CHÍNH LÚC CHO ĐI LÀ KHI LÃNH NHẬN
Đây là câu chuyện có thật của tiến sĩ Howard Kelly, một nhà vật lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895.
Có một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền học. Ngày nọ nhận thấy mình chỉ còn mỗi một hào mà bụng đang đói, cậu sang nhà kế bên xin một bữa ăn. Một phụ nữ ra mở cửa. Bối rối trước cuộc gặp gỡ không hẹn trước này thay vì xin ăn thì cậu xin uống. Người phụ nữ đoán ra cậu đang đói và mang đến cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi:
Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ?
Người phụ nữ trả lời:
Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt.
Cậu bé cảm kích đáp:
– Cháu cảm ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu!
Nhiều năm sau đó người phụ nữ bị ốm nặng và tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi bệnh nhân ở, ngay lập tức ông đi tới phòng bệnh. Ông nhận ra bệnh nhân nữ này là ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chẩn, ông quyết định dốc hết sức để cứu bà. Và cuối cùng nỗ lực của ông đã được đền đáp.
Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hoá đơn viện phí của ân nhân. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hoá đơn và cho chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hoá đơn và biết rằng mình sẽ phải thanh toán nó cả đời mới xong. Bỗng nhiên có cái gì đó khiến bà chú ý và bà đọc những dòng chữ này:
"Trị giá hoá đơn bằng một ly sữa. "
Ký tên: tiến sĩ Howard Kelly
Nước mắt vui mừng cứ thế dâng trào và lời từ trái tim bà ấy thốt lên trong nước mắt: "Cám ơn ông!."
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Ắt hẳn chúng ta còn nhớ bài hát:
“Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống bên tôi.”
Con người có xã hội tính. Sống cùng nhau, nâng đỡ nhau, tình làng nghĩa xóm thật khăng khít, tắt lửa tối đèn có nhau. Đó là những điều ông bà ta thường dạy cho con cháu. Có lẽ hiểu được đạo lý này nên cậu bé đã đến gõ cửa nhà kế bên để xin giúp đỡ. Thật đẹp biết bao khi người phụ nữ cũng tinh tế nhận ra nhu cầu của cậu bé láng giềng, bà đã trao cho cậu một cốc sữa. Người phụ nữ này thật đáng khen ngợi vì sẵn sàng giúp đỡ người hàng xóm khi họ đến cậy nhờ.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ thánh nữ Elisabeth Hungary như một lời ca ngợi và cảm ơn dành cho thánh nữ vì ngài đã sống yêu thương với anh em đồng loại. Thánh nữ đã sống tình người không chỉ với người hàng xóm nhưng với tất cả mọi người, đặc biệt những người bệnh tật, nghèo khổ. Thánh nữ giúp đỡ người khác không chỉ khi họ đến gõ cửa nhưng ngài đã bước ra khỏi cánh cửa cung điện của mình để đến với những người đau khổ, hỗ trợ với tất cả tình thương.
Với thân phận là một công chúa và sau này là phu nhân của Bá tước, Elizabeth có quyền vui hưởng vinh hoa phú quý trong cung điện của mình. Nếu muốn, Elisabeth chỉ cần sai đầy tớ phân phát thức ăn cho người nghèo thì cũng là quá tuyệt vời rồi.
Thế nhưng, đích thân Elisabeth đến giúp đỡ, ủi an, chăm sóc những người nghèo khổ bất hạnh. Trong thời kỳ đói ăn ngài đã phân phát hết lúa gạo dự trữ rồi bán cả nữ trang và đá quý, thiết lập những nhà thương, v,v…. Chính tấm lòng yêu thương của Elisabeth mà dân chúng gọi ngài là “mẹ”.
Tại sao chúng ta phải cho đi? Tại sao chúng ta luôn được dạy phải biết chia cơm sẻ áo cho người khác? Vì như Rainer Maria Rilke đã nói: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Quả thật, người phụ nữ trong câu chuyện trên cho cậu bé chỉ một ly sữa nhưng bà đã nhận lại niềm vui, bà đã nhận lại một tiến sĩ chữa bệnh ung thư để cứu sống biết bao người, bà đã nhận lại một hóa đơn 0 đồng cho việc điều trị bệnh của bà mà lẽ ra bà phải trả cả cuộc đời, bà đã nhận lại được mạng sống của mình. Và đặc biệt hơn cả là bà đã nhận lại lòng biết ơn của cậu bé trong suốt cuộc đời của cậu. Tất nhiên, tất cả những gì bà nhận lại không nằm trong kế hoạch lúc bà cho đi.
Thế nhưng, giúp người khác cũng là giúp chính mình, bởi điều tốt ta cho đi rồi sẽ quay trở lại với ta. Chính vì thế, bà đã nhận lại gấp trăm lần điều bà cho đi.
Vậy, với thánh nữ Elisabeth, ngài nhận lại điều gì? Trước hết ngài nhận lại niềm vui, sự hạnh phúc sâu thẳm trong tâm hồn vì như Henry Drummond nói “không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi”. Quả thật, hạnh phúc biết bao khi nhìn thấy người đang đói có bánh ăn, người đang khát có nước uống, người đau ốm được chữa lành.
Tuy nhiên không đơn thuần thế, thánh nữ đã cảm nhận, đã nhìn thấy, đã gặp được Thiên Chúa từ nơi những con người cùng khổ. Thánh nữ đã đón nhận ánh mắt trìu mến, nụ cười yêu thương và một sự hài lòng từ Thiên Chúa dành cho mình. Phần thưởng lớn lao Thiên Chúa đã tặng ban cho thánh nữ đó là hạnh phúc thiên đàng, được chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa và được bao bọc bởi tình yêu vĩ đại của Ngài.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn nhận lại thật nhiều. Vậy chúng ta hãy cho đi thật nhiều với một tấm lòng quảng đại, không tính toán.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống đúng căn tính đích thực của mình đó là: biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ với mọi người nhất là những người đau khổ. Xin cho chúng con biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi. Amen.
ST