-Này anh bạn, tại sao người Công Giáo đi đâu cũng cứ xưng mình là Công Giáo vậy nhờ?
- Việc đó chẳng phải là quảng cáo gì cả bạn à, đơn giản chỉ là “danh chính ngôn thuận” thôi mà.
- Nhưng đạo nào cũng tốt mà bạn?
- Đúng vậy. Đạo là con đường, mọi nỗ lực tiến bước trên những nẻo đường thiện lành thì thật đáng trân quý. Tuy nhiên, đích đến của mỗi con đường ấy lại là câu chuyện rất khác. Bạn biết đó, những con đường do con người tìm kiếm, khai lối thì đâu có giống với con đường mặc khải của Thiên Chúa?
- Nhưng người ta vẫn thường bảo “đạo tại tâm” mà bạn?
- Đúng vậy. Nhưng có lẽ đã hơn một lần, bạn từng nghe người ta nói rằng “lòng chai dạ đá”, “tâm viên ý mã”. Tiếng nói lương tâm là điều cần phải lắng nghe đối với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, bạn biết rồi đó, việc đào luyện cái tâm cho nó biết luôn rung động, nhạy bén và đưa ra những quyết định đúng, lựa chọn phù hợp và hành động chuẩn mực, thì lại là một quá trình đòi hỏi cần rất nhiều cố gắng.
Bởi trong thực tế, rất nhiều khi, con người ta bị rơi vào tình trạng phán đoán lệch lạc, dẫn tới những sai lầm, thậm chí nhiều lúc đã phạm tội. Chắc tôi và bạn, chúng ta đều có những kinh nghiệm này, đúng không nào?
- Nhưng xin lỗi bạn, người Công Giáo cũng vướng vào những điều tai tiếng?
- Đúng vậy, cảm ơn bạn. Vì đơn giản, người Công Giáo cũng là những con người như bao người khác. Họ cũng biết vui buồn sướng khổ, mặn nhạt đắng cay, hạnh phúc cũng như bất hạnh trong thân phận giòn mỏng mà… họ cũng là con người bình thường, đâu phải siêu nhân hay người ngoài hành tinh.
Họ cũng biết vui với người vui, khóc với người khóc, nhiều khi họ lại còn la toáng lên cho mọi người chú ý tới nỗi thống khổ của những người bị gạt ra bên lề xã hội nữa kìa.
- Vậy theo đạo thì thực sự giúp ích gì cho cuộc sống?
- Giúp ích chứ bạn. Điều dễ thấy nhất là theo đạo để biết rằng con người ta rất yếu đuối, cần hoán cải, cần thay đổi cách sống và lối sống, và điều quan trọng của việc hoán cải ấy là bước đi trên hành trình như ý Chúa muốn. Hơn nữa, theo đạo là để hiểu rằng bạn là ai? Bạn từ đâu đến? Cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì? Bạn cống hiến, xây dựng để làm gì? Những chuyện rắc rối xảy ra trong thế gian này có ý nghĩa gì đối với bạn? Tại sao bạn phải từ bỏ? Con người có sống mãi được chăng? Cái chết có ý nghĩa gì với nó? Sau khi chết, con người sẽ như thế nào ?
-Thì ai cũng muốn mình nên tốt cả mà bạn, ai ai cũng đang đi tìm ý nghĩa và giá trị cho riêng mình đấy thôi. Đó là điều hết sức tự nhiên?
-Đúng vậy. Nhưng cách nhìn mình, nhìn người, nhìn đời và thời thế, theo người Công Giáo, không phải chỉ đơn thuần dựa trên quan điểm hay kinh nghiệm của riêng mình, hoặc nhìn theo trào lưu hay xu thế chung của xã hội, nhưng là cần biết đặt tất cả, nhìn tất cả trong ánh sáng của Tin Mừng. Nói cách khác, là dùng ánh sáng Tin Mừng để soi chiếu vào tất cả những chuyển động của thực tại trần thế.
-Có lẽ đó là lăng kính riêng của bạn, nhưng mình thấy người Công Giáo cũng giống mọi người, cũng sống giữa chợ đời với đủ thứ thăng trầm và bụi trần, tại sao họ lại cứ bảo nhau rằng cần phải loan báo Tin Mừng?
-Cảm ơn bạn. Việc loan báo Tin Mừng, không có nghĩa là người Công Giáo khẳng định họ tốt lành, thánh thiện hơn những người khác, mà đơn giản chỉ là họ muốn nói cho mọi người hiểu rằng tất cả chúng ta đều có một người cha chung, duy nhất, là chính Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự thật và là sự sống.
Con người ta thì thật sự giới hạn, phạm đủ thứ tội lỗi, cần được giải thoát. Và do lòng xót thương của Thiên Chúa mà loài người được cứu độ nhờ Đức Kitô. Tất cả chúng ta thực sự là anh em với nhau, là con cùng một Cha trên trời, đó là lý do để con người thương yêu nhau. Trong thực tế, mình nghĩ, bạn đừng nên khoanh vùng dòng suy nghĩ của chính mình.
Chẳng hạn thế này, có một người sống chưa tốt với cha mẹ, điều ấy không có nghĩa là người ấy không được phép nói về sự tốt lành của cha mẹ cho người khác nghe biết; hoặc khi người ấy nói về sự tốt lành của cha mẹ mình thì không đồng nghĩa rằng người ấy là người sống hiếu thảo với các bậc sinh thành hơn những người con khác;
hơn nữa, cũng chẳng phải do cuộc sống thiếu chuẩn mực của riêng người ấy mà cha mẹ của người ấy nghiễm nhiên bị xem không còn phải là những người tốt lành, trong khi thực chất họ rất tốt lành. Chắc bạn hiểu ý mình rồi chứ?
-Cảm ơn bạn. Nhưng có một điều mình thấy hơi ngạc nhiên rằng nếu Thiên Chúa là người cha luôn thấu hiểu và đầy tình thương yêu, thì tại sao các bạn còn phải cầu nguyện?
- Thưa bạn, cầu nguyện là sống mối tương quan thâm tình với Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương. Bạn sống với cha mẹ chẳng hạn, đâu có nghĩa là bạn luôn xin các ngài cái này cái kia?
Cũng tương tự vậy, cầu nguyện không phải để biến Thiên Chúa thành một ông chủ tốt bụng hoặc trở thành vị thủ kho thích ban phát.
Cầu nguyện không phải là để biến đổi Thiên Chúa, nhưng nếu có xin điều gì đó trong tâm tình của một người con, thì điều ấy cũng có nghĩa là xin ơn biết mình, biết thay đổi chính mình để sống tốt hơn, trưởng thành hơn trong nhận thức, trong hành động, trong mọi mối tương quan với tha nhân và với Chúa để khám phá, nhận biết và đón nhận muôn vàn phúc lành được Người tặng ban qua từng giây phút sống mà rất thường khi mình vẫn chưa nhận ra, hoặc chưa chịu nhận ra.
- Mình vẫn thường nghe người Công Giáo nói rằng Chúa dạy con người ta phải biết sống thương yêu tha nhân, điều ấy thật tuyệt vời. Như thế, thì chỉ cần sống bác ái với người khác là được rồi, cần gì phải đi lễ, đi đọc kinh cho mất thời gian, để thời gian đó mà làm việc bác ái, xem ra có vẻ hiệu quả hơn không?
- Câu hỏi của bạn thật thú vị, mình cảm ơn. Bạn nên biết rằng, trước hết, chính sự tham dự thánh lễ và các giờ kinh nguyện chung hay riêng, tự nó đã là việc bác ái rất cao trọng rồi, vì ý nghĩa của nó chính là bạn đang sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tất cả anh chị em của mình.
Thứ đến, việc bác ái không được đo lường hay tính toán theo số lượng của những thứ được cho đi, mà sự bác ái thực sự hệ tại vào sự khoáng đạt của tâm hồn, đó chính là tình yêu thương thực sự mà bạn thể hiện trong việc bác ái. Hơn nữa, bạn thấy đó, không có dòng suối nào mà không có khởi nguồn.
Khi tham dự thánh lễ hay việc kinh nguyện là bạn đang đến tận nguồn để kín múc những giá trị tinh ròng nhất của việc bác ái là chính tình yêu của Thiên Chúa, để rồi sau đó, một khi trở về với cuộc sống đời thường, bạn trao tặng lại chính sự tinh ròng, thánh khiết ấy cho tha nhân. Làm sao bạn có thể cho những gì mà bạn không có? Phải không nào?
- Cảm ơn bạn đã giải thích để mình hiểu rõ hơn về cách sống đạo thường ngày của các bạn.
- Mình cũng rất cảm ơn bạn về sự thiện chí và chân thành tìm hiểu. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
ST