LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
CHÚA NHẬT TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 85,1-3
Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con.
Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây
hằng tin tưởng nơi Ngài.
Chính Ngài là Thiên Chúa của con.
Xin dủ lòng thương con, lạy Chúa,
vì con kêu cầu Chúa suốt ngày.
Bài đọc 1 : Is 22,19-23
Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
9 Đức Chúa phán những lời này với ông Sép-na, tể tướng triều đình :
“Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.
20Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta
là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu.
21Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.
22Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.
23Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,
nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.”
Đáp ca : Tv 137,1-2a.2bc-3.6 và 8bc (Đ. c. 8bc)
Đ. Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
1Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,
2ahướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Đ. Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
2bcXin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.
3Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
Đ. Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
6Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn ;
đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.
8bcLạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
Đ. Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
Bài đọc 2 : Rm 11,33-36
Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
33 Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! 34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? 35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? 36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! A-men.
Tung hô Tin Mừng: Mt 16,18
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 16,13-20
Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Ca hiệp lễ : Tv 103,13-14
Lạy Chúa, đất chứa chan phước lộc của Ngài,
từ ruộng đất, Ngài sản sinh cơm bánh,
và rượu ngon làm phấn khởi lòng người.
SUY NIỆM-CHÍNH NGÀI LÀ ĐẤNG KITÔ
André Frossard, một ký giả nổi tiếng người Pháp, đã có một cuộc biến đổi trong đời ông. Trong phút chốc, ông nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Ông ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong quyển sách Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khen ngợi Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Lời khen ngợi không dành cho tài trí khôn ngoan hay sự lanh lợi của ông, nhưng muốn truyền tải thông điệp rằng, phúc lành Thiên Chúa đã được ban tặng cho ông theo ý Người. Thật vậy, không phải đã có ai mặc khải cho Phêrô điều mà ông vừa tuyên xưng, nhưng chính Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu đã ban cho.
Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã mặc khải chân lý về Chúa Cha cho con người. Nhờ Người mà chúng ta hiểu biết hơn về Thiên Chúa, đồng thời được nhận làm những nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ thông phần vào địa vị trưởng tử của Đức Giêsu.
Vì thế, cuộc gặp gỡ Đức Giêsu và đón nhận chân lý mặc khải của Người là một ân huệ lớn lao và có sức biến đổi đối với con người. Thiên Chúa luôn có cách để đến với con người và làm cho họ nhận ra chân lý tình yêu. Do đó, ta hãy mở cánh cửa lòng mình để chờ đón Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra Chúa nơi tâm hồn mình và xin hãy hoán cải chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
HỌC THUYẾT XÃ HỘI VÀ TÍNH HIỆP HÀNH
Học thuyết xã hội mang tính hiệp hành sâu xa. “Các phong trào Công giáo Tiến hành, trong lịch sử của mình, đã phát triển các thực hành hiệp hành thực sự, đặc biệt là trong đời sống đồng đội vốn hình thành nên nền tảng cho kinh nghiệm của anh chị em. Giáo hội của chúng ta cũng đã hoàn toàn dấn thân vào một hành trình hiệp hành, và tôi trông chờ vào sự đóng góp của anh chị em”. (Phanxicô, 2022).
Tính hiệp hành
Học thuyết xã hội của Giáo hội, một đặc quyền của toàn thể cộng đồng
Học thuyết xã hội mang tính hiệp hành sâu xa nếu chúng ta thừa nhận, với cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, rằng “Học thuyết xã hội là của Giáo hội bởi vì Giáo hội là chủ thể xây dựng, phổ biến và giảng dạy học thuyết đó. Nó không phải là đặc quyền của một bộ phận trong cơ thể Giáo hội, mà là của toàn thể cộng đồng: nó là sự diễn tả cách thức mà Giáo hội hiểu về xã hội và xác định mình đối với những cơ cấu và những thay đổi của nó. Toàn thể cộng đồng Giáo hội – linh mục, tu sĩ và giáo dân – góp phần làm nên học thuyết xã hội, tùy theo sự đa dạng của các bổn phận, đặc sủng và thừa tác vụ trong Giáo hội.”[1]
Về mặt lịch sử, học thuyết xã hội của Giáo hội được hình thành khi các Đức Giáo hoàng từ bỏ can thiệp trực tiếp vào các vấn đề thế tục và các Nước trực thuộc Tòa Thánh chỉ còn như là một “miếng da lừa”. Thông điệp của các ngài giờ đây khuyến khích các giám mục và giáo dân tham gia vào vấn đề xã hội.
Nhưng trung tâm của học thuyết xã hội của Giáo hội vẫn được cấu thành chủ yếu bởi các lập trường của Vatican. Trong các thông điệp xã hội, từ “phân định” ít khi xuất hiện, ngoại trừ qua công thức được Công đồng Vatican II công nhận: “tìm hiểu kỹ lưỡng các dấu chỉ thời đại” (GS 4). Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện bước ngoặt đầu tiên bằng cách trích dẫn các Hội đồng Giám mục[2]. Họ làm rõ hơn nguồn gốc được thể hiện bằng kinh nghiệm địa phương và công việc phân định tập thể được thực hiện.
Giáo dân được mời gọi phân định
Thượng hội đồng về tính hiệp hành đánh dấu một bước ngoặt mới. Bài phát biểu khai mạc về tiến trình hiệp hành kêu gọi tất cả các Kitô hữu hãy phân định: “Xin cảm ơn anh chị em đã có mặt tại buổi khai mạc Thượng Hội đồng. Anh chị em đã đến bằng nhiều con đường khác nhau và thuộc về nhiều Giáo hội. Mỗi người mang trong lòng những câu hỏi và hy vọng. Tôi chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để cùng nhau tiến bước, lắng nghe nhau và khởi xướng một sự phân định về thời đại của chúng ta, bằng cách trở nên liên đới với những nỗ lực và ước muốn của nhân loại.” Đây không còn chỉ là vấn đề thực hiện học thuyết xã hội của Giáo hội do hàng giáo phẩm nghĩ ra, nhưng là đưa giáo dân vào chính sự phân định của Giáo hội.
Khi tiếp các phong trào Công giáo Tiến hành Pháp vào ngày 13 tháng 1 năm 2022 tại Rôma, Đức Thánh Cha đã trả lời cho một tài liệu dài 16 trang được cấu trúc xung quanh bộ ba: “xem, xét, hành động”. Về điểm thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một cách minh nhiên: “Trong cuộc gặp gỡ giữa một bên là các biến cố của thế giới và cuộc sống của chúng ta, bên kia là Lời Chúa, chúng ta có thể phân định những tiếng gọi của Chúa dành cho chúng ta.”[3]. Ngài nói thêm: “Các phong trào Công giáo Tiến hành của anh chị em, trong lịch sử của mình, đã phát triển các thực hành hiệp hành thực sự, đặc biệt là trong đời sống đồng đội vốn hình thành nên nền tảng cho kinh nghiệm của anh chị em. Giáo hội của chúng ta cũng đã hoàn toàn dấn thân vào một hành trình hiệp hành, và tôi trông chờ vào sự đóng góp của anh chị em.”
Các phong trào Giáo hội sống hiệp hành
Sau lá thư [của Đức Phanxicô] gửi Dân Chúa (24/8/2018)[4], khoảng năm mươi tổ chức và phong trào của Giáo hội đã thành lập Tập thể “Promesses d’Église” (Những hứa hẹn của Giáo hội)[5]. Thông qua đó, họ đóng góp cho Thượng hội đồng. Cách tiếp cận này rèn luyện sự phân định chung, bắt đầu từ chính các phong trào. Việc rèn luyện các thành viên về sự phân định cá nhân và tập thể có thể giúp họ đóng góp vào cách thức mới mẻ “tạo ra” học thuyết xã hội.
Bertrand Hériard, s.j
Chuyển ngữ: Tý Linh - Theo nhật báo CERAS (02.08.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (19.08.2023)
[1] Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, 2008, §79.
[2] Thông điệp Laudato Si’ trích dẫn 6 HĐGM : Nam Phi, Phi Luật Tân, Afrique du Sud, Philippines, Hoa Kỳ, Canada, Úc, châu Mỹ Latinh và Caribe. Thông điệp Fratelli tutti trích dẫn 10 HĐGM.
[3] Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các vị hữu trách Công giáo Tiến hành Pháp, ngày 13/1/2022.
[4] Trong lá thư này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “điều cần thiết là mỗi người đã được rửa tội cảm thấy dấn thân cho sự biến đổi giáo hội và xã hội mà chúng ta rất cần” và “không thể tưởng tượng được một sự hoán cải của hoạt động của Giáo hội mà không có sự tham gia tích cực của mọi thành phần Dân Thiên Chúa” (ctcnd).
[5] Chẳng hạn https://www.promessesdeglise.fr/ bao gồm: Tổ chức CCFD-Terre Solidaire, Kitô hữu ở Thế giới Nông thôn, Emmanuel, Chemin Neuf, Cộng đồng Đời sống Kitô hữu, Hội đồng Tu sĩ Pháp, Doanh nhân và Lãnh đạo Kitô giáo, Fondacio, Phong trào Kitô hữu của các Cán bộ và Lãnh đạo (MMC), Phong trào Hướng đạo Pháp, Cứu trợ Công giáo, Ban Tổng thư ký Giáo dục Công giáo, v.v.