LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN Thursday of the Twenty-third Week in Ordinary Time https://www.youtube.com/watch?v=_bsLbm2B-w8 5 Phút Lời Chúa - Thứ Năm Tuần 23 Mùa Thường Niên. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Thursday of the Twenty-third Week in Ordinary Time
https://www.youtube.com/watch?v=_bsLbm2B-w8
5 Phút Lời Chúa - Thứ Năm Tuần 23 Mùa Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 118,137.124
Lạy Chúa, Ngài quả là chính trực,
quyết định của Ngài thật công minh.
Với tôi tớ này, xin lấy tình thương mà đối xử.
Bài đọc 1 : 1 Cr 8,1-7.11-13
Anh em làm thương tổn lương tâm yếu đuối của anh em mình là phạm đến Đức Ki-tô.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Thưa anh em, sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng. 2 Ai tưởng mình hiểu biết điều gì, thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải
hiểu biết. 3 Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến. 4 Vậy, về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất. 5 Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất -quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều-, 6 nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta ; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.
7 Nhưng không phải mọi người đều hiểu biết như vậy đâu ! Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng ; và lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế.
11 Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc ! 12 Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô ! 13 Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã.
Đáp ca : Tv 138,1-3.13-14ab.23-24 (Đ. c.24b)
Đ. Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời.
1Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
2biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
3đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Đ. Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời.
13Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
14abTạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu !
Đ. Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời.
23Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
24Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.
Đ. Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời.
Tung hô Tin Mừng : 1 Ga 4,12
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 6,27-38
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Ca hiệp lễ : Tv 41,2-3
Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
SUY NIỆM
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Ngày kia, một thanh niên Do Thái đến gặp thầy Hilel và xin thầy tóm gọn lề luật trong một câu. Thầy trả lời: “Điều gì bạn không thích, đừng làm cho người khác. Đó là tất cả lề luật, những điều khác chỉ là giải thích.”
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi những kẻ tin vào Người phải đi đến một biến đổi sâu xa hơn về nhận thức: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét anh em.” Theo cái nhìn của Đức Giêsu, thì từ nay không có ai bị loại ra khỏi tình yêu, kể cả những địch thù.
Yêu thương cả kẻ thù, đó là đặc điểm đức ái Kitô giáo. Dù không dễ dàng nhưng không phải là không thể nếu chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương dù bao lần chúng ta bội phản vì phạm tội, bao lần chúng ta tự biến mình trở thành kẻ thù của Người.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin ban lòng mến cho chúng con, để nhờ lòng mến Chúa, cảm nếm được tình yêu của Chúa, chúng con có thể yêu thương hết mọi người. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ tại Papua New Guinea
Sáng Chúa nhật ngày 08/9/2024, ngày thứ ba trong chuyến tông du tại Papua New Guinea, sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đi xe đến tại Sân vận động “Sir John Guise”, cách đó 7,4 km để chủ sự Thánh lễ với sự hiện diện của khoảng 35 ngàn người.
Bài giảng Thánh Lễ của Đức Thánh Cha
Lời đầu tiên Chúa nói với chúng ta hôm nay là: “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35,4). Tiên tri Isaia nói điều này với tất cả những ai thất vọng trong lòng. Bằng cách này, vị tiên tri khuyến khích dân Chúa và, ngay cả giữa những khó khăn và đau khổ, mời gọi họ ngước mắt nhìn lên, hướng tới một chân trời hy vọng và một tương lai: Thiên Chúa đến để cứu anh em, Người sẽ đến và vào ngày đó, “Mắt người mù sẽ mở ra và tai người điếc sẽ nghe được” (Is 35,5).
Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong câu chuyện của Thánh Marcô, có hai điều được nêu bật lên: sự xa cách của người câm điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu.
Sự xa cách của người câm điếc. Người đàn ông này sống ở một khu vực địa lý mà theo ngôn ngữ ngày nay chúng ta gọi là “vùng ngoại vi”. Lãnh thổ Vùng Thập Tỉnh nằm bên kia sông Giodan, cách xa trung tâm tôn giáo là Giêrusalem. Nhưng người câm điếc đó còn trải qua một loại khoảng cách khác; anh ta xa cách Thiên Chúa và xa cách con người vì anh ta không có khả năng giao tiếp: anh ta bị điếc và do đó không thể lắng nghe người khác, anh ta bị câm và do đó không thể nói chuyện với người khác. Người đàn ông này bị cắt đứt khỏi thế giới, anh ta bị cô lập, anh ta là tù nhân của chứng điếc và chứng câm của mình, và do đó, anh ta không thể mở ra với người khác để giao tiếp.
Và chúng ta có thể hiểu tình trạng câm điếc này theo một nghĩa khác, bởi vì có thể xảy ra với việc chúng ta bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông và tình bạn với Thiên Chúa và với anh em của mình khi, hơn cả tai và lưỡi của chúng ta, chính trái tim của chúng ta bị khoá chặt. Có một cái điếc nội tâm và một sự câm lặng của trái tim lệ thuộc vào mọi thứ khép kín chúng ta bên trong chính mình, khép kín chúng ta với Thiên Chúa và với người khác: ích kỷ, thờ ơ, sợ mạo hiểm và sợ dấn thân, oán giận, hận thù, và danh sách vẫn tiếp tục. Tất cả những điều này làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa cách anh chị em chúng ta, xa cách chính chúng ta; và xa cách khỏi niềm vui sống.
Anh chị em thân mến, đối với khoảng cách này, Thiên Chúa đáp lại bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu nơi Con của Người, Thiên Chúa muốn chúng ta trước hết thấy điều này: rằng Người là Thiên Chúa gần gũi, nhân hậu, Đấng chăm sóc cuộc sống của chúng ta, Đấng chiến thắng mọi khoảng cách. Và thực vậy, trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến những vùng lãnh thổ ngoại vi đó, rời khỏi miền Giuđêa để gặp gỡ dân ngoại (xem Mc 7,31).
Bằng sự gần gũi của mình, Chúa Giêsu chữa lành chứng câm và điếc của con người: thật vậy khi chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chọn giữ khoảng cách - xa Chúa, xa anh chị em, xa những người khác với chúng ta - thì chúng ta đóng mình lại, chúng ta tự dựng rào cản và cuối cùng chỉ xoay quanh chính mình, điếc với Lời Chúa và tiếng kêu của người khác và do đó không thể nói chuyện với Chúa và với người khác.
Anh chị em thân mến, anh chị em sống trên vùng đất xa xôi, đôi khi anh chị em hình dung rằng mình bị chia cắt, chia cắt với Chúa, chia cắt với con người, và điều này thì không được. Anh chị em hiệp nhất, hiệp nhất trong Thánh Thần, hiệp nhất trong Chúa và Chúa nói với mỗi người anh chị em: “Hãy mở ra!”. Đây là điều quan trọng nhất: mở lòng mình ra với Thiên Chúa, mở lòng mình ra với anh em, mở lòng mình ra với Tin Mừng và biến nó thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta.
Hôm nay Chúa cũng nói với anh chị em: “Hãy can đảm lên, hỡi người dân Papua! Hãy mở ra! Hãy mở lòng đón nhận niềm vui của Tin Mừng, mở lòng đón nhận cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, đón nhận tình yêu thương anh em mình”. Ước gì không ai trong chúng ta vẫn câm điếc trước lời mời gọi này. Và xin Chân phước Giovanni Mazzucconi đồng hành cùng anh chị em trên cuộc hành trình này: giữa bao khó khăn và thù địch, ngài đã mang Chúa Kitô đến giữa anh chị em, để không ai có thể điếc trước sứ điệp vui mừng về ơn cứu độ, và mọi người có thể mở miệng lưỡi để hát vang tình yêu Thiên Chúa. Ước gì ngày hôm nay cũng như thế với anh chị em!
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Vào cuối Thánh lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa tại Sân vận động “Sir John Guise”: Chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria với lời Kinh Truyền Tin. Tôi phó thác cho Mẹ hành trình của Giáo hội ở Papua New Guinea và Quần đảo Salomon. Xin Mẹ Maria phù hộ các Kitô hữu - Xin Mẹ Maria Helpim luôn đồng hành và bảo vệ anh chị em: củng cố sự hiệp nhất các gia đình, làm cho ước mơ của người trẻ trở nên đẹp đẽ và can đảm, nâng đỡ và an ủi người già, đồng hành cùng người bệnh và người đau khổ!
Và từ vùng đất được Đấng Tạo Hóa chúc phúc này, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, hồng ân hòa bình cho mọi dân tộc. Đặc biệt, tôi cầu xin điều này cho khu vực rộng lớn trên thế giới nằm giữa Châu Á, Châu Đại Dương và Thái Bình Dương. Hòa bình, bình an cho các Quốc gia và cho cả mọi thụ tạo. Không tái vũ trang và khai thác ngôi nhà chung! Nhưng dấn thân cho cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, dấn thân cho sự hòa hợp giữa con người với các thụ tạo!
Xin Mẹ Maria Helpim, Nữ Vương Hòa Bình, giúp chúng ta hoán cải theo kế hoạch của Thiên Chúa, đó là kế hoạch hòa bình và công lý cho đại gia đình nhân loại!
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, trong ngày phụng vụ mừng sinh nhật Đức Mẹ, cầu nguyện cho Đền Thánh Lộ Đức, nơi không may bị lũ lụt tấn công.
Sau khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha ra sân bay Port Moresby “Jacksons” để bay đến Vanimo.
Vatican News