Nguồn: Childrenofmedjugorje.com
Sr. Emmanuel kể:
Khi chúng ta cầu nguyện thì chắc chắn Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đều nghe được lời cầu nguyện và tiếng lòng của chúng ta. Vì thế chúng ta cần thận trọng khi cầu nguyện.
Tôi nhớ ngày tôi còn trẻ, sau khi tôi được ơn hoán cải thì tôi tự nhủ rằng Đức Mẹ đang hiện diện với tôi trong phòng và Mẹ đang nghe tôi cầu nguyện.
Kể từ ngày ấy trở đi thì tôi không còn nói tục hay chửi thề mỗi khi tôi bực mình nữa.
Chúa Giêsu đã từng cảnh báo chúng ta rằng hãy cẩn thận trong lúc phát ngôn:
“Ta nói cho các con biết rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm trong ngày Phán Xét về những lời nói vô nghĩa mà họ đã nói. Bởi vì bằng lời nói, các con sẽ được tha thứ, và bằng lời nói, các con sẽ bị kết án." (Matt. 12:36 -37)
Có một lời nguyện của người Do Thái mà mỗi người Do Thái ngoan đạo thường lập đi, lập lại ít nhất là 3 lần. Đó là chữ Shema Israel : (Nghe Hỡi Israel).
Từ ngữ này có 3 nghĩa: "Hãy thinh lặng, lắng nghe và vâng lời!"
Mọi người được kêu gọi để thinh lặng hầu có thể lắng nghe rồi sống theo cách mà Chúa dạy dỗ. Nếu không có sự thinh lặng thì ta không thể lắng nghe tốt được. Điều nguy hiểm là khi ta hành động theo tư tưởng và cảm xúc loài người của mình. Ta sẽ không hiểu được Thánh Ý Chúa nên không thể thi hành được.
Như thế thì ta mất một cơ hội bằng vàng, mất kho tàng quý báu mà có thể cho ta được giải khát khỏi cơn khát vọng tìm hạnh phúc.
Nếu có quá nhiều tiếng ồn thì linh hồn ta sẽ mang thương tích. Thiếu lời cầu nguyện thì làm cho linh hồn chết dần dần, bởi vì lời cầu nguyện là dưỡng khí nuôi linh hồn ta.
Đức Mẹ Maria dạy chúng ta rằng:
“Trong lời cầu nguyện, các con sẽ cảm nhận được một niềm vui lớn lao."
"Lời cầu nguyện là sự ao ước của linh hồn con người."
Một linh mục người Ý có tên là cha Andrea Gasparino đã nói:
“Trong lời cầu nguyện thì điều quan trọng không phải là cầu nguyện nhiều nhưng là cầu nguyện tốt. Tuy nhiên, chỉ có những ai cầu nguyện nhiều thì sẽ học được cách cầu nguyện tốt."
Kim Hà, 31/8/2024