LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN Friday of the Eighteenth Week in Ordinary Time https://www.youtube.com/watch?v=2sFJV5Q-hhU 5 Phút Lời Chúa - Thứ Sáu Tuần 18 Mùa Thường Niên. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
Friday of the Eighteenth Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=2sFJV5Q-hhU
5 Phút Lời Chúa - Thứ Sáu Tuần 18 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 69,2.6
Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con
muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ !
Ngài là Đấng phù trợ,
là Đấng giải thoát con,
muôn lạy Chúa, xin đừng trì hoãn.
Bài đọc 1 : Nk 2,1.3 ; 3,1-3.6-7
Khốn cho thành vấy máu.
Bài trích sách ngôn sứ Na-khum.
21Kìa, trên các đồi núi
xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng, và công bố bình an.
Này hỡi Giu-đa, hãy mừng lễ, hãy giữ trọn các lời khấn hứa,
vì kẻ thừa hành của Xa-tan không còn qua lại nơi ngươi nữa ;
nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
3Phải, Đức Chúa khiến cho Gia-cóp
và Ít-ra-en lấy lại sức kiêu hùng.
Bọn cướp đã tàn phá, lại còn phá huỷ cả các nhành nho.
31Khốn cho thành vấy máu, toàn mưu chuyện lừa đảo,
đầy những của cướp giật, chẳng bao giờ thiếu mồi !
2Kìa tiếng roi vun vút, tiếng bánh xe ầm ầm,
vó ngựa phi dồn dập, xe trận nhảy chồm lên.
3Kỵ binh xông ra đánh,
gươm vung loang loáng, kiếm bay lập loè,
thương vong nhiều vô kể, nạn nhân chất thành đống,
tử thi nằm la liệt, người ta đạp lên trên.
6Ta sẽ ném lên ngươi những đồ gớm ghiếc,
làm cho ngươi bị khinh dể,
khiến ngươi thành trò cười cho thiên hạ.
7Bấy giờ, hễ ai nhìn thấy ngươi cũng đều phải tránh xa và nói :
“Ni-ni-vê đã bị phá tan hoang !” Ai còn cảm thương nó ?
Ta tìm đâu cho ngươi những người an ủi ?
Đáp ca : Đnl 32,35cd-36ab.39abcd.41 (Đ. c.39c)
Đ. Chúa phán : Ta cầm quyền sinh tử.
35cdNgày chúng lâm nạn đã gần,
và vận hạn chúng đang sầm sập tới.
36abChúa sẽ xét xử cho thần dân,
sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ.
Đ. Chúa phán : Ta cầm quyền sinh tử.
39abcdBây giờ hãy coi đây : Ta chính là Ta,
bên cạnh Ta, chẳng có thần nào khác,
Ta cầm quyền sinh tử,
Ta đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành.
Đ. Chúa phán : Ta cầm quyền sinh tử.
41Khi Ta mài lưỡi gươm sáng loé của Ta,
khi Ta ra tay xét xử,
thì Ta sẽ báo oán các đối thủ của Ta,
sẽ đáp trả những kẻ ghét Ta.
Đ. Chúa phán : Ta cầm quyền sinh tử.
Tung hô Tin Mừng : Mt 5,10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 16,24-28
Người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28 Thầy bảo thật anh em : trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”
Ca hiệp lễ : Kn 16,20
Lạy Chúa,
Chúa đã ban cho chúng con bánh bởi trời,
bánh có đủ mọi mùi thơm ngon
và mọi hương vị ngọt ngào.
SUY NIỆM-YÊU ĐẾN CÙNG
Trước khi bị quân đội Hítle ập vào tu viện bắt mình, thánh Têrêsa Benêđicta, một nữ tu người Do Thái, đã viết vội dòng chữ “Ave Crux, spes unica – Kính chào cây Thập Giá, niềm hy vọng duy nhất của con”.
Tình yêu đích thực mà Đức Giêsu diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay chính là tình yêu hy sinh mạng sống. Tác giả Tin Mừng Gioan viết, Đức Giêsu đã yêu mến các môn đệ và “Người đã yêu mến họ đến cùng”. (Ga 13,1) Yêu đến cùng của Đức Giêsu được thể hiện bằng cách hiến dâng mạng sống trên thập giá.
Thánh Bênêđicta chúng ta mừng kính hôm nay là một nữ tu dòng Cát Minh. Từ một triết gia không tin vào Đức Giêsu, ngài đã được ánh sáng chân lý soi dẫn để tin nhận rằng chỉ có thập giá Đức Giêsu mới cứu nỗi mình. Ở tuổi 30, ngài tìm thấy ánh sáng của đức tin Công Giáo. Từ đó, ngài đã hy sinh cuộc sống trong tư cách một giáo sư đại học để trở thành một nữ tu dòng chiêm niệm. Ngài bị bắt vào trại tập trung năm 1942. Cái chết trong phòng hơi ngạt vào ngày 7/8/1942 là của lễ hy sinh cuối cùng ngài dâng lên Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho thập giá Chúa trở thành niềm hy vọng duy nhất của con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Tiếp kiến chung 7/8/2024
ĐTC Phanxicô: Không có gì mà Thiên Chúa không làm được
Trong bài giáo lý có chủ đề “Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể của Ngôi Lời”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai động từ trong trình thuật thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ: Đức Mẹ “thụ thai” và “sinh hạ” Chúa Giêsu. Ngài giải thích rằng Đức Mẹ đã đón nhận Chúa vào tâm hồn và vào cung lòng mình, rồi làm chứng cho Người bằng cả cuộc đời mình. Do đó, chúng ta cũng được mời gọi, giống như Đức Mẹ, nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta, đón nhận Chúa và loan báo cho mọi người.
Sáng thứ Tư ngày 7/8/2024, Đức Thánh Cha đã trở lại buổi tiếp kiến chung hàng tuần sau tháng 7 nghỉ mùa hè và tiếp tục loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần. Với bài giáo lý thứ 5 trong loạt bài giáo lý này, ngài đưa các tín hữu đi vào giai đoạn thứ hai của lịch sử cứu độ, chiêm ngưỡng Chúa Thánh Thần trong công cuộc cứu chuộc, cụ thể là của Chúa Giêsu Kitô.
Trong bài giáo lý có chủ đề “Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể của Ngôi Lời”, Đức Thánh Cha giải thích rằng Đức Trinh Nữ Maria, nhờ đức tin và sự vâng phục, đã hạ sinh chính Con Thiên Chúa và nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ, chúng ta có thể gọi Mẹ là “Hiền thê của Chúa Thánh Thần” và là “hình ảnh của Giáo hội”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai động từ trong trình thuật thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ: Đức Mẹ “thụ thai” và “sinh hạ” Chúa Giêsu. Ngài giải thích rằng Đức Mẹ đã đón nhận Chúa vào tâm hồn và vào cung lòng mình, rồi làm chứng cho Người bằng cả cuộc đời mình. Do đó, chúng ta cũng được mời gọi, giống như Đức Mẹ, nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta, đón nhận Chúa và loan báo cho mọi người.
Và Đức Thánh Cha nhắc rằng khi chúng ta trải qua những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần canh tân niềm tin tưởng vào Chúa bằng cách ghi nhớ lời thiên thần nói với Đức Mẹ: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Tin Mừng theo Thánh Luca (1,30-31.34-35)
Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và đọc lời chào phụng vụ, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca (1,30-31.34-35):
Sứ thần liền nói [với Đức Maria]: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. [...] Đức Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.
Bài giáo lý
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta bước vào giai đoạn thứ hai của lịch sử cứu độ. Sau khi chiêm ngắm Chúa Thánh Thần trong công trình Sáng tạo, trong vài tuần lễ chúng ta sẽ chiêm ngắm Người trong công trình Cứu chuộc, cụ thể là của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, chúng ta chuyển sang Tân Ước và chúng ta xem xét hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Tân Ước.
Bởi phép Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria
Chủ đề hôm nay là Chúa Thánh Thần trong sự kiện Nhập Thể của Ngôi Lời. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Luca: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (1,35). Thánh sử Mátthêu xác nhận sự kiện cơ bản này, liên quan đến Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi nói rằng Đức Maria “mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (1,18).
Giáo hội đã thu nhận sự kiện được mặc khải này và sớm đặt nó vào trung tâm biểu tượng đức tin của mình. Trong Công đồng Đại kết Constantinople vào năm 381 - công đồng xác định thiên tính của Chúa Thánh Thần - đề tài này đã được đưa vào công thức của “Kinh Tin Kính”.
Do đó, đây là một sự kiện đức tin có tính đại kết, bởi vì tất cả các Kitô hữu cùng nhau tuyên xưng cùng một tín biểu. Lòng đạo đức Công giáo, từ thời xa xưa, đã rút ra từ đó một trong những lời cầu nguyện hàng ngày, Kinh Truyền Tin.
Đức Maria như Hiền thê tuyệt hảo, là hình ảnh của Giáo hội
Tín điều này là nền tảng cho phép chúng ta nói về Đức Maria như Hiền thê tuyệt hảo, là hình ảnh của Giáo hội. Thực vậy, Chúa Giêsu - Thánh Leo Cả viết
– “như Người đã được sinh ra nhờ tác động của Chúa Thánh Thần bởi một người mẹ đồng trinh, thì Người cũng làm cho Giáo hội, Hiền Thê không tì vết của Người, sinh hoa kết quả bằng hơi thở sống động của cùng một Thánh Thần”. Sự song song này được đưa vào Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), trong đó nói như sau: “Bởi đức tin và sự vâng phục, Đức Maria đã sinh chính Con Thiên Chúa nơi trần gian mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. […]
Vâng, Giáo hội, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện mầu nhiệm và noi gương đức ái của Đức Maria và khi trung thành thực hiện ý muốn của Chúa Cha, Giáo hội cũng được làm mẹ nhờ Lời Thiên Chúa mà Giáo hội trung thành lãnh nhận, vì nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa, để họ lãnh nhận một cuộc sống mới và bất diệt”. (ss.63,64).
Đức Maria thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu - Giáo hội đón nhận Lời Chúa và loan báo
Chúng ta kết thúc bằng một suy tư thực tế cho cuộc sống của chúng ta, được gợi ý bởi sự nhấn mạnh của Kinh Thánh về các động từ “thụ thai” và “sinh con”. Chúng ta đọc thấy trong lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”, (7,14); và Thiên thần nói với Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh một con trai” (Lc 1,31). Trước tiên, Đức Maria thụ thai, sau đó sinh ra Chúa Giêsu: đầu tiên Mẹ đón nhận Người vào trong mình, trong trái tim và trong xác thịt mình, sau đó Mẹ hạ sinh Người.
Điều này cũng xảy ra đối với Giáo hội: trước hết Giáo hội đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa “nói với tâm hồn mình” (xem Os 2,16) và “làm cho mình no thỏa” (xem Ed 3,3), theo hai cách diễn đạt trong Kinh Thánh, để hạ sinh Lời Chúa bằng cuộc sống và lời rao giảng. Hoạt động thứ hai sẽ không có hiệu quả nếu không có hoạt động đầu tiên.
“Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”
Ngay cả Giáo hội, khi phải đối mặt với những nhiệm vụ vượt quá khả năng của mình, cũng tự nhiên đặt ra câu hỏi tương tự: “Làm sao điều này có thể thực hiện được?”. Làm sao có thể loan báo Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Người cho một thế giới dường như chỉ tìm kiếm hạnh phúc? Câu trả lời cũng giống như lúc đó: “Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).
Những gì nói về Giáo hội nói chung đều có giá trị đối với chúng ta, với từng người đã được rửa tội. Mỗi người trong chúng ta đôi khi gặp những tình huống trong cuộc sống vượt quá sức mình và tự hỏi: “Tôi có thể giải quyết tình huống này như thế nào?”. Trong những trường hợp này, thật hữu ích khi lặp lại với chính mình những gì thiên thần đã nói với Đức Trinh Nữ: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể ” (Lc 1,37).
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình, mọi lúc, với niềm tin chắc đầy an ủi này trong tâm hồn: “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”. Và nếu chúng ta tin điều này, chúng ta sẽ thực hiện những điều kỳ diệu. Không gì là không thể đối với Thiên Chúa. Cám ơn anh chị em.
Vatican News