Nursing Home, Tài Liệu quý giá
Sinh lão bệnh tử là quy luật có nguồn gốc từ Phật giáo. Có thể nói, quy luật sinh lão bệnh tử quen thuộc với người Việt. Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của cuộc đời con người. Dù là người có địa vị cao hay thấp, giàu hay nghèo đều trải qua 4 giai đoạn này.
Theo tôi, sinh lão tử là tất yếu của cuộc đời con người. Có ai hỏi ý kiến tôi để tôi được sinh ra đâu. Lão và tử là quy luật tất nhiên của con người : Con người già và chết là quy luật tạo hóa. Chỉ còn bệnh là do con người không phải do quy luật của trời đất. Bệnh thì có tâm bệnh và bệnh của thân thể. Một người giữ tâm hồn an lạc thảnh thơi, cơ thể cường tráng thì về già sẽ như những tiên ông và khi chết sẽ nhẹ nhàng, nhanh chóng, thảnh thơi. Nhưng mấy ai giữ được tâm hồn an lạc, thân thể cường tráng từ khi còn trẻ cho đến lúc già … Hàng nghìn bệnh tật, hàng nghìn thứ quyến rũ hủy hoại tinh thần và thể xác, di truyền tâm thần thể xác. Bệnh lúc về già ít ai tránh khỏi.
Tôi có người bạn học. Vợ bạn tôi kể rằng
“Vợ chồng đi tắm tại hồ tắm gần nhà. Anh bị ngất. Đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, anh bị liệt nằm một chỗ …”. Anh bạn tôi nằm liệt đã 5 năm. May cho anh là vợ anh trước đây làm việc trong Nursing Home săn sóc người già. Vợ anh còn khỏe mạnh và có nhiều kinh nghiệm săn sóc người bệnh trong Nursing Home. Vợ anh nói : “ Thuê người săn sóc một giờ 50 $ và phải thuê ít nhất 4 giờ một ngày. Tôi còn khỏe để săn sóc anh …”.
Vợ anh bạn tôi kể về nỗi khổ hiện nay của anh chị:
”Tháng năm, năm 2020, vợ chồng tôi sang tên nhà cho đứa con trai. Nhà nước Mỹ phát hiện. Họ nói rằng từ nay vợ chồng tôi không được hưởng trợ cấp của nhà nước trong thời gian 5 năm kể từ ngày sang tên nhà cho con. Nếu không chi phí Nursing Home, và tiền chữa bệnh sẽ trừ vào cái nhà khi chúng tôi qua đời … “ Người Việt Nam khác người Mỹ. Người Việt lo cho con cho đến khi qua đời. Người Mỹ chỉ lo cho con đến khi con đến tuổi trưởng thành. Vợ chồng bạn tôi sang tên cho đứa con trai có hai super market. Người Mỹ không làm như người Việt. Do đó người Mỹ thảnh thơi an lạc hơn người Việt.
Chúng tôi đến thăm anh bạn tôi. Cô con gái của anh bạn tôi về thăm bố từ Florida. Cô con gái nói với chúng tôi mấy lần :” Các bác mạnh khỏe như vậy còn bố cháu … “. Chúng tôi cảm thấy buồn cho người bạn tôi da bọc xương nằm một chỗ, không nói, chỉ cười, không trí nhớ …
Đến thăm bạn tôi, chúng tôi cảm động về mối tình của vợ chồng bạn tôi. Vợ bạn tôi tóc trắng như bà tiên. Chị đúng là bà tiên. Chị phải đút thức ăn, lo đại tiện tiểu tiện, cạo râu …vv… cho anh. Chị vẫn bình thản vui tươi. Đứa con trai hàng tuần đến lo việc tắm rửa và mua thuốc cho bố. Vợ anh nói về mối tình của anh chị :” Mới quen nhau, anh cứ đòi coi chỉ tay của tôi. Anh nói toàn điều tốt về tôi … “ Chị cho biết đứa con trai mời anh chị về ở nhà nó, nhưng chị không chịu lý do chị muốn sống trong căn nhà này vì có nhiều kỷ niệm với bạn tôi. Vợ bạn tôi nói :” Anh qua đời không biết tôi sẽ sống ra sao và sống với ai ?”. Chúng tôi trả lời :” Anh qua đời thì chị về sống với con cháu của chị “. Vợ bạn tôi trả lời :” Tôi muốn sống tại căn nhà này. Tôi với anh sống tại căn nhà này hơn ba chục năm. Sống ở căn nhà này như ngày anh còn sống. “
Bạn tôi may mắn hơn những người mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể trong bài thơ Mới Hôm Qua Thôi nhờ bạn tôi có bà tiên là vợ anh săn sóc anh chu đáo với đầy tình thương yêu. Tôi đọc được bài thơ Mới Hôm Qua Thôi của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói về nỗi khổ của người già bị bệnh tật và phải sống trong một nhà dưỡng lão ở Montreal.
BS Đỗ Hồng Ngọc
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói về những người tài tử giai nhân giàu có về già sống trong nhà dưỡng lão ở Montreal món sọm nhăn nheo. Những người này hồi trẻ có đời sống nhung lụa tốt đẹp. Về già sức khỏe yếu kém, gày ốm xấu xí phải vào viện dưỡng lão. Theo tôi, họ có tiền nên được sống trong những nhà dưỡng lão tốt. Họ được chăm sóc chu đáo. Họ may mắn hơn những người nghèo sức khỏe yếu kém, không tiền bạc phải sống trong trại dưỡng lão không được tốt. Tôi đọc được bài : Ác mộng của người già Việt sống trong trại dưỡng lão trên đất Mỹ 18/04/2023. Tác giả viết về nỗi khổ của những người nghèo trong nhà nhà dưỡng lão, như sau :
Theo quan điểm của một người Việt sống trên đất Mỹ, “Viện dưỡng lão” hay “Nursing Home” là cơn ác mộng của người già, người bệnh cũng như những người mất năng lực tự vệ.
“Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 36 triệu người già trên 65 tuổi. Với thế hệ “Baby Boomer” lần lượt về hưu cho tới năm 2050, con số các cụ cao niên sẽ tăng cỡ 86,7 triệu. Do đó, với số lượng người già cao như vậy, nhu cầu đòi hỏi thêm các viện dưỡng lão có dịch vụ chăm sóc y tế thường trực là điều tất yếu.
Hiện nay vào khoảng 91% của hơn 1,65 triệu người sống trong viện dưỡng lão tại Mỹ là người già trên 65 tuổi. Hơn phân nửa các cụ có số tuổi từ 85 trở lên. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đấy do những nhu cầu bệnh lý đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của y tá hay vật lý trị liệu mà chỉ các viện mới có khả năng cung cấp.
Theo một báo cáo về sự ngược đãi trong Viện dưỡng lão của đài CBS thì người Mỹ rất sợ phải vào Nursing Home. Đó là nơi cuối cùng mà bất đắc dĩ họ phải đi vào. Một cụ già 85 tuổi khi không thể sống một mình được nữa mà con cái ngại ngần khi phải mang cha mẹ về chăm sóc thì “cái gì đến, nó phải đến thôi.” Cụ Alice Oshatz bắt đầu khóc khi được hỏi cụ nghĩ sao khi cụ trở thành một người bị “phế thải” trong viện dưỡng lão.
Việc bê bối của các Viện dưỡng lão không phải là vấn đề riêng của Mỹ mà nó cũng xảy ra ở các nước khác như Canada, Úc. Viện nghiên cứu thông tin y tế Canada cũng có những công bố báo cáo cho biết, trong số những người già của Canada sống lâu dài tại viện dưỡng lão, có tới 44% mắc chứng trầm cảm, tình trạng thể chất và chất lượng cuộc sống đều không tốt đẹp.
Riêng những người già Việt Nam sống ở đất Mỹ lại càng sợ bị đưa vào viện dưỡng lão. Khi các cụ lớn tuổi thường tìm về các nơi có nhiều người Việt để ở. Họ hoặc ở chung với con cháu hay ở trong các chung cư dành cho người già với lợi tức thấp. Có cụ ở trong các khu nhà tiền chế (mobile home) và vui thú điền viên ở đó.
Nhưng khi tuổi thọ tăng cao, thì sức khoẻ các cụ xuống dần và lúc đối đầu với bệnh nặng ắt hẳn phải tới. Những cụ lo xa thường về hẳn bên Việt Nam ở, để có con cháu hay người làm chăm sóc dùm. Tuy nhiên điều kiện y tế và vệ sinh, cũng như chuyên môn không bằng. Thành ra được cái này lại mất cái kia. Hoặc chi phí y tế ở Việt Nam các cụ hay người nhà phải tự trả, trong khi ở Mỹ, nếu là công dân trên 65 tuổi hầu như các dịch vụ y tế chính phủ đài thọ gần hết.
Ở Mỹ, nếu có thì giờ nghe chuyện thì có khoảng… cả triệu câu chuyện kinh khủng để kể về viện dưỡng lão. Người nào trong đó cũng có tâm sự cần thổ lộ. Lẽ ra Viện dưỡng lão là nơi chăm sóc bệnh nhân và người già nhưng có khi bị biến thành một cái xưởng dịch vụ, nơi mà người ta được cung cấp dịch vụ nhưng nghệ thuật chăm dưỡng thì bị bỏ quên.
Sau đây là những câu chuyện kể lại của một cựu điều dưỡng viên trong một viện dưỡng lão ở Quận Cam. Ở Orange County, các viện dưỡng lão từ xưa đến nay vẫn do người bản xứ làm chủ và điều hành. Viện thường được chia làm hai khu chính là thường xuyên và bán trú, cùng nhiều khu phụ. Khu thường xuyên dành cho các cụ ở thường trực.
Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi được giải phẫu ở nhà thương, không đủ tiền lưu lại vì bệnh phí rất cao, nên phải chuyển vào nằm chờ. Khi bình phục họ sẽ về nhà. Những khu phụ như khu chuyên về phổi, suyễn, hay có khu lẫn lộn cả khuyết tật bẩm sinh. Họ có sắp các khu theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu cho người châu Á… Nếu thiếu phòng, bệnh nhân phải nằm bất cứ khu nào còn trống.
Theo luật của tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp. Một viện có khoảng 100 giường trở lên, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3,2 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng vì nhiều việc quá, điều dưỡng viên làm không xuể, bệnh nhân có thể bị xao lãng bỏ quên.
Thường thì không ai thích làm cho viện dưỡng lão, những điều dưỡng có bằng hay có kinh nghiệm hay tìm chỗ nhẹ nhàng hơn mà làm. Do đó, các Viện dưỡng lão luôn thiếu người và họ phải tìm những người được đào tạo cấp tốc ở các trung tâm dạy nghề. Những người này đóng học phí cao hơn bình thường và chương trình giảng dạy chỉ trong vài tuần lễ, nên họ được giảng dạy qua loa để mau tốt nghiệp đi làm cho nhanh.
Vì được đào tạo cẩu thả nên các điều dưỡng viên này mất căn bản. Họ thường không theo đúng trình tự của việc chăm sóc bệnh nhân. Họ lại bị sức ép của công việc quá nhiều, nên có nhiều người mất cả đạo đức nghề nghiệp. Họ làm việc cẩu thả và dối trá. Chẳng hạn sáng sớm phải rửa mặt, tắm rửa rồi thay tã và quần áo cho bệnh nhân nhưng họ chỉ làm qua loa lấy lệ, cho xong việc. Có khi nước chưa được ấm, họ xối đại nước lạnh khiến bệnh nhân bị ướt, rét. Họ cũng có khi không thay tã theo qui định.
Người già thường có giấc ngủ trưa, điều dưỡng phải cho họ đi nghỉ trưa. Tuy nhiên, vì làm biếng họ để bệnh nhân ngủ gà ngủ gật trên xe mà không đẩy họ về phòng cho lên giường như qui định.
Lúc về già, nhiều người răng yếu hay rụng, khi được đút ăn họ ăn rất chậm. Đôi khi vì buồn phiền các cụ không muốn ăn, điều dưỡng có quá nhiều việc, lại hết giờ, không đủ kiên nhẫn, họ chỉ đút qua loa nên các cụ ốm o, gầy mòn.
Ngoài ra còn xảy ra nạn kỳ thị với bệnh nhân. Người nào ít có hay không người thân tới thăm hoặc để mắt tới thường xuyên, cơ hội bị bỏ quên rất cao. Các cụ đó có nhấn chuông mỏi tay, đòi thay tã hay giúp đỡ đều bị lờ đi đến phút chót khi điều dưỡng sắp hết ca, họ mới trở lại thay tã cho. Khi các cụ phản đối hay thưa gởi sẽ bị trả thù bằng nhiều cách mà hành hạ là một ví dụ điển hình.
Khi được đưa từ giường qua xe hay từ xe qua giường, họ bị liệng nặng tay như quăng một món đồ. Người bệnh có đau chỉ biết khóc thầm và chịu câm nín, không dám báo cáo vì càng khiếu nại càng bị trả thù dã man hơn. Có những điều dưỡng viên vì cần tiền, họ làm hai ca, thường là ca chiều và ca đêm.
Làm một ca đã mệt, khi ca kế tới, họ tìm chỗ ngủ để nghỉ. Công việc dĩ nhiên bị bê trễ, họ ngụy trang bằng cách lấy chăn mền xếp xung quanh bệnh nhân và có ai tới kiểm tra hay y tá ghé mắt đến, đều yên chí thấy mọi thứ tươm tất sạch sẽ nên bỏ đi, đâu biết rằng bệnh nhân nằm đó bên dưới đầy nước tiểu và phân.
Với những bệnh nhân hay phàn nàn đau nhức, bấm chuông hoài, có khi họ bị cho uống thuốc giả hay thuốc an thần để khỏi tiếp tục kêu ca. Có những trường hợp bệnh nhân vì bị cho vào nhà dưỡng lão nên buồn khổ quá mà trở nên lầm lẫn; hoặc đã bệnh còn tăng thêm bệnh vì kiêm thêm chứng trầm cảm.
Những người từng làm việc cho Viện dưỡng lão, những người khách đến thăm viện và quan trọng nhất là những người già sống trong viện, tất cả đều ước mơ các Viện dưỡng lão được thay đổi. Thay đổi làm sao để khi nghĩ tới, nhắc đến, nó không còn là một cơn ác mộng của tuổi già. Đường lối điều hành Viện cần phải tổ chức lại sao cho hữu hiệu.
Các y tá và điều dưỡng cần phải được cắt bớt việc. Khi ít bận rộn họ mới có thì giờ để ý và chăm sóc kỹ hơn cho các cụ. Nếu các cụ có muốn tâm sự, họ có thời giờ để lắng nghe. Mà khi các cụ có nơi để kể lể, tâm hồn sẽ phơi phới, đỡ thấy cô đơn buồn khổ nhiều. Phần tâm lý được chăm sóc, bệnh ắt hẳn thuyên giảm.
Riêng nhịp cầu thông cảm giữa người già và con cái phải được thiết lập ngay từ lúc các cụ chưa được đưa vào viện dưỡng lão. Các cụ cần sửa soạn tâm lý khi đến lúc phải vào viện dưỡng lão mà không cảm thấy quá buồn khổ. Vì càng buồn khổ thì bệnh trầm cảm sẽ làm bệnh tật thêm trầm trọng. Có nhiều cụ vì sống chung với con cái quen rồi vào đó quá bất mãn, lại cô đơn nên chửi rủa suốt ngày, chửi con cái xong quay qua chửi cả nhân viên trong viện, càng chửi càng bị ghét, càng bị bỏ bê.
Mỗi viện dưỡng lão nên có một khu vườn nhiều cây xanh để người già có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, thở dưỡng khí trong lành. Giấc mơ của người già sẽ thành sự thật khi họ được ngồi trên xe lăn được chăm sóc chu đáo trong một khu vườn có chim hót líu lo. Đời sống như thế, viện dưỡng lão mới hết trở thành cơn ác mộng.
Sinh lão tử là qui luật của trời. Bệnh do con người. Theo tôi, để tránh khỏi phải vào nhà dưỡng lão khi về già : Giữ cho tâm hồn thanh thản và thân thể cường tráng khỏe mạnh. Làm sao giữ cho tâm hồn thanh thản và thân thể cường tráng là điều nhiều người quan tâm và đề nghị nhiều phương pháp. Xin ghi lại phương pháp nhiều người đề nghị như sau :
Giữ tâm hồn thanh thản :
- Theo một tín ngưỡng tâm linh.
- Làm việc thiện nếu có tiền.
- Đọc sách
- Nghe nhạc
- Thỉnh thoảng hát một đoạn nhạc hay ngâm một đoạn thơ mình thích.
- Đi du lịch nếu có tiền
- Chăm sóc vườn, trồng hoa, rau, cây ăn trái nếu nhà có vườn.
- Liên lạc, gặp gỡ anh em, bà con, bạn bè
Giữ sức khỏe :
- Ăn uống điều độ. Ăn nhiều rau trái ít ăn thịt cá.
- Tập thể dục hàng ngày.
- Tập thở.
Nhưng có mấy ai theo được những lời khuyên trên. Cuộc đời có nhiều quyến rũ : danh vọng, tiền tài, dục vọng, ăn ngon, mặc đẹp …vv… khiến cho con người không thanh thản, sức khỏe yếu kém về già.
Xin trích bài Ba Cái Thiếu Của Người Già của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bài Thờ Ơ, Chủ Quan và Sức Khỏe của ông Chu Tất Tiến để kết luận bài viết.
BA CÁI THIẾU KINH NIÊN CỦA NGƯỜI GIÀ
- BS. Đỗ Hồng Ngọc –
Tu là phải tập, học là phải hành. Đừng share facebook rồi chẳng làm gì cả. Phải sống thích nghi trong những năm bình thường mới và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Đây là giai đoạn bắt đầu nở rộ sinh hoạt nhóm, cộng đồng trong thế giới phẳng.
Chính quyền chỉ tồn tại để duy trì an ninh, trật tự. Con người chỉ phải lo kiếm cơm để sống và 50% còn lại sẽ sống trong thế giới ảo (?).
Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao!
Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây.
Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.
Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không ngờ nhanh vậy!
Thực tế con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ là có vấn đề về tâm thần!
Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:
* MỘT LÀ THIẾU BẠN!
Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình!.
Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.
Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau.
Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandoster one), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…
Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm văn nghệ!
* CÁI THIẾU THỨ HAI LÀ THIẾU ĂN!
Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi?
Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!
Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.
“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó!
Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc.
Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!
Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn.. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.
* CÁI THIẾU THỨ BA LÀ THIẾU VẬN ĐỘNG!
Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy!
Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường trước TV!
Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!
Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!
Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…!
Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…
Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng!
Bs ĐỖ HỒNG NGỌC
THỜ Ơ, CHỦ QUAN VÀ SỨC KHỎE
Chu Tất Tiến
Trong mấy năm vừa qua, giới hâm mộ võ thuật trước 1975 liên tiếp nhận được nhiều tin không vui. Một số võ sư nổi tiếng trước đây đã ra đi bất ngờ vì bệnh nặng và một số võ sư phải trải qua những lần phẫu thuật tim mạch khá nặng. Bên cạnh đó là những tin buồn về những nhân vật được biết đến nhiều trên các phương diện xã hội, văn hóa, chính trị khác cũng thầm lặng ra khỏi sinh hoạt cộng đồng vì điều kiện sức khỏe không cho phép hoạt động nữa, mặc dù tuổi tác chưa cao lắm. Bản thân người viết bài này cũng đã trải qua vài lần cấp cứu, và hiện thời cũng phải bắt đầu một chế độ luyện tập và ăn uống mới để tránh “ra đi không mang vali” sớm, khi nhiều dự định chưa thành.
Những nguyên nhân chính, theo nhận xét thô thiển của người viết, khiến cho tình trạng sức khỏe của những người trung niên hoặc cao niên giảm sút nhanh chóng, dẫn đến kết quả không tốt là Sự Thờ Ơ và Chủ Quan đối với việc tập luyện để bảo vệ sức khỏe.
1-Thờ ơ: Rất nhiều người không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình, và cứ nghĩ rằng “Ôi! Sức khỏe mình còn tốt chán! Chưa đến độ phải lo lắng!”. Một số khác, khi nghe đến việc đi tập khí công hay các môn võ dưỡng sinh khác thì cười: “Trời! Sáng đang ngủ ngon mà phải dậy sớm để đi tập thì khổ quá!” Nhiều người cũng có ý định đi tập nhưng lại trì hoãn: “Từ từ! Để qua năm, khi công việc bớt đi, thì sẽ tập!” Đa số những vị cao niên, trên 65, thì đam mê với mấy đứa cháu nội, ngoại, lấy việc chăm sóc các cháu là sức khỏe của mình, nên không hề nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Một số khác thì thấy việc tập khí công, Thiền, hay võ dưỡng sinh nhẹ nhàng quá, chẳng biết có hiệu nghiệm gì hay không, nên nhất định không tập. Rất nhiều vị không có tính kiên trì, đến các trung tâm tập dưỡng sinh được vài lần thì chán, lại bỏ. Có vị lại thấy mỗi tháng phải chung nhau góp tiền thuê địa điểm tập luyện $10.00, $20.00, dù không phải tiền trả cho Thầy, cũng ngán ngại. Những vị này chỉ muốn đến một địa điểm nào đó hoàn toàn Free, nghĩa là những vị Thầy huấn luyện đã bỏ thời gian đến chỉ dẫn cho họ cũng phải bỏ tiền ra thuê nhà luôn, thì họ mới tập!
Có thể nói là tất cả những vị mang tâm trạng Thờ Ơ với việc chăm lo cho sức khỏe đó, một khi gặp bệnh nặng thì lại lo lắng quá sức, muốn có phương pháp gì đó cứu chữa được mình, nhưng đã trễ. Lúc ấy, nếu muốn tập thì lại đi đứng rất khó khăn. Có vị đau lưng, đau chân, đau đầu gối quá, chỉ đứng được vài phút là thở mạnh, rồi phải ngồi xuống, và hết tập! Những vị chỉ lo săn sóc các cháu quá, khi không đứng lâu được nữa thì buồn bã, chán nản, và gần như tuyệt vọng. Như thế, Thờ Ơ chính là bệnh nặng hết thuốc chữa.
2-Chủ quan: Nhiều người vốn sẵn có thân thể khỏe mạnh, vẫn làm việc nặng hoài, bước lên xe là phóng trên 70 dặm một giờ, thì luôn cười diễu các môn dưỡng sinh, chẳng ích lợi gì, nên khi bất ngờ khám phá thấy mình mắc bệnh trầm kha thì đâm ra bực dọc, phẫn nộ. Một điều thường thấy ở một số võ sư lão thành là muốn dậy người khác tập luyện để khỏe mà không để ý đến việc bảo vệ sức khỏe của chính mình. Những vị võ sư đó luôn chủ quan cho rằng thân thể của mình đặc biệt hơn thân thể thiên hạ, mình đồng da sắt, nên chẳng cần tập thêm nữa cũng vẫn khỏe, để đến khi phải vào bệnh viện để thông tim thì mới ân hận là không kiên trì tập luyện bao giờ. Cá nhân người viết cũng mắc phải “căn bệnh chủ quan” này.
Từ 15 năm nay, mỗi tuần vẫn đi dậy khí công, Tài Chi, Yoga cho người khác mà đã bỏ quên việc tập cho chính mình. Chế độ ăn uống cũng thoải mái, chẳng kiêng khem gì, và luôn tự nhủ rằng: “Lâu lâu đi ăn tiệc một lần, mà có ăn thịt heo quay, gà quay, vịt quay.. không bỏ da…cũng không sao! Tập chạy một tiếng đồng hồ mỗi ngày là tan hết mỡ!” Và cứ thế cho đến một ngày đầu tháng 1/2018, đột nhiên thấy ngực trái đau tức và mệt, vội đi khám bệnh. Bác sĩ đo Điện Tâm Đồ rồi thì cho người viết hay là một một mạch máu chạy vào tim bên trái đã bị nghẽn, cộng thêm vào mạch phải đã bị nghẽn từ hơn 30 năm nay (Hồi ấy, khi biết tin tim mình sắp ngừng đập, người viết đã kiên trì tập hít thở qua bài Thái Cực Quyền và đã sống tới hôm nay)
Bây giờ, Bác sĩ buộc phải uống mỗi ngày 1 viên Aspirin 81, chờ đi làm Treadmill và Siêu Âm. Lúc đó mới hối hận và tập luyện không ngừng, mỗi ngày bỏ ra vài tiếng đồng hồ tập Thái Cực Quyền, Yoga, Dịch Cân Kinh và Khí Công, tập sáng, tập chiều, và tập trước khi đi ngủ.. Lạ lùng thay, hai tuần sau, đến đo lại Điện Tâm Đồ, thì không còn thấy cái mạch bị nghẽn nữa, Bác sĩ nghe tim và cho biết đã đập bình thường trở lại! Không cần uống thuốc, không cần mổ tim! Khỏe re!
Vì thế, người viết phải vội viết bài này, giúp độc giả biết cách phòng ngừa bệnh nặng, không cho bệnh đến sớm (không phải để chấm dứt bệnh tật, vì con người sinh ra đều phải trải qua 4 thời kỳ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử! Có ai tránh được chu kỳ này?) và để sống vui khỏe cho đến ngày “ra đi không mang vali”. Muốn được như vậy thì phải luyện tập mà tập đều đặn, không phải chỉ tập cho đến khi thuộc các bài tập Thầy dậy rồi nghỉ để khi nào rảnh rảnh thì mới quơ quào tay chân một lúc và tin rằng “thế là đủ!”.
Thực tế, chẳng có phương pháp nào là đủ giữ cho cơ thể khỏe mạnh mãi, nếu không tập luyện kiên trì, đều đặn, cho đến khi nào Thượng Đế gọi về mới thôi. Một thực tế nữa là tập luyện kiên trì có thể giúp chúng ta qua khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo về Tim Mạch, (như đã viết ở trên) và để tránh bị “Stroke” (người viết đã 2 lần bị Stroke mà qua khỏi vì biết tập thở), đôi khi có thể thắng được cả cơn bệnh ung thư nữa (đã có 2 bệnh nhân ung thư, vì tập theo phương pháp của người viết đã qua khỏi.) Với căn bệnh Parkinson là căn bệnh bất trị, thì tập luyện có thể làm cơn bệnh chậm phát triển và giúp hồi phục một phần nào các cử động thường nhật không bị rung rẩy mạnh.
Còn các căn bệnh đau nhức: đau cổ, đau vai, đau lưng, đau đầu gối, thì là chuyện nhỏ, người bệnh có thể khỏi ngay sau vài ngày tập luyện. Dĩ nhiên, kết quả của việc tập luyện không ai giống ai, vì còn tùy theo ý chí của người tập nữa. Và còn tùy thuộc vào Số Mệnh của mỗi người, tùy thuộc vào sự sắp đặt của Thượng Đế, của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với mục đích “còn hơi thở, còn chiến đấu”, người viết xin ghi lại những phương pháp dưới đây để chia xẻ cùng bạn đọc, mong giúp được chút gì cho mọi người.
1-Chuẩn bị tinh thần:
Người xưa nói: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Câu này rất đúng về bệnh lý học và tâm lý học. Người luôn vui vẻ thì hệ thần kinh không bị kích xúc mà làm việc thoải mái, từ đó mới ra mệnh lệnh cho các tế bào làm việc cân bằng và thích hợp với các điều kiện cần thiết của một con người khỏe mạnh. Do đó, mà các bắp thịt, các tế bào da, xương, thần kinh giao hòa với nhau một cách chặt chẽ. Một khi mà có sự “đồng thuận” của mọi tế bào, thì đương nhiên sắc mặt rạng rỡ, sức khỏe dồi dào và ít khi bị bệnh. Nếu lỡ có bệnh, thì cũng chóng qua. Ngược lại, người u sầu thì dễ bệnh. Theo một khám phá gần đây, thì khi u buồn, cơ thể sẽ tiết ra một chất gọi là “chất buồn” làm đình trệ mọi hoạt động của cơ thể, cũng giống như khi bị cúm, vi khuẩn làm cho các tế bào uể oải, không muốn hoạt động, cho đến khi ý chí của người bệnh phục hồi, khiến cho các tế bào lành lặn ra sức chống lại vi khuẩn, thì trận chiến mới kết thúc, và người ta khỏe trở lại. Để bớt bệnh tật, chúng ta nên “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, khi gặp nghịch cảnh thì nên tự nhủ: “sông có khúc, người có lúc”.
Cứ bình tĩnh thì sẽ tìm ra cách giải quyết, không nên lo lắng quá độ, vì càng lo lắng càng thấy mình bế tắc. Người nào có đức tin vào Chúa, vào Phật, thì kiên trì đọc kinh, nhất định mọi trở ngại sẽ qua. Bên cạnh đó, nên sống vị tha, nghĩ về người khác hơn về chính mình thì cuộc sống sẽ vui vẻ hơn. “Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống cũng chả mấy ai bằng mình.” Từ đó mà vui luôn. Ngoài ra, đối với sự việc có người muốn hại mình, ghét mình, chọc giận mình, thì nếu tha thứ được thì cứ thứ tha. Giận hờn làm cho tim luôn đập nhanh, thần kinh căng thẳng, nếu có bệnh cao máu, cao mỡ, thì dễ bị Stroke!
Một số người không bị Stroke nhưng vì luôn giận hờn, không tha thứ cho ai, thì có thể biến thành một người mang tâm bệnh, dần dần thành người bệnh tâm thần luôn. Không ít người, chỉ vì mất người thân (vợ, chồng, người yêu) mà biến thành người bệnh tâm thần, lúc nào cũng căng thẳng, ngơ ngác, rồi bỏ ăn, bỏ ngủ… nếu không có cách gì tìm vui lại thì sẽ u sầu rồi ra đi trong nỗi cô đơn. Tóm lại: Tinh thần tĩnh lặng, thoải mái, yên vui có thể tiêu trừ được bệnh tật.
2-Tập luyện hít thở:
Nhiều người bĩu môi khi nghe tới việc tập luyện hơi thở hay khí công, vì cho rằng mình chơi thể thao hàng ngày, nên không thể mà bệnh! Một người bạn hay chạy Marathon, và luôn hãnh diện vì mình có thể chạy nhiều dặm một ngày. Người bạn này tỏ ra khinh rẻ môn khí công của người viết vì cho rằng nhẹ quá. Thời gian sau, nghe nói anh bị trụy tim, phải gắn máy trong ngực cho đến khi có thể thay tim! Một bạn khác cũng chơi tennis hàng ngày, đột nhiên nghe nói anh đã ra đi, sau khi ngã gục trên sân chơi. Một người khá nổi tiếng trong nhiều sinh hoạt, bỗng trở thành người bệnh tâm thần, hết thuốc chữa. Vài người bạn thân cho biết con họ vẫn chơi thể thao, bất ngờ gục xuống và ra đi, khi tuổi đời chưa quá 30.
Vì thế, tập thở hay tập khí công là cần thiết cho mọi lứa tuổi. Tại sao lại phải tập thở? Có nhiều người cho rằng không cần phải tập thở vì con người sinh ra, đâu có được ai dậy đâu, mà vẫn thở như thường! Câu này rất đúng, nếu con người ta không bao giờ bị ngạt mũi, sổ mũi! Mỗi lần bệnh cảm, cúm, có ai thở bằng mũi được đâu? Khi bị ngạt mũi, sổ mũi, người ta không mang đủ “oxy” vào trong cơ thể, các tế bào sẽ “đói”, sẽ thiếu thức ăn là “Oxy”, tế bào sẽ yếu đi và dễ bị tấn công bởi nhiều nguyên nhân khác.
Người bị bệnh ngáy, không thở bằng mũi mà thở bằng mồm: thiếu oxy! Người ngáy to quá và ngáy triền miên có thể ra đi khi đang ngủ (Sleep Apnea). Ngoài ra, còn rất nhiều lần, chúng ta làm việc vất vả, thở hồng hộc, thở cạn, thở ngắn, những lần đó, Carbonic bị thải ra ngoài quá nhiều, quá nhanh, trong khi Oxy hít vào thì thiếu, như thế, cơ thể đã tiềm ẩn một căn bệnh nào đó rồi. Nhất là với các võ sĩ thi đấu, nếu chúng ta quan sát, sau 3 phút đánh đài, đấu thủ nào há mồm thở dồn dập, nhất định sẽ thua, vì sau vài phút thở mạnh như thế, cơ thể bị mất Carbonic quá nhiều, sẽ choáng váng, mất hết tinh tường, phán đoán, càng đánh càng mất tự chủ và sẽ bị hạ nhanh chóng, nhất là nếu bị đấm vào màng tang là nơi cân bằng của cơ thể, đôi khi lăn ra chết tức thì. Còn đấu thủ nào bình tĩnh biết cách giữ hơi thở, nhất định sẽ thắng.
Vậy thở như thế nào? Rất đơn giản: thở chậm, thở sâu, và thở dài, lúc hít vào cũng như lúc thở ra. Thường thì chúng ta có thể hít vào thật chậm, nhưng khi thở ra thì lại rất nhanh. Hít vào thì đếm được đến 10, thở ra chỉ 5,6 là cạn hơi. Do đó, điều quan trọng khi thở ra là phải nén hơi lại từ từ, không cho thở ra nhanh, nếu hít vào đếm được đến 10, thì cố gắng khi thở ra cũng phải đến 10 mới thả hết hơi ra ngoài. Điều quan trọng thứ hai là Nén Hơi trước khi thở ra. Cố gắng làm 3 chu kỳ: Hít vào 10, nén hơi 3, thở ra 10. Dần dần sẽ tăng lên, hít vào 10, nén hơi 5, thở ra 10. Một tháng sau thì có thể hít vào 15 (20), nén hơi 10, thở ra 15 (20).
3-Tập chuyển động: Có rất nhiều môn phái dậy Khí công, dậy hít thở. Không có môn nào hay hơn môn nào, chỉ khác là phương pháp chuyển động tay chân mà thôi. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, người viết chỉ có thể nói về một trong nhiều phương pháp mà người viết đã hướng dẫn từ nhiều thập niên nay, cứu được nhiều trường hợp bác sĩ chê. Đó là ĐI BỘ TẠI CHỖ, VÀ TẬP CHÂN. Rất nhiều người nói “ngày nào cũng đi bộ nhiều dặm” nhưng bệnh vẫn còn. Lý do: đi bộ không tập trung tư tưởng, không hít thở đều đặn. Đi bộ vòng quanh Park là nơi tập trung hàng tấn khói xe, trong đó có chất độc chết người. Đi tản bộ, vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa nói chuyện, vừa uống nước hay nhai kẹo.. Tất cả các kiểu đi bộ trên đều không những không mang lại lợi ích gì mà còn làm hại cơ thể. Do đó, nếu muốn đi bộ, thì phải theo nguyên tắc sau đây:
-Đi bộ tại chỗ, trong nhà: Đi bộ trong nhà tránh được khói độc thả ra từ xe hơi. Khi đi bộ thì đi thẳng người, hai tay để xuôi theo người, bàn tay để thẳng 5 ngón, bước chân nào thì tay đó (như lính đi diễn hành), tay đánh thẳng, không cong quẹo, mỗi bước đi là một lần hít, thở. Khi tập lâu rồi, công lực tăng cao, thì 2 bước mới thở 1 lần. Nếu nhà chật mà không đi vòng quanh nhà được, thì dậm chân tại chỗ. Đi bộ như thế ít nhất là 30 phút một lần, ngày 2 lần, thì khỏi bệnh tim, cho dù là bác sĩ đã chê. (đã có 2 vị bị suy tim, bác sĩ chê, mà tập theo phương pháp của người viết, đã hoàn toàn khỏi bệnh!)
-Tập chân: Cổ chân là nơi hay tụ máu. Lý do: càng lớn tuổi, sức hút máu lên của quả tim càng yếu, tim phải co bóp mạnh hơn mới “hút” máu về tim được. Đôi khi tim làm việc yếu, thì máu đọng ở cổ chân, gây ra đủ thứ bệnh: bệnh phù cổ chân, bệnh sưng lồi tĩnh mạch, và bệnh suy tim! Những người bị phù cổ chân, thì khi lấy tay ấn mạnh vào, chỗ ấn không bật lên ngay mà lõm xuống mãi. Những vị này nhất định là bị yếu tim. (Ở Mỹ khó có bệnh phù thũng vì thiếu vitamin B, cho nên nếu thấy chỗ ấn mà lõm xuống là bệnh tim). Do đó, phải tập cổ chân để giúp máu về tim nhanh hơn, giúp cho tim được giảm bớt áp lực mà khỏe lại. Phương pháp tập chân như sau:
a) Xoay cổ chân: Ngồi trên giường, thả chân xuống dưới, rồi gác chân trái lên đùi phải, tay trái nắm cổ chân trái, tay phải cầm bàn chân trái xoay vòng 10 lần một phía rồi đổi phía kia 10 lần.
Đổi chân: chân phải gác lên đùi trái, tay phải nắm cổ chân phải, tay trái xoay cả bàn chân phải. Tối thiểu mỗi chân được xoay 20 lần.
b) Co chân: Nằm thẳng, ngửa trên giường, hai tay duỗi thẳng theo người, từ từ co chân trái lên, hít vào thật chậm. Khi đầu gối đã ép gần sát bụng, thì từ từ thở ra, và thả chân thắng trở lại, nhưng không cho gót chân đụng giường, tức là để chân trên không. Làm như thế chừng 20 lần, rồi đổi chân. Khi chân này mỏi thì đổi chân kia. Làm như thế mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ chừng 60 lần môt chân là sẽ ngủ thẳng giấc, có người ngủ một mạch 7 tiếng đồng hồ mà không phải đi tiểu đêm. Tối thiểu cũng được 5 tiếng ngủ sâu.
c) Đạp xe đạp ngược: Nếu muốn mạnh thêm nữa, thì nằm thẳng rồi đạp xe đạp ngược, nghĩa là móc bàn chân lên thành 1 vòng tròn, thay vì đạp tới thì đạp lui. Đạp nhiều vòng cho đến khi mỏi thì thôi.
Trên đây là mấy phương pháp căn bản cho người bệnh nặng mà không thể tới lớp tập được. Nếu có thể thì chịu khó đến các trường, lớp dậy khí công, lớp nào cũng tốt, để tập chunvới những người khác thì vui vẻ hơn, có bạn có bè, thì tập luyện mau thành công và tập được nhiều môn phái khác nhau, rất thích thú. Dĩ nhiên, khi vui vẻ, yêu đời hơn thì nhan sắc sẽ trẻ lâu hơn, những vị thích hát hò, sẽ thấy làn hơi mình dài hơn và điêu luyện hơn…
ST