SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – A (Mt 16, 21-27)
Thánh ý Chúa trong cuộc đời
Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, là chủ tể mọi loài (x. 2Mcb 7, 23; Kn 1, 14), là tác giả của quá khứ, hiện tại và tương lai (x. Gdt 9, 5-6). Nhìn vào trật tự của vũ hoàn, chúng ta thấy quyền năng sáng tạo và bá chủ lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Mọi sự xảy ra không ngoài ý Chúa.
Nhìn vào cuộc đời và ơn gọi của Giêrêmia, ông đâu có muốn làm ngôn sứ cho Đức Chúa. Ông thưa cùng Chúa : “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã đã khuyến dụ được tôi”(Gr 20,7). Ông đâu có chọn cho mình ơn gọi tiên tri; ông cũng chẳng thích tuyên sấm những lời bi quan khủng khiếp. Cực chẳng đã ông phải làm tiên tri. Chính Thiên Chúa dụ dỗ ông, biến ông thành khí cụ trong tay Đấng điều khiển cả đất trời. Thánh ý Chúa thể hiện trong cuộc đời ông. Ông là "Người của Thiên Chúa".
Chúa Giêsu tuân hành ý Chúa Cha
Chúa Giêsu là khuôn mẫu hoàn hảo nhất trong việc thực hành ý Chúa Cha. Người sống bằng ý Chúa (x. Ga 4, 34). Đó là điều duy nhất mà Người tìm kiếm (x. 5, 30), và làm mọi sự đẹp ý Đấng đã sai mình (x. 8, 29). Dù ý đó mang một hình thức “mệnh lệnh”, nhưng Chúa Giêsu thấy đó là dấu chỉ mà “Cha yêu Người” (x. 10, 17). Sự vâng phục của Con là sự thông hiệp với ý Cha (x. 15, 19).
Trong vườn Cây Dầu cho thấy “điều Con muốn” và “điều Cha muốn” có vẻ không dung hợp (x. Mc 14, 36). Nhưng Chúa Giêsu đã vượt qua xung đột đó nhờ cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha : “Xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha.” (Lc 22, 42). Người đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình để ý Cha được hoàn toàn thực hiện, hầu mang lại ơn cứu độ cho loài người.
Chẳng có lạ, khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thấy con đường khổ nạn và cái chết đau thương mình phải chịu. Chẳng may Người gặp phải một phản ứng tức thời, phản ứng của Phêrô, kẻ mà Người mới đặt làm Đá để xây lên Hội Thánh.
Phêrô kéo Người lại với mình và can gián Người rằng : "Lạy Thầy, không thể thế được ! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu" (Mt 16,22). Kể ra ông cũng rất tế nhị. Ông không dám thẳng thắn phản đối. Ông kéo Người ra để nói riêng, không muốn cho đồng bạn nghe thấy. Vậy mà Chúa Giêsu có vẻ phẫn nộ đối với Phêrô. Người nói to không nể mặt : " Hỡi Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm" (Mt 16,23). Có lẽ câu tiếp theo làm cho người ta hiểu thánh ý Chúa hơn, Người bảo: "Vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (c. 23).
Dần dà Chúa Giêsu tỏ cho môn đệ thấy tương lai của Người, tương lai ấy do chính Chúa Cha xây dựng như Chúa Giêsu nói : "Ta đến không phải để làm theo ý muốn của mình, mà là ý của Đấng đã sai Ta" (Ga 6,38). Như vậy, cuộc Tử nạn Phục sinh của Chúa Giêsu là kế hoạch của Chúa Cha. Phêrô chưa nhận ra điều ấy. Ông tưởng đó là ý riêng của Chúa Giêsu. Thế nên ông bộc bạch ý của ông cũng là ý của các môn đệ, là ý của quần chúng, của con cái Israel... và nói chung, của cả loài người.
Ai ai cũng đang trông chờ một vị cứu tinh vinh quang, một Đấng Cứu thế uy hùng, một Thầy Giêsu quyền phép sắp xây dựng Nước Trời trong huy hoàng, rực rỡ. Họ không biết, hoặc chưa biết "Con Người sẽ phải chịu đau khổ... Các lời tiên tri phải nên trọn... Người phải là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ... Và người Tôi Tớ của Thiên Chúa kể trong sách Isaia chính là Người". Phát biểu của Phêrô là tiếng nói của loài người. Hơn nữa phá kế hoạch của Thiên Chúa là ý muốn của Satan. Lời Chúa Giêsu : "Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta" (Mt 16,24). Đó là bài học cụ thể phải rút ra sau khi đã thấy mầu nhiệm thánh ý Chúa.
Theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng. “Từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa. Con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (BENEDICTO XVI, Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ