LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Thursday of the Eleventh Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=tF-3x2QjjT0
5 Phút Lời Chúa - Thứ Năm Tuần 11 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 26,7.9
Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu Chúa.
Chính Ngài là Đấng phù trợ con,
xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Bài đọc 1 : Hc 48,1-14
Ông Ê-li-a được ẩn trong cơn lốc và ông Ê-li-sa được đầy thần khí của người.
Bài trích sách Huấn ca.
1Bấy giờ, ông Ê-li-a xuất hiện,
ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa,
lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.
2Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân,
và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt.
3Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời,
và ba lần cũng cho lửa đổ xuống.
4Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách !
Ai có thể tự hào được nên giống như ông ?
5Ông dùng lời của Đấng Tối Cao
mà làm cho một kẻ chết trỗi dậy,
thoát khỏi tay tử thần và cõi âm ty.
6Ông đã đẩy các vua vào cõi chết,
và xô người quyền thế xuống khỏi giường.
7Tại núi Xi-nai, ông đã nghe lời khiển trách,
trên núi Khô-rếp, ông đã nghe án trừng phạt.
8Ông đã xức dầu tấn phong các vua để họ cầm quyền xét xử,
và xức dầu cho các ngôn sứ để họ nối nghiệp ông.
9Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc,
trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi.
10Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến,
ông đã được nêu danh,
để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa
trước khi cơn thịnh nộ bùng lên,
để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,
và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
11Phúc cho ai được nhìn thấy ông,
và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa,
vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.
12Khi ông Ê-li-a được ẩn trong cơn lốc,
thì ông Ê-li-sa được đầy thần khí của người.
Suốt đời ông Ê-li-sa,
không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc,
cũng chẳng ai khuất phục được ông.
13Đối với ông, chẳng có gì là quá sức,
ngay cả khi ông đã qua đời,
thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ.
14Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ,
sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng.
Đáp ca : Tv 96,1-2.3-4.5-6.7 (Đ. c.12a)
Đ. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.
1Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !
2Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là chính trực công minh.
Đ. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.
3Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
4Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ ;
Đ. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.
5Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
6Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Đ. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.
7Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi !
Đ. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng.
Tung hô Tin Mừng : x. Rm 8,15bc
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng : “Áp-ba ! Cha ơi !”. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 6,7-15
Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;
12xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Ca hiệp lễ : Tv 26,4
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền Chúa tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời.
SUY NIỆM-THA NỢ CHO NHAU
“Tha thứ là trả tự do cho một tù nhân, và nhận ra rằng chúng ta cũng từng là tù nhân.” (Lewis B. Smedes).
“Tội, lỗi” trong nguyên ngữ Hy lạp nghĩa là “nợ”. Vì trước mặt Thiên Chúa, không ai là vô tội, nên tất cả chúng ta đều mắc nợ Thiên Chúa. Và có lẽ, không chỉ với Thiên Chúa, chúng ta còn mắc nợ với tha nhân, với cuộc đời.
Bởi yêu thương, Chúa không đòi nợ ai đến đồng xu cuối cùng. Vì tình nghĩa, có những người giúp đỡ ta mà không mong hồi đáp. Có bao người khi nhắm mắt xuôi tay có thể hoàn trả trọn vẹn ân nghĩa mà cuộc đời ban tặng? Những món nợ ân nghĩa ấy là thứ khiến cuộc đời đáng sống và đáng cho đi. Nên, đến lượt mình, chúng ta cũng cần tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình. Vì đó là cách thể hiện lòng biết ơn với những người chúng ta không thể trả ơn, và đó cũng là con đường giải thoát tha nhân khỏi gánh nợ nần tội lỗi.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin lỗi Chúa và xin Người giúp con mạnh sức để xin lỗi anh em cũng như tha thứ cho họ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Tiếp kiến chung 19/6: Các Thánh Vịnh giúp cho lời cầu nguyện
không trở nên nghèo nàn khi chỉ có lời cầu xin
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 19/6/2024, Đức Thánh Cha nói rằng các Thánh Vịnh không phải là những gì thuộc về quá khứ nhưng được sống động khi trở thành lời cầu nguyện của chúng ta. Các Thánh Vịnh giúp cho lời cầu nguyện không trở nên nghèo nàn khi chỉ có lời cầu xin. Ngài khuyên các tín hữu lặp lại một Thánh Vịnh hoặc một câu Thánh Vịnh đánh động tâm hồn chúng ta, biến Thánh Vịnh thành lời cầu nguyện của chúng ta.
Đức Thánh Cha gọi Chúa Thánh Thần là “nhà soạn nhạc” của bản giao hưởng cầu nguyện đã được trao tặng cho Giáo hội. Bản giao hưởng tuyệt vời này là những Thánh Vịnh, và với các Thánh Vịnh này chúng ta hướng về Chúa để ca ngợi, tạ ơn, cầu xin Người và chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta.
Ngài nhắc rằng các Thánh Vịnh là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các tông đồ và tất cả các Kitô hữu đã đi trước chúng ta, và có một vị trí đặc biệt trong phụng vụ. Do đó các Thánh Vịnh quan trọng đối với các tín hữu chúng ta.
Các Thánh Vịnh không phải là những gì thuộc về quá khứ nhưng được sống động khi trở thành lời cầu nguyện của chúng ta. Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu lặp lại một Thánh Vịnh hoặc một câu Thánh Vịnh đánh động tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẽ luôn tìm thấy một Thánh Vịnh hay câu Thánh Vịnh trả lời cho mỗi tình huống mà chúng ta phải trải qua trong cuộc sống.
Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và sau lời chào phụng vụ mở đầu, cộng đoàn nghe đoạn thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Colosseo (Cl 3,16-17):
[Thưa anh em,] ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa bằng những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Sách Thánh Vịnh: Bản giao hưởng cầu nguyện
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Để chuẩn bị cho Năm Thánh sắp tới, tôi đã mời gọi dành năm 2024 cho “một bản giao hưởng” cầu nguyện tuyệt vời[1]. Với bài giáo lý hôm nay, tôi muốn nhắc nhở anh chị em rằng Giáo Hội đã có một bản giao hưởng cầu nguyện do Chúa Thánh Thần sáng tác và đó là Sách Thánh Vịnh.
Như trong mỗi bản giao hưởng, có nhiều “chuyển động” khác nhau, tức là có nhiều loại tâm tình cầu nguyện: ngợi khen, tạ ơn, cầu xin, than thở, tường thuật, suy tư khôn ngoan, và những tâm tình khác, cả trong hình thức cầu nguyện cá nhân lẫn hình thức hợp xướng của tất cả mọi người. Đó là những bài hát mà chính Thánh Thần đã đặt trên môi của Hiền Thê, Giáo hội của Người. Tất cả Sách Thánh Kinh, tôi đã nhắc lại lần trước, đều được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhưng Sách Thánh Vịnh cũng được linh hứng theo nghĩa nó đầy cảm hứng thi ca.
Các Thánh Vịnh có một vị trí đặc biệt trong Tân Ước. Thật vậy, đã và vẫn còn có những ấn bản bao gồm cả Tân Ước và các Thánh Vịnh. Trên bàn của tôi có một ấn bản Tân Ước và các Thánh Vịnh tiếng Ucraina của một quân nhân tử trận mà họ đã gửi cho tôi. Anh đã cầu nguyện với cuốn sách này trên chiến trường. Không phải tất cả các Thánh Vịnh - và không phải tất cả mỗi Thánh Vịnh - có thể được các Kitô hữu lặp lại và biến thành lời cầu nguyện của họ và điều này đối với con người hiện đại thì thậm chí còn ít hơn. Đôi khi, các Thánh Vịnh phản ánh một hoàn cảnh lịch sử và một não trạng tôn giáo không còn là của chúng ta nữa. Điều này không có nghĩa là các Thánh Vịnh không được linh hứng, nhưng ở một số khía cạnh nhất định, các Thánh Vịnh được liên kết với một thời điểm và một giai đoạn mặc khải tạm thời, giống như trường hợp của phần lớn luật lệ cổ xưa.
Các Thánh Vịnh là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của các Tông đồ
Lý do được khuyến khích nhất để đón nhận các Thánh Vịnh là vì các Thánh Vịnh là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của các Tông đồ và của tất cả các thế hệ Kitô hữu đi trước chúng ta. Khi chúng ta hát các Thánh Vịnh, Thiên Chúa lắng nghe với “sự hợp tấu” hùng tráng, đó là sự hiệp thông của các thánh. Theo Thư gửi tín hữu Do Thái, Chúa Giêsu đã bước vào thế gian với câu Thánh Vịnh ngài ghi nhớ trong tâm hồn: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10,7; Tv 40,9); và theo Tin Mừng Thánh Luca, Người rời bỏ thế gian với một câu Thánh Vịnh khác trên môi: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46; x. Tv 31,6).
Việc sử dụng các Thánh Vịnh trong Tân Ước được tiếp nối bởi các Giáo Phụ và toàn thể Giáo Hội, khiến các Thánh Vịnh trở thành một yếu tố cố định trong việc cử hành Thánh Lễ và Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Thánh Ambrosio viết: “Toàn bộ Sách Thánh đều toát lên sự tốt lành của Thiên Chúa, nhưng đặc biệt là cuốn sách Thánh Vịnh ngọt ngào”[2]. Tôi tự hỏi: Anh chị em có thỉnh thoảng cầu nguyện bằng Thánh Vinh không? Hãy cầm lấy cuốn Kinh Thánh hay Tân Ước và đọc một Thánh Vịnh. Ví dụ, khi anh chị em đau buồn vì đã phạm tội, hãy đọc Thánh Vịnh 50. Có rất nhiều Thánh Vịnh giúp chúng ta tiến bước. Hãy tập thói quen cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Tôi bảo đảm rằng kết quả là anh chị em sẽ hạnh phúc.
Biến các Thánh Vịnh thành lời cầu nguyện của mình
Nhưng chúng ta không thể chỉ sống dựa vào di sản của quá khứ: cần phải biến các Thánh Vịnh thành lời cầu nguyện của chúng ta. Có người viết rằng, theo một nghĩa nào đó, chính chúng ta phải trở thành “tác giả” của các Thánh Vịnh, biến các Thánh Vịnh thành của mình và cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh[3]. Nếu có những Thánh Vịnh, hoặc chỉ những câu Thánh Vịnh, nói lên tâm tình của chúng ta, thì thật tốt khi lặp lại và cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh hay các câu Thánh Vịnh này trong ngày sống của chúng ta. Các Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện “dành cho mọi mùa”: không có tâm trạng hay nhu cầu nào mà không tìm thấy ở đó những lời tốt đẹp nhất được biến chuyển thành lời cầu nguyện. Không giống như tất cả những lời cầu nguyện khác, các Thánh Vịnh không mất đi hiệu quả khi được lặp đi lặp lại, trái lại, còn gia tăng. Tại sao? Bởi vì các Thánh Vịnh được Chúa soi sáng và “hít thở” Chúa nên luôn được đọc với đức tin.
Nếu chúng ta cảm thấy bị đè nặng bởi sự hối hận và tội lỗi, bởi vì chúng ta là các tội nhân, chúng ta có thể lặp lại với Vua Đavít: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51,3). Nếu chúng ta muốn bày tỏ mối liên kết cá nhân mạnh mẽ với Thiên Chúa, chúng ta hãy thưa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63,2). Không phải vô cớ mà Phụng vụ đã đưa Thánh Vịnh này vào các Kinh Sáng Chúa Nhật và các lễ trọng. Và nếu nỗi sợ hãi và thống khổ tấn công chúng ta, thì những lời tuyệt vời này sẽ trợ giúp chúng ta: “Chúa là mục tử của con […]. Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn” (Tv 23,1.4).
Thánh Vịnh giúp chúng ta không làm cho lời cầu nguyện của mình trở nên nghèo nàn
Các Thánh Vịnh giúp chúng ta không làm cho lời cầu nguyện của mình trở nên nghèo nàn khi giảm thiểu lời cầu nguyện thành những lời cầu xin, thành một câu liên tục “xin cho con, xin cho chúng con…”. Chúng ta học từ Kinh Lạy Cha rằng trước khi xin “lương thực hằng ngày”, hãy nói rằng “Xin cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện”. Các Thánh Vịnh giúp chúng ta mở lòng đón nhận một lời cầu nguyện ít tập trung vào bản thân mình hơn: một lời cầu nguyện ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn; và các Thánh Vịnh cũng giúp chúng ta trở thành tiếng nói của toàn thể thụ tạo, đưa chúng hòa chung lời ngợi khen của chúng ta.
Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban cho Giáo hội Hiền Thê những lời cầu nguyện với Phu Quân thần linh của mình, giúp chúng ta làm cho những lời đó vang vọng trong Giáo hội ngày nay, và biến năm chuẩn bị cho Năm Thánh này thành một bản giao hưởng cầu nguyện thực sự. Cám ơn anh chị em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Vatican News