Youtube : https://youtu.be/y6hF93EfCr8
VINH CA ANH HÙNG TỬ ĐẠO là bài thánh ca thể loại hợp xướng tôi sáng tác để ca ngợi và tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sau khi tham dự Thánh Lễ Đại Trào khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện – Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Cách đây 12 năm vào sáng sớm tinh sương ngày 24 tháng 11 năm 2009, tiếng chuông nhà thờ reo vang báo hiệu một ngày hội đang diễn ra tại nơi đây. Từng đoàn người chen chúc trên những con đường dẫn đến Trung Tâm – nơi sẽ diễn ra ngày Hội và Thánh Lễ Đại Trào kính CTTDVN – cũng là ngày Khai Mạc Năm Thánh và cũng là dịp kỷ niệm và hồi tưởng lại 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659 – 2009), đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960 – 2010)
Tôi và Giáo sư Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến hân hạnh được Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt mời về Việt Nam để lo phần Thánh Nhạc trong dịp này. Gần hai ngàn ca viên được tuyển chọn khắp nơi thuộc các giáo xứ của TGP Hà Nội và các Dòng tu, cùng với các nhạc công để hát cho Thánh Lễ Đại Trào hôm nay. Người ta cho biết có trên ba trăm nghìn giáo dân cùng với các dòng tu, tu sĩ, linh mục và các giám mục khắp Việt Nam cũng như hải ngoại về tham dự. Một rừng người hiện diện với cờ xí, băng lọng rực rỡ tươi thắm dưới ánh mặt trời ban mai bởi muôn màu muôn sắc của đồng phục thuộc các giáo xứ, các hội đoàn trên một cánh đồng bao la bát ngát mà tầm mắt con người dõi theo tưởng như vô tận.
Đây là một sự kiện lịch sử lớn nhất từ trước tới nay của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, và tôi cho đây là ngày “Trẩy hội lên đền” của con dân Công giáo Việt Nam toàn quốc, nhất là người Công giáo thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội mà nhân tố đầu tiên để có ngày hôm nay, đó chính là do tổ tiên cha ông của chúng ta đã hy sinh lấy mạng sống của mình làm hạt giống đức tin gieo vãi trên mảnh đất thân yêu Việt Nam. Vâng, hôm đó như là ngày đất trời mở hội hân hoan, vì bao trăm năm gian nan trôi qua và giờ đây là ngày của vinh thắng, của trăm ngàn bông hoa rực rỡ tươi thắm, là ánh sáng vinh quang vô tận cho muôn thế hệ Việt Nam mãi huy hoàng.
Vì: Mỗi hạt giống gieo xuống, sẽ có ngàn bông lúa trổ bông, và mỗi chiếc đầu rơi xuống, là một trang sử vinh quang được mở ra.
Lời của Thánh Vịnh 125 đã được khắc ghi trong niềm tin của Kitô hữu rằng:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” hay là “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng”.
Từ dòng máu anh hùng của tổ tiên; từ những khổ đau và đắng cay của tù đày và chết chóc… Với một đức tin cùng một lời thề, các ngài trung kiên tiến lên! Hàng hàng lớp lớp tiến lên để hiến dâng cho một cuộc tình.
Nhân ngày lễ kính CTTĐVN, tưởng chúng ta cũng nên sơ lược ghi nhớ lại những trang lịch sử oai hùng đó.
Từ buổi sơ khai cách đây gần 500 năm, thì Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Việt Nam. Nhưng hết 300 năm bị các vua chúa phong kiến bách hại. Cuộc bắt bớ kéo dài bởi 53 sắc chỉ cấm đạo bắt đầu từ những năm 1625 - thời chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên, và xuyên suốt mãi đến những thế kỷ sau này. Khốc liệt nhất là ở giai đoạn thế kỷ XIX - thời của các triều đại Nhà Nguyễn cai trị bởi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Quả thật, đây là một trang sử đầy nghiệt ngã và bi đát của dân tộc Việt Nam, mà Giáo Hội Việt Nam gánh chịu trong hoàn cảnh này. Bởi vì: chính người Việt tàn sát người Việt. Thay vì phải yêu thương nhau bởi chúng ta cùng một nguồn cội, cùng một dòng máu màu da, nhưng lại quay mũi dao lưỡi kiếm, dơ cao mã tấu loại trừ nhau chỉ vì lòng bảo thủ, hẹp hòi và kỳ thị của vua quan thời bấy giờ theo suy nghĩ của tôi.
Dẫu đã qua hơn một thế kỷ, và dẫu thời gian cũng đủ để bình thản, nhưng sao lòng mình vẫn cảm thấy hãi hùng kinh hoàng, tâm mình vẫn nhức nhối đớn đau. Chỉ vì một niềm tin, mà trên đời này thì đó là quyền tối thượng (Human Right) rất căn bản cho mỗi cá nhân. Thế nhưng vì niềm tin cá nhân đó, các ngài đã bị tước đoạt, bị nhục hình và cuối cùng phải bị chết. Các ngài đã chấp nhận đau đớn và phải gục ngã chịu chết qua nhiều cực hình mà người ta nghĩ ra rất ghê sợ và dã man dưới những bàn tay tàn bạo của mã tấu, làn kiếm, bá đao, tùng xẻo, siết cổ, chém bay đầu, ngựa xéo phanh thây, lửa nung, gông cùm và rũ tù…
Chính vì cái chết của các ngài và điều đó là một chứng minh, là lời nói xác quyết cho đức tin của mình mà không một thứ gì có thể lay chuyển. Rất đơn giản và dễ hiểu, vì nếu những cuộc bách đạo đó trước đây là đúng, là thành công, là thuận ý Trời…, thì làm sao có Giáo Hội Việt Nam hiện hữu và mở mang như hôm nay, phải không ?
Chúng ta tin tưởng số người trung kiên giữ vững đức tin và đã tử vì đạo thời bấy giờ có thể trên 100,000 nghìn người, mà không chỉ giới hạn con số chính thức là 117 vị. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn duy trì sự cẩn trọng để tuyên thánh hầu tránh đi mọi lạm dụng có thể xảy ra. Qua các thủ tục điều tra hơn một thế kỷ, các vị ấy được Giáo Hội nhìn nhận bắt đầu từ bậc Đấng đáng kính, tiếp đến là nâng lên hàng Chân Phước. Cuối cùng là được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh với lễ kính được cử hành ở khắp Hoàn Vũ. Và trong 117 vị chứng nhân tử đạo đó đã được tuyên phong Chân Phước lần lượt trải dài theo từng giai đoạn dưới những triều đại của các Đức Giáo Hoàng qua bốn đợt sau đây:
- Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII tuyên phong 64 vị
- Đức Giáo Hoàng Pi-ô X tuyên phong 8 vị vào năm 1906, và 20 vị vào năm 1909
- Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tuyên phong 25 vị vào năm 1912
- Tổng cộng tất cả 117 vị, và đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh vào ngày 19 tháng 06 năm 1988.
Các ngài là những hạt giống phải thối đi, để giờ đây những hạt giống đó được trổ sinh hàng ngàn bông lúa. LỜI của Đức Kitô đã nói trước đây hơn hai ngàn năm bởi đã thấy trước cho mỗi thân phận bước theo Ngài:
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình”.
Quả thật, đây là một câu nói mang tính minh họa nhưng rất sâu sắc và ý nghĩa, chứa đựng một chân lý thần học của sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu để Giáo Hội được hiện hữu hôm nay mà hầu như chúng ta ai cũng cảm nhận và thấu hiểu trọn vẹn. Hãy hình dung người làm nông khi gieo hạt lúa giống xuống, nếu hạt giống ấy không thối đi trong bùn đất thì làm sao nảy mầm được, và vì thế nó chỉ “trơ trọi một mình” mà chẳng sinh ích lợi gì. Trong khi sự hiện diện của chúng ta trong cuộc đời này có ảnh hưởng cách này hay cách khác đối với những người bên cạnh, trong cộng đoàn, trong xã hội… Chắc chắn ý Chúa muốn thế, vì hạt giống có giá trị chỉ khi chính nó được nảy mầm và sinh hoa kết trái. Trong khi người Kitô hữu có được phẩm giá cao quý qua đời sống đức tin chỉ khi chấp nhận và hy sinh từ bỏ chính mình để phục vụ cho sự sống, cho chân thiện mỹ.
“Trơ trọi một mình” nghĩa là vị kỷ, là tiêu cực, là ích kỷ…, và vì thế không có ích gì cho kẻ khác. Linh mục Nhạc sĩ Phương Anh đã khai triển trên dòng tư tưởng này để dệt nên bài thánh ca Hạt Giống Tình Yêu, rằng:
“Nếu quả tim nào nơi dương thế không biết yêu không biết thương, thì nó cũng chỉ trơ trọi một mình mà thôi”.
Nói đến quả tim, cũng có nghĩa đang đề cập đến tình yêu, mà tình yêu thì cần phải có đối tượng, bởi không ai có thể yêu khi chỉ một mình (!) Nếu sau này được Chúa thương đưa ta về nước trời, Ngài sẽ hỏi: “Em người đâu?”. Thế nên chúng ta còn có trách nhiệm và bổn phận mang cả một cộng đồng dân Chúa về trình diện Ngài.
Vâng, CTTĐVN đã sống, đã yêu, và đã nêu cao giá trị cao cả và siêu nhiên đó. Vậy, xin hỏi các ngài, họ là ai ? Thưa, họ là những người như chúng ta, cũng biết thương biết nhớ, biết đau biết khổ, cũng biết yêu sự sống và sợ hãi trước cái chết…, và cuối cùng họ đã vượt qua sự sợ hãi đó để làm chứng và chết cho cho Thiên Chúa.
Các ngài đều thuộc mới thành phần: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân. Ngoài các giám mục và linh mục, các ngài thuộc mọi từng lớp giai cấp trong xã hội gồm từ dân thường đến quan chức, từ đội binh đến tu sĩ như thầy Khang, chú Bột... Các ngài cũng là những viên chức ngoài đời như Thánh Tử Đạo Hồ Đình Hy là quan thái bộc, Thánh Tử Đạo Phạm Trọng Khảm là quan án, Thánh Tử Đạo Vinh Sơn Tường làm chánh tổng, Thánh Tử Đạo Nguyễn Huy Mỹ làm lý trưởng, hay Thánh Tử Đạo Đích là ông trùm nhà thờ. Hay là những quân nhân như Các thánh Thể, Huy, Đạt. Có người làm thầy thuốc, nhà buôn, thợ mộc, thợ may, ngư phủ hay nông dân… Cũng có những phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Thành mà chúng ta gọi là thánh Đê.
Hãy nghe qua một vài đối đáp của các ngài khi bị thẩm vấn. Những lời nói rất chân thành nhưng rất thẳng thắn và cương quyết để giữ trọn niềm tin của mình qua câu nói của Thánh Linh mục Tử Đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh sau đây:
“Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.
Hãy học sự tha thứ của Thánh Tử Đạo Emmanuel Lê Văn Phụng – Trùm trưởng của họ đạo Đầu Nước, Cù Lao Giêng, đã nói lời trăn trối với con trai của mình tại pháp trường:
“Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố cáo cha nhé”
Hãy học sự can đảm và hiên ngang từ bỏ những hứa hẹn danh vọng nơi trần thế của một chàng trai tuấn tú vừa tròn 18 tuổi, là Thánh Tử Đạo Tôma Thiện trước quan tòa sau đây:
“Tôi chỉ mong chức quyền trên trời chứ không màng danh vọng trần thế”
Sau khi vua Tự Đức dụ dỗ giả vờ bước qua hai thanh gỗ tượng trưng cho thánh giá, Thánh Tử Đạo Micae Hồ Đình Hy thưa rằng:
“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô”
Cuối cùng, Thánh Tử Đạo Micae Hồ Đình Hy chấp nhận cái chết rất bình thản. Trước khi chịu chém, ông xin hút một điếu thuốc – hương vị cuối cùng của trần gian ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên quốc vĩnh cửu.
Dân tộc và tôn giáo nào cũng đều có các vị anh hùng được gọi những danh hiệu khác nhau. Kitô giáo có hàng ngũ các thánh – những tôi tớ trung thành của Chúa. Một điều chúng ta tin tưởng là các Thánh Tử Đạo Việt Nam không liều lĩnh và không tự tìm đến cái chết như tự thiêu, tự mổ bụng, tự thắt cổ, tự cắn lưỡi, tự đập đầu, tự ôm bom tự sát để trung thành với đạo hay được trọng thưởng này nọ trên trời.
Hầu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam khi bị hạch tội hay thẩm vấn, cầm tù và hành quyết, tất cả đều không hề nói một lời trách móc, mỉa mai hay nguyền rủa những kẻ hại mình. Suy gẫm về những lời đối đáp của các ngài với vua quan, hay những lời tâm sự với người thân của mình, chúng ta thấy được sự thánh thiện toát ra nơi con người của các ngài. Các ngài cam lòng chịu chết mà không oán hận, bởi vì kẻ nào nuôi lòng hận thù thì không thể làm thánh và không xứng đáng là môn đệ của Đức Kitô – Đấng đã đã dạy:
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình”.
Hãy nghe lời phân tích và lý giải về Máu các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt sau đây:
“Thánh lễ hôm nay đỏ một màu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam”. Ngài nhẹ nhàng ôn tồn nói tiếp:
“Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là những thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì xuất phát từ tình yêu cao quý. Máu dường như tỏa hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu”.
Ngày trước trong thời bách đạo, hành động bước qua thập giá là dấu hiệu cho biết người đó bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm con người, xúc phạm, gây tổn thương thanh danh người khác, giết người, phá thai, gian dối, hận thù, nói hành nói xấu… thì cũng là hình thức từ chối bỏ đạo, có phải thế không?
Sống tử vì đạo không chỉ tổ tiên của chúng ta xưa kia, mà hôm nay người Kitô hữu tử đạo qua nhiều cách thức khác nhau trong đời sống. Quả thật trong xã hội hôm nay, đang tạo ra những cơn bách đạo qua nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi. Nếu không vững vàng và khôn ngoan, ta dễ bị ngã gục. Đứng trước nhu cầu về vật chất và đồng tiền, về thú vui trần tục, quyến rũ và đam mê… Người Công Giáo muốn trung thành và sống theo Phúc Âm, hẳn phải có một lựa chọn không hơn không kém.
Tôn vinh CTTTĐVN, là nêu cao tinh thần sống đạo không những của các ngài xưa kia, mà còn cho chúng ta trong đời sống đức tin hôm nay. Người công giáo Việt Nam nối tiếp những bước chân của các ngài đã hằn in dấu làm chứng nhân cho tình yêu của Đức Kitô trong thời đại hôm nay đó là: trao ban tình thương, chia xẻ hơi ấm đến những người bất hạnh, đem tin yêu đến cho tha nhân, sống lương thiện, không thỏa thuận với các tệ nạn, không đồng lõa với sự dữ, chống gian tà, thoát hận thù…
Nhân ngày lễ kính CTTĐVN, xin được chia xẻ bài hợp xướng VINH CA ANH HÙNG TỬ ĐẠO với những hình ảnh sống động tại Sở Kiện trong những ngày khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam ngày 24 tháng 11 năm 2009 theo youtube sau đây:
https://youtu.be/y6hF93EfCr8
Văn Duy Tùng