LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH Thursday of the Seventh Week of Easter https://www.youtube.com/watch?v=0IDgyetxaT8 5 Phút Lời Chúa - Thứ Năm Tuần 7 Mùa Phục Sinh. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINHTại Houston, Texas. Hoa KỳPhụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH
Thursday of the Seventh Week of Easter
https://www.youtube.com/watch?v=0IDgyetxaT8
5 Phút Lời Chúa - Thứ Năm Tuần 7 Mùa Phục Sinh.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINHTại Houston, Texas. Hoa KỳPhụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Hr 4,16
Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 22,30 ; 23,6-11
Con cũng phải làm chứng tại Rô-ma nữa.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
22 30 Hôm ấy, vì muốn biết chắc chắn người Do-thái tố cáo ông Phao-lô về điều gì, vị chỉ huy cơ đội tháo xiềng cho ông và ra lệnh cho các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng họp lại, rồi ông đưa ông Phao-lô từ đồn xuống, để ra trước mặt họ.
23 6 Ông Phao-lô biết rằng một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xa-đốc, còn phần kia thuộc phái Pha-ri-sêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị : “Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu ; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.” 7 Ông vừa nói thế, thì người Pha-ri-sêu và người Xa-đốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. 8 Thật vậy, người Xa-đốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần ; còn người Pha-ri-sêu thì lại tin là có. 9 Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu đứng lên phản đối mạnh mẽ : “Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy ?” 10 Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phao-lô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.
11 Đêm ấy Chúa đến bên ông Phao-lô và nói : “Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa.”
Đáp ca : Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. c.1)
Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2Con thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ,
5aChúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.”
Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Tung hô Tin Mừng : Ga 17,21
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 17,20-26
Xin cho họ được hoàn toàn nên một.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Ca hiệp lễ : Ga 16,7
Chúa nói : “Thầy nói thật với anh em :
Thầy ra đi thì có lợi cho anh em,
vì nếu Thầy không ra đi,
Đấng bào chữa sẽ không đến với anh em.” Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-TÌNH YÊU Ở LẠI
Trong tông huấn Amoris Letitia - Niềm vui của tình yêu, Đức Thánh Cha kêu gọi: Các Kitô hữu hãy là một dấu chỉ của lòng thương xót ở những nơi mà cuộc sống gia đình chưa được trọn vẹn hay còn thiếu vắng bình an và niềm vui (số 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho thấy Người chính là hiện thân tình yêu hoàn hảo mà Chúa Cha dành cho nhân loại. Đặc biệt, tình yêu này sẽ luôn ở lại trong chúng ta là các môn đệ của Người. Hạn từ “Tình yêu” được nhắc đến khoảng 300 lần trong Tân Ước. Tình yêu là món quà cao quý mà Thiên Chúa tặng ban nhân loại. Người cũng mời gọi chúng ta sẻ chia món quà “tình yêu” ấy cho tha nhân.
Vào thời Giáo Hội sơ khai, tình yêu thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào”. Tình yêu chính là dấu chỉ giúp người khác nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Giêsu, và là cách thức tốt nhất để chúng ta thực thi việc truyền giáo.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết yêu mến mọi người, để qua đó mọi người nhận ra con là môn đệ Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Ở đâu có vâng phục có Giáo hội; có bất tuân sẽ có ly giáo
Sáng thứ Hai ngày 13/5/2024, gặp gỡ phái đoàn gồm các Giám mục và khoảng 150 tín hữu thuộc nghi lễ Siro-Malaba, Đức Thánh Cha mời gọi họ duy trì sự hiệp nhất, đừng chán nản thất vọng trước những khó khăn và khủng hoảng, đừng đóng kín trong những thành kiến dẫn đến sự thù địch ngày càng gia tăng. Ngài nói: “Ở đâu có sự vâng phục ở đó có Giáo hội; ở đâu có sự bất tuân ở đó có sự ly giáo".
Giáo Hội nghi lễ Siro-Malaba có từ thời thánh Tôma Tông đồ, là 1 trong số 23 Giáo Hội nghi lễ Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh, và là Giáo Hội lớn thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ucraina. Giáo Hội nghi lễ Siro-Malaba hiện có khoảng 4 triệu 250 ngàn tín hữu trên thế giới, trong đó có 2 triệu 350 ngàn người ở bang Kerala, với khoảng 65 Giám mục và hơn 9 ngàn linh mục.
Từ lâu, tại Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, giáo phận lớn nhất của Giáo Hội Siro Malaba, với khoảng nửa triệu tín hữu, có những tranh chấp và chia rẽ về phụng vụ. Tại đây, Hội đồng của Giáo Hội đã phê chuẩn nghi thức cử hành Thánh lễ trong tinh thần dung hòa, bắt đầu có hiệu lực từ mùa hè năm 2021. Mặc dù Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi và nhắn nhủ, khoảng 400 Linh Mục cùng với nhiều giáo dân trong Tổng giáo phận này vẫn từ chối áp dụng nghi thức mới.
Vâng phục
Trong cuộc gặp gỡ, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại nguồn gốc tông đồ của Giáo hội Siro-Malaba và ca ngợi lòng trung thành của họ đối với Người kế vị Thánh Phêrô. Ngài nói: “Ở đâu có sự vâng phục ở đó có Giáo hội; ở đâu có sự bất tuân ở đó có sự ly giáo. Và anh em vâng phục, và đây là vinh quang của anh em: sự vâng phục, ngay cả khi phải chịu đau khổ, nhưng vẫn tiến về phía trước. Và ngài khuyến khích các tín hữu Syro-Malabar, dù ở bất cứ nơi nào, hãy vun trồng ý thức thuộc về Giáo hội của mình, để di sản phụng vụ, thần học, thiêng liêng và văn hóa vĩ đại của họ có thể còn tỏa sáng hơn nữa.
Cám dỗ tự quy chiếu
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng cảnh giác họ về cám dỗ nguy hiểm muốn tập trung vào một chi tiết mà họ không muốn bỏ qua, gây phương hại đến lợi ích chung của Giáo hội. Ngài nói rằng điều này xuất phát từ sự tự quy chiếu, dẫn đến việc không nghe thấy bất kỳ lý do nào khác ngoài lý do của mình. Ngài cảnh giác: “Và chính ở đây, ma quỷ, kẻ chia rẽ, cản trở ước muốn chân thành nhất mà Chúa bày tỏ trước khi hy sinh vì chúng ta: đó là chúng ta, những môn đệ của Người, trở nên ‘một’ (Ga 17,21)”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Do đó, bảo vệ sự hiệp nhất không phải là một lời hô hào đạo đức, mà là một nghĩa vụ, và đặc biệt là khi nói đến các linh mục đã hứa tuân phục và là những vị mà các tín hữu mong đợi gương bác ái và hiền lành”.
Bảo vệ sự hiệp thông
Đức Thánh Cha nói với Đức Thượng phụ đứng đầu Giáo hội Công giáo nghi lễ Siro-Malaba: “Chúng ta hãy quyết tâm làm việc để bảo vệ sự hiệp thông và cầu nguyện không mệt mỏi để anh em của chúng ta, bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục dẫn đến cứng nhắc và chia rẽ, có thể nhận ra rằng họ là thành viên của một gia đình lớn hơn, yêu thương họ và chờ đợi họ. Ngài mời gọi thảo luận mà không sợ hãi, nhưng trên hết chúng ta hãy cầu nguyện, để dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng hòa hợp sự khác biệt và đưa những căng thẳng trở lại hiệp nhất, những xung đột được giải quyết.
Tiêu chuẩn thực sự thiêng liêng, xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông
Ngài nhấn mạnh: “Việc thiếu tôn trọng Bí tích Thánh Thể, - Bí tích bác ái và hiệp nhất -, khi thảo luận về các chi tiết cử hành Bí tích Thánh Thể, điểm cao nhất trong sự hiện diện của Người được tôn thờ giữa chúng ta, là không phù hợp với đức tin Kitô giáo. Tiêu chuẩn hướng dẫn, tiêu chuẩn thực sự thiêng liêng, xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông: nó có nghĩa là tuân theo sự hiệp nhất, trung thành và khiêm tốn, tôn trọng và vâng phục gìn giữ những hồng ân đã nhận được”.
Chạm vào vết thương của Chúa nơi người đau khổ
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc họ nhìn vào các vết thương của Chúa ngày nay vẫn còn hiện rõ trên thân xác của nhiều người đói khát và bị bỏ rơi, trong nhà tù, bệnh viện và dọc các đường phố; bằng cách chạm vào những anh em này một cách dịu dàng, chúng ta chào đón Thiên Chúa hằng sống ở giữa chúng ta. Như Thánh Tôma, việc nhận ra lòng thương xót và tha thứ của Chúa sẽ vun trồng đức tin và giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại.
(CSR_2059_2024)
Hồng Thủy - Vatican News