LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN Wednesday of the Twenty-second Week in Ordinary Time https://www.youtube.com/watch?v=KoUQwhVNZwI 5 Phút Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 22 Mùa Thường Niên. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Wednesday of the Twenty-second Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=KoUQwhVNZwI
5 Phút Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 22 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 85,3.5
Xin dủ lòng thương con, lạy Chúa,
vì con kêu cầu Chúa suốt ngày.
lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.
Bài đọc 1 : 1 Cr 3,1-9
Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô. 2 Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, 3 vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ? 4 Khi người này nói : “Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô”, và người khác : “Tôi, tôi thuộc về ông A-pô-lô”, thì anh em chẳng là người phàm tục sao ?
5 Vậy A-pô-lô là gì ? Phao-lô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. 6 Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. 7 Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. 8 Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. 9 Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
Đáp ca : Tv 32,12-13.14-15.20-21 (Đ. c.12b)
Đ. Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp.
12Hạnh phúc thay quốc gia
được Chúa làm Chúa Tể,
hạnh phúc thay dân nào
Người chọn làm gia nghiệp.
13Từ trời cao nhìn xuống,
Chúa thấy hết mọi người.
Đ. Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp.
14Từ thiên cung Chúa ngự,
Chúa dõi theo người thế.
15Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả.
Đ. Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp.
20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.
21Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ,
vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
Đ. Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp.
Tung hô Tin Mừng : Lc 4,18
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 4,38-44
Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
38 Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất : tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng : “Ông là Con Thiên Chúa !” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43 Nhưng Người nói với họ : “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Ca hiệp lễ : Tv 30,20
Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài.
SUY NIỆM
SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU
Đức Giêsu được sai đến thế gian là để làm cho muôn dân nhận biết Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Và sứ vụ loan báo này không chỉ dừng lại một dân nào đó, nhưng là mở ra với muôn dân, kể cả dân ngoại.
Thật vậy, sau khi Đức Giêsu chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ ông Simon và cứu chữa nhiều người đau yếu, thì Người tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện. Người còn có bổn phận với nhiều người khác nữa. Mục đích Người đến là rao giảng Nước Thiên Chúa cho càng nhiều người càng tốt. Đây là sứ vụ căn cốt của Đức Giêsu vì Người được sai đến cốt để làm việc này.
Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cũng được truyền lại cho chúng ta. Chúng ta đã đón nhận sứ vụ này ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội với ba chức vụ: tư tế, ngôn sứ và vương đế. Vì thế, bằng đời sống chứng tá, chúng ta hãy làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa và trở thành môn đệ Đức Giêsu.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ý thức sứ vụ của mình, hầu mong cho muôn dân nhận biết Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh Truyền Tin (1/9): Thanh sạch thực sự trong con tim
Trưa Chúa Nhật ngày 1/9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài đã có một bài suy tư ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên về sự thanh sạch.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay (xem Mc 7,1-8.14-15.21-23), Chúa Giêsu nói về sự thanh sạch và ô uế: một chủ đề rất quen thuộc với những người đương thời với Chúa, chính yếu liên quan đến việc tuân giữ các nghi thức và luật lệ về hành vi, tránh mọi tiếp xúc với những đồ vật hoặc những người bị coi là ô uế và, nếu điều đó xảy ra, thì phải “tẩy uế” (xem Lv 11-15). Đó gần như là một sự ám ảnh của một số chức sắc tôn giáo thời bấy giờ: sự thanh sạch và ô uế.
Một số luật sĩ và người Pharisêu, những người tuân giữ nghiêm ngặt các quy tắc này, tố cáo Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ của Người dùng bữa mà không rửa tay. Chúa Giêsu nhận lấy sự khiển trách này của những người Pharisêu đối với các môn đệ để nói về ý nghĩa của sự “thanh sạch”.
Chúa Giêsu nói, sự thanh sạch không liên quan đến những nghi thức bên ngoài, nhưng trước hết liên quan đến những gì bên trong. Vì vậy, để được thanh sạch, thì rửa tay nhiều lần cũng chẳng có ích gì nếu lúc đó bên trong bạn còn nuôi dưỡng những cảm xúc ác độc như tham lam, đố kỵ và kiêu ngạo, hoặc những ý định xấu xa như lừa dối, trộm cắp, phản bội và vu khống (xem Mc 7,21- 22). Chúa Giêsu thu hút sự chú ý để nói về chủ nghĩa nghi thức, không làm cho người ta lớn lên về sự tốt lành; thậm chí, đôi khi nó có thể dẫn đến việc sao lãng, hoặc thậm chí biện minh, với bản thân hay với người khác, về những lựa chọn và thái độ trái ngược với đức ái, làm tổn thương tâm hồn và khép kín con tim.
Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chẳng hạn, chúng ta không thể khi vừa rời khỏi Thánh lễ, lúc còn ở sảnh nhà thờ, đã dừng lại tám những chuyện xấu và thiếu thương xót về mọi thứ và mọi người. Hoặc tỏ ra ngoan đạo trong cầu nguyện nhưng ở nhà lại đối xử lạnh lùng và tách biệt với những người trong gia đình, hoặc bỏ bê cha mẹ già, những người cần sự giúp đỡ và đồng hành (xem Mc 7,10-13).
Đây là cuộc sống hai mặt và chúng ta không thể như vậy. Đây là điều những người Pharisêu đã làm: sự thanh sạch bề ngoài mà chẳng có thái độ tốt lành bên trong, thái độ thương xót đối với người khác. Hoặc cũng không thể tỏ ra rất công bằng với mọi người, thậm chí có thể thực hiện một số hoạt động tình nguyện và một số cử chỉ từ thiện, nhưng bên trong lại nuôi dưỡng lòng hận thù đối với người khác, coi thường người nghèo và người kém cỏi hoặc cư xử không trung thực trong công việc.
Khi làm như vậy, tương quan với Thiên Chúa chỉ còn là những cử chỉ bên ngoài, còn bên trong thì vẫn trơ cứng trước hoạt động thanh luyện của ân sủng Chúa, bằng cách đắm chìm trong những suy nghĩ, thông điệp và hành vi thiếu tình thương.
Chúng ta được tạo dựng cho một điều khác. Chúng ta được tạo dựng cho sự thanh sạch thực sự của cuộc sống, cho sự diệu dàng và cho tình yêu.
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống đức tin của mình một cách nhất quán, nghĩa là những gì tôi làm trong nhà thờ, tôi cũng cố gắng thực hiện bên ngoài với cùng một tinh thần không? Bằng cảm xúc, lời nói và hành động, tôi có thể hiện cụ thể những gì tôi nói trong cầu nguyện, trong sự gần gũi và tôn trọng đối với anh chị em mình không?
Xin Mẹ Maria, Người Mẹ thanh sạch nhất, giúp chúng ta biến cuộc sống của chúng ta, trong tình yêu, trở thành một việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1).
Kính mời quý vị hiệp ý đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
----
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến những cuộc chiến ở Ucraina, Israel, Palestine… gây ra đau khổ cho người dân. Bên cạnh nhiều người chết và bị thương, hàng triệu người ở Ucraina khốn khổ vì mất điện, không có nước. Chúng ta hãy nhớ là tiếng kêu của họ vang lên đến Thiên Chúa. Chúng ta không thể dửng dưng với họ.
Kế đến, Đức Thánh Cha nhắc đến hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo. Ngài kêu gọi tất cả mọi người, các thể chế, hiệp hội, gia đình và mỗi người có những dấn thân cụ thể để chăm sóc ngôi nhà chung. Tiếng kêu của Trái đất bị thương tổn ngày càng trở nên khẩn thiết và đòi hỏi một hành động kiên quyết.
Đức Thánh Cha cũng nhắc, bắt đầu từ thứ Hai (2/9), ngài sẽ bắt đầu chuyến tông du đến một số nước Châu Á và Châu Đại Dương. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du này đạt được nhiều hoa trái.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Vatican News