Sunday, December 8, 20248:24 PM(View: 10)
Nhân mùa Giáng Sinh, mùa của tình yêu lại đến với trần gian lần nữa, tôi xin được chia sẻ một số câu chuyện mà bà Maria Simma kể lại. Tất cả những điều cần biết về các linh hồn ở luyện ngục thì tôi đã dịch trong tác phẩm: Hãy Cứu Các Linh Hồn, xuất bản vào năm 2006. 1. Một hôm có một ông tiều phu đẩy xe ba gác để lên núi tìm lượm những cành cây khô đem về cho vợ...
Sunday, December 8, 20247:40 PM(View: 10)
Người Việt nói riêng và người Á Châu nói chung rất ít khi ôm hôn dù là ôm hôn những người thân quen. Tuy nhiên đối với người Âu Mỹ thì sự ôm hôn là điều cần phải làm để tỏ lòng quan tâm, khuyến khích và yêu thương người đối diện. Nếu chúng ta chưa quen thì hãy tập ôm hôn con cháu trước, rồi đến những người thân quen sau. (KH)
Friday, December 6, 20247:22 PM(View: 31)
Tôi biết chị Teresa Nguyễn Trịnh Phương, vợ thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch khi tham dự khóa 516 Cursillo năm 2002. Và tôi cũng đã có dự lớp học Thánh kinh do Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời tổ chức năm 2008 thời Đức Ông Lê Xuân Thượng làm chánh xứ, ban đầu là cha Bùi Phương Tiến và sau đó thầy Phó tế Bạch phụ trách. Tôi thường xuyên gặp thầy Phó Tế Bạch và vợ thầy là cô Phương...
Wednesday, December 4, 20249:13 PM(View: 47)
LM Mario Attard OFM kể: Tôi được một người phóng viên của một chương trình TV mời tôi lên đài để phỏng vấn. Khi tôi bước vào phòng thâu thì tôi nhìn thấy ông ấy đang ngồi. Ánh mắt của ông ấy có vẻ buồn phiền. Giọng nói của ông ấy cò vẻ lạ lẫm. Sau khi nói chuyện thì ông ấy bảo tôi rằng:
Wednesday, December 4, 20248:38 PM(View: 43)
Sau đây là thông điệp mà Đức Mẹ ban cho thị nhân Mirjana Dragicevic-Soldo vào ngày 2/12/2015: "Các con thân mến, Mẹ luôn ở với các con bởi vì Con của Mẹ đã tín thác các con cho Mẹ. Và các con là con của Mẹ, các con cần Mẹ, các con đang tìm kiếm Mẹ. Các con đang đến với Mẹ. Các con đem niềm vui cho Trái Tim Từ Mẫu Mẹ."
Tuesday, December 3, 20248:35 PM(View: 39)
LM Mario Attard kể: Tôi luôn đi thăm các bịnh nhân đau ốm trong bịnh viện. Có một lần tôi ghé thăm phòng bịnh của một phụ nữ. Bà tỏ ra tốt lành, thanh thản và bình an. Tôi cảm thấy rất quý mến bà. Khi tôi hỏi xem liệu bà có muốn rước Mình Thánh Chúa hay không thì bà đáp ngay:
Saturday, November 30, 20246:31 AM(View: 54)
Trong Mùa Tạ Ơn 2024 này, con nhìn lại cuộc đời 74 năm của con để nhìn thấy Bàn Tay Chúa an bài. Con cảm tạ Chúa vì con đã từng nhìn thấy những ơn lành mà Chúa ban cho con trong suốt cuộc đời của con.
Saturday, November 30, 20245:02 AM(View: 66)
1. Một người phụ nữ chia sẻ: Vợ chồng tôi là chủ của một tiệm làm móng tay (nails). Suốt ngày chúng tôi rất bận rộn với nhiều khách hàng và các thợ làm móng. Vì thế tôi đã phá thai đến 4 lần vì sợ rằng có con cái...
Thursday, November 28, 20242:24 PM(View: 68)
Ngày hôm nay tôi đọc được một tin rất buồn từ FB Catholic Saint of The Day như sau: Xin cầu nguyện cho linh
Thursday, November 28, 20241:55 PM(View: 58)
Hôm nay là Lễ Tạ Ơn. Buổi sáng vợ chồng tôi đến dự Lễ sớm vì biết hôm nay là Lễ của hai sắc dân Việt và Mỹ nên rất đông.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN Tuesday of the Twenty-second Week in Ordinary Time

Monday, September 4, 20238:57 PM(View: 228)

cg1112LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Tuesday of the Twenty-second Week in Ordinary Time

https://www.youtube.com/watch?v=u859eXqG_hQ

5 Phút Lời Chúa - Thứ Ba Tuần 22 TN.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Tv 85,3.5

Xin dủ lòng thương con, lạy Chúa,

vì con kêu cầu Chúa suốt ngày.

lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,

giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.

Bài đọc 1 : 1 Tx 5,1-6.9-11

Đức Giê-su đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. 2 Vì chính anh em đã biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. 3 Khi người ta nói : “Bình an biết bao, yên ổn biết bao !”, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. 5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. 6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

9 Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, 10 Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người. 11 Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm.

Đáp ca : Tv 26,1.4.13-14 (Đ. c.13)

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

1Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa ?

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

4Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền Chúa tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

13Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
14Hãy cậy trông vào Chúa,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào !
Hãy cậy trông vào Chúa.

Đ. Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Tung hô Tin Mừng : Lc 7,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Lc 4,31-37

Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

31 Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng : 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau : “Lời ấy là thế nào ? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Ca hiệp lễ : Tv 30,20

Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,

Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài.

SUY NIỆM-QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

Thánh ca Côlôxê có đoạn nói về thân phận của Đức Kitô: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Đức Giêsu không những đã được Chúa Cha trao quyền trên mọi loài thụ tạo mà Người còn là hình ảnh chân thực của Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng hôm nay, dân chúng tại Caphácnaum đã rất đỗi kinh ngạc về quyền năng của Đức Giêsu trên các thần ô uế. Cũng như người dân Nadarét, họ không thể nhìn thấy uy quyền của Thiên Chúa nơi con người tầm thường của Đức Giêsu. Tuy nhiên đó lại là cách Thiên Chúa chọn để biểu lộ quyền năng của mình.

Thiên Chúa ưa tỏ lộ sức mạnh của Người qua điều nhỏ bé. Nhưng đôi khi, chúng ta lại vướng phải thái độ của dân chúng Caphácnaum xưa, luôn tìm kiếm Thiên Chúa theo ý riêng của mình. Nếu ta nghĩ như thế, chẳng phải một cách vô tình thánh ý của Thiên Chúa đã được hợp lý hóa để trở thành ý riêng của ta đó sao?

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, dù đôi lúc việc Chúa làm không như con mong ước, nhưng xin cho con vẫn tin tưởng nơi Ngài. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO: TÔNG DU MÔNG CỔ

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
CUỘC GẶP GỠ ĐẠI KẾT VÀ LIÊN TÔN
Hun Theatre, Ulaanbaatar, 03/09/2023

Xin chào tất cả mọi người

Anh chị em thân mến,

Cho phép tôi được gọi anh chị em như vậy, như một người anh em trong đức tin cùng với các tín hữu Kitô giáo, như một người anh em của tất cả anh chị em, nhân danh niềm khát mong tiềm kiếm chung của mọi tôn giáo và việc thuộc về cùng một nhân loại. Trong khát vọng tôn giáo của mình, nhân loại có thể được ví như một cộng đoàn của những người lữ hành đang bước đi trên mặt đất với đôi mắt hướng về trời cao.

Có một tín hữu ở xa, khi đến thăm Mông Cổ đã viết trong nhật ký hành trình của mình thế này: “nơi đây, người ta không thấy gì ngoài trời và đất”. Bầu trời nơi đây trong suốt và xanh thẳm, ôm lấy mặt đất mênh mông và hùng vĩ, gợi lên hai chiều kích cơ bản của cuộc sống con người: chiều kích trần thế được tạo nên bởi những mối tương quan với người khác, và chiều kích thần thiêng được tạo nên bởi việc tìm kiếm một Đấng Siêu Việt. Đất nước Mông Cổ nhắc nhớ chúng ta, những người hành hương và những lữ khách, về sự cần thiết của việc hướng ánh mắt mình về trời cao để có thể tìm ra con đường trên cuộc lữ hành trần thế.

Vì vậy, tôi rất hạnh phúc khi được ở đây với các bạn trong giây phút gặp gỡ quan trọng này. Tôi chân thành cám ơn từng người trong các bạn vì đã hiện diện nơi đây, vì những đóng góp đã làm cho việc suy tư chung giữa chúng ta thêm phần phong phú. Việc hiện diện với nhau nơi đây đã là một sứ điệp quan trọng rồi. Các truyền thống tôn giáo trong tính độc đáo và đa dạng của mình, cho thấy tiềm năng to lớn trong việc phục vụ lợi ích của xã hội. Nếu các vị hữu trách của các quốc gia chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác, họ sẽ góp phần quyết định trong việc chấm dứt những cuộc xung đột đang còn tiếp tục gây ra bao đau khổ cho rất nhiều dân tộc.

Chính dân tộc Mông Cổ đã mang đến cho chúng ta cơ hội được ở bên nhau, hiểu biết nhau, và làm phong phú thêm cho nhau. Dân tộc này có quyền tự hào về một lịch sử chung sống giữa những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Rất đáng để chúng ta nhớ lại kinh nghiệm sống động về cố đô Kharakorun. Trong lòng cố đô này, chúng ta còn thấy rất nhiều nơi thờ tự thuộc về các tín ngưỡng khác nhau, như là một minh chứng đáng ca ngợi về sự hoà hợp giữa các tôn giáo. Sự hoà hợp. Tôi muốn nhấn mạnh đến từ này, một từ ngữ với hương vị rất đặc trưng Châu Á. Hoà hợp chỉ về những mối quan hệ đặc thù được tạo ra giữa các thực tại khác nhau, không hề có sự thống trị hay đồng hoá, nhưng biết tôn trọng những khác biệt để hướng đến những lợi ích của việc chung sống. Tôi tự hỏi: là ai, nếu không phải là các tín hữu, được mời gọi dấn thân làm việc hướng đến sự hoà hợp của tất cả mọi người?

Anh chị em thân mến,

Giá trị xã hội của tôn giáo chúng ta được đo lường trong mức độ chúng ta có thể hoà hợp với những anh chị em lữ hành khác trên mặt đất này, trong mức độ chúng ta có thể tạo ra và làn lan truyền sự hoà hợp. Mỗi cuộc sống con người và mỗi tôn giáo đều phải tự đo lường chính mình trên nền tảng của sự vị tha. Đây không phải là một chủ nghĩa vị tha trừu tượng, nhưng phải cụ thể, được thể hiện qua việc tìm kiếm người khác và cộng tác cách quảng đại với người khác, bởi vì “người khôn ngoan vui mừng trong việc cho đi, và chỉ nhờ đó mà họ được hạnh phúc”. Có một lời cầu nguyện cảm hứng từ thánh Phanxico Assisi thế này:

“Nơi nào có hận thù, xin cho con mang lại yêu thương. Nơi nào có giận hờn, xin cho con mang lại tha thứ. Nơi nào có bất hoà, xin cho con mang lại nối kết”.

Lòng vị tha tạo nên sự hoà hợp, và nơi nào có hoà hợp sẽ có hiểu biết, thịnh vượng, và đẹp đẽ. Có thể nói rằng hoà hợp chính là từ gần nghĩa nhất với cái đẹp. Ngược lại, khép kín, áp đặt một chiều, chủ nghĩa cực đoan, áp đặt ý thức hệ… sẽ huỷ hoại tình huynh đệ, là tăng thêm sự căng thẳng và đe doạ hoà bình. Vẻ đẹp của cuộc sống là hoa trái của sự hoà hợp. Sự hoà hợp có tính cộng đồng, lớn lên cùng với sự tử tế, với việc lắng nghe, với sự khiêm nhường. Một trái tim trong sáng mới có thể đón nhận được sự hoà hợp, bởi vì: “xét cho cùng, cái đẹp thật sự nằm ở sự trong sáng của trái tim”.

Các tôn giáo được mời gọi cống hiến cho thế giới chính sự hoà hợp này. Đây là điều mà sự phát triển của kỹ thuật không thể mang lại, bởi vì sự phát triển ấy chỉ hướng đến chiều kích trần thế, chiều ngang của con người, và có nguy cơ lãng quên trời cao là chiều kích mà vì đó chúng ta được dựng nên. Thưa anh chị em, chúng ta họp nhau nơi đây như là những người thừa tự khiêm hạ của các trường phái khôn ngoan cổ xưa. Khi gặp gỡ nhau, chúng ta cố gắng chi sẻ cho nhau rất nhiều những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được, để làm giàu cho nhân loại, một nhân loại thường xuyên bị lạc hướng trong hành trình của mình bởi những tìm kiếm thiển cận về tư lợi. Nhân loại ngày nay thường không nhìn ra được sự xuyên suốt, chỉ thấy những lợi ích dưới đất và kết cục là huỷ hoại trái đất này. Nhân loại lẫn lộn giữa tiến bộ và thoái trào, được thể hiện qua rất nhiều bất công và xung đột, rất nhiều cuộc huỷ hoại môi trường, rất nhiều cuộc bách hại, rất nhiều chết chóc.

Châu Á có rất nhiều điều để cống hiến theo nghĩa này. Và đất nước Mông Cổ nằm ở trung tâm của Châu Á, đang gìn giữ một di sản khôn ngoan to lớn mà chính các tôn giáo nơi đây đã tạo ra. Tôi muốn mời tất cả moi người cùng tái khám phá và lượng giá. Tôi muốn kể ra đây mười điều quan trọng trong di sản khôn ngoan này, đó là: có một tương quan tốt đẹp với truyền thống, bất kể những căng thẳng của chủ nghĩa tiêu thụ. Sự tôn trọng dành cho những người cao niên và ông bà tổ tiên, đây là điều mà ngày nay chúng ta thấy vô cùng cần thiết, một kết ước liên thế hệ giữa người già và người trẻ, giữa ông bà và cháu chắt. Tiếp theo là việc biết chăm sóc cho môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta; đây cũng là một điều vô cùng cần thiết hiện nay.

Tiếp đến là giá trị của việc biết thinh lặng và đời sống nội tâm: đây chính là liều thuốc giải độc tinh thần cho vô vàn những chứng bệnh của thế giới hôm na. Và còn những giá trị khác như: một cảm thức tiết kiệm lành mạnh; lòng hiếu khách; khả năng cưỡng lại sự dính bén với vật chất; sự liên đới là điều nảy sinh từ sự sự gắn kết văn hoá giữa người với người; lòng yêu chuộng sự đơn giản; và cuối cùng là một chủ nghĩa thực dụng hiện sinh giúp kiên trì tìm kiếm lợi ích cho cá nhân cũng như cho cả cộng đồng. Đây là một số yếu tố trong di sản khôn ngoan mà đất nước này có thể cống hiến cho thế giới.

Trong khi chuẩn bị cho chuyến hành trình này, tôi đã bị mê hoặc bởi những ngôi nhà lều truyền thống của người dân Mông Cổ. Nơi đây, người dân Mông Cổ cho chúng ta thấy sự khôn ngoan đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trong lịch sử. Thực tế, ger, ngôi nhà lều của người Mông Cổ, tạo nên một không gian sống cho con người: bên trong không gian này là đời sống gia đình, là nơi chung sống, gặp gỡ và đối thoại, là nơi mà cả khi có nhiều người đi nữa bạn vẫn biết cách nhường chỗ cho người khác. Nhà lều là điểm tham chiếu cụ thể và dễ dàng nhận diện trên phần lãnh thổ bao la của Mông Cổ.

Những căn nhà ấy là dấu chỉ hy vọng cho những người bị lạc bước. Nơi nào có nhà lều, nơi đó có sự sống. Đó là những căn nhà luôn rộng mở, sẵn sàng chào đón không chỉ bạn bè, nhưng cả những người lữ hành và khách lạ, mời họ một tách trà nóng để giúp họ hồi sức trong cái giá lạnh của mùa Đông hoặc đãi họ một ly sữa lạnh giúp họ hồi sức giữa cái nóng mùa hè. Đây chính là kinh nghiệm của các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác. Họ được đón tiếp tại đây như là những người hành hương và lữ khách. Họ từng bước chạm vào thế giới văn hoá này để cống hiến chứng tá khiêm nhường về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

Cùng với chiều kích nhân loại, những căn nhà lều cũng gợi lên sự mở ra với thế giới linh thiêng. Chiều kích thiêng liêng của những ngôi nhà này được thể hiện qua việc mở ra ở phía trên, một điểm trống duy nhất để cho ánh sáng rọi vào, như một cái đèn trời hay giếng trời. Nhờ vậy mà bên trong nhà trở nên như một cái đồng hồ mặt trời lớn, có ánh sáng và bóng tối giao thoa với nhau đánh dấu thời gian ngày và đêm. Trong hình ảnh này có một bài học rất hay: Cảm thức về thời gian trôi qua đến từ phía trên chứ không phải từ dòng chảy đơn thuần của các hoạt động dưới đất.

Vào những thời điểm nhất định trong năm, những tia sáng từ trên chiếu xuống, rọi vào bàn thờ ở trong nhà, gợi nhớ về vai trò quan trọng nhất của đời sống thiêng. Sự chung sống của con người diễn ra trong không gian hình tròn của nhà lều liên tục nhắc nhớ về ơn gọi hướng lên cao, về chiều kích siêu việt, về đời sống thiêng liêng.

Một nhân loại hoà giải và thịnh vượng là điều mà mà các tôn giáo chúng ta góp công cổ võ. Điều này được thể hiện cách biểu tượng trong không gian sống hoà hợp và mở ra với chiều kích siêu việt, nơi đó những dấn thân cho công lý và hoà bình tìm thấy gợi hứng và nền tảng của mình từ chiều kích thánh thiêng. Về điều này, thưa anh chị em, trách nhiệm của chúng ta là rất lớn, đặc biệt là trong thời khắc lịch sử này.

Chính cung cách hành xử của chúng ta phải xác chuẩn cho những giáo huấn mà chúng ta tuyên xưng, chứ không thể mâu thuẫn và trở nên cớ vấp phạm. Do đó, không thể nào có sự lẫn lộn giữa niềm tin và bạo lực, giữa tính thánh thiêng và sự áp đặt, giữa tôn giáo và chủ nghĩa bè phái. Ước gì ký ức về những đau khổ trong quá khứ, tôi đặc biệt nhớ đến những cộng đồng phật giáo, có thể mang lại sức mạnh làm biến đổi những thương tích đen tối thành ánh sáng, biến sự vô minh của bạo lực thành những bài học khôn ngoan của cuộc sống, biến sức huỷ hoại của sự dữ thành sự xây dựng của điều lành.

Là những môn đệ nhiệt thành của các bậc thầy thiêng liêng và là những người phục vụ tận tâm với giáo lý của họ, ước gì chúng ta cũng hãy sẵn sàng cống hiến những điều đẹp đẽ ấy cho những ai chúng ta gặp gỡ, như là những người bạn đồng hành trên đường. Bởi vì trong một xã hội đa dạng và tin vào các giá trị dân chủ như là Mông Cổ, mỗi tổ chức tôn giáo được nhìn nhận bởi chính quyền dân sự đều có bổn phận và trên hết là có quyền được cống hiến tất cả những gì mình là, mình tin, trong việc tôn trọng lương tâm của người khác và luôn hướng tới lợi ích lớn hơn cho mọi người.

Theo hướng này, tôi muốn khẳng định với các bạn rằng Giáo Hội Công Giáo luôn muốn bước đi như vậy, tin tưởng vững vàng vào giá trị của đối thoại đại kết, liên tôn, và văn hoá. Đức tin của Giáo Hội Công Giáo đặt nền trên cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại, một Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Lòng khiêm hạ và tinh thần phục vụ chính là điểm sống động trong cuộc đời của Ngài, Đấng đã đến trong thế giới này không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ người khác. Giáo Hội cống hiến kho tàng mà mình đã nhận được từ chính mỗi người, mỗi nền văn hoá, luôn thực thi thái độ cởi mở và lắng nghe tất cả những điều mà các truyền thống tôn giáo khác cống hiến. Thật ra, tinh thần đối thoại không mâu thuẫn với việc loan báo:

không đánh đồng mọi khác biệt, nhưng giúp để hiểu rõ hơn các khác biệt ấy, giúp bảo tồn những khác biệt trong tính độc đáo, giúp thẳng thắng đối thoại với nhau để làm phong phú cho nhau. Chỉ khi đó nhân loại mới tìm thấy chìa khoá để bước đi trên mặt đất này như một nhân loại được chúc phúc bởi trời cao. Chúng ta có chung cùng một nguồn gốc, nhờ đó chúng ta đều có cùng một phẩm giá, cùng một hành trình chia nhau. Chúng ta chẳng thể nào bước đi, nếu không phải là bước đi cùng nhau, sống cùng nhau dưới chùng một bầu trời. Bầu trời ấy che chở và rọi sáng cho chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một dấu chỉ hy vọng. Trong một thế giới bị xé nhỏ bởi đấu tranh và bất đồng, hy vọng là điều nghe có vẻ không thực. Thế nhưng những điều lớn lao vĩ đại nhất thường khởi đầu nơi những gì ẩn kín, với những chiều kích hầu như không thấy được liền. Một cây đại thụ luôn có khởi đầu từ một hạt giống nhỏ bé ẩn mình dưới lòng đất. Hương hoa chỉ toả ra theo hướng gió, còn hương thơm nhân đức của con người thì toả ra theo mọi hướng. Chúng ta hãy cùng nhau làm cho điều này nở hoa, để những nỗ lực chung của chúng ta hướng đến việc đối thoại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn không ra uổng công. Chúng ta hãy cùng nhau vun trồng hy vọng. Như một triết gia đã nói: “Mỗi người đều vĩ đại theo những gì mình hy vọng. Có có người nên vĩ đại nhờ đặt hy vọng vào những điều có thể, có người nên vĩ đại nhờ hy vọng vào điều vĩnh tồn, nhưng chỉ những ai dám hy vọng vào điều không thể thì mới là người vĩ đại nhất”.

Ước gì những lời cầu nguyện mà chúng ta hướng lên trời cùng với tình huynh đệ mà chúng ta đang sống nơi mặt đất này nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta. Ước gì tôn giáo của chúng ta, việc chung bước của chúng ta với ánh mắt hướng về trời cao, việc sống chung trong một thế giới hoà hợp như là những người lữ khách được mời gọi chăm sóc cho ngôi nhà chung của mình… đều có thể trở thành những chứng tá đơn sơ và khả tín cho tất cả mọi người.

Xin chân thành cám ơn.

ST