Giáo Hội Hiện Thế: Thời Khoảng 28-31/3/2024
Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Chúc mừng Đại Lễ Phục Sinh - Happy Easter.
Xin Chúa Kitô Vượt Qua luôn là tất cả lòng tin tưởng và niềm vui thương xót của và cho mỗi Kitô hữu chúng ta.
Nếu phần đầu của Mầu Nhiệm Vượt Qua là một sự kiện lịch sử,
vì cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô xẩy ra vào thời Thượng tế Caipha và Tổng trấn Philatô,
thì Phục Sinh vinh hiển vĩnh viễn sẽ là một Mầu Nhiệm, giống hệt như Mầu Nhiệm Nhập Thể vậy,
dù Mầu Nhiệm Nhập Thể cũng đã được tỏ hiện nơi sự kiện Giáng Sinh ở Bêlem trong giòng lịch sử của Dân Do Thái,
vào thời hoàng đế Roma Augusto làm sổ đinh lần đầu tiên và thời Vua Herod Archelaus cai trị Judea và Samaria (4 B.C. - A.D. 6).
Phải chăng trong suốt giòng lịch sử của chung nhân loại và của riêng Thánh Địa đặc biệt từ 1948, khi bắt đầu xuất hiện Nước Do Thái,
thế giới chỉ chứng kiến thấy toàn là những sự kiện lịch sử mang tính cách khổ nạn và tử nạn hơn là thấy được Mầu Nhiệm Phục Sinh có tính cách thần linh?
Nếu sự kiện lịch sử mang tính cách khổ nạn và tử nạn xuất phát từ lòng hận thù ghen ghét của con người được thực hiện bởi chính bàn tay sát máu của họ,
như cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô do lòng hận thù ghen ghét của Dân Do Thái và bàn tay chủ quyền của Đế quốc Roma,
thì Mầu Nhiệm Phục Sinh là việc của Đấng được vị tông đồ Toma tuyên xưng là "Chúa và Thiên Chúa" (Jn 20:28), Đấng "là sự sống lại và là sự sống" (Jn 11:25).
Chúa Kitô quả thực đã sống lại, bất chấp lực lượng canh giữ của đám lính của Hội đồng Đầu mục Do Thái, cũng như bất chấp tảng đá chắn cửa mồ,
vì thế nơi an táng Người chỉ là một ngôi mộ trống cùng với những giải khăn được xếp lại đàng hoàng, những dấu chứng cho thấy Người đã phục sinh,
dù bị thành phần lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ xuyên tạc để cố tình che giấu sự thật hiển nhiên vô cùng lạ lùng huyền nhiệm về Mầu Nhiệm Phục Sinh,
nhưng Mầu Nhiệm Phục Sinh từ đó đã thực sự và hoàn toàn làm biến đổi thế giới loài người qua "Ánh sáng muôn dân - Lumen gentium" là Giáo Hội Chúa Kitô, một Cộng đồng Tân Ước đã bị Đế quốc Roma sát hại suốt 300 năm đầu, vẫn tồn tại và huy hoàng ở Roma cho tới nay, trước tàn tích của một đế quốc sau 1480 năm.
Bởi thế, với tất cả lòng tin tưởng vào Đấng vì là "Chúa và Thiên Chúa" nên đã Phục Sinh từ trong cõi chết để chiến thắng tội lỗi và sự chết của loài người và nơi loài người, chúng ta hãy tiếp tục hiệp thông nguyện cầu cho một thế giới mới tràn đầy "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" và theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thể .
Cao Tấn Tĩnh