THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ, TỬ ĐẠO
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Theo truyền thuyết, thánh Cosma và Đamianô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập. Các Ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về tri thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Syria. Tại đây Cosma và Đamianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị bệnh tật linh hồn.
Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.
Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô giáo, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại. Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài. Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma và Đamianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an vô sự.
Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cosma và Đamianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài và cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác và nhận phúc tử vì đạo. Hôm ấy là ngày 26-09-297.
Danh tiếng của hai thánh Cosma và Đamianô lan rộng khắp Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh các Ngài đã thực hiện. Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo. Tại Roma, Đức Thánh Cha Symmachô (498 514) đã cho xây nguyện đường kính hai thánh, và Đức Thánh Cha Felix IV (526 530) đã cho xây một đại giáo đường kính các Ngài.
Hai thánh Cosma và Đamianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu. (Tổng hợp)
BÀI HỌC
Giáo Hội của Chúa Kitô ít khi được an bình. Con cái thế gian luôn tìm cách phá hại Hội Thánh của Chúa. Giáo Hội vào thời hai Đấng lúc đó gặp cảnh cấm cách, bắt bớ của Hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô, Cosma và Đamianô bị bắt, bị dẫn giải tới quan Lydia. Thánh Cosma và Đamianô không sợ sệt, không run sợ, không nhát đảm, các Ngài luôn tuyên xưng mình là Kitô hữu. Quan Lydia truyền đánh đòn hai Ngài một cách dã man, tàn ác, ra lệnh xích tay chân và quăng hai Ngài xuống biển. Chúa nhiệm mầu và quyền năng đã cứu hai Ngài khỏi chết. Tức giận vì phép lạ Chúa giải cứu hai Ngài khỏi chết, Lydia đã ra lệnh đốt một đống lửa cháy to và đẩy hai Ngài vào đống lửa đang cháy. Hai Đấng vẫn ung dung,vừa đi vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy lớn. Phép lạ Chúa quả quá tỏ tường, nhiều người chứng kiến phép lạ lớn lao ấy đã được ơn quay trở lại.
Như một con thú khát máu, Lydia đã ra lệnh khẩn cấp đem hai Ngài đi chém đầu. Hai thánh nhân trước khi để cho đao phủ chém đầu mình đã can đảm ngước mắt lên trời cầu xin Chúa thứ tha cho những kẻ làm hại các Ngài.
Trong một bài suy niệm về tình hình dịch bệnh hiện tại, một thiện nguyện viên đã viết như sau: “Thực tế cuộc sống giúp chúng ta nhận ra rằng tha thứ chưa bao giờ là điều dễ thực hiện. Có những hành động lầm lỗi, những kỷ niệm cay đắng mà người khác đã hành xử với chúng ta trong quá khứ mà chỉ cần chúng ta nhớ lại hay đi ngang qua khung cảnh xưa cũ cũng đủ làm lòng chúng ta cảm thấy chua xót và giận hờn. Có nhiều lúc, khi nhìn thấy đại dịch hoành hành và cướp đi rất nhiều sinh mạng, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, làm rất nhiều gia đình trở nên nghèo đói… tôi thấy trong lòng sôi lên và cảm thấy tức giận những kẻ đã tạo ra, đã làm lây lan thứ virus quái ác này, mong cho những kẻ ấy phải trả giá. Nhưng khi nhìn lên Thánh giá, tôi lại thấy mình thật tệ và hẹp hòi biết bao!
Hôm nay, Chúa Giêsu đang tha thiết mời gọi chúng ta “Hãy thương xót” và sẵn sàng tha thứ thêm lần nữa, rồi lại lần nữa vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và hết lòng tha thứ. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta về cách thức tha thứ như sau: “Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ” (ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 250). (Jos. Lương Tùng, CSsR).
Xin được kết thúc bằng câu chuyện cảm động này: “Trong những năm 1944-1945, dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Đức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Đức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.
Đức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Đến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Đức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Đức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.” Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Đức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con.” Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...
Lm. Giuse Đinh Tất Quý