Giáo Hội chứng kiến những tâm hồn đã được Chúa Kitô thu hút hết sức lạ lùng. Trước hết, ngay trên đồi Tử Giá, là người trộm lành Do Thái và viên đại đội trưởng Dân Ngoại Rôma, sau đó là Sau-lê hung hăng trên con đường đi bắt đạo v.v.
Trong cộng đồng Việt Nam, chúng ta thấy có những cuộc trở lại, mới đây nhất, 3/2003, là của ca sĩ Duy Khánh, người ca sĩ 67 tuổi, sau mấy tuần lễ hôn mê đã xin gặp linh mục Công Giáo sau khi hồi tỉnh; trước đó còn có nhà văn Nguyên Sa ở Orange County và nhà văn Duyên Anh ở Âu Châu, có nhạc sĩ Vũ Thành An vừa lãnh chức Phó tế ở Porland Oregon, và có Thi Sĩ Bàng Bá Lân ở Việt Nam (xin xem bài "Chứng Từ của Người Ra Đi"), nhất là có cựu hoàng Bảo Đại là giòng dõi của những vị tiên vương ra tay sát hại Công Giáo.
Thật vậy, đã có những cuộc “trở về” rất lạ lùng đã xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội. Trở về đây không phải là trở về với Giáo Hội Công Giáo cho bằng trở về với Chúa Kitô “là Chân Lý” (Jn 14:6), tức công nhận Người là Đấng Cứu Độ duy nhất, một niềm tin được thể hiện qua việc lãnh nhận Phép Rửa bởi Giáo Hội Công Giáo.
Tuy nhiên, không phải chỉ có những cuộc trở về nơi thành phần không phải Kitô hữu, mà còn xẩy ra ở chính thành phần môn đệ Chúa Kitô nữa, những cuộc trở về của những đứa con hoang đàng, như trường hợp sau đây:
Trước hết là trường hợp của nữ tu Anna người Ý thuộc Dòng Chị Em Lao Động Thánh Gia Nazarét, người đã kể lại truyện đời của mình trong một cuộc phỏng vấn với tờ nguyệt san Ý Mondo Voc của các tu sĩ Rogationist để khuyến khích ơn gọi tu trì như sau: “Năm 19 tuổi tôi bắt đầu nhẩy disco, và tôi nhẩy cho tới năm 21 tuổi. Đó là ba năm rất gay go đã làm tôi lầm lạc. Tôi thường đi nhẩy disco hằng đêm và ở đó cho tới 8 giờ sáng. Tôi thường nhẩy ở hộp đêm cho tới 4 giớ sáng rồi từ 4 giờ tới 8 giờ sáng.
Tôi thường nhảy không nghỉ ở chỗ nhẩy disco khác. Tôi thậm chí đi tới cả những nơi khác ngoài Milan nữa, như Amsterdam để ở đó khoảng bốn năm ngày. Tôi kiếm những sàn nhẩy disco danh tiếng nhất; để rồi từ đó tôi đã liên hệ với đàn ông và rượu chè….
Câu chuyện xẩy ra là có một lần không biết sao tôi lại vào nhà thờ. Tôi đã bắt đầu đi nhà thờ vào Chúa Nhật. Trong nhà thờ tôi đã sướt mướt khóc, nhận thức được một Sự Hiện Diện khác. Tôi đã thấy giới trẻ yêu nhau rất chân thành và rất hạnh phúc trong một thế giới thực tế này, chứ không phải là thứ thế giới giả tạo như thế giới tôi đang sống…
Trong cuộc tĩnh tâm ở Spello tại khu ẩn tu Carlo Carritto. Tôi đã nguyện cầu, đã suy nghĩ sâu xa. Thế rồi, vào một buổi tối, trong Khuôn Viên Thánh Clara ở Assisi, ngước mắt lên trời và thiên nhiên, tôi đã có được một nhận thức rõ ràng Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và chúng ta là tạo vật của Ngài. Con tim của tôi tràn đầy niềm vui khôn tả. Tôi bắt đầu nhẩy, nhưng lần này không phải là để lôi kéo đàn ông mà là để tạ ơn Thiên Chúa và chúc tụng Ngài.
Tôi đã thấy được những gì tôi tìm kiếm… Vấn đề không phải là quá thích đi hay không thích đi đến những sàn nhẩy disco mà là để cho mình bị nhốt vào những thứ liên hệ nhân loại bất thoả nguyện. Chúng ta hãy đi đến các sàn nhẩy disco với một mình Chúa Giêsu mà thôi. Bình thường giới trẻ thích đi tìm cảm giác và những cảm giác này mạnh hơn về ban đêm, thế nhưng cuộc sống thường về đêm lại hay sống như cuồng loạn làm con người ra hư hỏng”.
Tiếp đến là trường hợp của ký giả Domenico del Rio cũng người Ý vừa được an táng ngày 28/1/2003, người đã qua đời năm 76 tuổi, một ký giả được đồng nghiệp cho là một trong những phóng viên nhật báo hay nhất ở Vatican. Ông sinh ở Rôma, đi tu Dòng Capuchin, chịu chức linh mục và đi khắp thế giới như một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của ông đối với Giáo Hội đã khiến ông có một tinh thần chỉ trích gắt gao, đến nỗi, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, ông đã xin hồi tục, để rồi, sau khi được Tòa Thánh tha phép, ông đã lập gia đình.
Là ký giả cho tờ La Repubblica, ông đã cay cú phê bình các chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, cho rằng động lực của những chuyến đi này là do bởi “khuynh hướng vinh thắng” hơn là để truyền bá phúc âm hóa.
Bởi thế, năm 1985, Văn Phòng Báo Chí Vatican đã không cho phép ông được cùng đi với Đức Thánh Cha đến Mỹ Châu Latinh. “Hình phạt” này, như ông cắt nghĩa với đồng nghiệp của ông, đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp riêng ông sau vụ này, và qua cuộc gặp gỡ ấy, ông đã khám phá ra con người của Đức Giáo Hoàng.
Từ đó trở đi, ông đã bỏ giờ ra tìm hiểu cuộc đời của Đức Thánh Cha, bằng cách viết 5 cuốn sách, cuốn cuối cùng là “Karol Cả” (Karol the Great) sắp được xuất bản ở Ý. Vị phóng viên cho tờ Corriere della Sera là Luigi Accattoli cũng là bạn thân của ông đã đến thăm ông một tuần trước khi ông chết ở Bệnh Viện Gemelli Rôma.
Vì ông không muốn cho bạn bè biết ông đang nằm nhà thương, Accattoli đã hỏi ông rằng ông có điều gì muốn nhắn với họ hay chăng. Ông liền trả lời: “Xin anh hãy nói với Đức Giáo Hoàng! Tôi xin anh nói với ĐGH rằng tôi cám ơn Ngài. Tùy anh làm sao có thể nói với Ngài điều này. Nói với Ngài rằng tôi hết lòng cám ơn Ngài về việc Ngài đã giúp tôi tin tưởng. Tôi có rất nhiều điều ngờ vực và nhiều cái khó tin. Tôi đã được sức mạnh đức tin của Ngài trợ giúp. Thấy việc Ngài tỏ lòng tin rất mãnh liệt mà tôi cũng được mạnh sức. Tôi đã nhận được sức hỗ trợ này khi thấy Ngài cầu nguyện. Khi Ngài ‘phó mình trong tay Thiên Chúa’, việc phó mình này hiển nhiên đã cứu được mọi sự cho Ngài vậy”.
Đó là hai trường hợp trở lại trong thành phần Kitô hữu, sau đây là một hiện tượng hay một phong trào trở lại đang xẩy ra tại Nam Dương, một quốc gia đông tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới.
Trong cuộc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên của Hội Đồng Giám Mục Nam Dương hôm 29/3/2003, ĐGM phát ngôn viên của các vị là Martinua Situmorang giáo phận Padang đã cho biết “con số Công Giáo đã được rửa tội là 6.5 triệu, ngoài ra còn có ít là từ 2 đến 3 triệu dự tòng và nhiều người khác đang cảm thấy bị đức tin Công Giáo thu hút và tuyên bố mình là người Công Giáo dù chưa được rửa tội.
Ở Nam Dương, chính quyền công nhận 5 tôn giáo là Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Công giáo và Tin Lành… Tôn giáo của ai được ghi rõ trên các giấy tờ căn cước của người đó. Các cộng đồng Công Giáo của chúng tôi thì năng động, hào hứng chia sẻ đức tin, cho dù đường còn dài, và rất nhiều người đang chờ để nghe Phúc Âm. Tuy nhiên, không có vấn đề dụ giáo trong những dịch vụ về tôn giáo hay nơi những hoạt động xã hội và giáo dục của chúng tôi, những hoạt động được dân địa phương cảm mến. Mục đích chính của chúng tôi là cống hiến những dấu hiệu cụ thể của đức bác ái Kitô Giáo”.
ĐGM Petrus Canisius Mandagi giáo phận Ambon ở quần đảo Molucca, nơi xẩy ra những cuộc đụng độ giữa Tin Lành và Hồi Giáo trong những năm gần đây cho biết con số Công Giáo ở vùng của ngài đang tăng mạnh:
“Trong những cuộc đụng độ ấy, các cộng đồng Công Giáo địa phương bênh vực phẩm giá của hết mọi người, bất kể tôn giáo, và thay vì đứng về phe bên này bên kia trong cuộc xung đột, họ hoạt động cho vấn đề hòa giải. Việc làm chứng từ ấy đã dẫn nhiều người muốn biết hơn nữa về đức tin Công Giáo”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Bài phát thanh Tin Mừng Sự Sống 4/4/2003