LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ. Lễ kính
Feast of the Presentation of the Lord
https://www.youtube.com/watch?v=GB3zGZ-rDrE
5 Phút Lời Chúa - Thứ Sáu Tuần 4 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 47,10-11
Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh,
chúng con hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương.
Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng,
tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang ;
tay hữu Chúa thi hành công lý.
Bài đọc 1 : Ml 3,1-4
Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người.
Bài trích sách ngôn sứ Ma-la-khi.
1 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này : Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - Đức Chúa các đạo binh phán. 2 Ai chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc ; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. 4 Lễ vật của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.
Đáp ca : Tv 23,7.8.9.10 (Đ. c.10b)
Đ. Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
7Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đ. Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
8Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng
Đức Chúa oai hùng khi xuất trận.
Đ. Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
9Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đ. Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
10Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Chúa Tể càn khôn :
chính Người là Đức Vua vinh hiển.
Đ. Chính Chúa Tể càn khôn là Đức Vua vinh hiển.
Tung hô Tin Mừng : Lc 2,32
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 2,22-40
Chính mắt con được thấy ơn cứu độ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Ca hiệp lễ : Lc 2,30-31
Lạy Chúa,
chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.
SUY NIỆM-GẶP GỠ CHÚA
Bốn mươi ngày sau Giáng Sinh, chúng ta mừng Thiên Chúa đi vào Đền thờ. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người, Đấng sẽ đem những điều mới mẻ cho nhân loại đang đợi mong.
Việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân khởi đi từ đền thờ Giêrusalem. Đó là việc Giuse và Maria chu toàn điều mà sách Luật viết. Cuộc gặp gỡ đạt đỉnh cao khi ông Simêôn cất lời: “chính mắt con được thấy ơn cứu độ”. Nhìn thấy hài nhi Giêsu là nhìn thấy ơn cứu độ, vinh quang của Ítraen. Có lẽ khi thấy ơn cứu độ, Simêôn phải xin điều gì đó. Nhưng không, ông ẵm Hài Nhi trên tay và nói: “xin để tôi tớ này được an bình ta đi”. Trong cuộc gặp gỡ này, Simêôn đã nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời, là Chúa ở trên tay.
Cuộc gặp gỡ của Simêôn với hài nhi Giêsu đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Nhưng cuộc gặp gỡ ấy luôn sống động và mời gọi chúng ta đi gặp gỡ Chúa nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa nơi mỗi người. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Hãy hòa giải! "Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!"
Sáng thứ Tư ngày 31/1/2024, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã suy tư về thói xấu nóng giận. Ngài nói rằng Kinh Thánh dạy chúng ta hai công thức chống lại điều này: công thức đầu tiên là đừng để đến đêm mà cơn giận vẫn còn và vẫn không tìm cách hòa giải; công thức thứ hai là hãy cầu nguyện và cam kết tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Đức Thánh Cha nói rằng sự tức giận nảy sinh trong lòng khiến chúng ta nhận thức tiêu cực về người khác. Nó không lắng dịu theo thời gian và khoảng cách, nhưng lớn lên trong tâm hồn chúng ta bởi những suy nghĩ quanh co.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Chúa để nhận ra sự yếu đuối của chúng ta khi đối mặt với cơn giận, để khi nó nổi lên, chúng ta có thể điều khiển nó một cách tích cực, để nó không thống trị chúng ta, nhưng biến nó thành lòng nhiệt thành thánh thiện hướng tới điều thiện. Ngài mời gọi hãy học thực hành nghệ thuật hòa giải và tha thứ để vượt qua thói xấu giận dữ và mở ra những con đường dẫn đến hòa bình trong các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta.
Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh Giá và đọc lời chào phụng vụ, cộng đoàn hiện diện cùng nghe đoạn sách Thánh trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (Ep 4,26-27.31-32)
Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! [...] Anh em đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta dừng lại để suy tư về tật xấu nóng giận. Đó là một tật xấu đặc biệt u tối và có lẽ là tật xấu dễ nhận ra nhất từ cái nhìn thể lý. Người bị cơn giận thống trị khó có thể che giấu sự thúc đẩy này: bạn có thể nhận ra nó qua những chuyển động của cơ thể người đó, qua sự hung hăng, qua hơi thở khó khăn và vẻ mặt nhăn nhó và cau có của người đó.
Một tật xấu lan rộng
Trong biểu hiện gay gắt nhất của nó, sự tức giận là một tật xấu không để chúng ta yên. Nếu nó nảy sinh từ một sự bất công phải gánh chịu (hoặc chúng ta nghĩ là như vậy), thì nó thường không biểu lộ chống lại người có lỗi nhưng chống lại nạn nhân bất hạnh đầu tiên mà chúng ta gặp phải. Có những người kiềm chế cơn giận ở nơi làm việc, tỏ ra điềm tĩnh và tự chủ, nhưng khi về nhà lại trở nên không thể chịu nổi với vợ con. Giận dữ là một tật xấu lây lan: nó có khả năng khiến chúng ta mất ngủ và khiến chúng ta không ngừng âm mưu trong đầu, ngăn cản lý trí và suy nghĩ của chúng ta.
Giận dữ phá hủy các tương quan giữa con người với nhau
Giận dữ là một thói xấu phá hủy các tương quan giữa con người với nhau. Nó thể hiện sự bất lực trong việc chấp nhận sự khác biệt của người khác, đặc biệt khi những lựa chọn trong cuộc sống của họ khác với lựa chọn của chúng ta. Nó không dừng lại ở hành vi sai trái của một người, nhưng là mọi thứ nơi người đó: chính người kia, người như thế, người như vậy, là người gây ra sự tức giận và oán giận. Chúng ta bắt đầu ghét giọng điệu, những cử chỉ bình thường hàng ngày của họ, cách suy luận và cảm nhận của họ.
“Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”
Đức Thánh Cha nói tiếp: Khi tương quan đi đến mức độ thoái hóa này, thì chúng ta không còn sáng suốt nữa. Bởi vì, đôi khi, một trong những đặc điểm của sự tức giận là nó không thể nguôi ngoai theo thời gian. Trong những trường hợp đó, ngay cả khoảng cách và sự im lặng, thay vì xoa dịu sức nặng của những hiểu lầm, lại càng phóng đại chúng thêm. Chính vì lý do này mà Thánh Tông đồ Phaolô - như chúng ta đã nghe - khuyên các Kitô hữu của mình hãy giải quyết ngay vấn đề và cố gắng hòa giải: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).
Điều quan trọng là mọi thứ phải được hóa giải ngay lập tức, trước khi mặt trời lặn. Nếu ban ngày có thể nảy sinh hiểu lầm, hai người có thể không hiểu nhau nữa, bỗng thấy mình xa cách nhau, nhưng không nên giao ban đêm cho ma quỷ. Thói xấu sẽ khiến chúng ta không ngủ được vào ban đêm, nghiền ngẫm những lý do của mình và những sai lầm không thể giải thích được, những lỗi lầm mà không bao giờ là của chúng ta nhưng luôn là của người khác. Khi một người đang giận dữ, thì luôn nói rằng vấn đề là do người khác. Họ không bao giờ có thể nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót của mình.
Học cách tha thứ để được tha thứ
Trong "Kinh Lạy Cha", Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho các tương quan giữa con người, nơi là một bãi mìn: một mảnh đất không bao giờ có sự cân bằng hoàn hảo. Trong cuộc sống, chúng ta đối mặt với những người xúc phạm gây nên lỗi lầm với chúng ta; cũng như chắc chắn không phải lúc nào chúng ta cũng yêu thương mọi người đúng mức. Chúng ta đã không đáp lại tình yêu của một số người bằng tình yêu mà họ xứng đáng có được. Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, đừng quên điều này. Do đó, tất cả chúng ta cần học cách tha thứ để được tha thứ. Con người sẽ không ở bên nhau nếu họ không thực hành nghệ thuật tha thứ, trong chừng mực con người có thể làm được. Sự giận dữ được chống lại bằng lòng nhân từ, rộng lượng, hiền lành, nhẫn nại.
Sự thịnh nộ thánh thiện
Tuy nhiên, về sự tức giận, có thêm một điều cuối cùng cần nói. Người ta nói rằng đó là một tật xấu khủng khiếp, nó là nguồn gốc của chiến tranh và bạo lực. Lời nói đầu của tác phẩm Iliad mô tả "cơn thịnh nộ của Achilles", điều sẽ là nguyên nhân của "tang thương vô tận". Nhưng không phải mọi thứ nảy sinh từ sự tức giận đều sai. Người xưa đã nhận thức rõ ràng rằng trong con người chúng ta có một phần nóng nảy; đó điều không thể và không được phép phủ nhận. Các đam mê, ở một mức độ nào đó, là vô thức: chúng xảy ra, chúng là những trải nghiệm của cuộc sống.
Chúng ta không chịu trách nhiệm về sự tức giận khi nó phát sinh nhưng luôn luôn chịu trách nhiệm về sự phát triển của nó. Và đôi khi, việc trút cơn giận đúng cách lại là điều tốt. Nếu một người không bao giờ tức giận, nếu họ không cảm thấy phẫn nộ trước sự bất công, nếu khi đối mặt với người yếu bị áp bức mà họ không cảm thấy lòng mình run lên, thì nó có nghĩa là họ không có tính con người, càng không phải là Kitô hữu.
Có một thứ gọi là sự phẫn nộ thánh thiện; nó không phải là sự giận dữ nhưng là một chuyển động nội tâm. Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Người đã vài lần có sự phẫn nộ đó (xem Mc 3,5): Người không bao giờ lấy ác báo ác, nhưng trong tâm hồn Người cảm nhận được cảm giác này và, trong trường hợp những người buôn bán trong Đền Thờ, Người đã thực hiện một hành động mạnh mẽ và có tính ngôn sứ, không phải xuất phát từ sự giận dữ mà từ lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa (xem Mt 21,12-13). Chúng ta phải phân biệt rõ ràng, một bên là lòng nhiệt thành, là sự thịnh nộ thánh thiện, còn bên kia là sự nóng giận, và là điều xấu.
Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần tìm ra mức độ đúng đắn cho những đam mê. Đào luyện tốt các đam mê để chúng hướng đến điều thiện chứ không đến điều xấu. Cám ơn anh chị em.
Vatican News