêsu, Ngài cũng chìa tay ra về phía con người chúng ta, để xin chúng ta chính tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Đó là sự đáp trả tình yêu của chúng ta đối với tình yêu cứu độ cao cả của Chúa dành cho chúng ta, như sách Châm Ngôn có viết: “Hỡi con, hãy cho Cha trái tim của con” (Cn 23,26).

Trải nghiệm bất ngờ trên đã đưa lại cho Batoni nguồn cảm hứng quan trọng để bắt tay vào vẽ bức tranh. Ông vội vã về nhà và cầm cọ lên vẽ bức tranh ngay lập tức và chỉ trong một thời gian ngắn đã vẽ xong bức tranh và bề trên Dòng Tên ở Roma rất hài lòng về linh ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu do danh họa vẽ.

Thật thú vị câu chuyện của họa sĩ với linh ảnh Thánh Tâm.

Giờ đây bạn cùng chiêm ngắm linh ảnh, bạn nhận ra những nét đặc biệt nào cho riêng bạn?

Danh họa Pompeo Batoni đã vẽ hình bán thân của Chúa Giêsu bằng sơn dầu trên một tấm hình bầu dục.

Chiêm ngắm linh ảnh, ta thấy dung mạo trẻ trung và xinh đẹp, hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu nổi bật rực rỡ trên nền tối.

Chúa Giêsu mặc áo dài màu đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho máu (tử vì đạo) và tình yêu. Màu đỏ này còn đề cập đến nhân tính của Chúa và tình yêu cứu chuộc của Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Về cơ bản đó là điều mà việc tôn kính Thánh Tâm hướng tới. Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và hiến thân vì chúng ta.

Màu xanh lam của áo choàng che vai phải của Chúa Giêsu ám chỉ thần tính của Chúa Giêsu.

Một quầng sáng hình Thánh Giá được biểu thị kín đáo xung quanh đầu Chúa Giêsu. Vinh quang của Đấng hiền lành và khiêm nhường tỏa ra thật nhẹ nhàng thanh thoát.

Chúa Giêsu hơi nghiêng đầu qua trái và hướng đầu về với người xem linh ảnh. Mái tóc nâu sẫm của Chúa xõa xuống vai. Một bộ râu hẹp tạo khung cho khuôn mặt.

Chiêm ngắm đôi mắt Chúa, ta nhận ra nét hiền lành và khiêm nhường sâu thẳm. Đôi mắt này Ngài sẽ trao cho Giakêu, cho người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Simon, cho người phụ nữ còng lưng ở trong hội đường, cho anh Lêvi đang ngồi tại bàn thu thuế, đôi mắt đó cũng tìm đôi mắt của người phụ nữ bị bệnh băng huyết để chữa lành và ban bình an, đôi mắt của Đấng hiền lành và khiêm nhường cũng tìm đôi mắt của đồ đệ Phêrô chối Chúa ba lần, để nhờ đó ông ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết. Ôi đôi mắt hiền lành, khiêm nhường và nhân từ biết bao.

Đôi mắt của Chúa cũng tìm bạn và tôi trên hành trình cuộc sống, dù chúng ta vui hay buồn, mạnh khỏe hay đau yếu, sốt sắng hay tội lỗi. Hãy để cho đôi mắt Chúa gặp được đôi mắt của ta.

Bàn tay phải của Chúa Giêsu được giang ra. Thái độ này của Chúa được họa sĩ Pompeo Batoni tái hiện lại kinh nghiệm với người hành khất mà ông đã gặp. Bàn tay được mở nhẹ nhàng và hướng về phía trên giống như một cái bát. Dấu đinh màu đỏ được tỏ lộ rõ trong lòng bàn tay Chúa. Một dấu hiệu về mầu nhiệm cứu độ. Như thế, bàn tay phải của Chúa trong linh ảnh không hẳn là một cử chỉ để chỉ tay, mà là một cử chỉ cầu xin, giống như cuộc gặp gỡ của họa sĩ Batoni với người ăn xin. Tình yêu muốn tình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu muốn tình yêu của bạn và tôi đáp lại cho Ngài. Tình yêu mong chờ một lời đáp, một câu trả lời. Trái tim Chúa Giêsu gọi trái tim chúng ta.

Trong bàn tay trái Chúa Giêsu cầm trái tim của mình và Chúa chỉ cho mọi người trái tim của Chúa. Nhiều tia sáng rực rỡ phát ra từ trái tim. Một vòng gai bao quanh trái tim. Phía dưới bên trái, có vẻ như, vết máu đang chảy ra từ vết cắt, vết thương đâm. Phía trên tái tim như có một ngọn lửa đang cháy rực và ở phía trên và phía giữa trái tim một cây Thánh Giá nhỏ được cắm trên đó.

Với trái tim chìa ra trên bàn tay trái và bàn tay phải mở ra để đón nhận, Chúa Giêsu mời gọi người xem nhìn vào tình yêu của Người, suy niệm về tình yêu đó, tâm sự với trái tim Chúa, đối thoại với Đấng Cứu Thế hiền lành và khiêm nhường, và trên hết Chúa mời gọi tất cả nhân loại hãy đáp lại tình yêu Chúa bằng chính tình yêu của chúng ta dành cho Chúa.

Vậy chúng ta nên đáp lời Chúa Giêsu và Thánh Tâm của Ngài thế nào đây?

Trước hết ta xác tin lời của Đức LEO XIII đã khôn khéo nhắc nhở: “sức mạnh và vẻ đẹp của vương quốc Đức Kitô vốn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, nền tảng và chóp đỉnh của vương quốc ấy là TÌNH YÊU THÁNH THIỆN. Mọi nguyên tắc khác của đời sống đức tin đều do đó phát sinh ra[1].

Tiếp đến ta ý thức đừng khép kín và từ chối tình yêu của Chúa Giêsu được biểu lộ trong trái tim thần linh của Người, mà ngược lại bạn và tôi cùng mở lòng ra với trái tim Chúa, đón nhận trái tim Chúa và để sức sống của trái tim Chúa thấm nhập, tuôn chảy và lấp đầy chúng ta. Để rồi bạn và tôi có thể trao gởi trái tim Chúa cho người khác qua việc phục vụ thật cụ thể và yêu thương thật sống động của chúng ta dành cho họ.

Như vậy, sự đáp trả của tình yêu có thể là món quà mà chúng ta đặt vào bàn tay trống không dang rộng của Chúa Giêsu. Chúng ta trao tặng cho Chúa tình yêu, Ngài ở trong các anh chị em đang sống gần bên chúng ta, đặc biệt Ngài đang hiện thân trong những người hèn mọn, nghèo hèn, bệnh tật, bị khinh rẻ, không được để ý, không được dòm ngó tới và không được yêu thương.

“Tình yêu cốt ở điều này:

không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,

nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,

và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Anh em thân mến,

nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,

chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4,10-12).

Chúng ta hãy để lời kêu mời của thánh Gioan vang vọng và thấm sâu vào tâm trí chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta biết giơ bàn tay ra để đón nhận trái tim của Chúa, trái tim yêu thương và chấp nhận mọi đau khổ vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Tình yêu mong muốn tình yêu. Xin Chúa cũng giúp chúng ta biết giơ bàn tay còn lại ra để đáp lại tình yêu của Chúa, bằng cách yêu thương anh chị em ở gần bên, anh chị em mà chúng ta gặp trên đường, trên hết là các anh chị em bất hạnh và nghèo hèn.

Cuối cùng, mời bạn cùng tôi dâng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu lời nguyện cầu:

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa có trái tim hiền lành và khiêm nhường, xin làm cho trái tim con nên giống trái tim của Chúa! Lạy Chúa Giêsu, xin cho trái tim con gặp được trái tim Chúa!”

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Nürnberg tháng 06.2023
Nguồn: dongten.net (13.06.2023)