Trong một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Đức Mẹ: một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.
Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Đức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Đoạn phúc âm theo Thánh Luca, là lời tiên đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Đức Kitô với Đức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Đức Maria, nhất là khi nhìn Đức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều tiên đoán đã được thể hiện.
Đặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Đức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Đức Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Đức Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, Đức Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.
Lời Bàn
Tường thuật của Thánh Gioan về cái chết của Đức Giêsu có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Đức Giêsu trao người môn đệ thân yêu cho Đức Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Đức Maria trong Giáo Hội: Ngài tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho mọi tín hữu. Khi Đức Maria làm mẹ Đức Giêsu, ngài là mẹ của tất cả những ai theo Đức Kitô. Hơn thế nữa, khi Đức Giêsu chết, Thần Khí của Người thoát ra. Đức Maria và Thần Khí ấy cộng tác với nhau để sinh ra con cái mới của Thiên Chúa – rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ thai Đức Giêsu. Kitô hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Đức Maria và Thần Khí Đức Giêsu trong cuộc đời mình và qua lịch sử.
Lời Trích
“Dù dưới chân thập giá ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như một người mẹ thê lương chan hòa nước mắt, để được gần Đức Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Qua tấm lòng của người mẹ, sự đau buồn của Đức Giêsu như được chia sẻ, cũng như mọi thống khổ cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã thâu qua” (Stabat Mater).
Trích NguoiTinHuu.com