Chúa nhật XXIV thường niên năm - A (Mt 18, 21 - 35)
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải trải qua cảm giác hy vọng rồi thất vọng vì một ai đó. Những đau khổ, tổn thương do bị xúc phạm khiến chúng ta cảm thấy khổ sở và oán hận. Vậy làm thế nào để vượt qua điều này? Câu trả lời chính là tha thứ.
Tha thứ để được thứ tha
Theo Cựu Ước, quan niệm “thưởng phạt ở đời sau” chỉ mới xuất hiện, vì thế kẻ gian ác sẽ chuốc lấy hậu quả của điều ác mà nó gây ra ngay tại đời này. Nếu ai cố chấp trong sự oán hờn và giận dữ, người ấy rồi sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa : “Ai báo thù sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi của nó” (Hc 28,7). Đây là điều mà chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo, gieo gió gặp bão”.
Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận : “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28). Và nêu lên lý do tại sao phải tha thứ : “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao ? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Hc 28).
Đây cũng là ý nguyện trong kinh Lạy Cha : “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Đời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Rất cần sự tha thứ
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không ?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình ba lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ bốn thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa!
Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!
Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22).
Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ.
Chúa Giêsu tuyên bố : “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).
Chúng ta không phải là thánh để sẵn sàng bao dung mọi thứ. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi ngay cả người thân yêu nhất cũng có thể khiến ta phải đau lòng. Song tha thứ là một việc đáng làm, giúp cho tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thoát.
Học cách tha thứ
Có người nói, tha thứ đâu phải dễ. Đúng, rất khó để bắt đầu tha thứ cho người xúc phạm đến ta. Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, tha thứ để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”.
Tha thứ" được mô tả là hình thức tối thượng của tình yêu vô điều kiện, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc và sức mạnh tình cảm của ta đối với người khác. Sự tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình. Tha thứ không có nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tha thứ giúp mỗi người hàn gắn, phát triển, biến đổi bản thân trong một mối quan hệ. Đó cũng là cách để hai bên chữa lành và hòa giải, nếu có thể, và sau đó một lần nữa thiết lập lại mối quan hệ.
Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi bị xúc phạm là bảo vệ chính mình, sau đó chuyển sang trạng thái "xù lên" để chiến đấu, hoặc đóng băng cảm xúc, có thể trả thù trong trường hợp những nỗi đau bị kích hoạt trong tương lai.
Tha thứ giúp ta vượt qua nỗi đau của chính mình. Nó cũng là món quà dành cho kẻ xúc phạm đến ta sau sai lầm, thay vì giữ sự oán thù. Tha thứ là một quá trình chứ không thể nào là một quyết định tức thời. Nếu muốn thực hành tha thứ, việc đầu tiên là học cách đưa ra các quyết định có ý thức, để tha thứ cho người xúc phạm đến ta.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ