CN 6552: NGƯỜI GIÀ SỐNG TỰ LẬP
Càng sống lâu nơi đất Mỹ tôi càng cảm thấy kính trọng những cụ già người Mỹ. Họ không để cho tuổi già của họ làm cho họ trở nên cô độc và bất lực. Họ có thái độ tích cực với cuộc sống, dù rằng cuộc sống không dễ dàng. Họ cố gắng dùng tuổi già để phục vụ gia đình và cộng đồng của họ.
Họ cố gắng làm những việc thiện nguyện mà không cần ai phải trả công hay trả lương cho họ. Họ tự lập, tự lái xe, tự sống một mình mà không cần nương tựa vào con cái của họ. Tôi xin kể một vài câu chuyện:
1. Một ông cụ già đau chân nên phải chống hai cái gậy khi di chuyển. Thế mà vào mỗi buổi sáng ông đậu xe ở sân trường của nhà thờ St. Barbara để buộc các phụ huynh phải lái xe đi vào cùng một lối đi và đi ra bằng một lối đi khác cho có trật tự.
Thế mà khi gặp bất cứ một người nào thì ông cũng lên tiếng chào hỏi:
"Hello, how are you?"
Khi đến giờ mà các học sinh đều vào lớp học thì ông mới lái xe đi về nhà. Ông làm việc này suốt nhiều năm tháng qua.
2. Một bà cụ năm nay 85 tuổi. Ngày nào bà cũng lụm cụm chống gậy đi Lễ. Bà đến trước lễ để cùng đọc kinh chung với mọi người. Sau lễ bà chống gậy rồi lái xe về nhà. Bà nói rằng bà vốn là giáo sư về hưu. Bà có đến 10 người con và hơn 30 người cháu nhưng bà chọn cách sống một mình và lái xe đi lễ hàng ngày. Bà không muốn là gánh nặng cho các con cháu của bà.
3. Một ông cụ 87 tuổi tên là Tom vẫn giúp lễ hàng tuần. Dù ông đi đứng khó khăn nhưng ông vẫn luôn chu toàn nhiệm vụ. Vợ chồng tôi biết ông từ hơn 40 năm qua. Ông luôn làm việc phục vụ cho nhà thờ. Ông luôn rất tận tâm và tận lực.
4. Một bà người Phi Luật Tân lúc trước thường chống gậy đi Lễ. Sáng nay tôi gặp lại bà. Tay bắt mặt mừng tôi hỏi bà:
"Sao lâu quá không gặp bà đi Lễ? Hay là bà dọn nhà đi xa rồi?"
Bà ấy nói rằng:
"Tôi rất mong được đi tham dự Thánh Lễ hàng ngày nhưng lúc này tôi phải chăm sóc cho ông chồng cũ của tôi. Ông ấy đau nặng mà không có ai chăm sóc. Tôi nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ nên đến chăm sóc và cho ông ấy. Tôi cho ông ấy ăn uống, uống thuốc và lo cho ông ấy cả ngày. Đó là lý do mà tôi không thể đi Lễ mỗi ngày. Chúa biết lòng tôi."
5. Có những người đã về hưu nhưng họ vẫn đến các trường Đại Học. Họ làm việc cho các thư viện trong Đại học. Họ dạy tiếng Anh cho những người mới di cư đến Mỹ. Họ trồng hoa hồng rồi đem vào trường tặng cho các học sinh của họ hoặc là cắm hoa vào các chai lọ để làm vui mắt mọi người.
Tinh thần lạc quan của những cụ già người Mỹ thật là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Họ không hề than van, rên rỉ hay phàn nàn về cuộc sống khó khăn hay về tuổi già bịnh tật.
Họ không để cho tuổi già và bịnh tật làm cho họ trở nên những con người già trước tuổi.
Họ phục vụ cộng đồng cho đến khi không còn làm việc được nữa.
Họ đem một tâm tình vui tươi đến thờ phượng Chúa mỗi ngày.
Thật là một thái độ đáng ngợi khen!
"Nhờ cầu nguyện, người già có thể trở nên một người chiêm niệm. Một người già nằm trên giường bệnh nhờ cầu nguyện có thể ôm trọn toàn thể thế giới. Giường bệnh của người già yếu bệnh tật vừa là thập giá vừa là bàn thờ: là thập giá vì người cao niên nằm liệt giường giống như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, và là một nỗi đau đớn vì không còn di chuyển được nữa, mọi sự phải nhờ người khác. Giường bệnh cũng là bàn thờ trên đó hy lễ là chính thân xác của bệnh nhân già yếu và tư tế cũng là bệnh nhân đó, người chấp nhận dâng những đau khổ do bệnh tật gây ra cho bản thân để cầu nguyện cho gia đình, Giáo hội và thế giới. Giường bệnh như cánh cửa để người già bước vào thiên đàng, nếu họ dùng thời gian nằm trên đó để kết hiệp với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu bằng lòng mến và trong tư thế sẵn sàng cho việc gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện." (LM Monfort Phạm Quốc Huyên)
Kim Hà, 18/11/2023