TRUYỆN LẠ THÁNH THỂ Tập 1 (1-3)
Trương Vân Thục, OSB, Tiến sĩ, Suisse, 1995
1. ĐÂU CÓ GÌ KHÓ?
Một ông trí thức nọ tuy mang danh là Kitô hữu, nhưng đức tin hời hợt. Đã không sống đạo tốt, ông còn ưa chế giễu, chỉ trích cách sống đạo của người khác. Một hôm ông gặp bé gái rước lễ bao đồng, ông được dịp chọc chơi:
- Này nhỏ, nhỏ có tin thật có Chúa ở trong tấm bánh trắng tròn không?
- Dạ thưa ông, cháu tin, tin lắm.
- À vậy, vậy sao trong kinh Lạy cha lại nói: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời? Chúa ở trên trời mà? Chắc nhỏ đã đọc kinh ấy?
- Dạ, cháu đã đọc kinh ấy và còn đọc nhiều lần nữa. Chắc ông cũng biết cũng đọc nhiều lần kinh ấy, hoặc các kinh thông thường khác như kinh Kính mừng, kinh Tin kính?
- Tao cũng biết qua loa, còn đọc thì chỉ khi nào có hứng.
- Thưa ông, ông có thể đọc kinh Tin kính không?
- Hồi còn nhỏ tao đọc lõm bõm ở trường, ít khi xài đến, bây giờ chỉ còn nhớ sơ sơ.
- Xin lỗi, ông đừng giận cháu, ông có thể đọc vài câu không?
- Thì tao đọc cho mà nghe: Tôi tin kính đức Chúa Trời là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi…
- Thôi, thôi, thưa ông đủ rồi.
- Sao lại đủ rồi?
- Thưa ông, ông vừa đọc: Tôi tin kính đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Nếu Chúa phép tắc vô cùng, thì Người ở trên trời hay trong tấm bánh trắng tròn nhỏ kia có khó gì đâu.
Thật là việc Chúa làm. Ông trí thức thấy em nhỏ trả lời đơn sơ mà có lý, ông thấy sự hiểu biết và đức tin mình về mầu nhiệm Thánh Thể còn kém, ông đánh trống lảng, cười hì hì, rồi lủi mất...
2. ÁM SÁT HỤT
Einsiedeln là một Đan viện Biển Đức lớn, danh tiếng. Einsiedeln còn là địa điểm hành hương lớn nhất của Thụy Sĩ. Đồng thời là một trong số các địa điểm hành hương lớn nhất và danh tiếng nhất của âu Châu. Tạp chí "Pelikan" (Feldkirch) năm 1893, ghi lại truyện này: Linh mục M. Kaelin, thuộc Đan viện Einsideln, là một giáo sư tài ba, đạo đức. Ngài làm giáo sư giảng dạy nhiều năm ở trường-chung Schwys. Chuyên huấn luyện thanh niên. Tích cực giúp các xứ truyền giáo. Đặc biệt, ngài rất sùng kính Đức Mẹ và phép Thánh-thể. Ngày 24-8-1893, cha M. Kaelin dâng lễ ở bàn thờ thánh Bartholomeo, trong nhà nguyện dành cho các giáo hữu đến xưng tội, phía trái của nhà thờ lớn.
Gần lúc truyền Mình Thánh, xuất hiện một thanh niên. Anh quỳ gối, cúi đầu. Xem có vẻ đạo đức, thánh thiện lắm. Vừa khi cha M. Kaelin đọc xong lời truyền Máu Thánh, anh rút khẩu súng sáu giấu trước bụng, nhắm thẳng lưng cha: "đoàng", "đoàng". Rồi quay nòng súng vào miệng mình: "đoàng", "đoàng". Mọi người giật mình, hoảng hốt. Sau mấy tiếng '!đoàng'! đoàng", người ta thấy anh thanh niên ngã lăn ra đất, bên sau gáy vỡ toang, không còn thở nữa. Những người hiện diện nhớn nhác, la lối: "có người ám sát cha?" Cha M.Kaelin gan dạ, quay đáp: "Tôi không thấy chi hết. Có Chúa, có Đức Mẹ phù hộ mà?" Cha tiếp tục dâng thánh như không có truyện gì xảy ra. Sau lễ, xem xét lại, thì viên đạn nổ xiên qua lễ và áo trắng dài, tới áo dòng cha thì viên đạn rớt xuống đất. Không đụng chạm gì đến cha. Mọi người hết sức ngạc nhiên, mừng rỡ, xác Tín Chúa Thánh-thể và Đức Mẹ đã che chở cha đặc biệt như vậy.
Sau cuộc điều tra, người ta được biết: gã thanh niên kia - thời cha M. Kaelin làm tập sư -muốn nhập Đan viện Einsiedeln, đã qua nhà thử, nhưng không được chấp nhận tiếp tục. Gã bực tức, để lòng oán ghét và tìm cách trả thù.
Tại Đan viện Einsiedeln, ngày nay vẫn còn giữ cẩn thận cái áo lễ bị viên đạn ác ôn thâu qua, để làm di tích và muôn đời ghi nhớ ơn Chúa và Đức Mẹ...
3. MÌNH CHÚA KẸP TRONG SÁCH NGUYỆN
Trong Niên-sử các cha dòng Augustino ở Perugia (nước Ý) ghi chép các biến cố xảy ra trong dòng hồi thế kỷ 14, có tài liệu ghi lại truyện lạ Thánh-thể như sau:
Năm 1330, một cha quản nhiệm nọ, được mời đi giúp một bệnh nhân gần chết, ở một xứ gần thành phố Siena. Cha quản nhiệm vào nhà thờ lấy Mình Chúa, cẩu thả kẹp vào sách nguyện, rồi vội vã tới nhà bệnh nhân. Nghe bệnh nhân xưng tội xong, cha mở sách nguyện, lấy Mình Chúa cho bệnh nhân rước lễ. Vừa mở sách nguyện ra, cha xanh mặt, sợ hãi gần muốn xỉu, khi thấy Mình Chúa đẫm máu tươi, loang lổ cả hai trang sách nguyện... Cha cuống quít, không nói không rằng, gấp sách lại, quên luôn cả bệnh nhân, lật đật chạy về Siena, gặp cha Simon Fidati, dòng Augustinô, đang giảng tuần đại phúc tại đó.
Kể lại đầu đuôi mọi sự, trao cho cha dòng cả sách nguyện cả Mình Chúa vấy máu vẫn còn kẹp trong sách. Ngài ân hận về sự vô phép,cẩu thả của mình đối với Mình Chúa và xin cha dòng làm phép xá tội cho mình. Cha Simon Fidati - thời ấy, nổi tiếng thông thái, đạo đức - tiếp nhận rất cung kính sách nguyện và Mình Chúa đẫm máu do cha quản nhiệm trao lại. Ngài cung kính cẩn thận gỡ ra một trang sách nguyện có thấm máu Chúa, đưa về nhà dòng ngài ở Perugia. Còn trang kia, có Mình Chúa dính vào thì ngài đưa về Cascia, là quê quán của ngài và cũng là quê quán của thánh nữ Rita, tặng cho các nữ tu Augustinô.
Hiện nay, trang sách nguyện có Mình Chúa vấy máu dính vào, vẫn được tàng trữ tại Đan viện các Sự tu Augustinô - cũng gọi là Đan-viện thánh Rita - ở Cascia. Hàng năm có tổ chức cung nghinh trọng thể qua các đường phố ở Cascia.
Đức Thánh Cha Bonifacio IX (+ 1404) và Gregorio XII (+ 1417) ban hai ấn chiếu công nhận việc tôn thờ Mình Chúa vấy máu ở Cascia và ban nhiều ân xá. Năm 1926, gần 600 năm sau khi xảy ra truyện lạ Mình Chúa vấy máu trên được Toà thánh cho phép khám nghiệm lại. Sau cuộc khám nghiệm cẩn mật, thận trọng, các nhà bác học chuyên môn đặc trách đã nhất trí xác nhận hiện tượng lạ lùng trên ( Adolfo Morini, La reliquia del Corpus Chuỗi di Cascia, Firenze 1930).
(Còn Tiếp)