Có Mấy Người Mù Được Chúa Giêsu Chữa Lành?
Thánh Sử Mátthêw nói có 2 người, Thánh Máccô và Luca nói có một người. Vậy tại sao Giáo Hội lại công nhận cả ba Thánh Sử đều đúng, không sai sót hay mâu thuẫn nhau?
Nguyên văn trong Thánh Kinh Tân Ước nhất lãm như sau:
(Mátthêw 20:29-34) "Lúc Chúa Giêsu và các môn đồ rời khỏi Giêricô, cùng một đám đông dân chúng đã đi theo Người. Có hai người mù ngồi ở vệ đường, và khi họ nghe nói có Chúa Giêsu đi ngang qua, họ đã kêu khóc lên: "Chúa ơi, Con vua Đavít ơi, xin thương xót chúng tôi".
(Máccô 10:46-52) "Rồi họ đã đến Giêricô. Khi Chúa Giêsu và các môn đồ, cùng với một đám đông dân chúng, đang rời khỏi thành Giêricô, thì có một người mù, Bartimêô, con của Timêô, ngồi ăn xin ở vệ đường. Khi nghe nói chính là Chúa Giêsu ở Nazaréth đấy, hắn liền mới kêu ầm lên và nói: "Giêsu ơi, con vua Đavít ơi, xin thương xót tôi!"
(Luca 18:35-43) Bấy giờ Người đã đến gần Giêricô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, và khi nghe có một đám đông người đi ngang qua, hắn dò hỏi chuyện gì xảy ra. Người ta bảo cho hắn biết là có, "Đức Giêsu ở Nazaréth đang đi ngang qua" đây. Hắn liền kêu rống lên: "Giêsu ơi, con vua Đavit ơi, xin thương xót tôi!"
Thánh Mátthêu nói Chúa Giêsu đã chữa cho hai người mù trên đường Người rời khỏi Giêricô. Nhưng Máccô và Luca nói Chúa chữa có một người, mà Thánh Luca nói Chúa chữa cho họ trên đường Người đi vào thành Giêricô, trong khi Máccô lại nói giống Mátthêu là Chúa Giêsu chữa cho người mù trên đường Người rời khỏi Giêricô.
Cả ba Thánh Sử đều mô tả gần giống hệt như nhau cái cách thức người ăn xin kêu cầu, rồi Chúa Giêsu dừng lại chữa, và kết quả người ăn xin lập tức được nhìn thấy. Thánh Máccô còn cho biết chi tiết về cái người ăn xin đã "liệng bỏ áo đứng dậy" xin Chúa Giêsu chữa mắt, là cái người xin đi theo Chúa Giêsu ngay lập tức sau khi được khỏi mù. Hơn nữa, chắc Thánh Máccô có quen biết người mù này, nên biết rõ tên anh ta là Bartimêô, con ông Timêô, còn người mù kia thì xa lạ, nên không nhắc tới.
Vậy Thánh Mátthêu nói rõ, có hai người mù được chữa khỏi, nhưng hai thánh Máccô và Luca nói có một người, mà người này tên là Bartimê, sau khi được khỏi liền lập tức xin đi theo Chúa Giêsu. Cũng có thể, các ngài biết rành về anh ta sau khi xin đi theo Chúa Giêsu nhập đoàn với các ngài. Thành ra, các thánh sử chỉ tập trung vào cái người đã được chữa khỏi, với hết lòng biết ơn, rồi xin đi theo Chúa Giêsu. Cho nên, các ngài nói có một người mù được chữa khỏi. Do đó, cả ba Thánh Sử tường thuật đều đúng, cho nên, Thánh Kinh không sai sót hay mâu thuẫn với nhau.
Còn về chi tiết nhỏ mà hai Thánh Máccô và Luca nói Chúa vào hay ra khỏi thành Giêricô, rồi chữa cho hai người mù trên đường ra vào. Theo các học giả Thánh Kinh, thực ra có hai thành phố Giêricô vào thời ấy. Có một gò đất của cổ thành vẫn còn tồn tại cho đến nay, là thành phố cổ Giêricô không có người ở. Vì vậy, có thể Chúa Giêsu đã chữa lành cho hai người mù khi Người rời đi ngang qua cổ thành Giêricô để đi vào tân thành Giêricô, là nơi có người ở. Như vậy, câu chuyện kể là hợp lý và không mâu thuẫn, khi thánh Máccô nói Chúa chữa cho người mù lúc rời thành (tức Cổ Thành Giêricô nơi có gò đất của cổ thành), còn Luca nói, lúc Người vào thành (tức Tân Thành Giêricô là nơi có người ở sinh sống). Tuy nhiên, đấy chỉ là những chi tiết nhỏ vụn vặt.
Chân lý Chúa dạy hay ý nghĩa chính trong bài Phúc Âm này, chính là Chúa Giêsu luôn động lòng trắc ẩn và "muôn ngàn đời Người vẫn trọn tình thương", nhất là đối với những ai bền bỉ kêu cầu Người, tin cậy vào Người, họ liền được Chúa nhận lời cầu xin. Không những Chúa chữa mắt thể xác cho mở ra thấy được, mà luôn cả mắt tâm linh trí giới cũng được Chúa khai mở cho thấy những sự cao siêu, nhận biết ra chân lý và Đấng có quyền phép toàn năng là ai. Như anh mù Bartimêô vừa được chữa cho nhìn thấy, đồng thời cả mắt tâm hồn cũng được khai mở để nhận biết Chúa và xin đi theo Người.
Chúa Giêsu ưa thích lắng nghe chúng ta cầu xin, nhất là sự cầu xin với nguyện ước đơn sơ ngắn gọn cần thiết cho cuộc sống, và với một lòng khiêm nhường thẳm sâu trước tiên “xin thương xót tôi”, trông cậy vững vàng, tín thác tuyệt đối vào Người.
Mặc dù Người thừa biết chúng ta cần gì, nhưng Người vẫn hỏi, "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù chỉ xin với câu nói ngắn gọn cho nhu cầu đang cần "Thưa, cho con được thấy". Chúa đáp, "Được, đức tin của con đã chữa con". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Giả sử, nếu như những người mù nói, xin chữa cho tôi thấy, nếu ngài chữa cho tôi thấy, để tôi có thể bớt khổ, để tôi có thể tự lo..., để đi làm kiếm tiền, tôi còn cha mẹ già, tôi không muốn là một gánh nặng..., tôi..., tôi thế này, tôi thế kia ..., chắc chắn Chúa Giêsu sẽ đi mất, nhức đầu quá. Vì ý nghĩ đầu tiên sau khi chữa khỏi toàn lo vật chất phần hạ thân xác dưới đất, chứ không phải phần thượng ước ao được rỗi hay biết cách sống sao nên hoàn thiện. Thường, chúng ta cầu xin toàn vậy, và lời cầu nguyện ít có hiệu nghiệm. Cho nên, cuộc sống cứ không trôi chảy, bình an bất toàn, nên mất vui, mất khỏe và đầy xáo trộn đau thương.
Lạy Chúa Giêsu, con vua Đavíd, xin thương xót con, xin cho con được thấy. Amen.
Chúa Nhật thứ 30 Quanh Năm B
Sóng Biển 27/10/24