CN 6387: TIẾNG ĐÀN GÂY CHÚ Ý Hai vợ chồng cùng hát
Hôm nay 23/9/2023, ngày lễ giỗ Thánh Padre Pio, vị linh mục người Ý (23/9/1968). Đó cũng là ngày mà vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu cách đây 56 năm dài. Vậy mà tôi nhở như là mới xẩy ra vào ngày hôm qua:
Đó là ngày 23 tháng 9 năm 1967, khi tôi vừa dọn nhà từ Huế vào Saigon. Ở nhà tôi rất buồn vì nhớ Huế và nhớ các bạn cũ nên tôi xin gia nhập trại hè của nhóm Du Ca của Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang tại khu đất Viện Đại Học Văn Khoa cũ, toạ lạc ở giữa 2 con đường Lê Thánh Tôn và Gia Long, gần chợ Bến Thành. Sau đó nhóm chúng tôi đi trại hè Chí Linh của các anh chị em Xây Dựng Nông Thôn ở Vũng Tầu.
Lúc đó tôi tình cờ gặp người chồng tương lai của mình trong trại hè ấy. Chiều hôm ấy, anh ngồi một mình trong cái nhà tranh. Anh đang quay lưng lại với tôi. Còn tôi thì tình cờ đi đến, đứng ở ngoài nhìn vào thì chỉ thấy cái lưng của anh. Anh đang say sưa ngồi đàn guitar và anh hát bài tình ca: "Ngày đó Chúng Mình" của Phạm Duy.
Anh không hề biết là có một cô gái nhỏ đứng âm thầm nghe lén. Ngoài trời đang mưa nhẹ, mà tôi là một thính giả duy nhất đang lắng nghe và thưởng thức trọn vẹn bài nhạc tình rất hay này.
Khi anh đàn hát xong thì tôi vỗ tay khen ngợi. Rồi cuộc tình nhè nhẹ bắt đầu như lời bản nhạc:
"Ngày đó có em đi nhẹ vào đời,
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời,
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi..."
Rồi cuộc tình kéo dài cho đến ngày nay, sau 56 năm trường. Có biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui và nụ cười, Có biết bao nhiêu tình yêu mật ngọt và cảnh tượng đắng cay, có biết bao nhiêu hạnh phúc và đau khổ, Có tiếng cười và tiếng khóc, Có những lúc khoẻ mạnh và đau ốm vì già yếu. Cũng may là sau 56 năm, cuộc tình của chúng tôi vẫn chưa có hồi kết như:
Ngày đó có em ra khỏi đời rồi,
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối.
Ngày đó có anh mê mải tìm lời,
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi.
Mỗi lần về thăm Saigon yêu dấu, tôi vẫn bùi ngùi khi đi ngang khu phố nhộn nhịp ấy.
Kỷ niệm vẫn còn đong đầy. Bầu trời vẫn trong xanh, cảnh vật vẫn tưng bừng, huyên nào nhưng mà bạn bè xưa không còn nữa. Tuổi trẻ với sự lãng mạn và mộng mơ thì đã đi mất rồi và không bao giờ trở về.
Tuy nhiên ký ức của tôi vẫn đậm nét của những tiếng cười nói giòn giã, những tiếng nói líu lo, những tiếng đàn, tiếng hát du dương đầy nhựa sống, đầy vui vẻ và hạnh phúc. Tuổi trẻ cũng đã rời xa nhưng nghĩa tình vợ chồng chúng tôi thì vẫn đằm thắm và dịu dàng hơn.
Khi đi đâu, nhất là khi bước xuống bậc cầu thang, tôi luôn nắm tay anh để giúp anh khỏi té ngã. Những người bạn và người quen thường chọc ghẹo chúng tôi:
"Trời ơi, sao hai ông bà còn tình tứ thế?"
Họ không biết rằng tôi chỉ sợ chân chồng tôi vì yếu mà bước hụt thì té ngã, bị thương thì khổ. Vậy thôi, lãng mạn gì nữa?
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi ! Giữ kín cho lâu đài tình đôi.
Cô cháu ngoại của tôi thường hay xin tôi kể lại chuyện tình của vợ chồng tôi cho cháu nghe. Tôi kể cho cháu nghe và cháu rất thích nghe chuyện tình của ông bà cháu. Cháu có vẻ ái mộ ông bà cháu.
Khi về sống chung một nhà thì chúng tôi luôn đàn hát với nhau trong gia đình. Chúng tôi rất thích những bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, và Văn Phụng.
Đối với tôi thì lời và nhạc của bài Lệ Đá rất thấm thía. Tôi xin ngừng bài viết này với lời của bài Lệ Đá:
Lạy Chúa Ba Ngôi nghe con nguyện cầu,
Và giúp cho con quên đi tình sầu.
Lời thánh ru êm giọt đàn thống hối,
Chúa trên cao mĩm cười thứ lỗi,
Những giọt đàn vang trong trời tin.
Kim Hà 23/9/2023