(16.09.2024 – Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 7,1-10)
1 Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.
Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi ; bảo người kia : ‘Đến !’ là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’ là nó làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng : “Tôi nói cho các ông hay : ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Tình thương và lòng bác ái
“Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Đó là lời của một người ngoại giáo thưa với Chúa Giêsu. Lời này chúng ta vẫn lặp lại hằng ngày trước khi lên rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.
Không ai bị ép buộc phải yêu quý nô lệ của mình. Nhưng viên đại đội trưởng đã yêu quý người nô lệ đang đau bệnh gần chết. Đặt vào hoàn cảnh xã hội bấy giờ: nô lệ là hạng người bị khinh bỉ, là một thành phần bị tách lìa khỏi xã hội, nhất là đối với giới làm chủ. Thế nhưng ở đây, viên đại đội trưởng này đã có lòng yêu mến khác thường. Điều này chứng tỏ tuy là lương dân, nhưng ông đã sống tinh thần Kitô giáo, đó là tinh thần của Hiến chương nước Trời: “Phúc thay ai có lòng yêu thương người”.
Hành vi của viên đại đội trưởng khi cho người đến thỉnh cầu Chúa Giêsu đã nói lên rằng:
* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này không bị tập tục con người chi phối và cản trở. Bởi luật không cho phép người Do Thái tiếp xúc với lương dân.
* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng đối với nô lệ của mình được thể hiện cách cụ thể và thiết thực bằng cách ông đã sai mấy kỳ mục của người Do Thái đến xin Đức Giêsu cứu sống người nô lệ của ông.
* Tình thương và lòng bác ái của ông ở đây biểu lộ tính cách vị tha, vì chỉ muốn cho người nô lệ của mình được cứu sống; tính cách vô vị lợi: không tìm mối lợi cho mình, nhưng sẵn sàng quên mình.
Như vậy tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này rất gần với tinh thần Kitô giáo, phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu là yêu tha nhân như chính mình.
Và với lời cầu xin: “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”, diễn tả tính cách của lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa và lời cầu xin này có hiệu nghiệm.
Lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng được thể hiện ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Chúa Kitô, là tin vào Chúa hơn là tin vào ơn ban, hoặc những việc Chúa làm.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương mọi người, và xin cho chúng con cũng biết thể hiện một niềm tin mạnh mẽ, một tình mến thiết tha khi đến với Chúa và đến với anh chị em của chúng con. Amen.