Saturday, November 30, 20246:31 AM(View: 46)
Trong Mùa Tạ Ơn 2024 này, con nhìn lại cuộc đời 74 năm của con để nhìn thấy Bàn Tay Chúa an bài. Con cảm tạ Chúa vì con đã từng nhìn thấy những ơn lành mà Chúa ban cho con trong suốt cuộc đời của con.
Saturday, November 30, 20245:02 AM(View: 49)
1. Một người phụ nữ chia sẻ: Vợ chồng tôi là chủ của một tiệm làm móng tay (nails). Suốt ngày chúng tôi rất bận rộn với nhiều khách hàng và các thợ làm móng. Vì thế tôi đã phá thai đến 4 lần vì sợ rằng có con cái...
Thursday, November 28, 20242:24 PM(View: 56)
Ngày hôm nay tôi đọc được một tin rất buồn từ FB Catholic Saint of The Day như sau: Xin cầu nguyện cho linh
Thursday, November 28, 20241:55 PM(View: 50)
Hôm nay là Lễ Tạ Ơn. Buổi sáng vợ chồng tôi đến dự Lễ sớm vì biết hôm nay là Lễ của hai sắc dân Việt và Mỹ nên rất đông.
Thursday, November 28, 20241:14 PM(View: 63)
By: Susan Tassone Đức Mẹ Maria khi hiện ra tại làng Medjugorje đã từng nói về cây thánh giá trên núi Krizevac như sau:
Wednesday, November 27, 20249:15 PM(View: 54)
By: Susan Tassone Hai năm sau, cha Aladel đến gặp Đức Tổng Giám Mục de Quelen ở Paris và kể lại cho Đức Cha nghe những gì đã xẩy ra tại vùng Rue du Bac cũng ở tại Paria. Ngài nói rằng mề đay này hợp với những giáo huấn của Giáo Hội.
Wednesday, November 27, 20248:41 PM(View: 56)
By: Susan Tassone Vào năm 1830, nữ tu Catherine Laboure được Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra và bảo vị nữ tu hãy cho đúc một mề đay huyền nhiệm và phân phát cho mọi người. Cuộc hiện ra đầu tiên là vào buổi tối trước lễ Thánh Vincent DePaul, đó là ngày 19 tháng 7.
Tuesday, November 26, 20248:44 PM(View: 60)
Trong một cuộc phỏng vấn của một nữ tu với bà Maria Simma ở nước Áo. Bà Simma nói rằng:
Sunday, November 24, 20249:30 PM(View: 61)
Một nữ tu chia sẻ: Trong Mùa Tạ Ơn này, chúng ta hãy cố gắng trong suốt một ngày gồm 24 tiếng đồng hồ thì sẽ ta sẽ không nói một lời than van và chê trách ai cả. Liệu chúng ta có làm được không?
Saturday, November 23, 20248:52 PM(View: 53)
Chỉ còn có mấy ngày nữa là đến ngày Tạ Ơn. Nhân dịp mùa lễ lớn này, chúng tôi xin kính chúc quý vị và gia đình có một mùa Tạ Ơn đầy tràn Ơn Thánh Chúa và một mùa lễ sum họp gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

SỰ THỜ PHƯỢNG ĐÍCH THỰC

Saturday, March 2, 20249:19 PM(View: 195)

22-6sSỰ THỜ PHƯỢNG ĐÍCH THỰC

Tự bản tính tự nhiên, con người hướng về Đấng Cao Cả. Họ tin Ngài có quyền thế vô song và luôn bảo vệ che chở những ai thành tâm khẩn cầu. Mỗi nền văn hóa, mỗi truyền thống và mỗi tín ngưỡng có những cách trình bày khác nhau về Đấng Cao Cả. Cũng có nhiều danh xưng để diễn tả Đấng ấy. Từ rất sớm trong lịch sử, người Do Thái đã tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, là Đấng Giải phóng và đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Không phải vô cớ mà người Do Thái tuyên xưng như thế. Chính Thiên Chúa đã mạc khải danh của Ngài cho ông Môi-sen, trong sự kiện bụi gai cháy bừng mà không bị thiêu rụi. Ngài nói: “Ta là Đấng Tự Hữu” (Xh 3,14).

Kinh Thánh là lịch sử Cứu độ, đồng thời cũng là lịch sử của dân tộc Do Thái. Họ tự hào vì là dân Chúa chọn. Họ là Dân riêng, được Thiên Chúa ưu tuyển. Thiên Chúa của Cựu ước, và của chúng ta – các Ki-tô hữu hôm nay, là Thiên Chúa độc thần. Sự tôn thờ dành cho Ngài phải vượt lên sự tôn thờ các ngẫu tượng khác.

Nếu dân Do Thái tin rằng Thiên Chúa là Đấng luôn hiện diện, thì họ có bổn phận phải tuân giữ những giới răn của Ngài. Bài đọc I hôm nay nói về Luật Giao Ước. Luật này được ghi lại trong sách Xuất Hành chương 20 và sách Đệ Nhị Luật chương 5. Gọi là “Luật Giao Ước” vì đây là sự giao kèo giữa Thiên Chúa và con người. Điều này có nghĩa nếu con người tuân giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa, thì Ngài sẽ ban cho họ những nhu cầu cần thiết và những điều họ xin với Ngài.

Thập Điều hay Mười Điều Răn là tóm gọn Luật Giao Ước này. Các Ki-tô hữu hôm nay, khi đọc kinh Mười Điều Răn, là đọc Luật Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người qua trung gian ông Môi-sen. Nội dung của Mười Điều Răn rất phong phú. Nếu chỉ có ba điều hướng về Thiên Chúa, thì lại có đến bảy điều hướng về tha nhân. Điều đó cho thấy Thiên Chúa nhấn mạnh tới mối tương quan giữa con người. Ngài dạy phải tôn trọng phẩm giá, tài sản, danh dự và gia đình người khác.

Như trên đây đã nói, Thiên Chúa là Đấng độc thần. Con người được mời gọi đặt niềm phó thác tuyệt đối nơi Ngài. Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, dân Do Thái, do ảnh hưởng của các dân xung quanh, đã có những lúc thể hiện một đức tin tôn giáo pha tạp. Họ đặt Thiên Chúa ngang với những ngẫu thần hoặc những nhân vật trần thế. Truyền thống Ngôn sứ coi đây là sự xúc phạm nghiêm trọng, thậm chí ví như tội ngoại tình nơi con người.

Vào thời Chúa Giê-su, Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi linh thiêng nhất của Do Thái giáo cũng bị uế tạp bởi lối thờ phượng chuộng hình thức bề ngoài, cùng với những hoạt động thương mại. Những người đương thời với Chúa Giê-su, và cả chúng ta hôm nay cũng không khỏi ngỡ ngàng, khi chứng kiến Chúa Giê-su có hành động khác thường: Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Đúng là một hành động khác thường nơi Chúa Giê-su. Các môn đệ cũng như tác giả Tin Mừng đã giải thích hành động của Chúa bằng lời Thánh vịnh 69, câu 10: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.

Việc xua đuổi những người buôn bán của Chúa Giê-su được gọi là hành động “thanh tẩy Đền thờ”. Chúa Giê-su đến trần gian để canh tân việc thờ phượng dành cho Thiên Chúa tối cao. Ở nhiều nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lên án một phụng vụ bị lạm dụng, chỉ chuộng hình thức bề ngoài mà thiếu tâm tình đối với Thiên Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Người đã nhắc lại lời ngôn sứ I-sai-a chương 29 câu 3: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15,8-9).

Mùa Chay là thời điểm để mỗi người nhìn lại cách thờ phượng Chúa. Giáo Hội Công giáo không chạy theo những thị hiếu hấp dẫn theo kiểu người đời, nhưng chú trọng tới cốt lõi của việc tôn thờ đích thực. Tại Việt Nam, vẫn có nhiều người chưa ý thức việc tham dự thánh lễ hay các nghi thức Phụng vụ. Họ đi lễ muộn về sớm. Có người thường nói chuyện trong thánh lễ, hoặc không chú tâm lắng nghe Lời Chúa qua các Bài đọc hoặc qua bài giảng của vị Linh mục chủ lễ.

Thánh Phao-lô khuyên chúng ta trong Bài đọc II: chúng ta không chạy theo dấu lạ giống người Do Thái hay tìm kiếm sự khôn ngoan theo kiểu người Hy Lạp, nhưng chúng ta tin theo Đấng chịu đóng đinh, tức là Đức Giê-su Ki-tô. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian. Việc thờ phượng đích thực không dựa trên những chi tiết màu mè, hoành tráng bề ngoài, nhưng là sự gắn bó nội tâm, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đó cũng là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.

Phụng vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Dân nghe tiếng Chúa nói, rồi đến lượt cộng đoàn thưa với Chúa những tâm tình ước nguyện, thể hiện qua lời cầu nguyện của vị Chủ tế. Ước nguyện ấy còn được thể hiện cách cá nhân mỗi người tham dự, để qua đó chúng ta thực sự được gặp gỡ Chúa, được Ngài tiếp thêm nghị lực để tiếp tục bước đi trên đường đời. 

+ ĐTGM. Giu-se Vũ Văn Thiên