TRUYỆN LẠ THÁNH THỂ Tập 1 (16-19)
16. SÓNG GIÓ RÚT LUI
Thị-trấn Tumaco, tọa lạc trên một quần đảo ở Thái-bình-dương, thuộc nước Colombia, Nam Mỹ. Ngày 31.01.1906, nhờ Mình Thánh Chúa, Tumaco đã thoát khỏi một tai nạn khủng khiếp. Diễn tiến sự việc như sau:
Vào ngày nói trên, khoảng 10 giờ sáng, dân chúng nghe chuyển động dưới chân như thể mình đang đi trên mặt nước. Một số nhà cửa ngất ngư, rồi ầm ầm sụp đổ. Một cơn động đất dữ dội xuất hiện. Mọi người run rẩy, nhớn nhác, ùa vào nhà thờ ẩn náu, cầu khẩn. Hai linh mục Thừa sai lúc ấy - cha Gerard Larrondo và cha Julian Moreno, cả hai thuộc dòng Augustinô - hết lời trấn an dân chúng.
Đồng thời xin mọi người cùng nhau rước kiệu cầu an... Cùng lúc, cha Larrondo ngước mắt nhìn lên, trời ơi, chỉ cách bờ biển chưa đầy hai cây số, dù lúc ấy không phải là lúc thủy triều lên, mà nước và sóng cứ ùn ùn vươn lên, kéo tới. Nhìn những ngọn sóng, nước, cao mấy chục thước mà đổ xuống, thì cả thành phố sẽ bị quét sạch và không một ai còn sống sót.
Cha hối hả chạy vào nhà thờ. Chịu hết Mình Thánh Chúa. Chỉ để lại duy nhất một tấm. Rồi, tay trái cầm chén thánh, tay phải cầm Mình Chúa, cha lẹ làng chạy ra ven biển, giơ cao Mình Chúa trước những núi sóng nước, đang ngất ngư ào ào ập tới. Tất cả dân chúng, lớn bé, trẻ già, đều la ó, sợ hãi.
Cầm chắc phen này, tất cả nhà cửa, sự nghiệp và thân xác mình sẽ biến thành tro bụi. Cha Gerard Larrondo gan dạ, cứ giơ cao Mình Thánh Chúa, không lùi bước trước những làn nước, sóng, ngất ngư như núi. Cha cầm Mình Chúa làm phép lành trên sóng nước hùng hổ. Lạ lùng làm sao, những núi sóng nước ngất ngư, dữ tợn kia, khựng lại một lát, như để nhìn nhận, kính thờ vị Chúa Tể của mình nơi Bánh Thánh, rồi dần dà xẹp xuống, yên lặng rút lui, xa dần mãi tận chân Đại-dương xa thẳm.
Dân chúng thoát chết, hò reo, mừng rỡ trước biến cố phi thường. Cùng với cha G.Larrondo rước Mình Chúa trở lại nhà thờ. Dâng lễ, cầu kinh tạ ơn. Ăn mừng sống sót.Truyện lạ Thánh-thể này ở Tumaco truyền lan nhanh chóng ra khắp nơi, gây được nhiều ấn tượng tốt lành và ảnh hưởng sâu xa nơi mọi người.
17. TÔI CẦN CHI PHÉP LÀNH
Truyện dưới đây, do bà Christina Haeckel ghi lại, xảy ra ở Nước Áo, vào giữa thế kỷ 19. Bà Christina kể:
Quãng thập niên 60, xưởng rèn của ba tôi mướn một tay phó rèn. Anh ta khỏe mạnh, tầm vóc to lớn, vạm vỡ, cân đối, lanh lợi, chăm chỉ. Thật đáng được gọi là con người khuôn mẫu. Sau này, mỗi khi có dịp kể truyện về anh cho chúng tôi, má tôi thường nói: "suốt đời tao, chưa bao giờ gặp một con người cân đối, khỏe mạnh, sức lực lanh lợi, chăm chỉ như vậy." Chỉ có một điều đáng tiếc, anh có đạo, mà không màng chi đến Chúa, đến Bà, không biết nhà thờ nhà thánh là gì cả.
Một hôm, buổi chiều, mùa thu, có tiếng chuông báo từ nhà thờ thánh Vitus - gần ngay nhà tôi - vang ra, báo tin cha sở kiệu Mình Chúa cho bệnh nhân. Ở vùng tôi ở, có thói quen tốt lành, mỗi khi nghe chuông báo như vậy, thì tất cả những ai có thể, nhất là những người ở gần nhà thờ, đều chạy đến nhà thờ, lãnh phép lành Mình Chúa, rồi cùng nhau tháp tùng cha sở ra đến hết sân nhà thờ. Cha sở quay lại, ban phép lành Mình Chúa một lần nữa. Sau đó, ngài tiếp tục tới nhà bệnh nhân. Còn các người khác, mỗi người về lại nhà mình.
Má tôi, con thì đông, việc thì nhiều, bao giờ bà cũng bận rộn, nhưng bà có lòng đạo sâu thẳm. Mỗi khi nghe tiếng chuông báo, là bà buông dẹp mọi việc, chạy đến nhà thờ, lãnh phép lành Mình Chúa, rồi tháp tùng cha sở đến cuối sân nhà thờ, như đã nói trên đây.
Hôm đó, vừa ra khỏi nhà thờ, má tôi thấy Sven Miller - tên anh phó rèn lực sĩ - đứng phè phỡn ở sân nhà thờ. Cha sở kiệu Mình Thánh Chúa đi qua mà anh ngó nhìn rửng rưng, không một cử chỉ tôn kính.
Má tôi tháp tùng cha sở đến cuối sân nhà thờ, lãnh phép lành Mình Chúa lần thứ hai, má tôi trở lại, hỏi Sven Miller vẫn còn phây phây đứng đó: "Anh Sven, sao anh không vào nhà thờ lãnh phép lành Thánh-thể? hay ít ra, lúc cha sở kiệu Mình Chúa qua đây, anh cũng cung kính bái chào Chúa hoặc nhập bọn với chúng tôi tháp tùng ngài, để Chúa chúc lành cho chứ?" Sven đáp lại ngon lành:
"Thưa bà chủ, thân thể này có cần chi phép lành Thánh-thể, hoặc Chúa chúc lành!"
Thấy anh ăn nói chướng tai, vô lễ, không một chút tinh thần đạo giáo, má tôi nói ít lời phân trần, phải trái, rồi về lại nhà.
Trưa hôm sau, chúng tôi và má đang ở nhà trên, bỗng nghe một tiếng thất thanh từ xưởng rèn vang lên. Má tôi vội vàng chạy xuống: Sven hai mắt trợn trừng, đang giẫy giụa, nằm đầm đìa trong vũng máu, trên nền nhà rèn.
Ba tôi cũng đứng gần đó, ông kể: ông và ảnh cặm cụi làm việc như thường, bỗng thấy anh la lên một tiếng lớn, rồi ngã lăn xuống đất, giẫy giụa.. chưa kịp tìm hiểu đầu đuôi ra sao, thì chỉ vài phút sau, anh đã biến thành người thiên cổ.
Má tôi ngao ngán nói: "Thật lạ lùng, đáng tiếc! Một con người lực lưỡng, khỏe mạnh, đầy sức sống như vậy, mà bỗng nhiên ngã lăn ra chết! Nếu hôm qua ảnh xin Chúa chúc lành, đâu xảy ra nông nỗi như vậy!"
18. ÁNH SÁNG LẠ
Ngày 18.01.1772, quân gian phi ban đêm lẻn vào nhà thờ Paterno ở Napoli (Ý), cạy bật cửa Nhà Chầu, quẵm luôn hai Bình Thánh có đựng nhiều Mình Chúa. Sáng hôm sau, tin mất cắp loan ra, mọi người bực mình, sửng sốt trước tội phạm quái gở. Tất cả các nhà thờ, nhà nguyện chung quanh Paterno và vùng lân cận đều đọc kinh, cầu nguyện, làm giờ thánh đền tạ, xin Chúa cho mau tìm thấy Báu-vật đã mất, đừng để những bàn tay quái ác, vô luân xúc phạm đến.
Vài hôm sau, người ta thấy ở nông trại của Bá-tước Grottoletto xảy ra nhiều điềm lạ: Những nông phu sống gần nông trại thấy cứ đêm đêm ở góc ruộng có tia lửa lóng lánh phụt lên. Rồi ánh sáng chập chờn như kiểu vũ điệu vòng tròn. Tin lạ đồn ra. Nhưng không ai hiểu là truyện gì, việc gì.
Rồi tới một đêm khác, hiện tượng còn xảy ra lạ hơn nữa: Người ta thấy nhiều ngọn lửa nhỏ lóe lên như chớp, rồi tắt đi, rồi lại lóe lên, rồi lại tắt đi, ở chung quanh đống cỏ khô, ngay góc ruộng. Nhiều người đâm nghi, bàn tán: biết đâu chẳng là dấu Trời điểm chỉ để tìm ra Mình Chúa đã bị mất cắp. Một số người bảo nhau vác cuốc, xẻng ra chỗ đống cỏ khô.
Họ đào bới, xục xạo tứ tung, mà không thấy gì cả. Thất vọng, họ đang định trở về, thì bỗng có ánh sáng lóe lên từ chỗ cây bạch dương, sát ngay đống cỏ khô. Cùng lúc, một con chim câu trắng không biết từ đâu bay tới, vỗ cánh phành phạch, rà xuống trên cây bạch dương, ụ ụ mấy tiếng, rồi bay đi mất.
Mọi người đổ lại chỗ cây bạch dương, tìm thấy ngay mấy Mình Chúa nằm dưới đất, ở gốc cây. Họ reo hò, báo tin mừng, mời cha sở - lúc ấy là cha Diego Guarino - ra rước Chúa. Phấn khởi thấy 40 Mình Chúa nữa. Cha sở, giáo dân mừng rỡ, hân hoan cung nghinh Mình Chúa về nhà thờ.
Mọi người tưởng chỉ có bằng ấy Mình Chúa hoặc quân gian phi cũng chỉ giấu ở đó ngần ấy thôi. Đêm hôm sau, tia lửa lại phụt lên, lại long lánh, chớp chớp, chập chờn, nơi đống cỏ khô và cây bạch dương.
Sáng hôm sau, người ta thi nhau đem cuốc, xẻng, xà beng, chĩa ba.. ra chỗ đống cỏ khô và cây bạch dương, chia thành toán, thi nhau đào bới, tìm tòi. Kết quả là lại tìm thấy một số Mình Thánh nữa, quân gian phi đã chôn dưới gốc cây bạch dương. Cha sở đưa khăn thánh, Bình Thánh lượm hết Mình Chúa. Rồi cùng giáo dân ca hát rước Mình Chúa về nhà thờ.
Theo cha sở, thì số Mình Thánh đã tìm thấy, hơn kém - không dám chắc trăm phần trăm - cũng bằng số ở trong hai Bình Thánh, mà quân gian phi đã ăn cắp. Từ ấy, nơi góc ruộng, ở đống cỏ khô và cây bạch dương, không còn xảy ra dấu lạ gì nữa.
19. TRUYỆN LẠ MÌNH CHÚA Ở PHỐ BILLETS
Năm 1290, một phụ nữ Pháp, trong lúc túng quẫn, đến tiệm cầm đồ của một người Do-thái, ở đường "Rue des Billets", Paris (thủ đô nước Pháp), cầm cái áo quý và rất đẹp của bà. Sau một thời gian, bà đến chuộc lại. Tên Do-thái chủ tiệm đòi bà một giá cắt cổ. Bà không làm sao trả nổi. Bà và ông cãi cọ, giằng co nhau.Sau, tên Do-thái đề nghị: hắn sẽ trả lại cái áo, không lấy một xu nào cả, miễn là bà kiếm cho hắn được một Mình Thánh Chúa.
Bà đầm vô lương tâm kia nhận lời. Nhằm lễ Phục Sinh năm ấy (1290) bà đi rước lễ, rồi kín đáo lấy Mình Chúa ra khỏi miệng, nắm kín trong bàn tay, đem đến cho tên Do-thái.
Vớ được Mình Chúa, tên Do-thái ném xuống bàn, rồi hung hăng, giận dữ, lấy dao chém Mình Chúa như bổ củi. Không dè, từ Mình Chúa bị chặt thành bảy thành ba, máu chảy tuôn ra. Thấy vậy tên Do-thái đã không biết sợ hãi, kính nể, y còn nổi khùng, chạy đi lấy búa và đinh, định bụng gom lại các mẩu Mình Chúa đã bị chặt ra, đóng chặt một trật xuống bàn. Khi vác búa và đinh trở lại, tên Do-thái thấy Mình Chúa bị hắn chặt thành bảy thành ba, đã liền lại thành một và máu vẫn còn tuôn ra, hắn trợn mắt, gầm gừ, giật Mình Chúa khỏi bàn, quăng vào lò sưởi. Mình Chúa không những không bị cháy, mà còn bay lên, lượn đi lượn lại trên không...
Tên Do-thái văng tục, chửi bới, nhảy lên bàn, chộp lấy Mình Chúa, chạy xuống bếp, ném vào chảo nước đang sôi sùng sục. Tức khắc, nước sôi trong chảo đỏ rực lên như máu, còn Mình Chúa thì lại bay lên trên không. Đang lúc tên Do-thái giận dữ, hằn học, chưa biết xử trí ra sao, thì mụ vợ ở đâu chạy vào bếp. Mụ thấy có tấm bánh trắng-tròn bay lượn trên không, lại thấy rõ hình Chúa chịu đóng đinh trong tấm bánh, mụ sợ hãi, ngã té xuống đất.
Mấy đứa nhỏ, con tên Do-thái, từ nãy đến giờ thấy bố cứ la lối, chạy tới chạy lui, chém bàn chém ghế như điên, chửi rủa om xóm ông "Trời", ông "Chúa" của người có đạo, chúng chạy ra phố, gọi đám bạn bè đang đi nhà thờ: "ê, tụi bay đi nhà thờ làm gì? Ông "Trời" của tụi bay đâu còn ở nhà thờ nữa. Ổng đã bị bố tao làm thịt rồi..."
Nghe những lời kỳ cục, lếu láo, mấy người qua đường dừng lại, thì thào với nhau, cử một bà vào nhà lão Do-thái xem có truyện gì, thì thấy tên Do-thái mặt mũi hằm hằm, giận dữ, đang đứng đó, còn mụ vợ vẫn còn nằm dưới đất, ú ở chỉ trỏ lên trên không, nơi một hình bánh trắng-tròn vẫn lơ lửng đó. Bà sợ hãi, làm dấu, bái kính Chúa, rồi hối hả chạy báo tin cho cha. Cảnh sát được phái tới. Thộp cổ cả hai ông bà về điều tra. Ông ta kê khai rành rẽ mọi sự đầu đuôi trước sau.
Thời gian sau, bà ta và mấy đứa nhỏ đều xin trở lại theo Chúa. Còn tên Do-thái, trước sau vẫn lòng chai dạ đá, cương quyết căm thù sâu xa ông "Trời" của người có đạo.
Tấm Mình Chúa chảy máu lạ lùng kia được bảo quản tại nhà thờ thánh Gioan, ở thủ đô Ba-lê, cho đến thời Đại-cách-mạng Pháp (1789). Sau thời lộn xộn Cách-mạng, không còn ai biết Mình Chúa biến đi đâu, cách nào. Còn nơi nhà Câm-đồ của tên Do-thái ác ôn, được dựng lên một thánh đường, tức nhà thờ "Saint Germain des Billets" ngày nay.
(Còn Tiếp)