LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH Wednesday of the Sixth Week of Easter https://www.youtube.com/watch?v=Y0at4DQjIu8 5 Phút Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 6 Mùa Phục Sinh. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINHTại Houston, Texas. Hoa KỳPhụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH
Wednesday of the Sixth Week of Easter
https://www.youtube.com/watch?v=Y0at4DQjIu8
5 Phút Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 6 Mùa Phục Sinh.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINHTại Houston, Texas. Hoa KỳPhụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 17,50 ; 21,23
Lạy Chúa, giữa muôn dân,
con cất lời cảm tạ
và loan truyền danh Chúa
cho anh em của con. Ha-lê-lui-a.
17 15 Hồi ấy, các người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.
22 Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói : “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ : ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.
24 “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. 25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. 26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất ; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. 27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa ; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. 28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói : ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’
29 “Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
30 “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, 31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết.”
32 Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói : “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông.” 33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi. 34 Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.
18 1 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.
Đáp ca : Tv 148,1-2.11-12.13-14a.14bc
Đ. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.
1Ca tụng Chúa đi, tự cõi trời thăm thẳm,
ca tụng Người, trên chốn cao xanh.
2Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa,
ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh !
Đ. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.
11Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ,
khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian,
12ai là nam thanh, ai là nữ tú,
khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng !
Đ. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.
13Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa,
vì thánh danh Người cao cả vô song,
và oai phong vượt quá đất trời.
14aThế lực dân Người, Người đã nâng cao.
Đ. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.
14bcĐó là bài ca tụng của những ai hiếu trung với Chúa,
của con cháu nhà Ít-ra-en, dân gần gũi với Người.
Đ. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.
Tung hô Tin Mừng : Ga 14,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 16,12-15
Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Ca hiệp lễ : x. Ga 15,16.19
Chúa nói : “Thầy đã chọn anh em
là những người ở giữa thế gian,
để anh em ra đi, thu được kết quả,
và kết quả của anh em tồn tại.” Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-THÁNH THẦN – ĐẤNG SOI SÁNG
Trong Kinh Tin Kính công đồng Nicea, Hội Thánh dạy ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Như vậy, Người cũng là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã gọi Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật”, vì Người là Đấng mang chân lý phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người sẽ đến để soi sáng cho Giáo Hội, giúp Giáo Hội thấu hiểu rõ hơn về những giáo huấn của Đức Giêsu. Những giáo huấn ấy không phải là chân lý mới mẻ nào khác, đó là những điều đã được Đức Giêsu mặc khải khi còn ở với các môn đệ, nhưng vì khi ấy các môn đệ đã “không đủ sức để chịu nổi”.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban thêm ơn khôn ngoan cho chúng con, để chúng con thêm thấu hiểu Lời Chúa dạy và nhờ đó được thêm yêu mến Ngài. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Nữ Kitô hữu Ả Rập đầu tiên làm viện trưởng một đại học của Israel
Ngày 11/4/2024, trong bối cảnh căng thẳng với Iran và trong khi các cuộc biểu tình chống Israel đang gia tăng tại các trường đại học trên khắp thế giới, Đại học Haifa của Israel đã thông báo giáo sư Mouna Maroun, một nữ Kitô hữu người Ả Rập thuộc nghi lễ Maronite ở Israel, đã được bầu làm viện trưởng của đại học.
Trước đây, chưa từng có người Ả Rập, Kitô hữu hay phụ nữ nào từng giữ chức viện trưởng tại Đại học Haifa. Do đó, trong cuộc phỏng vấn của trang tin CNA, bà Maroun nhận định: “việc bầu chọn tôi là một thông điệp quan trọng rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong giới học thuật Israel. Đó là một thông điệp dành cho thiểu số Kitô giáo rằng chúng ta đã đâm rễ ở đây, rằng chúng ta có thể thành công ở đây; và đó cũng là một thông điệp dành cho các thế hệ trẻ Ả Rập: Nếu bạn có ước mơ, bạn có thể thực sự hiện thực hóa nó trong xã hội Israel và đặc biệt là trong các trường đại học”.
Giáo dục đại học giúp hòa nhập
Giáo sư Maroun là con cháu của một gia đình gốc Libăng di cư đến Israel vào đầu thế kỷ XX. Cha mẹ bà mù chữ nhưng tin rằng học vấn cao sẽ giúp 4 con gái của họ có thể thành công và hòa nhập vào xã hội Israel. Bà Maroun cũng tin như thế. Bà nói: “Tôi luôn tin rằng việc giải phóng người thiểu số Ả Rập ở Israel là thông qua giáo dục đại học. Tôi không tin vào chính trị; tôi tin vào giáo dục đại học”.
Hiện nay, giáo sư Maroun, 54 tuổi, là nhà thần kinh học và chuyên gia nổi tiếng về rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Bà đã là giảng viên của trường đại học trong hơn 20 năm và từng là chủ tịch Khoa Sinh học thần kinh và là thành viên của hội đồng học thuật, cùng với các chức vụ khác. Bà sẽ chính thức đảm nhận vai trò viện trưởng trong 4 năm bắt đầu từ tháng 10 năm nay.
Tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải
Đại học Haifa là một trong những trường đại học đa dạng và hòa nhập nhất ở Israel: 45% trong số 17.000 sinh viên đến từ xã hội Ả Rập và 50% tổng số sinh viên là sinh viên thế hệ đầu tiên được giáo dục đại học.
Sinh viên xếp theo các nhóm dân tộc bao gồm người Do Thái, người Hồi giáo, người Druze và Kitô hữu (tổng cộng 15-20 giáo phái tôn giáo khác nhau). Bản thân bà Maroun tự hào về niềm tin tôn giáo của mình và đeo một cây Thánh giá bằng vàng ở cổ.
Giáo sư Maroun nói: “Chúng tôi có cái gọi là phòng thực nghiệm tự nhiên, nơi tất cả các tôn giáo cùng tồn tại và chung sống mà không có căng thẳng. Ngoài ra, Phòng thực nghiệm Nghiên cứu Tôn giáo là một phần của Đại học Haifa, tập trung vào đối thoại liên tôn. Theo bà, trở thành viện trưởng người Ả Rập của một trường đại học Israel sau ngày 7/10/2023 [ngày Hamas tấn công Israel] là một nhiệm vụ đầy thử thách.
Bà Maroun giải thích rằng chuyên môn của bà về chấn thương và não bộ cũng như nền tảng Kitô giáo đã giúp bà phát triển sự nhạy cảm đặc biệt đối với người khác và tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải. Bà nói: “Điều này sẽ đặc biệt quan trọng trong những ngày tháng sắp tới ở Israel”. (CNA 05/05/2024)
Hồng Thủy - Vatican News